“Thảm họa” phiên dịch tiếng Anh trong cuộc thi Nam vương Quốc tế

Tiến Đạt không phải thí sinh đầu tiên của Việt Nam phải dừng bước tại cuộc thi sắc đẹp quốc tế do lỗi phiên dịch. Tiếng Anh hạn chế khiến các thí sinh không thể chủ động được trong phần thi ứng xử.

16:05 17/02/2017

Thầy giáo tiếng Anh Seally Nguyen chia sẻ về sự cố phiên dịch trong phần ứng xử của Tiến Đạt – thí sinh Việt Nam lọt top 6 cuộc thi Nam vương quốc tế 2017.

“What do you think is the next big thing in your country in the next decade?” – câu hỏi được đọc lên 3 lần, to, chậm rãi, rõ ràng, nhưng phiên dịch truyền đạt không đúng. Tiến Đạt vì thế không thể hiểu đúng câu hỏi đơn giản này.

Phiên dịch viên của Tiến Đạt thực sự là một thảm họa. Không chỉ thất bại trong chuyển ý, cô ấy còn thất bại trong cách diễn đạt bằng tiếng Việt. Về ngữ nghĩa, câu hỏi “What do you think is the next big thing in your country in the next decade?” có hai nội dung quan trọng là “the next big thing in your country” (điều lớn lao ở đất nước bạn) và “in the next decade” (trong 10 năm tới).

Về hàm ý, câu hỏi hướng người trả lời tới những chuyển biến lớn lao của quốc gia, dân tộc trong thời gian tới. Đây là câu hỏi có tính tích cực, hướng về những viễn cảnh tươi đẹp trong tương lai.

Nhưng phiên dịch đã thất bại trong việc dịch cả hai thứ “ý tại” và “ngôn ngoại”. Hãy nghe câu dịch lần thứ hai của cô ấy (sau khi Tiến Đạt không thể hiểu trong lần dịch thứ nhất): “Bạn nghĩ là cái ý kiến gì mà điều mà bạn suy nghĩ lớn nhất đối với năm tiếp theo đối với đất nước của bạn?”.

Nam vương Tiến Đạt dừng chân ở top 6 cuộc thi Nam vương Quốc tế 2017. Ảnh:  giải trí
Nam vương Tiến Đạt dừng chân ở top 6 cuộc thi Nam vương Quốc tế 2017. Ảnh: giải trí

Vì câu dịch tối nghĩa, Tiến Đạt không hiểu, nhưng anh không hỏi thêm lần nữa mà trả lời, đại ý Việt Nam cần mở rộng hội nhập hơn nữa. Lần này, phiên dịch chuyển ý thành Việt Nam cần mở cửa để thu hút khách nước ngoài.

Ban giám khảo không thể chấm anh điểm cao được, khi câu hỏi là “Thay đổi lớn lao nào sẽ diễn ra trên đất nước bạn trong vòng 10 năm tới?”, trong khi câu trả lời là “Việt Nam cần mở cửa để thu hút thêm khách nước ngoài”.

Tiến Đạt không phải trường hợp đầu tiên gặp “thảm họa” phiên dịch trong cuộc thi quốc tế. Hoa khôi Nam Em trong cuộc thi Miss Earth 2016 từng gặp sự cố phiên dịch theo phong cách người nói một đằng, người dịch một nẻo.

Để tránh lặp lại sự cố, tốt nhất các cá nhân đi thi nên trang bị vốn đủ dùng, ít ra đủ để hiểu câu hỏi đơn giản. Nếu nghe bằng ngôn ngữ gốc, bạn sẽ hiểu được cả hàm ý và sắc thái của câu hỏi – thứ mà đôi khi phiên dịch giỏi cũng khó lòng chuyển ngữ. Nếu sử dụng phiên dịch, hãy đảm bảo phiên dịch của bạn có tư duy rõ ràng, nói tiếng Việt tốt, nghe và diễn đạt chính xác.

Dù không đẹp trai như Tiến Đạt và chắc chắn không bao giờ được đi thi như anh, nhưng nếu được hỏi câu này, tôi sẽ trả lời: Tôi mong 10 năm nữa, mỗi người Việt Nam đều có thể sử dụng tiếng Anh để giao tiếp tự tin trong kỷ nguyên hội nhập.

Chung kết Mister International (Nam vương quốc tế) lần thứ 11 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan vào tối 13/2. Gần 40 thí sinh lần lượt trải qua các phần thi trang phục dân tộc, suit và đồ bơi. Ban giám khảo lần lượt chọn top 16, top 9 và top 6. Danh hiệu cao nhất thuộc về đại diện của Lebanon – Paul Iskandar.

Seally Nguyen

Nguồn: Vnexpress.net

Tags:
Mỹ: Máy bay hạ cánh khẩn vì đâm phải…hươu

Mỹ: Máy bay hạ cánh khẩn vì đâm phải…hươu

Máy bay thường đâm phải chim chứ hiếm khi nào có chuyện đâm phải hươu trên đường cất cánh.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất