7 cách dạy con thành tài của bậc cha mẹ thông minh, không phải để lại núi vàng bạc
Nhà văn Mỹ nổi tiếng Mark Twain từng nói như thế này: “Lương thiện là một loại ngôn ngữ phổ quát của thế giới mà người mù có thể nhìn và người điếc có thể nghe thấy được”.
11:07 14/05/2017
Còn biết bao thế hệ người Á Đông cũng nằm lòng đạo lý: “Nhân chi sơ, tính bản thiện“. Có thể nói thiện lương chính là cái gốc của đạo làm người. Để con cái trở thành một người tốt, mỗi bậc làm cha mẹ đều cần giáo dưỡng cho trẻ đạo lý ấy.
Là cha mẹ, ai cũng đều đặt kỳ vọng, mơ ước vào đứa con, hy vọng chúng có thể hoàn thành ước vọng dở dang của mình. Họ cũng muốn đứa con lớn lên có thể vui vẻ, thành công, tự lập, có được chỗ đứng trong xã hội. Nhưng chúng ta cũng luôn mong mỏi con có thể đối đãi chân thành với mọi người, quan trọng hơn là biết sống thiện lương, vun trồng điều thiện, tránh xa cái ác.
Nếu muốn con có thể đối đãi thiện lương với mọi người, người làm cha làm mẹ cần phải là tấm gương cho con trẻ. Dưới đây là 8 cách các bậc cha mẹ có thể áp dụng để giúp con hình thành sự thiện lương trong nhân cách.
1. Thiện đãi với mọi người
Luật gia người Mỹ Robert Green Ingersoll nói: “Lương thiện là ánh mặt trời được hình thành từ những phẩm chất đạo đức tốt đẹp”. Không cần quá nhiều thời gian, bạn sẽ phát hiện rằng con có thể tự giác noi theo những gì bạn làm chứ không phải làm theo điều bạn yêu cầu. Muốn con mình sống lương thiện, cách đơn giản nhất là hãy tự làm gương, đối đãi bằng thiện tâm với mọi người.
Điều này thực ra rất đơn giản. Bạn có thể làm gương cho trẻ qua các hành động hằng ngày, đó là lời cảm ơn khi con giúp mình làm một việc gì đó, cũng có thể là lời xin lỗi khi bạn làm sai, hay sự chăm sóc, giúp đỡ lúc con gặp khó khăn. Khi bạn dành cho con sự tôn trọng, con cũng sẽ học cách đối xử đầy tôn trọng với mọi người.
Ảnh minh họa. Dẫn theo pintu360.com
2. Lương thiện làm đầu
“Chúng ta chỉ là kết quả của một hành vi được lặp đi lặp lại. Do vậy sự xuất sắc không phải là một loại hành vi, mà là một thói quen”, học giả nổi tiếng Mỹ Will Durant kết luận. Chỉ khi chúng ta đặt sự lương thiện lên ví trí hàng đầu khi giải quyết mọi việc, bạn mới có thể tạo ra môi trường cho con có được sự thiện lương tràn đầy.
Hãy để sự lương thiện dung hoà vào trong từng lời nói, từng cử chỉ của mình, khi bạn gọi con dậy đi học, hay nhắc nhở con vì ham chơi… Trong mọi thời thời khắc khắc, hãy luôn dùng tâm thiện lương đối đãi với mọi người.
3. Dạy con học sự lương thiện từ người khác
“Khi được tiếp xúc với sự lương thiện, một ngày sẽ trở nên tốt đẹp hơn” (George Ellliston). Rõ ràng, cũng như ông cha ta nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng“. Môi trường ảnh hưởng rất nhiều tới con cái bạn. Được ở trong một môi trường có nhiều người lương thiện, con cái của bạn cũng sẽ hình thành được những phẩm chất tốt đẹp.
Ngoài ra, bạn cũng cần nhạy bén nhìn ra được phần lương thiện ở trong mỗi một người sống quanh mình. Hãy động viên, nhắc nhở con mình noi theo họ. Trẻ con dễ bắt chước, dễ học theo. Đó chính là cách tự nhiên nhất giáo dưỡng một tâm hồn lương thiện cho con trẻ.
Ảnh minh họa. Dẫn theo Pinterest.com
4. Hãy vì người khác trước tiên
“Ở nơi đâu có con người, ở nơi đó có cơ hội hành thiện” (Lucius Annaeus Seneca). Khổng Tử cũng từng nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn, đừng làm cho người khác).
Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của sự lương thiện chính là buông bỏ tư tâm, tư lợi của bản thân và bắt đầu biết suy nghĩ cho người khác. Muốn con cái mai này trở thành người thiện lương, trước tiên bạn hãy gương mẫu sống cho người khác, sống vì người khác.
5. Dạy con hiểu được ảnh hưởng của lời nói, cử chỉ tới người khác
Con trẻ thường xem nhẹ những ảnh hưởng trong hành vi, cử chỉ của mình đối với người khác. Ngay cả với người lớn, điều này cũng không hề được xem trọng. Vì vậy, bạn hãy giúp con mình hiểu và ghi nhớ rằng hành động của chúng rất có thể sẽ ảnh hưởng to lớn đến người khác. Hãy cho chúng biết: một việc tốt có thể gieo mầm thiện, còn một điều xấu có thể huỷ hoại đi con người. Hãy dạy con học cách làm điều tốt, việc hay, giúp đỡ người khác.
6. Bài học giáo huấn từ sự bất thiện
Alexander Pope từng nói: “Người phàm trần đều có khi mắc lỗi, chỉ duy nhất Thần mới có thể nhìn thấy và khoan dung”. Khi con bạn bị ai đó đối xử không tốt, đó chính là cơ hội để chúng học hỏi. Thay vì che chở, an ủi con, bạn hãy chỉ ra cho chúng rằng sống ở đời ai cũng có thể có lúc rơi vào cảnh huống ấy. Điều quan trọng nhất là đứng dậy, bước đi và vẫn giữ cho mình một trái tim lương thiện.
Có một cách khác rất hay là bạn có thể giải thích với con vì sao người khác lại có hành vi đó với mình. Hãy giúp con hiểu được nguyên nhân sâu sa hơn từ đó mà có thể bao dung, từ bi với người khác.
7. Lòng biết ơn
Nhà triết học Hy Lạp cổ Epictetus nói một câu thế này: “Là người thông minh, không vì những gì mình không có mà thấy buồn phiền, ngược lại không vì tất cả những gì mình có mà quá đỗi hoan hỷ vui vẻ”.
Đó là một thái độ sống đầy tích cực. Bạn cũng có thể trui rèn cho con cái mình một phẩm cách như thế. Hãy dạy con bạn rằng ngay cả một sự ban ơn nhỏ bé cũng đáng để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn. Hãy giúp con bạn nuôi dưỡng lòng biết ơn và biết hài lòng với những gì mình đang có. Con sẽ học được cách trân trọng những gì mình có, từ đó sống thiện lương, hồn hậu hơn.
Trong “Tam tự kinh” (một cuốn sách cổ, từng được coi là giáo khoa cho trẻ nhỏ ngày xưa), ngay ở những câu đầu tiên người ta đã bắt gặp những triết lý về giáo dục con trẻ. Sách này viết:
“Nhân chi sơ, tính bản thiện Tính tương cận, tập tương viễn Cẩu bất giáo, tính nãi thiên Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên Tích Mạnh Mẫu, trạch lân xứ Tử bất học, đoạn cơ trữ Đậu Yên Sơn, hữu nghĩa phương Giáo ngũ tử, danh câu dương”
Diễn nghĩa: Người sinh ra buổi đầu vốn có tính thiện. Tính cách ấy (ban đầu) giống nhau nhưng do thói tục mà dần khác. Nếu không giáo dục thì cái tính (bản thiện) ấy sẽ thay đổi. Cách giáo dục là lấy chuyên cần làm quý. Ngày xưa bà Mạnh Mẫu chọn láng giềng mà ở. Con không học, (bà) liền chặt thoi dệt. Ông Đậu Yên Sơn biết nghĩa lý, phép tắc, dạy năm con đều nổi danh.
Người xưa thực sự rất coi trọng giáo dục trẻ nhỏ và coi đó là bổn phận, trách nhiệm. Cũng trong “Tam tự kinh” cũng viết: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi đoạ“, ý nói có nuôi mà không có dạy là lỗi của cha, có dạy mà không có nghiêm là tội ở thầy.
Bởi vậy, thương con không phải là để lại bạc vàng, của cải đầy kho mà chính là giáo dưỡng chúng trở thành một người lương thiện, có lễ nghĩa, phép tắc. Con bạn không cần quá nhiều bạc tiền để tồn tại được giữa cuộc đời này nhưng lại cần rất nhiều đạo đức, phẩm chất. Làm bậc cha mẹ, thiết nghĩ, chúng ta đều nên cần thanh tỉnh về vấn đề này.
Mẹ gây bão mạng khi dạy con trai không chia sẻ đồ chơi
"Nếu tôi đang ăn bánh mà một người lạ xông tới đòi ăn chung, tôi có nên cho không? Không", bà mẹ Mỹ viết trên Facebook.