2018: Donald Trump khuấy đảo thế giới
Dù Nhân vật của năm 2018 mà Tạp chí Times bình chọn không phải là Tổng thống Mỹ (ông Trump đứng thứ 2) nhưng nhân vật luôn luôn nằm trong trung tâm của truyền thông thế giới trong suốt một năm qua không ai khác ngoài Donald Trump.
23:30 01/01/2019
Từ thượng đỉnh Trump – Kim tới cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, cho tới việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel rồi tới quyết định rút chân khỏi hố lầy Syria ngay trước Giáng sinh, 2018 là năm mà ông Trump “thở ra khói, thét ra lửa.” Nhà tài phiệt tay ngang thành Tổng thống Mỹ thách thức mọi quy chuẩn của hệ thống chính trị hiện hành, ông thường xuyên làm đau đầu các cố vấn, đồng minh của ông thì bẽ mặt còn những đối thủ của ông thì băn khoăn bóp trán. Ông hành động mau lẹ, ống nói, viết thẳng toẹt ra những gì mà ông nghĩ, và đặc biệt rất trung thành với một phong cách Trump: Quyết định của ông không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ cố vấn hay áp lực nào. Không ai có thể xoay chuyển được ông, vì thế người mến ông nhiều mà ghét ông còn nhiều hơn.
Dấu ấn quan trọng nhất trong năm 2018 của Tổng thống Mỹ là hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un tại Singapore vào hồi tháng 6. Đây là sự kiện mang tính lịch sử và chưa từng có kể từ khi Triều Tiên phân thành 2 miền Nam-Bắc. Sự kiện này được tổ chức một cách nhanh gọn và thành công với những bước đi quyết đoán của Trump trong một tổ hợp các vấn đề phức tạp đan xen vào nhau: hạt nhân, Trung Quốc, đồng minh NATO và thương mại
Trước sự kiện này, không ai tưởng tượng Kim Jong Un, một kẻ độc tài vừa thử thành công bom Hydro lẫn tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới Mỹ lại chịu bước tới một nước thứ 3 để gặp Tổng thống Mỹ, không những thế còn ký vào các tuyên bố nhượng bộ. Cuộc gặp này đã giải cứu thế giới từ bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân mới. Đây có thể là mưu kế “thoát Trung” của Kim, nhưng cũng là sách lược vô cùng khôn khéo của ông Trump.
Bước đầu, một mặt ông Trump trở thành “bạn tốt nhất” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua các phát ngôn công khai và các chuyến thăm trang trọng qua lại 2 nước. Một mặt ông thúc ép tất cả đồng minh lẫn Trung Quốc bóp nghẹt trừng phạt đối với Bắc Hàn vì các cuộc thử nghiệm tên lửa, hạt nhân. Tổng thống Mỹ cũng “giấu tịt” vấn đề thương mại mà trước đó từng lên án nghiêm trọng Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc bật đèn xanh cho Kim ra mặt gặp trực tiếp Trump và ông Trump biết được những gì cần biết, khủng hoảng hạt nhân của bán đảo Triều Tiên đã được giải quyết một cách gọn lẹ.
Sau khi vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn không còn là mối đe dọa lớn nhất của nước Mỹ, ông Trump quay lại khởi động ‘cuộc chiến thương mại’ với Trung Quốc trong sự bất ngờ bẽ bàng của Bắc Kinh. Vậy là ông Trump không hề ‘về phe của kẻ đàn áp nhân quyền và cưỡng bức kinh tế lớn nhất thế giới’ như nhiều người lên án, đơn giản là mọi chuyện cần có sắp xếp của nó. Trung Quốc hấp tấp chống đỡ các đòn thuế của Trump, ban đầu là cương quyết nhưng càng về sau càng càng yếu ớt. Tháng 11/2018, Bắc Kinh công khai thừa nhận thương chiến đã ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế trong nước, nhiều công ty đa quốc gia rục rịch chuyển chuỗi cung ứng sang nước khác để tránh bị đánh thuế. Không những vậy, mâu thuẫn về thương mại đã được chính quyền Trump đẩy lên thành cuộc đối đầu trên mọi lĩnh vực. Mỹ tố cáo Trung Quốc tìm cách loại bỏ Tổng thống Trump, xuất khẩu bẫy nợ, đàn áp nhân quyền tín ngưỡng trong nước và bắt nạt các nước láng giềng yếu thế hơn. Những vụ như ZTE và Huawei là ví dụ mới nhất cho thấy chính quyền Trump sẽ không ngồi yên nhìn Trung Quốc tự do thao túng các lĩnh vực kinh tế trọng yếu như trước.
Tháng 11/2018, trong cuộc gặp Trump-Tập bên lề G20 tại Argentina, Trung Quốc đồng ý các yêu cầu của Mỹ bao gồm: giảm thuế xe hơi, bỏ thuế đậu nành, chấm dứt hoạt động cưỡng chế chuyển giao công nghệ và ăn cắp tài sản trí tuệ. Hai bên đình chiến 90 ngày.
Trong năm 2018, những người ủng hộ ông Trump có thể yên tâm khi chứng kiến một vị Tổng thống không có cái “tiền hậu bất nhất” thường có trên mình của những vị chính khách chuyên nghiệp. Ông Trump vẫn duy trì “một màu”, một phong cách và nhiệt huyết không khác gì năm đầu tiên cầm quyền. Sứ mạng “Khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ” vẫn được ông Trump nhắc đi nhắc lại trong các chuyến công du nước ngoài, dù điều đó có làm mất mặt đồng minh. Tại Bỉ vào tháng 7/2018, trước mặt lãnh đạo 28 nước đồng minh NATO, ông Trump yêu cầu họ phải mở hầu bao chi thêm ngân sách trong khối phòng thủ chung. Ông đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran bất chấp phản đối của các đồng minh như Anh, Pháp, Đức bởi những nước này đã rót cả đống tiền vào Iran. Ông làm cả Liên Hiệp Quốc sững sờ khi rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris và Hội đồng Nhân quyền bao gồm cả những nước đàn áp nhân quyền nhiều nhất, bất chấp những chỉ trích là đi ngược lại xu hướng của ‘thế giới văn minh’. Tổng thống Mỹ cũng thực hiện cam kết tranh cử của mình là chuyển Đại sứ quán của Mỹ tại Israel về thủ đô Jerusalem trong sự phê phán của một Liên Hiệp Quốc ngày càng thiên tả chống nhà nước Do thái.
Tại chiến trường Syria, ông Trump lại khiến cả đồng minh lẫn các cố vấn bàng hoàng khi đột ngột tuyên bố rút quân ngay trước dịp Giáng sinh. Chỉ trong cuộc gọi điện thoại với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Trump thay đổi cục diện địa chính trị Syria. Nhiều tướng lĩnh quân sự không hài lòng với quyết định này, nhưng không thể lay chuyển Tổng thống. Thậm chí James Mattis, một vị tướng bốn sao được cả hai đảng trọng vọng mang việc từ chức ra gây sức ép cũng không khiến ông Trump chuyển ý. “Chúng ta đã đánh bại IS và đó là mục đích duy nhất của quân Mỹ ở đó”, ông Trump loan báo. Mỹ không cần tiếp tục hao tài tổn phí tại “chiến trường Trung Đông” mà cần tập trung củng cố sự vĩ đại của nước Mỹ cũng như bảo vệ lợi ích của mình ở những khu vực mà Mỹ có khả năng chiến thắng nhiều hơn như Biển Đông.
Kinh tế Mỹ dưới thời Trump cũng khởi sắc hơn những gì người ta kỳ vọng. Người tiền nhiệm Obama từng khẳng định rằng “tốc độ tăng trưởng thực GDP 2% là mức bình thường mới của nền kinh tế Mỹ.” Tuy nhiên dưới thời Trump, mức ‘bình thường’ này đã đạt đến 3%. Trong một dòng Tweet vào ngày gần cuối năm, ông Trump liệt kê lại những thành quả của nền kinh tế Mỹ năm qua:
“2018 được gọi là “Năm của người lao động” bởi Steve Moore, đồng tác giả của cuốn Trumponomics (Trump học). Đây quả thực là một năm tốt đẹp cho người lao động Mỹ với thị trường lao động tốt nhất trong 50 năm, và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất cho cả người da đen, Mỹ Latinh và tất cả người lao động. Lương tăng cao.” ông Trump viết trên Twitter ngày 29/12.
Tuy nhiên năm 2018 không phải chỉ toàn tin tốt đối với ông Trump. Ông bị vướng vào những scandal từ hàng chục năm trước, luật sư riêng, người từng đồng hành với Trump là Michael Cohen trở mặt, gọi ông là “kẻ dối trá”. Sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 11, Đảng Dân chủ đối lập đã chiếm lại được quyền kiểm soát Hạ viện, khiến cho quyền khởi tạo các đạo luật rơi khỏi tay ông Trump và các đồng minh trong Đảng Cộng hòa. Tòa án Tối cao cũng bác bỏ các biện pháp cứng rắn hơn đối với nhập cư phi pháp của ông. Trong những ngày cuối năm khi cả nước Mỹ đón chào Giáng sinh và năm mới, ông Trump không về tư gia của mình tại Florida. Ông tới thăm các binh sĩ tại Iraq và ở lại Nhà Trắng “một mình” bởi chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần do bế tắc ngân sách. Ông Trump một lần nữa đưa vấn đề an ninh biên giới và bức tường với Mexico ra trước Quốc hội. Trong khi Đảng dân chủ kiên quyết rằng “ông phải từ bỏ bức tường”, thì ông Trump cũng quyết tâm “không có tường thì đóng cửa chính phủ”. Phải nói rằng năm mới bắt đầu trong một tình thế đầy khó khăn cho Tổng thống Trump, nhưng với bản tính của mình, chắn chắn ông sẽ không dễ dàng cúi đầu nhượng bộ. Dù trong năm nay, ông có thể lặp lại kỳ tích bầu cử 2016 để tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 hay không, sân khấu chính trị 2019 vẫn sẽ có Trump là một nhân vật trung tâm.
Trọng Đạt
Cựu Tư lệnh Hoa Kỳ Stanley McChrystal: “Trump vô đạo đức và là kẻ dối trá”
Tướng về hưu Stanley McChrystal đã đả kích Tổng thống Donald Trump là vô đạo đức, mờ ám và dối trá, nói thêm rằng ông sẽ không tham gia chính quyền của tổng thống.