Amazon vào Việt Nam cạnh tranh với Alibaba
Amazon chính thức loan báo bắt đầu dịch vụ bán các loại hàng hóa qua mạng tại Việt Nam nhằm cạnh tranh với tập đoàn Alibaba của Trung Quốc, theo hãng tin Nhật Nikkei hôm 12 Tháng Ba, 2018.
02:30 14/03/2018
Theo nguồn tin trên, đại công ty Mỹ bán hàng qua mạng đi khắp thế giới Amazon vừa hợp tác với hiệp hội bán hàng qua mạng tại Việt Nam (Vietnam E-commerce Association – VECOM). Tổ chức VECOM có 140 thành viên, lần đầu tiên hợp tác bán hàng trực tuyến với một đại công ty nước ngoài.
Sự hợp tác cũng giúp cho Amazon có thêm một số sản phẩm mới bán trên mạng của họ đi khắp thế giới và đồng thời cũng giúp các công ty địa phương phát triển ra nước ngoài nhờ một hệ thống cung cấp toàn cầu.
Nikkei thuật lời ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch VECOM cho hay nhóm của ông ta bắt đầu thảo luận với đại diện của Amazon từ năm ngoái về một cuộc hợp tác giúp Amazon thâm nhập thị trường Việt Nam.
Amazon dự trù công bố chi tiết kế hoạch vào ngày 14 Tháng Ba tới đây tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp Trực Tuyến Việt Nam 2018 dự trù sẽ diễn ra tại Hà Nội. Amazon tiến vào Việt Nam sau khi đã mở thêm chi nhánh hoạt động tại Singapore hồi năm ngoái.
Việc Amazon vào Việt Nam như vậy là sau chân Alibaba của Trung Quốc một bước. Alibaba vào Việt Nam từ năm ngoái, từng cho hay họ đã quy tụ được hàng chục ngàn doanh nghiệp hợp tác bán hàng chỉ trong vòng 6 tháng. Trong khi đó, mới chỉ có khoảng 200 công ty ở Việt Nam hợp tác bán hàng trên “chợ ảo” Amazon, theo khảo sát của phía nhà cầm quyền Việt Nam hồi năm ngoái.
Tập đoàn Trung Quốc cũng mua thêm cổ phần, tăng từ 51% lên 83% tại tập đoàn Lazada Group, một công ty bán hàng trực tuyến kinh doanh khu vực Đông Nam Á gồm cả Việt Nam. Theo tin tức, Lazada chiếm khoảng 30% thị trường bán hàng trên mạng tại Việt Nam. Nhờ đó, Alibaba nhanh chóng thâm nhập thị trường bán hàng trực tuyến ở Việt Nam.
Theo những cuộc nghiên cứu mới đây của công ty khảo cứu Kantar Worldpanel, thị trường bán hàng qua mạng internet đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Ước lượng dịch vụ bán hàng trực tuyến sẽ gia tăng năm nay lối 25% so với năm ngoái và còn gia tăng thêm nữa ở những năm kế tiếp. Người ta cũng ước lượng thương vụ trực tuyến sẽ lên đến 10 tỉ đô la vào năm 2020 tức khoảng 5% trị giá hàng hóa bán lẻ trên cả nước.
Hơn 90% tài chính đầu tư vào kỹ nghệ bán hàng trực tuyến đến từ các nhà đầu tư ngoại quốc, phần lớn là từ Trung Quốc, Hàn quốc và Thái Lan. Những tên tuổi quen thuộc ở Việt Nam được thấy đề cập như Lazada, Tiki, Vatgia, Hotdeal, Shopee, Nguyenkim, Adayroi, Thegioididong, Sendo, FPT shop và Careerlink.
Amazon chính thức đổ bộ vào Việt Nam
Tuần tới, đại gia Mỹ sẽ khởi đầu cho màn gia nhập bằng một chương trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.