5 bí quyết dạy nên người được chuyên gia Harvard gợi ý, cha mẹ nào cũng nên biết
Tuổi thơ là khoảng thời gian mà hầu hết những cá tính của chúng ta được hình thành. Đó là lí do vì sao mà cha mẹ nên chú ý đến mỗi bước phát triển của trẻ, mà cách tốt nhất bạn có thể làm chính là giúp chúng hiểu được những điều cơ bản nhất để vươn tới sự hoàn thiện bản thân.
05:30 31/08/2017
Mỗi thời đại đến rồi đi, mang tới cho chúng ta những quan điểm mới, hình thành những thói quen và hành vi, thái độ rất khác so với những gì chúng ta từng trải qua khi còn là một đứa trẻ.
Trong thời đại ngày nay, dù được tiếp xúc với những công nghệ liên tục đổi mới nhưng chính điều này dường như đang làm trẻ bị phân tâm bởi những nhu cầu khác như ra ngoài chơi đùa, giao tiếp với nhau theo những cách mà trước đây chúng ta thường giao tiếp, hay đơn giản chỉ là dành thời gian vui vẻ, thư giãn.
Sự thay đổi chóng mặt này thực sự là một thách thức lớn đối với việc nuôi dạy trẻ, đặc biệt với các bậc cha mẹ không có đủ điều kiện để mang lại cho con cái tất cả những lợi ích từ công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, theo các nhà tâm lí học trường Đại học Harvard, dù công nghệ hiện đại đến mấy thì vẫn có những yếu tố cơ bản và quan trọng giúp hình thành trong trẻ nền tảng để trở thành những công dân tốt trong tương lai.
Dành thời gian cho con cái
Ở bên cạnh trẻ chưa đủ, bạn cần phải dành thời gian quan tâm thực sự đến chúng. Điều này nghĩa là không máy chơi game Xbox hay điện thoại iPhone phiên bản mới nhất nào có thể thay thế được nhu cầu được quan tâm của trẻ cả.
Bằng việc chia sẻ với con một cách cởi mở, lắng nghe và cùng chúng tham gia những hoạt động yêu thích, trẻ không những sẽ thêm gắn bó tình cảm với cha mẹ mà còn học được cách trở thành một người biết quan tâm chăm sóc người khác, giúp hình thành trong tâm trí chúng những trải nghiệm tích cực. Trên tất cả những thứ khác, trẻ sẽ thích một “người thật” để trò chuyện và chia sẻ ý tưởng hơn cho dù chúng có thể không nhận ra được điều đó.
Hãy hỏi con những trải nghiệm con đã trải qua trong ngày, lắng nghe và thảo luận về những vấn đề con đang vấp nhưng đừng võ đoán hay giáo điều chúng bằng những bài học bạn đã từng trải qua bởi chúng chỉ có thể tự lập nếu tự mình trải nghiệm.
Bạn có thể hỏi trẻ bằng những câu hỏi như “Điều tuyệt vời nhất hay khó nhất trong ngày của con là gì thế?” , “Nói cho ba/mẹ biết một điều tuyệt vời mà ai đó tốt bụng đã làm cho con trong ngày hôm nay nào?”, “Kể cho ba/mẹ nghe một điều tốt con đã làm giúp mọi người đi?, “Hôm nay con đã học được gì ở trường học thế con yêu?”…
Bạn cũng nên dành thời gian tìm hiểu những điều làm con thích thú, thậm chí nếu phải tìm hiểu cả cách chơi trò game con thích. Đọc sách trước khi đi ngủ hoặc cùng con đọc vào một thời điểm nào đó trong ngày khi con có hứng thú. Hãy thực sự dành thời gian cho con để cảm nhận được cảm xúc của chúng.
Hãy cho trẻ thấy bạn là một người cha/mẹ mạnh mẽ và một cố vấn thông thái
Trẻ học được rất nhiều từ môi trường xung quanh từ khi còn rất nhỏ. Đó là lí do vì sao cha mẹ cần luôn luôn chú ý đến cách cư xử và những hành động của mình. Hãy cho trẻ thấy rằng bạn cũng sẵn sàng thừa nhận và quyết tâm sửa chữa sai lầm nếu mắc phải. Nếu bạn cư xử đúng mực, trung thực, khiêm tốn và biết quan tâm, những tích cách này sẽ tạo cho con trẻ những thói quen tương tự. Trẻ cũng từ đó mà tin cậy và tôn trọng bố mẹ hơn.
Nếu bố mẹ mắc lỗi liên quan đến trẻ, hãy thừa nhận sai lầm, xin lỗi và cho con thấy bạn muốn bù đắp và tránh tái phạm lần sau. Nói với trẻ cách tránh lặp lại những sai lầm và những gì bạn học hỏi được từ những sai lầm đã mắc phải.
Hãy dạy trẻ biết quan tâm đến người khác
Trẻ cần tiếp xúc và kết nối với người khác một cách đúng đắn để học hỏi được những điều tốt đẹp. Các nhà tâm lí học trường Harvard cho biết: “Điều quan trọng là trẻ được nghe từ chính bố mẹ hay người trông trẻ rằng việc quan tâm đến người xung quanh là ưu tiên hàng đầu và nó cũng quan trọng như chính hạnh phúc của con vậy”. Quan tâm đến hạnh phúc của người khác và tránh được tính ích kỷ sẽ mang đến cho trẻ rất nhiều lợi ích trong tương lai.
Bên cạnh đó, hãy đề cao những quy tắc đạo đức, dạy trẻ làm những việc đúng đắn và cho trẻ thấy sự kỳ vọng của cha mẹ dành cho chúng về điều này. Hãy chứng mình rằng bạn nói được thì phải làm được. Trách nhiệm và nghĩa vụ là những điều bố mẹ luôn phải nhắc nhở con cái bởi chúng có thể đến từ bất cứ đâu, ở bất cứ nhiệm vụ dù là rất nhỏ nhặt trong cuộc sống như : công việc nhà trường, làm bài tập về nhà, cách cư xử với bè bạn và những lời hứa…
Hãy gửi đến con thông điệp “Điều quan trọng nhất đó là con sống tốt và con hạnh phúc” thay vì “điều quan trọng nhất là con hạnh phúc”. Khuyến khích trẻ nỗ lực hết mình hoàn thành một nhiệm vụ nào đó và cân nhắc hậu quả của trước khi quyết định từ bỏ hay tiếp tục một nhiệm vụ nào đó.
Khuyến khích trẻ thể hiện sự cảm kích và lòng biết ơn
Một đứa trẻ được nuôi dạy tốt là khi chúng nhận thức được vai trò của người khác trong cuộc sống của mình một cách lành mạnh. Lòng biết ơn giống như một con đường hai chiều, mang lại cho chúng ta những cảm xúc tích cực. Những người biết tỏ lòng biết ơn với người khác thường là những người có ích, hào phóng, từ bi và dễ tha thứ. Họ đồng thời cũng thường cảm thấy hạnh phúc và có một cuộc sống lành mạnh.
Cha mẹ có thể giúp trẻ hình thành thói quen tỏ lòng biết ơn người khác từ chính những hành động của mình một cách đúng mực. Bởi việc tỏ lòng biết ơn một cách thái quá so với những gì trẻ làm sẽ làm hỏng chúng. Bên cạnh đó, hãy dạy chúng biết cảm kích khi được giúp đỡ và thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã giúp đỡ chúng như bạn bè, thầy cô, gia đình và những người xung quanh.
Hãy dạy trẻ biết nhìn cả những “bức tranh lớn”
Một thực tế chung là trẻ em dễ thấu hiểu và quan tâm đến một nhóm nhỏ gồm gia đình và bè bạn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần dạy trẻ biết quan tâm tới những người ở ngoài vòng tròn ấy. Vòng tròn lớn hơn đó có thể là một bạn mới chuyển đến lớp, những người làm việc trong trường nơi con học, một ai đó không có cùng ngôn ngữ hay thậm chí là ai đó sống ở một đất nước xa xôi. Trẻ cần phải biết rằng những suy nghĩ và hành động của mình có tác động như thế nào đến một công đồng.
Để làm được điều này, cha mẹ có thể khuyến khích con quan tâm đến cảm nghĩ của người khác, cho con một vài ý tưởng hành động như dỗ dành cậu hay cô bạn cùng lớp bị trêu chọc hoặc chủ động làm quen với một bạn mới đến. Cha mẹ cũng có thể thảo luận với con về một số trường hợp những người gặp hoàn cảnh khổ cực ở một cộng đồng hay đất nước nào đó.
Tuổi thơ là khoảng thời gian mà hầu hết những cá tính của chúng ta được hình thành. Đó là lí do vì sao cha mẹ nên chú ý đến mỗi bước phát triển của trẻ, mà cách tốt nhất bạn có thể làm chính là giúp chúng hiểu được những điều cơ bản nhất để vươn tới sự hoàn thiện bản thân.
Nguồn: Theo Trí Thức Trẻ
Ôtô ngập lụt ở Mỹ được 'tút' lại để bán như xe mới
Xe ngập nước có thể được tân trang không còn dấu vết hư hại, được đưa sang bang khác đăng ký và xuất hiện ở đại lý như xe mới.