50 triệu người Mỹ đi nghỉ Lễ Tạ ơn giữa Covid-19
Khoảng 50 triệu người Mỹ dự kiến di chuyển khắp cả nước dịp Lễ Tạ ơn trong tuần này, bất chấp khuyến cáo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
22:30 23/11/2020
Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) ước tính 95% số người trên sẽ di chuyển bằng xe hơi trong kỳ nghỉ dài 5 ngày từ 25/11 đến 29/11, giảm 5 triệu so với năm ngoái. AAA cũng dự đoán du lịch bằng đường hàng không sẽ giảm một nửa, từ 4,58 triệu người xuống còn 2,4 triệu vào Lễ Tạ ơn năm nay, mức giảm thường niên cao kỷ lục.
Tuy nhiên, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia y tế trong nhóm chuyên trách chống Covid-19 của Nhà Trắng, cảnh báo lượng người đi nghỉ trên vẫn có thể tạo ra một làn sóng lây nhiễm mới bùng phát vài tuần sau đó và đe dọa cả dịp lễ Giáng sinh.
Ông cho hay Mỹ đang ở trong "tình trạng rất, rất khó khăn ở mọi cấp độ" với số ca nhiễm gia tăng mạnh và tình trạng hành khách xếp hàng chen chúc ở các sân bay làm ông lo lắng hơn nguy cơ lây nhiễm nCoV trong chuyến bay.
"Các bạn đến một sân bay đông đúc, xếp hàng, không ai đeo khẩu trang. Điều đó đẩy các bạn vào nguy cơ, khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn", ông nói.
Fauci cũng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm virus từ "những cuộc gặp gỡ dường như vô hại" ở trong nhà với gia đình và bạn bèn suốt dịp lễ.
Tổng số ca nhiễm nCoV trên toàn nước Mỹ đã vượt 12 triệu và mỗi ngày lại tăng thêm khoảng 200.000 ca nhiễm mới. Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) hôm 20/11 ra khuyến cáo người Mỹ không nên di chuyển và tụ họp với người thân, bạn bè vào ngày Lễ Tạ ơn 26/11.
Thống đốc Cộng hòa của bang Maryland, Larry Hogan, bày tỏ lo lắng khi người Mỹ vẫn lên kế hoạch đi nghỉ lễ và tụ họp không an toàn bất chấp khuyến cáo của CDC.
"Tụ họp gia đình là nguyên nhân lây nhiễm hàng đầu", ông nói, cảnh báo mọi người thường chủ quan ở những sự kiện này, không đeo khẩu trang đúng cách và phá vỡ quy tắc giãn cách.
Tiến sĩ Fauci cho hay ông hiểu được người dân đang rất mệt mỏi với các biện pháp hạn chế, phải giữ khoảng cách với nhau và kìm hãm việc đi lại, nhưng khẳng định các biện pháp đơn giản như đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách xã hội rất có hiệu quả.
Việc giới hạn số khách ở các nhà hàng và tránh đến hoặc đóng cửa các quán bar cũng có có thể "làm phẳng đường cong". Ông kêu gọi người Mỹ không đi lại, tụ họp và đảm bảo họ tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
"Nếu các bạn chịu khó tuân thủ, chúng ta có thể thoát khỏi tình cảnh này", ông nói.
Tổng thống Donald Trump dường như thừa nhận Covid-19 đang "hoành hành", trái với các tuyên bố trước đây của ông khi vận động tranh cử rằng virus sẽ đơn giản là "biến mất". Tuy nhiên, Trump cho rằng tình hình đại dịch bên ngoài nước Mỹ cũng nghiêm trọng không kém.
"Truyền thông tin giả không nói gì về thực tế Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, chứ không chỉ ở Mỹ", ông viết trên Twitter hôm 21/11.
Moncef Slaoui, cố vấn trưởng chiến dịch phát triển vaccine Covid-19 của "Chiến dịch Thần tốc", cho biết hôm 22/11 rằng nếu vaccine đầu tiên được phê duyệt sử dụng vào tháng tới, người Mỹ sẽ bắt đầu được tiêm chủng vào ngày 11 hoặc 12/12. Nếu ít nhất 70% dân số được tiêm chủng vào tháng 5, Mỹ có thể đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng và quay trở lại cuộc sống bình thường.
Ông Fauci cũng bày tỏ lạc quan về khả năng thành công các vaccine Covid-19. "Sắp có biện pháp hỗ trợ bằng vaccine, vì thế các bạn không nên coi đây là một tình cảnh vô vọng", ông nói.
Anh Ngọc (Theo Guardian)
Cuốn hồi ký của ông Obama khiến Trung Quốc tức giận
Cuốn hồi ký vừa xuất bản của của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khiến Trung Quốc tức giận. Các chuyên gia Trung Quốc chỉ trích ông “đã cầu đến Trung Quốc lại còn ra vẻ”, cho rằng ông Obama là hiện thân của tính hai mặt của các chính trị gia Mỹ.