“Cái bang” thời công nghệ: Lướt web mỗi ngày, nhàn nhã kiếm 4.000 USD mỗi tháng
Jovan Hill, một chàng trai 25 tuổi sống tại New York, Mỹ chỉ cần phát trực tiếp sinh hoạt của mình đã có thể kiếm khoảng 4.000 USD mỗi tháng mà không cần ra ngoài đi làm.
10:30 14/12/2018
Theo New York Times, mới đây, trong video trực tuyến kéo dài 7 phút, Jovan Hill – một người da màu đồng tính nói về rất nhiều thứ, nhưng chỉ một thứ lặp đi lặp lại: anh liên tục nhắc người xem gửi tiền cho mình.
“Hôm nay tôi nghèo quá, nên nếu bạn muốn giảm được chút tiền thuế nào, hãy ủng hộ cho quỹ từ thiện của Jovan nhé”.
Vài phút sau, tài khoản Venmo và PayPal của Jovan liên tục báo có tiền chuyển tới. Số tiền mỗi người ủng hộ dao động từ 1-100 USD, với những lời nhắn như gọi Jovan là một “ông vua thất nghiệp”.
Jovan tự gọi những video của mình là một bộ nhật ký của một gã đồng tính thất nghiệp, lấy cảm hứng từ trang web 4chan và bản thân anh.
Mặc dù vậy, gần 200.000 người theo dõi anh, tính tổng ở các mạng xã hội như Twitter, YouTube, Instagram hay Patreon, thì không hề ghét bỏ hay khinh thường Jovan Hill. Thậm chí anh được coi là khác biệt hẳn nếu so với những người tạo ảnh hưởng trên mạng.
Những video trực tiếp của Jovan, không hề dựng kịch bản trước, cho người xem hiểu rõ cuộc sống của một thanh niên ngoài 20 tuổi không có sự trợ giúp của gia đình, và cũng chẳng có một công việc truyền thống.
Những người hâm mộ như Paige giúp cho Jovan chi trả khoản tiền thuê nhà tại New York và chi phí sinh hoạt 1.300 USD mỗi tháng, bao gồm cả những khoản như trang trải cho gia đình, giải trí và mua quần áo. Chính Jovan cũng luôn cảm thấy ngạc nhiên vì sự hào phóng của người xem.
Jovan lần đầu biết tới sự hào phóng của cộng đồng vào năm 2016. Khi đó, bà của anh đang phải sống với sự trợ giúp của máy móc, nhưng nhà Jovan thì không còn đủ tiền để duy trì. Jovan hoảng loạn và cầu cứu sự trợ giúp từ những người theo dõi.
Jovan hi vọng mình sẽ nhận được nhiều lắm là vài trăm USD. Anh không ngờ rằng những người theo dõi đã ủng hộ đủ số tiền 3.000 USD để bà của anh duy trì sự sống.
“Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra những người theo dõi thực sự quan tâm đến cuộc sống của mình”.
Sau đó, Jovan tiếp tục thu hút thêm nhiều người theo dõi khi anh vào học tại Đại học bang Texas. Tuy nhiên trong vài năm, anh không hề coi đây là nguồn thu nhập chính. Sự cố xảy ra với Jovan hồi đầu năm, khi anh gặp rắc rối trong chuyện tình cảm, bỏ học khi chỉ còn vài môn nữa là tốt nghiệp.
Với 22 USD trong túi và một tấm vé máy bay do mẹ mua cho, Jovan bay tới New York để làm lại từ đầu. Anh thuê một căn hộ tại khu ngoại ô và ở cùng Jake Garner, một người nổi tiếng khác mà anh quen qua Tumblr. Cả hai đều không có một công việc và nguồn thu nhập ổn định, nên quyết định nhờ sự trợ giúp từ những người theo dõi.
Giờ đây Jovan kiếm được khoảng 4.000 USD mỗi tháng từ nhiều nền tảng mạng xã hội. Ngoài tiền ủng hộ từ nền tảng Periscope, người hâm mộ còn trả 1 USD mỗi tháng để xem video anh đưa lên Patreon.
Đôi lúc, anh cũng nhận được câu hỏi từ người xem: vì sao không đi làm. Câu trả lời của Jovan luôn là: “đây là công việc của tôi”.
Được biết, cũng được coi là một hình thức “ăn xin” thời công nghệ, thời gian vừa qua, tại Trung Quốc, những người ăn xin còn gạ gẫm xin tiền người đi đường bằng cách sử dụng mã QR và ví điện tử.
Một bà lão ăn xin người Trung Quốc đang xin tiền bằng máy POS quẹt thẻ ATM. Ảnh: The Times
Tờ Business Today cho biết, những người này có thể được tìm thấy gần các địa điểm du lịch và ga tàu điện ngầm trên khắp các tỉnh của Trung Quốc. Với việc thanh toán kỹ thuật số và mã QR đã là một hình thức phổ biến của các giao dịch tiền ở Trung Quốc, những người ăn xin coi đây là một cơ hội tốt hơn để nhận được tiền.
Theo đó, những người ăn xin hiểu biết về công nghệ này của Trung Quốc thường mang theo một bản in sẵn mã QR trong những chiếc bát ăn xin của họ. Sau đó, họ yêu cầu mọi người quét các mã này để quyên góp thông qua Alipay của Alibaba Group hoặc Wallet WeChat của Tencent, 2 trong số những ví điện tử phổ biến nhất ở Trung Quốc.
Theo một bài báo của China Channel, những người ăn xin này được các doanh nghiệp nhỏ và các công ty khởi nghiệp địa phương trả tiền cho mỗi lần quét mã họ nhận được. Bản quét cho phép các doanh nghiệp này thu thập dữ liệu người dùng thông qua các ứng dụng ví điện tử, sau đó được xử lý và bán cho mục đích tiếp thị.
Theo Đời sống pháp luật
Việt kiều Mỹ kể chuyện xứ ‘thiên đường’: Chuyện gì của mình, mình lo!
Sống ở xứ này mười mấy năm, tiếp xúc với rất nhiều sắc dân và tầng lớp xã hội, tôi biết người Mỹ quan tâm cái gì và hiểu kiểu "phớt tỉnh Ăng lê" rất Mỹ để mà sống theo cách "chuyện gì của mình, mình lo".