9 sự kiện nổi bật thế giới 2019
Thế giới tràn đầy kỳ vọng với cuộc gặp Trump - Kim lần hai nhưng rồi thất vọng, trong khi thương chiến Mỹ - Trung chưa có hồi kết, xung đột Trung Đông vẫn âm ỉ.
12:30 21/12/2019
Trump - Kim gặp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội
8 tháng sau những cam kết chung chung tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội ngày 26 và 27/2. Cuộc gặp được kỳ vọng tạo đột phá, ra tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và có bước đi thực chất hướng tới phi hạt nhân. Tuy nhiên, bất đồng về dỡ bỏ lệnh trừng phạt và các cơ sở hạt nhân khiến Trump - Kim ra về trắng tay.
Cuộc gặp ngẫu hứng tại biên giới liên Triều hồi tháng 6 nhen nhóm hy vọng "tình bạn" giữa hai lãnh đạo có thể tạo thay đổi. Nhưng các cuộc thảo luận cấp làm việc sau đó không đạt tiến triển. Đến cuối năm, Triều Tiên mất kiên nhẫn, tuyên bố chấm dứt đàm phán phi hạt nhân và cảnh báo Mỹ về một "món quà Giáng sinh". Lo ngại Bình Nhưỡng có thể tiếp tục thử tên lửa tầm xa hay thậm chí thử hạt nhân lại gia tăng. Bán đảo Triều Tiên nguy cơ quay trở lại tình trạng "bên miệng hố chiến tranh". Trump phải đối diện với thực tại một Triều Tiên luôn khó nắm bắt như cách mà thế giới nhìn nhận với chính ông.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt từ tháng 5, khi Tổng thống Donald Trump nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh phá bỏ thỏa thuận đã cam kết. Sau các lần áp thuế, giá trị hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc áp lên nhau lần lượt là 550 tỷ USD và 185 tỷ USD.
Trump còn mở ra một mặt trận mới về công nghệ khi tung ra các lệnh cấm nhằm vào tập đoàn Huawei. Cuộc đối đầu của hai cường quốc hàng đầu thế giới không chỉ xoay quanh vấn đề công bằng thương mại mà còn là cạnh tranh địa chính trị. Washington muốn đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, thường xuyên bày tỏ lo ngại với các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông hay sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Cuộc chiến còn bị chi phối bởi tính toán chính trị cá nhân. Trump muốn tái cử vào năm 2020, còn ông Tập Cận Bình muốn đạt được "giấc mơ Trung Hoa" vạch ra từ khi lên nắm quyền.
Mỹ - Trung ngày 13/12 tuyên bố đạt được thỏa thuận giai đoạn một. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán chiến tranh thương mại có thể kéo dài tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, do hai bên còn nhiều nghi kỵ.
Tại Mỹ, thương chiến đã khiến nông dân mất khách hàng và người tiêu dùng phải chịu giá cao hơn. Nhiều nhà xưởng ở Trung Quốc bị bỏ không vì thương hiệu lớn chuyển dây chuyền ra khỏi đây để né thuế. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý ba đạt mức thấp nhất trong vòng gần 30 năm. Thị trường chứng khoán bất ổn, các doanh nghiệp lo sợ về tương lai bất định nên ngần ngại mở rộng quy mô. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính một cuộc chiến thương mại toàn diện, kéo dài có thể khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 0,8% trong năm tới.
Biểu tình Hong Kong bùng phát
Sau "phong trào ô dù" năm 2014, Hong Kong từ đầu tháng 6 lại rung chuyển bởi các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ cho phép Hong Kong đưa nghi phạm tới xét xử tại những khu vực thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Dự luật khiến nhiều người Hong Kong lo ngại họ sẽ phải chịu hệ thống pháp lý hoàn toàn khác và Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng với đặc khu.
Biểu tình ôn hòa dần trở nên bạo lực. Cảnh sát sử dụng hơi cay, đạn cao su thậm chí đạn thật để trấn áp. Sau gần ba tháng Hong Kong tê liệt, Trưởng đặc khu Carrie Lam hồi tháng 9 đã nhượng bộ, rút dự luật. Tuy nhiên, người biểu tình tiếp tục xuống đường đòi đáp ứng bốn yêu cầu còn lại. Trong 6 tháng, Hong Kong chứng kiến 900 cuộc biểu tình, tuần hành và tụ tập công khai. Gần 6.000 người bị bắt, hơn 30% ở độ tuổi 21-25.
Cuối tháng 11, phe dân chủ thắng áp đảo trong cuộc bầu cử cấp quận, giành hơn 90% số ghế. Kết quả không có tác động lớn nhưng được xem là một cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng bất ổn hiện nay, cho thấy người dân Hong Kong tin vào dân chủ, pháp quyền và nhân quyền.
Biểu tình khiến Hong Kong lần đầu trong 10 năm rơi vào suy thoái kinh tế và lâm vào "tình cảnh chưa từng có, nghiêm trọng và phức tạp", theo lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Căng thẳng Hong Kong vẫn bế tắc, khi cả người biểu tình và chính quyền đều tuyên bố quyết không nhượng bộ.
Mỹ cuối tháng 11 thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, theo đó hàng năm sẽ đánh giá quyền tự quyết của thành phố để được hưởng ưu đãi thương mại của Mỹ. Hong Kong nguy cơ đánh mất vai trò là trung tâm tài chính thế giới. Kinh tế Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nếu mất kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài.
39 người Việt chết trong xe container ở Anh
Cảnh sát Anh hôm 23/10 tìm thấy 39 thi thể trong thùng container tại khu công nghiệp Grays, hạt Essex, đông bắc thủ đô London. Các nạn nhân sau đó được xác định đều là công dân Việt Nam nhập cư trái phép vào Anh bằng container trên phà xuất phát từ Bỉ. Cuối tháng 11, Anh và Việt Nam đã phối hợp đưa toàn bộ thi thể, tro cốt của những người này về nước và bàn giao cho các gia đình. Anh đã bắt 4 nghi phạm, một trong số đó bị truy tố tội ngộ sát, tham gia âm mưu buôn người và hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp. Việt Nam cũng bắt 11 nghi phạm liên quan đến đường dây môi giới đưa lao động sang Anh trái phép.
Thảm kịch đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng nhập cư trái phép, trong đó các nạn nhân chi hàng chục nghìn USD cho những kẻ buôn người để vượt biên qua nhiều quốc gia châu Âu đến Anh, nơi mà họ tin là điểm đến lý tưởng để đổi đời. Tuy nhiên, phần lớn đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động và bạo hành tình dục. Theo Cơ quan Biên phòng châu Âu Frontex, ước tính 150.000 người vượt biên trái phép vào châu Âu năm ngoái. Riêng ở Anh khoảng 13.000 người bị làm nô lệ hiện đại.
Giới chuyên gia cho rằng các quốc gia ở châu Âu cần có sự phối hợp mạnh mẽ hơn trong việc đối phó với nạn buôn người, có chính sách để thống nhất các nguồn lực quản lý biên giới. Tuy nhiên, siết chặt kiểm soát biên giới có thể càng thúc đẩy người nhập cư trái phép lựa chọn các phương thức rủi ro cao và nguy hiểm tới mạng sống hơn để vượt biên.
Trump bị xem xét bãi nhiệm
Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt với thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ, trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị xem xét bãi nhiệm. Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua việc xem xét bãi nhiệm (impeachment) ông với cáo buộc lạm quyền và cản trở quốc hội.
Nỗ lực này bắt đầu khi một người tố giác giấu tên làm việc trong cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Trump gây sức ép với Tổng thống Ukraine trong cuộc điện đàm hồi tháng 7 để điều tra cha con Joe Biden, đối thủ đáng gờm của ông trong cuộc bầu cử 2020. Trump gọi đây là cuộc "săn phù thủy" và từ chối hợp tác với Hạ viện.
Nếu Thượng viện Mỹ thông qua các cáo buộc, Trump sẽ phải rời Nhà Trắng. Tuy nhiên, viễn cảnh này khó xảy ra bởi Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Trump có thể thêm lợi thế trong cuộc chạy đua tái tranh cử 2020. Tuy nhiên, việc xem xét bãi nhiệm Trump cùng với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, hay xây tường biên giới cho thấy nước Mỹ vẫn chia rẽ sâu sắc ba năm sau khi ông lên nắm quyền.
Iran bắt loạt tàu dầu nước ngoài
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 13/7 bắt tàu Riah treo cờ Panama trên eo biển Hormuz, cho rằng con tàu đang buôn lậu dầu. Một tuần sau, Iran bắt thêm tàu dầu Stena Impero của Anh với cáo buộc không tôn trọng quy tắc hàng hải quốc tế. Đây được coi là hành động đáp trả Anh bắt tàu dầu Grace 1 của Iran ở Địa Trung Hải với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.
Sự việc xảy ra khi Mỹ - Iran đang bên bờ vực xung đột quân sự. Washington triển khai nhóm tàu sân bay Abraham Lincoln tới Vùng Vịnh vào tháng 5, còn Tehran bắn hạ máy bay không người lái trị giá 200 triệu USD của hải quân Mỹ hồi giữa tháng 6. Tổng thống Mỹ Trump ra lệnh không kích đáp trả Iran nhưng hủy vào phút chót. Các tàu sau đó được Iran và vùng lãnh thổ Gibraltar của Anh trả tự do.
Tehran dường như muốn truyền thông điệp mạnh mẽ, quyết tâm dám làm và khả năng kiểm soát eo biển Hormuz. Việc Iran phong tỏa eo biển chỉ trong thời gian ngắn cũng có thể làm giá dầu thế giới tăng đáng kể. Thương mại toàn cầu sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng do nền kinh tế thế giới vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung dầu mỏ.
Căng thẳng ở eo Hormuz phản chiếu cuộc đối đầu địa chiến lược tại Vùng Vịnh. Mỹ và đồng minh Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhiều lần cáo buộc Iran tranh giành ảnh hưởng bằng các lực lượng ủy nhiệm ở Yemen, Syria và Iraq. Ngược lại, Tehran cho rằng Washington đe dọa hòa bình khu vực khi triển khai tàu sân bay, oanh tạc cơ và nhiều khí tài quân sự tới Vùng Vịnh.
Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời Venezuela
Dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và một số nước đồng minh, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido ngày 23/1 tự xưng là tổng thống lâm thời, thách thức quyền lực của Tổng thống Nicolas Maduro. Venezuela bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng chính trị sau thời gian dài nền kinh tế bên bờ vực sụp đổ với tỷ lệ lạm phát ước tính lên tới 10 triệu % vào năm nay.
Guaido đã tìm mọi cách để lật đổ Maduro, từ nhận viện trợ của nước ngoài cho đến kêu gọi binh sĩ đảo chính, nhưng không thành công. Tổng thống Venezuela vẫn nhận được sự hậu thuẫn của quân đội và các đồng minh như Nga, Trung Quốc, Cuba. Chính phủ Venezuela sau đó nỗ lực đàm phán với phe đối lập để giải quyết khủng hoảng, nhưng hai bên chưa đạt được thỏa thuận.
Khủng hoảng chính trị Venezuela cho thấy phong trào "Thủy triều hồng" thập niên 2000 ở Nam Mỹ đã lắng xuống. Kinh tế sa sút nghiêm trọng, bất bình đẳng, tham nhũng gia tăng, người dân ngày càng bất mãn với chính quyền. Hàng loạt lãnh đạo cánh tả đánh mất quyền lực, như cựu tổng thống Brazil Lula, cựu tổng thống Ecuador Rafael Correa, cựu tổng thống Argentina Nestor Kirchner. Gần đây nhất, hôm 10/11, tổng thống Bolivia Evo Morales cũng buộc phải từ chức.
Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/10 phát động chiến dịch Mùa xuân Hòa bình nhằm đẩy lùi dân quân người Kurd (YPG) khỏi biên giới phía bắc Syria khi Mỹ chóng vánh rút quân theo lệnh của Trump. Chiến dịch quân sự kết thúc sau hai tuần bằng cái bắt tay ký kết giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, dân quân người Kurd được Mỹ hậu thuẫn phải rút khỏi vành đai rộng 30 km dọc biên giới phía bắc Syria. Biên phòng Syria quay lại tiếp quản nhiều khu vực biên giới, trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các đợt tuần tra chung ở khu vực.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ làm thay đổi cán cân trong bàn cờ chính trị ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ và Syria dường như đều đạt được mục đích chính trị. Mỹ đánh mất vị thế xây dựng suốt nhiều năm qua. Còn Nga thể hiện vai trò trung gian tại Syria cũng như gia tăng đáng kể ảnh hưởng của mình tại quốc gia này. Sau khi Mỹ rút đi, Nga dường như là bên duy nhất có thể đàm phán với tất cả các bên liên quan ở Syria.
Máy bay Boeing 737 MAX chở 157 người gặp nạn
Máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines gặp nạn hôm 10/3, vài phút sau khi cất cánh từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. 149 hành khách và 8 thành viên tổ bay đã thiệt mạng. Đây là tai nạn thứ hai của phi cơ 737 MAX trong chưa đầy 6 tháng.
Thảm kịch khiến các cơ quan điều tra Mỹ và quốc tế vào cuộc quyết liệt, xác định Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay (MCAS) mới được Boeing lắp đặt trên dòng 737 MAX là nguyên nhân chính gây ra cả hai tai nạn. MCAS được cho là chiếm quá nhiều quyền kiểm soát máy bay, trong khi phi công không được thông báo đầy đủ về nó. Phi công không thể ngăn được thảm kịch nếu hệ thống này gặp trục trặc.
Vụ tai nạn khiến toàn bộ máy bay 737 MAX trên toàn thế giới bị cấm bay suốt hơn 9 tháng qua, đẩy Boeing vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử và chịu thiệt hại ít nhất 8 tỷ USD.
Boeing hôm 15/12 buộc phải ngừng sản xuất dòng máy bay 737 Max. Đây là lần đầu tiên trong 20 năm Boeing ngừng sản xuất mẫu phi cơ bán chạy nhất. Động thái có thể tác động đáng kể tới nền kinh tế Mỹ bởi Boeing không chỉ nắm giữ lĩnh vực hàng không dân sự mà còn đóng góp quan trọng vào các ngành công nghiệp quốc phòng và vũ trụ nước này. Các hãng hàng không, công ty bảo hiểm và các nhà cung cấp linh kiện trên khắp thế giới cũng bị ảnh hưởng.
Ban Thế giới
Chuyến lưu diễn thành công của một nữ nghệ sỹ gốc Việt
Bà Susan Liễu, một cựu sinh viên gốc Việt của đại học Harvard và có bằng cao học về quản trị từ đại học Yale, quyết định đi theo con đường nghệ thuật với đầy hoài bão.