18 quán quân 'Đường lên đỉnh Olympia' đang ở đâu?
Trong số 18 quán quân "Đường lên đỉnh Olympia", Lương Phương Thảo và Lê Viết Hà trở về nước sau khi học tập tại Australia, còn Nguyễn Hoàng Cường chưa đi du học.
22:30 15/09/2019
Trần Ngọc Minh (quán quân năm đầu tiên) là cựu học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long. Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Swinburne (Australia) với kết quả thuộc top 5% xuất sắc, Ngọc Minh được trao học bổng từ cử nhân lên tiến sĩ. Tháng 7/2013, cô làm việc cho một công ty nhà mạng di động hàng đầu tại xứ sở chuột túi. Ngoài thông tin Ngọc Minh lập gia đình năm 2013, cuộc sống của cô không được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông. Ảnh: FBNV.
Sau khi giành chức quán quân năm thứ 2 của Đường lên đỉnh Olympia, Phan Mạnh Tân(THPT Năng khiếu Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) lên đường du học ở Australia. Sau 12 năm, anh hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ. Mạnh Tân làm kiến trúc sư phần mềm ở công ty IBM, Melbourne, Australia - tập đoàn công nghệ thông tin lớn trên thế giới. Anh đã lập gia đình và có 2 con nhỏ. Ảnh: FBNV.
Danh hiệu quán quân Olympia năm thứ 3 gọi tên Lương Phương Thảo - đại diện trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long. Cô theo học ngành Kinh doanh quốc tế và Marketing thuộc Đại học Monash, Australia. Tốt nghiệp thạc sĩ, Thảo về nước làm việc cho một công ty quảng cáo tại TP.HCM. Thông tin này gây chú ý vào năm 2016 vì khi đó, Thảo là nhà vô địch Olympia duy nhất trở về nước làm việc. Ảnh: VTV, FBNV.
Võ Văn Dũng - nhà vô địch năm 4 - tốt nghiệp ĐH Kỹ thuật Swinburne và làm việc trong lĩnh vực kiểm toán tại Melbourne, Australia. Anh có bằng thạc sĩ về thuế vào năm 2016. Sau cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, thông tin và hình ảnh của anh rất hiếm hoi xuất hiện trên truyền thông. Ảnh: Lee Mew.
Người vô địch Olympia năm thứ 5 là cựu học sinh THPT Gò Vấp, TP.HCM - Đỗ Lâm Hoàng. Tại Đại học Kỹ thuật Swinburne, Australia, anh theo học chuyên ngành ngành Kỹ sư công nghệ viễn thông và Internet. Lâm Hoàng lập gia đình vào năm 2016 và làm công việc chuyên viên mạng di động không dây tại Sở Giáo dục bang Victoria, Australia. Ảnh: FBNV.
Quán quân Olympia năm thứ 6 Lê Vũ Hoàng - đại diện THPT Số 1 Bố Trạch, Quảng Bình - để lại ấn tượng trong lòng khán giả về tấm gương vượt khó nhờ học giỏi. Vũ Hoàng hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học Swinburne, Australia. Anh lập gia đình vào tháng 2/2013 và hiện có 2 con. Lê Vũ Hoàng là người sáng lập và giám đốc công nghệ của công ty VIoT. Ảnh: Swinburne.edu.
Sau khi giành vòng nguyệt quế chung kết Olympia năm thứ 7, Lê Viết Hà (THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi) lên đường sang Australia du học. Anh tốt nghiệp hạng xuất sắc với 2 bằng cử nhân Công nghệ Robot và Khoa học Máy tính từ Đại học Swinburne. Từ tháng 12/2017, Viết Hà trở về Việt Nam làm việc với vai trò cán bộ chịu trách nhiệm về các khoản đầu tư của một công ty lớn. Anh cũng đang hoàn thành bằng thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Deakin, Australia. Ảnh: Mekongcapital.
Huỳnh Anh Vũ - đại diện THPT Tăng Bạt Hổ, Bình Định - là người thắng cuộc sau 53 trận của năm thứ 8. Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Swinburne, Anh Vũ là một trong hai sinh viên xuất sắc được giữ làm giảng viên ngành Kinh tế. Quán quân Olympia năm 8 đã lập gia đình và sống tại xứ sở chuột túi. Ảnh: Swinburne.edu.
Chiến thắng trong trận chung kết đặc biệt nhất với 5 thí sinh tham gia, Hồ Ngọc Hân (THPT Quốc học Huế, Thừa Thiên - Huế) là thí sinh tạo được ấn tượng mạnh với khán giả. Quán quân năm thứ 9 còn là thủ khoa khối B, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM. Hồ Ngọc Hân học tiến sĩ tại Sydney, Australia để theo đuổi giấc mơ nghiên cứu khoa học. Ảnh: FBNV.
Phan Minh Đức (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) là nhà vô địch đầu tiên đến từ Hà Nội. Trong quá trình học ngành Kinh doanh tại Đại học Kỹ thuật Swinburne, Australia, các môn học của Đức đều đạt giỏi (từ 75-85/100 điểm) và xuất sắc (từ 85-100/100 điểm). Từ năm thứ 2 đại học, quán quân Olympia năm 10 làm trợ giảng. Sau khi kết thúc chương trình cử nhân danh dự, anh được chuyển thẳng lên tiến sĩ. Ảnh: Swinburne.edu.
Sau Trần Ngọc Minh và Lương Phương Thảo, Phạm Thị Ngọc Oanh (THPT Tiên Lãng, Hải Phòng) là cô gái thứ 3 trở thành nhà vô địch Olympia vào năm 11. Sau khi tốt nghiệp ngành Thương mại Kế toán và Tài chính của Đại học Kỹ thuật Swinburne, Ngọc Oanh ở lại Australia làm việc. Cuối tháng 8 vừa qua, quán quân O11 khoe thi đậu cấp độ 3 của chương trình CFA (Chartered Financial Analyst) - phân tích đầu tư tài chính. Ảnh: FBNV.
Đặng Thái Hoàng là học sinh đầu tiên của trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh giành chức vô địch Đường lên đỉnh Olympia. Đầu tháng 8/2013, anh trở thành sinh viên ngành Kỹ sư Dân dụng tại Đại học Kỹ thuật Swinburne, Australia. Thái Hoàng làm việc cho một công ty xây dựng ở tại Melbourne. Quán quân Olympia năm 12 có ý định học lấy bằng tiến sĩ Kiến trúc. Anh đã lập gia đình vào đầu năm 2018. Ảnh: FBNV.
Tháng 7/2013, Hoàng Thế Anh - học sinh chuyên Toán của trường THPT chuyên Bắc Giang, Bắc Giang - chinh phục Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 13 với 285 điểm. Thế Anh trở thành sinh viên chuyên ngành Viễn thông tại Đại học Kỹ thuật Swinburne, Australia từ năm 2014. Khi mới du học, 9X sống cùng gia đình Lê Vũ Hoàng - nhà vô địch năm thứ 6 - cùng các anh chị trong gia đình Olympia khác. Ảnh: ACET.
Nhà vô địch năm thứ 14 là Nguyễn Trọng Nhân - đại diện THPT chuyên Tiền Giang, Tiền Giang. Từ năm 2015, cậu trở thành sinh viên chuyên ngành Kỹ sư phần mềm, Đại học Kỹ thuật Swinburne, Australia. Trọng Nhân bật mí Swinburne có môi trường học tập hiện đại, thời gian biểu linh hoạt, sinh viên lựa chọn lớp học theo nguyện vọng cá nhân. Ảnh: ACET.
Năm 2015, chiến thắng trong trận chung kết của Văn Viết Đức ghi dấu ấn đầu tiên cho trường THPT Thị xã Quảng Trị nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung tại sân chơi Olympia. Điều này càng đặc biệt hơn khi đến vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập THPT Thị xã Quảng Trị. Từ năm 2016, Viết Đức trở thành sinh viên ngành Kỹ sư Xây dựng tại Đại học Kỹ thuật Swinburne, Australia. Ảnh: FBNV.
Sau Hồ Ngọc Hân - quán quân Olympia năm 9, Hồ Đắc Thanh Chương là nhà vô địch thứ 2 đến từ THPT Quốc học Huế, Thừa Thiên - Huế. Hiện chàng trai là quán quân có điểm số trong trận chung kết cao nhất chương trình - 340 điểm. Năm 2017, 9X dự thi THPT quốc gia với 7 môn và đạt 62,2 điểm. Từ đầu năm 2018, Thanh Chương sang Australia theo học ngành Kỹ sư tại Đại học Kỹ thuật Swinburne. Cậu cũng tham gia hội sinh viên Việt ở Swinburne. Ảnh: FBNV, Việt Hùng.
Ngoài danh hiệu quán quân, Phan Đăng Nhật Minh (THPT Hải Lăng, Quảng Trị) còn là "vua phá kỷ lục" của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17. “Cậu bé Google” chọn ngành Hóa học tại Đại học Kỹ thuật Swinburne, Australia để tiếp tục theo đuổi giấc mơ nghiên cứu khoa học. 10X dự định hoàn thành 3 năm học cử nhân tại Swinburne, sau đó học bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Australia hoặc một quốc gia khác. Ảnh: FBNV.
Ngay từ cuộc thi tuần Olympia năm 19, Nguyễn Hoàng Cường đã "gây bão" khi lập kỷ lục giành trọn 120 điểm Khởi động. Cậu là nam sinh thứ hai của THPT Hòn Gai, Quảng Ninh giành chiếc vòng nguyệt quế vinh quang ở trận chung kết năm. Tại kỳ thi THPT quốc gia 2019, Hoàng Cường đạt tổng điểm 53,4 cho 6 môn thi, trong đó, điểm Ngoại ngữ (tiếng Pháp) đạt 9,8/10. Theo thông tin từ gia đình, Hoàng Cường sẽ sang Australia học tại Đại học Kỹ thuật Swinburne theo học bổng của chương trình Đường lên đỉnh Olympia vào tháng 2 năm sau. Ảnh: Quỳnh Trang.
Chi phí sinh hoạt gia đình tại 20 thành phố lớn của Mỹ là bao nhiêu?
Chi phí thiết yếu cho sinh hoạt gia đình trung bình hàng tháng, hàng năm ở 20 thành phố lớn của Mỹ, trang Business Insider giới thiệu...