Ai là những người nghèo nhất nước Mỹ?
Hàng triệu việc làm đã được tạo mới ở nền kinh tế Mỹ, nhưng nhiều người Mỹ vẫn sống trong tình cảnh nghèo khó.
03:30 05/02/2018
Trong gần 6 năm, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra một số lượng lớn việc làm: gần 2 triệu công việc/năm. Quá trình phục hồi kinh tế không chỉ thay thế tổng số việc làm đã mất đi trong thời kỳ suy thoái kinh tế mà nó còn tạo ra số việc làm mới đủ cho dân số đang ngày càng tăng.
Dù tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện chỉ đang ở mức 4,1%, mức thấp nhất kể từ năm 2000, nhưng rất nhiều hộ gia đình vẫn chưa cải thiện được tình trạng nghèo nàn của mình.
Vào năm 2016, gần 41 triệu người Mỹ tương đương với 13% dân số sống trong cảnh nghèo đói – giảm từ mức 15% vào thời kỳ cao điểm của cuộc suy thoái trong năm 2010. Vậy những người như thế nào sẽ được xếp vào diện nghèo đói?
Tuy nhiên, bằng cách sử dụng các phương thức tính toán chính thức về nghèo đói, dựa trên thu nhập trước thuế và nhu cầu dinh dưỡng, các gia đình 4 người đang sống trong cảnh nghèo khó sẽ có thu nhập dưới 24.300 USD/năm.
Con số này có vẻ cao khi so sánh với các quốc gia mà theo Ngân hàng thế giới là các quốc gia thu nhập trung bình thấp với thu nhập từ 1000 – 4000 USD.
Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt cao ở Mỹ và khoảng cách thu nhập ngày càng tăng dẫn đến cuộc sống khó khăn cho những người Mỹ nghèo. Thêm vào đó, thu nhập trung bình của các hộ nghèo thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng nghèo với chỉ 9600 USD/năm.
Số liệu năm 2016 cho thấy khoảng 13,3 triệu trẻ em nằm trong số những người sống trong nghèo đói – 18% dân số dưới 18 tuổi.
Số người nghèo trên 65 tuổi đã tăng lên 4,6 triệu người, nhưng ở mức 9% thì tỷ lệ nghèo của nhóm tuổi này vẫn thấp hơn những người trong độ tuổi lao động (18 – 64). Gần 23 triệu người trong độ tuổi lao động (gần 12% dân số) đang thuộc diện nghèo.
Theo dự án Hamilton của Brookings Institution, trong nhóm tuổi lao động:
- Cứ 4 trong 10 người đang làm việc
- 1 trong 10 người có việc làm toàn thời gian, quanh năm, nhưng thu nhập không đủ
- 1 trong 4 người có việc làm, nhưng không quanh năm
- 1 trong 25 người đang tìm việc làm
- Trong số những người đang làm việc không toàn thời gian, không quanh năm, 1/3 đang miễn cưỡng làm việc bán thời gian
Bức tranh toàn cảnh về lực lượng lao động Mỹ lại cho thấy những sự khác biệt trong xã hội:
- Tỷ lệ việc làm của phụ nữ đã trở lại mức trước khủng hoảng (55%).
- Người Mỹ gốc Phi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc suy thoái kinh tế, phụ hồi nhanh hơn, nhưng vẫn có nguy cơ thất nghiệp cao hơn những người Mỹ da trắng.
- Phụ nữ có trình độ trung học hoặc thấp hơn có nguy cơ thất nghiệp cao nhất.
- Nam giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời kỳ suy thoái kinh tế và họ quay lại làm việc chậm hơn (hiện tại chỉ 66% đang có việc làm).
Số lượng nam giới trong độ tuổi 25 – 54 đang có việc làm đã giảm trong hơn 50 năm qua còn số lượng nữ giới trong cùng nhóm tuổi đã giảm kể từ năm 2000.
Một phần, đây có thể là hệ quả của việc giảm lương thực tế của những người có thu nhập thấp nhất với thu nhập cá nhân trung bình hiện nay là 31.100 USD.
Có thể nhiều người trong số những người không trong lực lượng lao động sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm nếu không có sự can thiệp của chính phủ.
Hơn 1/5 trong số những người trong độ tuổi lao động đang sống trong cảnh nghèo đói là những người tàn tật và 15% là những người chăm sóc cho những người khuyết tật.
Bức tranh toàn cảnh về người nghèo ở Mỹ cho thấy những người nghèo nhất tại quốc gia này thuộc mọi tầng lớp, chủng tộc khác nhau. Tuy nhiên, sự phân chia nghèo đói không đồng đều là rất đáng chú ý:
- Tỷ lệ nghèo đói của các gia đình Mỹ gốc Phi (22%) cao gấp đôi so với các gia đình da trắng.
- 19% các gia đình châu Mỹ Latin sống trong nghèo đói.
- Nữ giới (14%) có tỷ lệ nghèo đói cao hơn nam giới (11%).
- Tỷ lệ đói nghèo dao động từ 11 – 14% ở các khu vực rộng lớn như Đông Bắc, Đông Nam, Trung Tây và Tây.
- Nhiều hạt – chủ yếu ở Đông Nam và Tây Nam – có tỷ lệ nghèo đói cao hơn 25%.
Trong những năm gần đây, tình hình tại Mỹ đang rất đáng khích lệ khi việc làm và thu nhập đang gia tăng cùng với việc nạn nghèo đói đang được đẩy lùi. Tuy nhiên, nền kinh tế này vẫn cần phải duy trì tăng trưởng này để giúp đỡ thêm nhiều người vẫn đang phải vất vả mưu sinh.
Tết này bạn có về quê?: Giá lạnh nước Mỹ càng làm tôi nhớ tết Việt Nam
Một phụ nữ rời Việt Nam tới Mỹ định cư 16 năm nay cho biết tết này chị buồn vô hạn khi không được về Sài Gòn ăn tết cùng cha mẹ.