4 câu lỡ miệng của bố mẹ ám ảnh trẻ lâu dài

"Bố không muốn có đứa con như con", câu nói này khiến trẻ tổn thương nhất, vì trẻ hoang mang, lo sợ bố mẹ sẽ bỏ rơi mình.

06:30 18/09/2019

Theo khảo sát mới đây của một website dành cho bà mẹ, trẻ em, vai trò của ngôn ngữ trong việc giáo dục của cha mẹ là 60%. Do đó, việc dạy con chủ yếu dựa trên ngôn ngữ, và ngôn ngữ của cha mẹ đóng vai trò không thể thay thế trong sự phát triển của bé.

Ngôn ngữ chính xác của cha mẹ có thể truyền cảm hứng cho con phát triển đúng hướng. Ngược lại, nếu cha mẹ nói ra những lời tiêu cực, gây tổn thương, đứa bé sẽ không thể phát triển khỏe mạnh về tinh thần.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, có 4 câu nói mà người lớn thốt ra khiến trẻ vô cùng ám ảnh, bị tổn thương:

1. Sao bố mẹ lại đẻ ra đứa ngu dốt như con

Câu nói này thực sự như một "cái tát đau" với trẻ. Nhiều bậc phụ huynh, khi con cái học hành không tốt, hay cư xử không chừng mực, đúng đắn như bố mẹ mong muốn, đều dễ nổi nóng mà gào lên câu này. Đừng quên rằng cha mẹ là những người quan trọng nhất trong tâm trí của đứa trẻ. Sự đánh giá của cha mẹ, do đó cũng là cơ sở quan trọng để đứa trẻ đánh giá giá trị của chúng.

Nếu cha mẹ đưa ra một đánh giá như thế, trẻ sẽ nghiêm túc tự đặt ra câu hỏi: có thực sự mình như thế không? Sự hồ nghi bản thân thậm chí khiến đứa bé mất niềm tin vào chính mình, dần dà mất đi sự tự tin khi đứng trước xã hội. Như thế, trẻ đánh mất năng lực của chúng.

Ảnh: kumparan.

Ảnh: kumparan.

2. Nhìn con nhà người ta đi, rồi xem lại mình xem

Nhiều cha mẹ thường dùng phép so sánh, với mục đích tốt là muốn động viên con nỗ lực học hỏi người khác. Ví dụ, khi điểm số của con không bằng một bạn nào đó ở lớp, bố mẹ sẽ nói: "Nhìn bạn ấy mà xem, tại sao con lại không được điểm như thế?". Trong mắt cha mẹ, thành tích của đứa bé học giỏi có thể là một mục tiêu cho con mình tiến bộ. Nhưng khi bạn nói ra câu này lại lợi bất cập hại.

Mỗi đứa trẻ đều có ưu, nhược điểm riêng. Việc so sánh con có thể khiến bé cảm giác như bố mẹ châm biếm điểm yếu của mình, chê cười sự thiếu sót của bé, và thông thường thành tích của con không được cải thiện sau những lời này. Ngược lại, chỉ những bậc cha mẹ thấy được điểm mạnh của trẻ và đánh giá cao những mặt mạnh đó, con họ mới có thể đạt được thành tích ngày một tốt hơn.

3. Mẹ/bố đã nói không là không

Khi đứa trẻ vòi vĩnh bố mẹ một thứ gì đó, thay vì nhẫn nại giải thích với con vì sao không thể đáp ứng, bố/mẹ lại nổi cáu lên và trả lời thô lỗ kèm thái độ nóng nảy: "Mẹ/bố đã bảo không rồi cơ mà".

Sự cự tuyệt không lý do của bố mẹ dẫn đến việc trẻ dần hình thành "rào cản giao tiếp" sau này: khi rơi vào tình thế khó khăn, trẻ chỉ biết đối diện bằng cách chối bỏ, thay vì đưa ra lý do hay học hỏi các kỹ năng đàm phán, thuyết phục. Như thế, EQ của trẻ thấp đi vì chính lời nói của bạn.

4. Bố/mẹ không muốn có đứa con như con

Đây là câu nói khiến trẻ tổn thương nhất, tuy nhiên, rất nhiều người nói ra câu này với con khi tức giận.

Nghe câu này, bên trong trẻ hình thành tâm lý hoang mang, sợ hãi bố mẹ - những người quan trọng và gần gũi nhất - sẽ bỏ rơi mình. Loại cảm xúc bất an này sẽ đi cùng với trẻ suốt đời, khiến trẻ kể cả khi trưởng thành, đạt được thành tựu nhất định nào đó, vẫn luôn lo lắng, bất an, không thể nào hạnh phúc trọn vẹn.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Những cách ứng xử của bố mẹ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ

Những cách ứng xử của bố mẹ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ

Thường xuyên cãi vã, bất đồng ý kiến trước mặt trẻ là một trong những thói quen xấu bố mẹ cần sửa đổi, theo VerywellFamily.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất