16 năm chứng minh 'lấy chồng Tây không vì tiền' của cô gái Sài Gòn
Thời mới kết hôn, họ hàng nhà chồng luôn nghĩ chị Diệp lấy anh Daniel vì tiền. Chị đã nỗ lực để chứng minh họ sai.
11:49 05/08/2017
Chị Ngọc Diệp, 41 tuổi, đang sinh sống với người chồng hơn chị 20 tuổi, anh Daniel, ở Bruxelles, Bỉ cùng 3 đứa con trai. 16 năm sống nơi xứ người, chị đã trải qua nhiều khó khăn, từ việc chật vật học tiếng, thi lấy bằng dạy trường mẫu giáo, và mới đây nhất là hoàn thành khóa học trở thành bếp trưởng cực kỳ khắc nghiệt.
Dưới đây là chia sẻ của chị về hành trình không ngừng học hỏi của mình:
"16 năm trước, tháng 4/2001, tôi theo chồng đến Bỉ với nhiều hứng khởi sau 3 năm yêu xa. Nhưng tôi đã phải nhận gáo nước lạnh ngay trong ngày cưới.
Đang hạnh phúc nhận lời chúc tụng của mọi người, một người cháu ruột của anh Daniel bất ngờ đến bên tôi và nói: "Cô kết hôn với chú Daniel vì tiền chứ đâu phải vì yêu".
Hơi sốc khi bị nói thẳng nhưng tôi bình tĩnh đáp lại rằng cháu dần dần sẽ hiểu được con người cô, đừng vội vàng đánh giá. Thời điểm đó, chồng tôi đang là trợ lý cho một quan chức cấp cao ở Bỉ, còn tôi chỉ là cô gái nghèo, tốt nghiệp cấp 3 xong đi làm nhân viên trong nhà hàng Nhật ở Việt Nam, kiếm tiền phụ giúp mẹ. Khi quen và yêu anh, tôi không hề biết anh làm chức vụ gì cho đến khi gần kết hôn.
Chị Ngọc Diệp, chồng và con trai út. |
Từ lần đó, tôi tự nhủ sẽ chứng minh cho mọi người thấy tôi thực sự đến với anh vì tình yêu, chứ không vì bất cứ điều gì khác. Sang Bỉ được một tháng, tôi đi học tiếng Hà Lan với mong muốn nhanh hòa nhập với cộng đồng và kiếm được việc làm. Dù rất cố gắng nhưng thời điểm đó tôi không xin được công việc gì vì tiếng bản ngữ không tốt.
Năm 2003, tôi sinh con trai đầu lòng Tim Vinh. Khi con được một tuổi, tôi đăng ký học khóa lấy chứng chỉ nuôi dạy trẻ. Lúc đầu chồng không đồng ý, nói tôi không cần đi làm vì tiền anh dư nuôi cả nhà, nhưng tôi không chịu. Tôi nói, nếu anh không cho tôi đi học, kiếm việc, anh hãy đưa tôi vào trại tâm thần vì tôi đang quá khủng khoảng.
Khóa học kéo dài gần 3 năm đã lấy đi của tôi nhiều mồ hôi, nước mắt. Vì tiếng Hà Lan của tôi còn kém nên tôi luôn phải cố gắng gấp đôi, gấp ba các bạn học cùng. Ngày ngày khi học xong, tôi vội vã trở về nhà cơm nước, chồng con, đêm lại ôm sách học tiếp, không biết bao lần tôi ngủ gục trên bàn cho đến sáng. May mắn là sau khi nhận bằng, tôi xin ngay được việc tại một nhà trẻ, được ký hợp đồng dài hạn. Công việc ổn định, tôi tiếp tục sinh hai con trai Daan Quang và Stijn Minh vào năm 2008 và 2011.
Vừa đi làm, vừa một tay chăm sóc ba con khiến tôi tất bật cả ngày. Chồng tôi khá vụng về khi chăm con hay làm việc nhà vì anh là con út, từ trước đến giờ không phải đụng vào bất cứ việc gì. Từ đường ống nước hỏng, ổ điện hư... tôi đều tự mình giải quyết. Chính cuộc sống nghèo khó, lăn lội đủ nghề khi ở Việt Nam đã tạo cho tôi bản lĩnh không ngại khó, ngại khổ việc gì.
Giữa năm ngoái, khi đang làm việc ở trường mầm non, cô hiệu trưởng gọi tôi lên và đưa cho tôi một tờ giấy. Đó là tờ đăng ký học lớp phụ bếp, bếp trưởng theo một chương trình do chính phủ Bỉ tài trợ (tổ chức Flemish). Đây là chương trình giúp người lao động có thêm bằng cấp chính quy, theo đuổi mơ ước, và đáp ứng nhu cầu nhân sự cho những ngành thiếu nhân lực trầm trọng ở Bỉ như giáo viên, mầm non, phụ bếp, bếp trưởng, làm bánh, y tá... Nếu tôi theo học, tôi vẫn được hưởng lương đầy đủ ở nhà trẻ, tiền học cũng được miễn phí hoàn toàn.
Những món ăn đẹp mắt của chị Diệp được quay làm video hướng dẫn. |
Đầu tiên chúng tôi phải trải qua 3 ngày sơ tuyển gắt gao, nấu món ăn theo đề bài. Họ sẽ chọn những người có đủ trình độ, năng lực, trước khi chính thức được học tại trường đào tạo nhà hàng, khách sạn uy tín nhất ở Bỉ. Tôi không quá khó khăn vượt qua vòng đầu, nhưng từ đây, những ngày tháng khủng khiếp mới thực sự bắt đầu.
Tôi là học viên gần như lớn tuổi nhất lớp, còn phần đông là lứa tuổi 23-25. Những từ chuyên môn tiếng Pháp, cả trăm lời dặn dò, hướng dẫn của giáo viên... khiến tôi bị hoảng loạn. Ngoại hình 1m45 thấp bé cũng là điểm yếu của tôi trong bếp. Trong khi người ta cao lớn, có thể bê cả nồi nước lớn mấy chục lít, tôi loay hoay tìm thùng nước nhỏ, rồi bỏ từng chút vào nồi...
Tôi phải học cách thái hành không ra tiếng, 2 phút làm xong 10 trứng chiên, hay cuốn cùng lúc 4 cái gỏi cuốn nhanh nhất có thể... Ngay trong tuần học đầu tiên, tôi bị sốc và muốn bỏ cuộc. Tôi stress đến nỗi không thể nhớ nổi cái gì, liên tục phải hỏi thầy. Càng hỏi thầy càng mắng. Tôi vẫn còn nhớ y nguyên lần thầy lấy cái chảo đập mạnh vào bàn rửa inox khi tôi làm sai. Âm thanh chát chúa, kinh khủng đó đến giờ vẫn còn ám ảnh tôi. Tai tôi bị ảnh hưởng rất nhiều, nghe kém đi rõ rệt khi học làm bếp.
Một ngày học của tôi bắt đầu từ 9h sáng tới 17h chiều, cứ học lý thuyết xong là bắt tay vào thực hành. Tôi bị sốc khi bước vào một môi trường hoàn toàn khác biệt. Nếu ở trường mầm non, là một môi trường đầy sự yêu thương, dịu dàng, thì trong nhà bếp hoàn toàn khác hẳn, ở đó không có chỗ cho tình cảm, tất cả phải chính xác, nhanh nhẹn và kỷ luật.
Tôi khóc rất nhiều nhưng nhất quyết không bỏ cuộc. 6 tháng học, tôi chỉ nghỉ duy nhất một ngày, đó là khi con tôi ốm. Thời gian đó, mỗi ngày tôi chỉ có khoảng 4 tiếng để ngủ vì quay mòng mòng với việc học, chăm con... Đầu gối, chân tay luôn trong trạng thái rã từng khúc vì hầu như không có thời gian nghỉ trong ngày.
Cứ học xong 2-3 tuần chúng tôi lại kiểm tra, ai không đạt sẽ bị loại ngay. Lớp lúc đầu có 14 người, nhưng sau khi khóa học kết thúc, chỉ còn lại 6 người, trong đó tôi thuộc top đứng đầu. Tôi biết những cố gắng của mình đã được đền đáp xứng đáng.
Sau khi học xong khóa phụ bếp, tôi quyết định học lấy bằng bếp trưởng cấp tốc 6 tháng với hành trình gian nan không kém. Thời gian này, tôi đi thực hành nhiều ở nhà hàng, khách sạn, thời gian làm việc một ngày kéo dài 12-15 tiếng, nhiều hôm còn không kịp ăn trưa.
Sau hơn một năm vất vả học tập, chị Diệp muốn dành thời gian cho 3 cậu con trai và gia đình. |
Khác với phụ bếp, học bếp trưởng tôi cần phải dùng nhiều đến cái đầu, tức là khả năng quản lý, điều phối công việc, nghĩ ra các món mới, chứ không phải răm rắp tuân lệnh "nướng thịt, rán khoai, chan nước sốt" như trước... Tôi phải học cách tận dụng tối đa các loại nguyên liệu, ví dụ như củ cà rốt phải dùng hết từ vỏ đến ruột... Tôi biết cách tính toán thành phần, sáng tạo ra những món mới, có hương vị riêng...
Thời gian này, tôi thực tập ở nhiều nhà hàng lớn tại Bruxelles với yêu cầu rất cao. Là một người rất cầu toàn, sạch sẽ nên tôi luôn là người ở lại cuối cùng để dọn dẹp. Hết ca đã 23h đêm nhưng nếu mọi thứ chưa sạch, người dọn chưa làm cẩn thận, tôi không ngại ở lại sắp xếp, chà sàn đến một giờ sáng... Có lẽ chứng kiến sự chăm chỉ của tôi, nên đầu bếp chính, kiêm ông chủ nhà hàng nơi tôi thực tập, đã yên tâm trao toàn quyền cho tôi khi ông có việc đi nước ngoài.
Khi tôi lấy bằng đầu bếp chính, ông ngỏ ý muốn tôi về làm việc, nhưng tôi từ chối. Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, vì hơn một năm qua, tôi quá bận rộn. Tôi sẽ quay trở lại nhà trẻ và cố gắng tháng 9 tới, đăng ký học quản trị kinh doanh, để sau này có thể trở thành một chủ nhà hàng nếu tôi muốn.
Sau tất cả những gì tôi làm được trong suốt 16 năm qua, gia đình nhà chồng đã có cái nhìn thiện cảm và thừa nhận năng lực của tôi. Chừng đó thời gian cũng đủ chứng minh tôi và anh Daniel đến với nhau vì tình yêu, chứ không hề có lý do nào khác. Tôi nghĩ, mình hãy cứ sống cuộc sống của mình, và lấy những lời chỉ trích, nghi ngờ của người khác làm động lực để tiến về phía trước, dẫu không đơn giản nhưng nỗ lực, ắt sẽ thành công".
Cô dâu Việt ở Pháp kể chuyện 'lấy chồng Tây không sướng'
'Một chị lấy chồng Pháp, thời gian đầu hạnh phúc lắm nhưng sau bị chồng đánh, có bầu thèm gì cũng không mua nổi vì mỗi tuần chồng chỉ đưa 20 euro'.