Ám ảnh hai mảnh đời ung thư, bác sĩ bệnh viện Việt Đức nhắn gửi: Bớt ăn đồ nướng, bớt ăn nhậu, bớt dùng đồ nhựa, bớt ngồi điều hòa và chủ động đi kiểm tra sức khỏe định kỳ!

Có ai thấy mình trong bài viết này không?

15:12 09/12/2023

Mấy ngày qua, hai mảnh đời đã ám ảnh tôi, anh chị ạ. Cậu thanh niên mới hơn 35 tuổi ở Quảng Ninh qua phòng khám gặp bác sĩ vì thấy hơi mệt mỏi. Nhìn bên ngoài không ai nghĩ cậu có vấn đề về sức khoẻ, từ dáng đi linh hoạt đến thể trạng và nước da đều ổn. Làm doanh nghiệp lớn ở Quảng Ninh, vấn đề ở cậu chính là việc uống rượu tiếp khách mỗi ngày từ lúc hơn 20 tuổi, hút thuốc, thức khuya và hầu như không tập thể thao. Rồi kết quả siêu âm, chụp cắt lớp và cộng hưởng từ cùng với các xét nghiệm đều hướng đến việc cậu có một khối u gan vô cùng lớn tính chất ác tính. Cầm kết quả trên tay, vợ chồng suy sụp, hai chân cậu dường như không vững khi rời phòng khám bước đi. 

Rồi thêm hình ảnh nữa, người em ôm chị gái lặng lẽ nơi dẫy ghế chờ bệnh viện Việt Đức lúc xế chiều, khi tất cả mọi người đã ra về hết, hai chị em ngồi đó, dựa vào nhau, nước mắt chị lăn dài, đôi mắt em cũng đỏ hoe. Chị thấy mệt nên em gái đưa đi khám, nội soi sinh thiết xong bác sĩ kết luận chị bị ung thư trực tràng giai đoạn muộn, chị cần mổ sớm và điều trị hoá chất lâu dài, trông chị cũng chỉ mới trên dưới 45 tuổi mà thôi.

Có đi ngang cuộc đời họ, có nghe tiếng nấc hay chứng kiến những giọt nước mắt của họ… chúng ta mới phần nào thấu cảm được những nối đau khi mất đi sức khoẻ hay người thân. Thực sự nhiều lúc tôi chỉ muốn "gào thét" lên cho những ai đó còn ở ngoài kia, rằng hãy biết trân trọng sức khoẻ và mạng sống của chính mình, rằng hãy thay đổi những thói quen sống không tốt và dừng đánh đổi sức khoẻ lấy một chút tiền tài địa vị, rằng hãy chủ động đi khám xét và chăm sóc sức khoẻ của mình… Vì tôi hiểu rằng, khi sức khoẻ đã không còn, khi đã cận kề cái chết do bệnh tật, tiền chỉ còn là giấy và danh vọng chỉ còn lại là phù du.

Tôi đã quan sát rất kỹ lối sống của người dân mình và mạn phép xin được chỉ ra "10 HIỆN TRẠNG MANG TÍNH CĂN NGUYÊN" góp phần gây nên những vấn đề sức khoẻ quá mức hiện nay. Ở đây chỉ nói những nội dung mà chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi, tôi không nhắc đến nhóm nguyên nhân khách quan như ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí, bức xạ) hay biến đổi khí hậu.

Anh chị hãy đọc và xem có thấy mình trong đó hay không, anh chị nhé! 

1. QUÁ DỄ DÃI TRONG ĂN UỐNG: Ai cũng biết rằng, rất nhiều bệnh tật từ miệng vào. Biết vậy những có mấy ai quan tâm đến những gì ta cho vào miệng hằng ngày? Rất nhiều người đang chỉ biết rằng "mình thích là được, mình thấy ngon miệng là ok", chính lối suy nghĩ đó sẽ "bắt" những người ấy phải trả giá bằng sức khoẻ, bằng mạng sống. Trà đá - nhân trần vỉa hè, tương ớt - hắc xì dầu không rõ nguồn gốc, quẩy - hành phi ở quán, lẩu vỉa hè, rượu cuốc lủi, lạp xưởng, sườn - thịt xiên nướng, chân gà tẩm ướp nướng, rau củ quả nướng cháy, đồ nhậu quán bia, tiết canh, các loại gỏi...

Ngộ độc, tiêu chảy, suy gan thận cấp tính, sán lá gan (thậm chí sán trong não, sán trong cột sống), ung thư đường tiêu hoá, ung thư gan… nguyên nhân ít nhiều cũng từ đây mà ra, anh chị ạ. Thực trạng ở đất nước chúng ta hiện nay ai cũng biết: Nguyên vật liệu, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất bảo quản phụ gia… chưa được kiểm duyệt đầy đủ. 

Vậy nên tôi khuyên mọi người chỉ nên dùng những gia vị thiên nhiên như ớt tươi, tỏi, chanh, dấm, tiêu nguyên hạt, các loại rau thơm tươi... trong bữa ăn hằng ngày. Những gia vị khác, nếu tự làm hoặc biết rõ nguồn gốc, hãy sử dụng. Còn đồ nướng, chúng ta đang sử dụng quá nhiều, rất không tốt, anh chị ạ. Và không bữa cơm nào lành mạnh, ấm cúng, sức khoẻ bằng chính gia đình mình lựa chọn, chuẩn bị.

2. CHÚNG TA ĐANG ĂN UỐNG QUÁ NHIỀU: Chào bình minh lo ăn sáng cafe, hơn 10h trưa đã loay xoay nghĩ đi ăn gì, tối về nhậu. Cơ thể chúng ta không cần nhiều thức ăn đến vậy, anh chị ạ. Mọi người thường chào nhau với câu cửa miệng "Hôm nào ngồi nhậu bữa nhé". Có quan trọng gì đâu phải không anh chị? Có duyên thì sẽ gặp trong cuộc đời này, hẹn nhậu làm chi. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong ngày, tôi khuyên anh chị tập trung vào bữa sáng thật chu đáo và đủ đầy. 

Vì đó là nguồn năng lượng chính cho cả một ngày dài bận rộn, bữa trưa ăn nhẹ, bữa tối thì rất hạn chế, vì khi anh chị mang một dạ dày đầy thức ăn lên giường ngủ, chỉ làm tồi tệ hơn hệ tiêu hoá cũng như các bệnh toàn thân của anh chị mà thôi, buổi tối cơ thể chúng ta cần rất ít năng lượng. Ngoài việc ăn uống quá nhiều, chúng ta còn có một số "sai lầm" trong ăn uống đi kèm như ăn sáng thì ít mà ăn tối nhậu đêm quá nhiều (thực tế cần làm ngược lại mới tốt cho sức khoẻ), thích xào-rán-quay-nướng thay vì hấp-luộc-kho-nấu canh, sử dụng nhiều nước ngọt đóng chai để "chiều phỉnh" con trẻ thay vì nước lọc, nước trái cây tươi, dùng thịt quá nhiều thay vì rau củ quả, thích đồ hộp đóng sẵn rất "Tây" như sườn cừu, thịt hun khói, dăm bông, thịt nguội… thay vì những bữa cơm gia đình tự nấu. 

Những sai lệch đó về lâu dài sẽ làm chúng ta loét dạ dày, phệ bụng, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ và cả tăng mỡ máu, rối loạn chuyển hoá, gout, trẻ em béo phì.

3. LƯỜI VẬN ĐỘNG QUÁ MỨC: Mọi người thời sinh viên hay thanh niên đôi mươi có thể thao chút ít nhưng mặc nhiên khi ra trường, đi làm, lập gia đình vợ con là tự cho phép mình không cần thể thao và suy nghĩ rằng đương nhiên cơ thể luôn khoẻ mạnh. Lý do thì vô cùng, nhưng cơ bản là mỗi chúng ta đang quá lười, thích hưởng thụ mà không chịu rèn giũa bản thân, nhiều người còn tỏ ra thích thú vì… bụng phệ, cổ ngấn nhưng ví dày. Họ lấy đó làm "tự hào" để chứng tỏ mình là boss, chứng tỏ mình thành đạt, lắm tiền. 

Khi bước qua tuổi 40, anh chị sẽ cảm nhận rõ sức khoẻ của mình "lao dốc" nhanh đến mức nào. Đến lúc đó, chúng ta sẽ không kịp "quay đầu" trở lại hoặc tiền bạc bao nhiêu cũng không mua nổi sức khoẻ nữa, anh chị ạ. Không vận động thể thao là đang tự giết mình, anh chị nhé! Tôi chứng kiến rất nhiều người đi lên tầng 3, 4 của toà nhà cũng chờ thang máy dù có thể 5, 7 phút sau thang mới xuống, nếu quá bận rộn sao anh chị không tranh thủ những lúc như vậy để đi thang bộ vận động thể chất 1 chút? Hoặc trước khi đi tắm, các chị sao không tranh thủ vận động 30’ với gym, yoga, suối nguồn tươi trẻ… tại nhà hoặc các nam nhi không làm dăm chục quả hít đất, tạ tay hay hít vài chục cái xà đơn, dăm ba chục cái gập cơ bụng… Rất có ý nghĩa cho sức khoẻ đó, anh chị ạ.

4. AI ĐÓ ĐANG… NGHIỆN RƯỢU mà không hề hay biết: Đó chính là sự thèm muốn ngồi tụ tập với nhau mỗi ngày, rất khó để về nhà ăn tối cùng gia đình trong vài bà ngày liên tiếp. Lấy lý do tiếp khách, gặp gỡ bạn bè… để cho mình được đi ăn nhậu, được say. 

Thêm nữa, đó là "tệ nạn" hút thuốc lá. Hình ảnh quen thuộc hiện nay, khi rượu vào, thuốc lá sẽ phì phèo, vậy là ta "đẳng cấp". Anh chị có biết, tác hại của thuốc lá tăng lên rất nhiều lần khi dùng cùng rượu bia. Với thể hình thấp bé, ăn uống vô tổ chức, không tập thể dục… thanh niên chúng ta chỉ còn là nô lệ cho bia rượu mà thôi. 

Với đất nước mình, sẽ không sai khi nói tệ nạn ngày trước là cần sa, còn bây giờ là bia rượu thuốc lá, anh chị ạ. Nhiều thanh niên mới 30-35 tuổi nhưng khi gặp bác sĩ không thể nhận ra. Hàm răng vàng triết do khói thuốc, mái tóc xơ cứng, da nhăn lưng gù cơ nhão, thần thái sức sống không còn… Tất cả cũng vì ăn nhậu phá sức, sống quá dễ dãi với bản thân mình, anh chị ạ. Nhìn vào đó, chúng ta mong đợi điều gì tốt đẹp ở tương lai?

5. Có bao nhiêu % trong số anh chị chủ động đi KIỂM TRA SỨC KHOẺ ĐỊNH KỲ và có QUỸ SỨC KHOẺ HẰNG NĂM? Khi khám bệnh, tôi thường tư vấn bệnh nhân nên chủ động đi nội soi đường tiêu hoá, khám sản phụ khoa, chụp X-quang phổi, siêu âm kiểm tra các cơ quan bộ phận… định kỳ hằng năm, tuy nhiên không ít lần bệnh nhân cho biết "Hiện không thấy có triệu chứng gì nên tôi chưa muốn đi kiểm tra". 

Khi còn những suy nghĩ như vậy thì bệnh tật của chúng ta còn nặng nề và muộn màng lắm, anh chị ạ. Tôi ví dụ với những khối u đường tiêu hoá, đợi đến lúc ta ăn không ngon miệng, gầy sút cân, đi ngoài phân đen thậm chí là tắc ruột… thì khối u đã phát triển hằng năm rồi, bệnh đã ở giai đoạn muộn lắm rồi. 

Sự thành công của điều trị chủ yếu dựa vào việc dự phòng cũng như chủ động đi tầm soát, kiểm tra và phát hiện bệnh khi tổn thương còn rất sớm. Thậm chí ở một số nước phát triển, người ta còn chủ động cắt dạ dày khi có những tổn thương nguy cơ ung thư hoá cao, hoặc chủ động phẫu thuật cắt vú khi bệnh nhân có tiền sử gia đình và hệ gene nguy cơ cao mắc ung thư vú. 

Thành lập "Quỹ sức khoẻ gia đình hằng năm" khác với tích tiền để đề phòng lúc ốm đau bệnh tật, anh chị ạ. Tích tiền để đề phòng lúc ốm đau nghĩa là chúng ta luôn ở thế bị động, chấp nhận khi có bệnh xảy đến, chúng ta lấy số tiền đó đi chữa trị. Ai cũng hiểu rằng, đợi bệnh xảy đến rồi đi chữa nghĩa là ta đang giải quyết khúc cuối của con đường bệnh tật, vô cùng tốn kém mà nhiều lúc còn không cứu được mạng sống. 

Với quỹ sức khoẻ gia đình, mỗi năm ta chủ động trích một số tiền nhất định đi kiểm tra, bảo dưỡng, chủ động "đi tắt đón đầu" bệnh tật và giải quyết nó khi còn trong "trứng nước", hiệu quả chữa trị sẽ cao hơn và kinh phí cũng ít hơn, phải không anh chị? Mua sắm áo quần giầy dép dăm mười triệu chúng ta dễ dàng xuất toán, khám chữa bệnh vài triệu ai đó đã so đo… Bệnh nhân sẽ còn nhiều khi suy nghĩ này đang là phổ biến, anh chị ạ. Tôi mạnh dạn nói ra như vậy. 

6. DÙNG THUỐC CHỮA BỆNH KHÔNG KIỂM SOÁT: Xin anh chị hiểu, thuốc tây là hoá chất tổng hợp, không "bổ béo" gì ở đây cả. Nó là con dao hai lưỡi. Còn thuốc nam, thuốc lá, thuốc gia truyền… đều có rất nhiều những thành phần pha trộn, còn hàm lượng thì chúng ta càng không thể kiểm soát. Thêm nữa, mọi người thường rất nhanh lựa chọn uống thuốc - chữa bệnh ngay khi có triệu chứng, trong khi việc thăm khám, chẩn đoán chưa được thực hiện, bác sĩ hỏi bị bệnh gì cũng không biết. Đây là vấn đề nhức nhối của người dân mình. 

Trước khi chữa trị, điều đầu tiên chúng ta cần biết đó là chúng ta đang bị bệnh gì, đây là nguyên tắc tối thiểu đầu tiên, anh chị ạ. Có không ít bệnh nhân đến phòng khám kêu than vì đau cột sống, đi chữa trị khắp nơi nhưng không đỡ, vậy mà khi bác sĩ hỏi bị bệnh gì, phim ảnh chụp đâu rồi thì chỉ nhận lại được câu trả lời ú ớ, phim chưa chụp hoặc chỉ vài tấm X-quang đơn giản đã chụp từ lâu. 

Trước khi bắt đầu điều trị, tôi khuyên anh chị nên hỏi những câu này với nhân viên y tế: Tôi bị bệnh gì? Mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng của bệnh đến sức khoẻ? Các hướng điều trị và tiên lượng? Thuốc, giải pháp điều trị có những ưu nhược điểm gì? Nếu thấy mọi thứ rõ ràng và tin tưởng, chúng ta mới bắt đầu quá trình chữa trị, anh chị nhé!

7. Chúng ta TIẾP XÚC QUÁ NHIỀU ĐỒ NHỰA mỗi ngày. Cùng với ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thực phẩm thì "lạm dụng" nhựa trong cuộc sống cũng đang vô tình làm sức khoẻ của chúng ta giảm sút nghiêm trọng. Túi bóng đựng xôi, đựng nước canh, bún, bát nhựa đựng đồ ăn ở nhà, hộp nhựa bảo quản thực phẩm, ống hút nhựa… chưa kể đến đồ nhựa chúng ta tiếp xúc hằng ngày qua áo quần, gfiay dép, bàn chải đánh răng, bàn ghế ngồi… 

Tôi đã từng chia sẻ nghiên cứu của giáo sư người Hà Lan về hạt bụi nhựa, khi tiếp xúc, sử dụng đồ nhựa thì những hạt bụi nhựa li ti sẽ vào cơ thể chúng ta và gây ra những rối loạn, tổn thương không thể sửa chữa. Tôi khuyên anh chị, đẳng cấp thì sử dụng đồ sứ, thuỷ tinh, dân dã thì sành, sứ, túi vải, túi cói, túi mây đan, túi giấy, nắm lá chuối và tuyệt đối không dùng đồ nhựa đựng - bảo quản thực phẩm đồ ăn, anh chị nhé!

8. Chúng ta đang SỐNG VỚI BÊ TÔNG - ĐIỀU HOÀ: Trong năm qua anh chị đã cho các cháu về với núi rừng, ra với biển hay đơn giản hơn, ra ngoại ô chơi được mấy lần? Hay chủ yếu cuối tuần anh chị cùng các cháu đến các siêu thị, chợ, trung tâm mua sắm và suốt cả tháng trời sống trong điều hoà, máy lạnh, ngồi trên ô tô. 

Một ví dụ nhỏ thôi, anh chị có biết năm 2017 Hà Nội có bao nhiều ngày không khí đạt tiêu chuẩn không? Biết kết quả anh chị sẽ giật mình đó. Hãy cùng gia đình, con trẻ ra ngoại ô, chạy nhảy vui đùa cùng đất cát, cỏ cây, tự tay các cháu lấm bùn đất, bắt sâu bướm, hái hoa, hãy để chân trần của con trẻ chạy đùa trên đất cát... Những hoạt động đó giúp ích rất nhiều cho con trẻ và cả chính chúng ta trong việc làm sạch phổi, cần bằng cuộc sống, tránh tự kỉ, stress. 

Tôi biết có một nước Bắc Âu đã cho phép bác sĩ kê đơn "làm vườn, làm trang trại" hay "trồng hoa, chăn cừu" cho những bệnh nhân bị trầm cảm hay rối loạn về tinh thần, anh chị ạ. Họ đã sống xa rời thiên nhiên cỏ cây hoa lá quá lâu và đang "mắc kẹt" với thế giới hiện đại, với smartphone, với những màn hình led xuất hiện ở khắp nơi…

9. Chúng ta có đang STRESS? Tôi để ý thấy mọi người bây giờ rất dễ nổi cáu, văng tục, buông lời cay đắng với người khác khi có việc không hài lòng hoặc nụ cười tự nhiên, thân thiện cũng ít xuất hiện hơn. Sự giúp đỡ nhau trong cuộc sống, chìa bàn tay ra nâng đỡ nhau, tin tưởng nhau cũng khó khăn hơn. Khi sống gồng mình bon chen, giận dữ thù hận hay nghi ngờ đố kị, cơ thể chúng ta sẽ tự động sản xuất ra những hooc-môn nội sinh vô cùng độc hại, chúng gây rối loạn cơ thể và suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng, đó chính là căn nguyên của rất nhiều bệnh tật (cao huyết áp, tai biến, mất ngủ kéo dài, loét dạ dày, ung thư…). 

Kết quả sẽ ngược lại khi ta chọn lối sống nhẹ nhàng, thanh thản và sẵn sàng buông bỏ khi cần thiết, anh chị ạ. Với riêng tôi, tôi chọn thà người phụ ta nhưng ta không phụ người, ai đối xử không tốt với tôi, tôi chỉ nghĩ rằng, họ đã mất đi một người bạn.

10. KIẾN THỨC NỀN về sức khoẻ của anh chị đang ở đâu? Anh chị có biết? Cũng là quả trứng nhưng giá trị sức khoẻ sẽ vô cùng khác biệt khi chúng ta ăn chúng bằng cách luộc so với cách rán, cũng là bồi phụ nước nhưng sẽ khác nhau rất nhiều nếu như chúng ta ăn một quả dưa chuột, một quả cam so với cách chúng ta uống một cốc nước lọc đơn thuần hoặc chúng ta có biết với những ai bị bệnh tim mạch thì đạp xe, chạy bộ, bơi là những môn thể thao hàng đầu được lựa chọn.

Anh chị có thể dành rất nhiều thời gian để lướt web mua sắm, chém gió Facebook, buôn chuyện bạn bè nhưng lại dành rất ít thời gian cho việc tìm hiểu về ăn uống, về dinh dưỡng, về thể dục thể thao, về chăm sóc sức khoẻ… Thực sự mọi người đang phó thác vào hệ thống y tế, vào những người thầy thuốc: Nhiều người mặc định cơ thể mình được "Ăn chơi" và "Khai thác" không giới hạn, họ cũng nghĩ rằng nó sẽ ổn mãi, thậm chí tôi đã gặp những người chấp nhận "đánh đổi" sức khoẻ của mình để nhận về những khoản tài chính lớn, những cơ hội làm ăn, những địa vị mới. 

Họ cũng có ý nghĩ rằng, nếu chẳng may có chút vấn đề, đó là nhiệm vụ của người thầy thuốc, mình có tiền nên chắc sẽ ok hết. Thực sự đó là nếp nghĩ vô cùng không ổn. Ở đây có đôi điều tôi muốn chia sẻ:

➢ Người thầy thuốc chỉ có thể tư vấn, hỗ trợ và điều trị trong những trường hợp cơ thể chúng ta không đủ khả năng tự sửa chữa. Tuy nhiên khả năng của Y học và của người thầy thuốc cũng chỉ có giới hạn nào đó, không thể nào chữa được bách bệnh, nên khi mọi người để tình trạng cơ thể xuống cấp quá mức thì Y học bó tay, dù cho trong tay anh chị có trăm ngàn ngân lượng, lúc đó tiền cũng chỉ là tờ giấy mà thôi.

➢ Ở các nước văn minh hoặc với những ai hiểu biết, họ tìm hiểu và lắng nghe cơ thể mình mỗi ngày. Họ cũng vô cùng quan tâm và luôn chủ động đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Đó là điều chúng ta cần hướng đến, anh chị ạ.

Điều tôi gửi gắm cuối cùng: Xin đừng dễ dãi trong lối sống, lười nhác trong vận động, sai lầm trong ăn uống và cũng xin đừng đổ lỗi cho số phận, cho… gene (vì gene chỉ chiếm khoảng 1% căn nguyên của bệnh tật), anh chị nhé! Cơ bản, đời chúng ta do chính chúng ta định đoạt.

Theo Trí Thức Trẻ

Tags:
Về già, nỗi khổ lớn nhất không phải là không có tiền, mà là con cái quá tuổi 30 vẫn làm 2 việc này

Về già, nỗi khổ lớn nhất không phải là không có tiền, mà là con cái quá tuổi 30 vẫn làm 2 việc này

Về già, niềm hạnh phúc lớn nhất của phụ huynh là được nhìn con cái trưởng thành. Vì vậy, họ sẽ buồn chán, thất vọng khi con không thể sống tự lập, sống lệ thuộc vào cha mẹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất