5 sai lầm đáng tiếc dẫn đến thất bại khi nộp đơn vào trường Y khoa ở Mỹ

Đánh giá thấp điểm thi MCAT, nộp đơn vào ít trường, bài luận văn cá nhân không chặt chẽ, ít dấu ấn, các hoạt động ngoại khoá không chi tiết cụ thể và coi nhẹ nộp đơn vòng 2 là những sai lầm thường mắc khiến các sinh viên thất bại ở ước mơ du học Y khoa tại Mỹ.

07:30 01/04/2018

Mùa nộp đơn Y khoa 2018 đã mở cửa, bác sĩ Mỹ gốc Việt Huynh Wynn Tran (Bệnh viện ĐH Y khoa Keck, Đại học University of Southern California, Los Angeles, Hoa Kỳ) có những chia sẻ kinh nghiệm quý báu dành cho các ứng viên trẻ chuẩn bị nộp đơn vào trường Y khoa ở Mỹ.

“Khi nộp đơn vào trường Y, tôi đã thất bại ở năm đầu tiên. Năm sau, tôi chuẩn bị kỹ hơn và rút ra được những bài học cho mình và cả các bạn sinh viên tôi hướng dẫn sau này”, bác sĩ Wynn Tran chia sẻ.

Dưới đây là 5 sai lầm dễ khiến các ứng viên bị trường Y khoa từ chối:

1. Đánh giá thấp điểm thi MCAT (Medical College Admission Test)

Lúc ấy tôi vừa có thêm một bằng ĐH chuyên về y sinh học, tốt nghiệp xuất sắc, điểm GPA gần như hoàn hảo (toàn A, chỉ có một điểm A-), có đến 4 lá thư giới thiệu vào trường Y, một năm nghiên cứu ung thư với với 2 bài đăng tạp chí chuyên ngành, làm thiện nguyện từ bệnh viện đến cộng đồng Việt Nam (vị trí chủ tịch cộng đồng)...

Vậy mà tôi không được nhận vào chương trình MD (Doctor of medicine - tiến sĩ Y khoa) nào cả, lý do là điểm MCAT của tôi thấp quá. Nói đúng ra là phần trả lời miệng trong kỳ thi MCAT thấp, trong đó có mục 2 bài luận văn cấp tốc (mỗi bài phải viết trong 30 phút) và phần đọc hiểu với 9 đoạn văn dài và khó. Tôi làm mục này tệ mặc dù điểm các mục khác như vật lý, hoá, sinh, thống kê, thì ổn.

Năm sau tôi thi lại MCAT và điểm khá hơn nhiều do đã cải thiện được phần tiếng Anh. Tôi được nhận vào 6 chương trình MD khác nhau. Các bạn chuẩn bị nộp vào trường Y khoa cần phải học MCAT thật nghiêm chỉnh vì thi dạng này phải hiểu bài luận và có kỹ năng viết tốt mới làm được điểm cao.

Một nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa điểm MCAT và USMLE. Sinh viên thi điểm MCAT càng cao thì càng có khả năng thi USMLE điểm cao.

Theo bác sĩ Huynh Wynn Tran việc chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ và tránh những sai lầm đáng tiếc sẽ giúp ứng viên tiến gần hơn đến ngôi trường Y khoa mơ ước.

Theo bác sĩ Huynh Wynn Tran việc chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ và tránh những sai lầm đáng tiếc sẽ giúp ứng viên tiến gần hơn đến ngôi trường Y khoa mơ ước.

2. Không nộp đơn vào nhiều trường Y

Chi phí nộp đơn vào trường Y lúc đó rất "mắc" so với tôi (giờ chắc còn mắc hơn so với các bạn) nên tôi không dám nộp nhiều cho năm đầu tiên. Tiền khách sạn, tiền xăng, tiền quần áo (tôi chỉ có một bộ vest đi phỏng vấn), tiền ăn (dù toàn McDonald nhưng vẫn tốn) tất cả đều rất tốn tiền. Vì vậy, tôi nộp đơn vào trường Y ít (dưới 15 trường). Tôi không được cái phỏng vấn nào.

Năm sau tôi mượn tiền thẻ tín dụng để nộp đơn trên 30 trường, xem bất kỳ trường Y nào nhận sinh viên ngoài tiểu bang thì đều tôi nộp, thậm chí tôi còn thử nộp vào trường y bên Hawaii (có được gọi phỏng vấn nhưng không đi), kết quả là có 10 cái phỏng vấn, nhưng khi được nhận ở SUNY thì tôi quyết định bỏ các phỏng vấn còn lại. Đôi khi may mắn được nhận đi liền với nộp nhiều trường cùng lúc.

3. Bài luận văn cá nhân không chặt chẽ và không có dấu ấn

Năm đầu tiên nộp đơn vào trường Y, trong bài luận văn của mình, tôi nói về gia đình tôi, về ba tôi, về những ngày đầu cực khổ khi qua Mỹ, lý do tôi muốn làm bác sĩ. Nhưng những câu chuyện như vậy thì hàng ngàn dân nhập cư đều có, thậm chí họ còn cực hơn tôi, gia cảnh còn khó khăn hơn tôi, và họ còn nỗ lực hơn tôi cả chục lần. Nói chung, bài văn của tôi không nổi bật trong hàng ngàn bài khác.

Năm sau, vẫn viết về tôi và gia đình, nhưng tôi kể về nghề kiến trúc, điểm tương đồng giữa kiến trúc và y khoa, và kể luôn câu chuyện gặp ma. Nhờ vậy mà bài luận đó đọc rất riêng và có nhiều điểm khiến các thầy cô khi phỏng vấn đều hỏi thăm về nghề kiến trúc, về phong thuỷ và sức khoẻ. Tất cả họ đều cười lăn ra khi tôi kể về phòng vệ sinh phải thiết kế thế nào.

Về sau, các bài luận tôi nộp nội trú chuyên khoa và nghiên cứu sinh, tôi đều kể câu chuyện theo góc nhìn cá nhân, và đều nhận lời khen trong các lần phỏng vấn.

4. Các hoạt động ngoại khoá không chi tiết và không cụ thể

Năm đầu tiên, tôi kể ra các hoạt động ngoại khoá như một cái máy (vị trí công việc, năm nào tháng nào, ai là sếp, vv..) vì tôi thấy nhiều quá. Hồ sơ nộp đơn vào trường Y rất nhiều trang và ghi chi tiết từng hoạt đông ngoại khoá có thể làm nhiều bạn sinh viên nản chí.

Năm sau, tôi kể tất cả các chuyện ngoại khoá bằng một đoạn văn ngắn, trong đó nêu rõ những dấu ấn của mình, ví dụ khi tôi làm thiện nguyện trong bệnh viện phòng cấp cứu, tôi kể có một bệnh nhân trong thiệp cảm ơn bệnh viện đã nhắc đến tên tôi mặc dù tôi chỉ làm thiện nguyện viên.

Khi làm chủ tịch cộng đồng, tôi đã tạo ra lớp tiếng Việt cho các em nhỏ. Tất cả các mục ngoại khoá, tôi đã viết rõ hơn với kết quả rõ ràng cho mỗi công việc.

Tóm lại, các nhà tuyển sinh muốn thấy kết quả và những gì bạn đã làm được.

Hội đồng tuyển sinh trường Y khoa thường ấn tượng với những hồ sơ thể hiện rõ cá tính qua bài luận và các hoạt động ngoại khóa thuyết phục, chi tiết.

Hội đồng tuyển sinh trường Y khoa thường ấn tượng với những hồ sơ thể hiện rõ cá tính qua bài luận và các hoạt động ngoại khóa thuyết phục, chi tiết.

5. Coi nhẹ đơn nộp vào vòng hai

Nhiều trường Y tại Mỹ có hai vòng xét tuyển. Sau khi các ứng viên qua được vòng 1, họ mời các ứng viên viết thêm một đoạn văn (lại viết văn) giải thích tại sao chọn trường y này chứ không phải trường khác. Dĩ nhiên nhiều bạn sẽ viết vì trường y này rẻ, gần nhà... nhưng bạn quên mất là ai cũng có thể viết vậy. Vì vậy, bài viết vòng hai phải thật làm nổi bật ý của bạn vì sao muốn chọn trường này.

Trong bài viết đơn vào vòng hai của một số trường tôi rất thích, tôi tìm lại lịch sử của trường để tìm ra một vài điểm riêng biệt và duy nhất của trường đó. Thậm chí, tôi còn tìm được thông tin về bệnh viện một trường Y sắp được bán đi. Trong bài luận của vòng hai cho trường này, tôi có nói tương lai của bệnh viện trường thật tốt vì sắp có đầu tư lớn, kết quả tôi được nhận vào trường đó.

Chúc các bạn sinh viên mùa nộp đơn trường Y 2018 thành công!

Tags:
Bộ trưởng Y tế Mỹ từ chức vì bê bối thuê máy bay đi công tác

Bộ trưởng Y tế Mỹ từ chức vì bê bối thuê máy bay đi công tác

Ông Tom Price từ chức Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Con người do bê bối về việc thuê máy bay tư nhân tốn kém để đi công tác.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất