Ăn Tết ở Mỹ
Tôi vẫn bảo người ta có hoa ở tay còn tôi có hoa ở chân. Tôi đi nhiều, cứ sểnh ra là đi, kể cả những năm tháng bận rộn, khi còn ở trong độ tuổi 8 giờ nhân 5 ngày vàng ngọc thì tôi cũng thu xếp để có các chuyến đi.
11:30 15/01/2020
Người ta váy xống túi giày hàng hiệu, tôi không thứ đó, ăn uống cũng giản tiện, tiền chỉ dành cho các chuyến đi, hoặc gần hoặc xa…
Tác giả và hoa anh đào nở vào dịp mùa xuân ở Mỹ.
Từ giáo dục…
Tôi có con gái lập gia đình ở Mỹ, con của nó đứa đang học tiểu học và một đứa trung học. Con rể và con gái đều làm ở lĩnh vực giáo dục, vì thế nên tôi có dịp quan sát khá kỹ về nhà trường, thầy cô và cách giáo dục của người Mỹ. Nếu một vài trường học ở New York mà tôi đã có dịp đến thăm có diện tích nhỏ, nằm cạnh các tổ hợp dân cư thì còn lại các trường học trên đất Mỹ đều biệt lập.
Nổi tiếng như Harvard, Princeton, Yale, Chicago hay Standford gần nhà con gái tôi đều là những trường có diện tích rất rộng. Stanford tới hơn 8.000 mẫu (mẫu Anh tương đương km2).
Trong khuôn viên trường Standford có đủ hết các chương trình cho sinh viên cùng với một trung tâm y khoa nổi tiếng với nhiều trung tâm nghiên cứu dự án khoa học ngành y và dự án phục vụ ngành y. Trong trường có cả trung tâm nghiên cứu sinh học biển, có vườn cây với đủ loại cây được đem về từ khắp các vùng đặc trưng của thế giới, có sân golf, sân bóng, hồ nước, vườn hoa… và ký túc xá cùng căng – tin… Các trường trung học, tiểu học không lớn nhưng cũng nhiều cây xanh, vườn hoa và các nhà thể chất, có các studio cho trẻ em được tập làm quen với các sáng tạo và được hướng dẫn những thực nghiệm.
Trẻ em Mỹ không phải đóng tiền học, chỉ khi học các trường năng khiếu (vừa văn hóa vừa nghệ thuật thì phải đóng tiền, nhưng em nào giỏi thì được cấp học bổng), đại học phải đóng học phí. Từ tiểu học, học sinh đã được nhà trường khuyến khích tự do biểu đạt ý kiến. Trẻ em ngay từ khi còn nhỏ đã tiếp nhận một nền văn hóa, trong đó mọi ứng xử dựa trên nền tảng của nhận thức về đạo đức có giá trị phổ quát toàn nhân loại của bố mẹ, xóm giềng và các quan hệ gần gũi khác.
Khi chúng được khuyến khích tự do biểu đạt không có nghĩa là chúng biểu đạt những điều thô lỗ mà là biểu đạt cái cá nhân nó nhận thấy, phù hợp với nhận thức và cá tính nên những biểu đạt đó nhiều khi đem đến cho thầy cô và các bạn những ngạc nhiên thú vị. Đó cũng là nền móng tư duy của sinh viên đại học và sau này của các nhà khoa học, của các nghệ sĩ. Nó cũng tiếp tục đóng góp vào nền móng của đạo đức xã hội, sản sinh ra những con người không dối trá, không để bụng thù ghét (vì có gì thì đã nói ra và được giải quyết rồi…). Không bị khuôn khổ hóa tư duy, người Mỹ có thể phát triển tối đa những khả năng của họ, nhờ thế mà nước Mỹ có một nền kinh tế hùng mạnh bậc nhất thế giới…
Chợ hoa ngày Tết.
… Đến y tế…
Mỹ là quốc gia với nền y khoa tiến bộ nhất thế giới. Bệnh viện có khuôn viên nhiều cây xanh, nhiều hoa và đẹp, sạch không thể chê vào đâu được. Bệnh viện cũng đầy đủ máy móc y khoa tối tân nhất, bệnh nhân được đối xử trân trọng, bác sĩ lịch sự, tận tình với bệnh nhân hết mực.
Tuy nhiên, đừng bao giờ ốm ở Mỹ…Trừ thực phẩm chức năng được bán trong cửa hàng bách hóa (siêu thị), ngoài ra, 1 viên thuốc tẩy giun ở Mỹ cũng phải có đơn kê của bác sĩ. Một ca đẻ ở đây trung bình từ 150.000 – 250.000usd. Mổ ruột thừa 60.000 hay cắt amidan là 40.000usd. Một hàng xóm cũ của con gái tôi bị đau thắt ngực, là người Malaysia lần đầu sang Mỹ sống, chồng người Mỹ nhưng mới kết hôn chưa hiểu nhiều về tiền sử bệnh tật của vợ, đưa vợ vào bệnh viện, chỉ khám thôi và nằm theo dõi 3 ngày, viện phí tổng thể phải trả 21.000usd bao gồm gọi xe cấp cứu, thử 3 mẫu máu, khám và nằm theo dõi 3 ngày. Do bảo hiểm mua ở mức thấp (50usd/tháng) nên chị phải trả 14.000usd…
Nếu mua mức 600usd/tháng/người thì chỉ phải trả tất cả 500usd thôi. Nhưng chi trả bảo hiểm 1 năm 7.200usd là cả vấn đề không nhỏ, hết năm là hết hiệu lực, mà năm ấy có khi chả ốm tẹo nào nên cũng có người không muốn mua… (Người Mỹ quả là chả mấy khi ốm, không gian rộng rãi, bốn mùa khí hậu dù có rét hay nóng bao nhiêu thì hầu hết họ đều ở trong nhà, văn phòng hay di chuyển trong ôtô. Các không gian đó được điều hòa, khí thải đã có rừng và cây xanh thanh lọc). Nhưng với trách nhiệm xã hội, 85% người Mỹ vẫn mua bảo hiểm, họ nghĩ, bù cho các công ty bảo hiểm thanh toán cho những người bệnh nghèo, các bệnh viện chữa cho người không bảo hiểm. Những người đó bệnh viện không được phép từ chối, cũng không được chữa qua loa. Tuy nhiên, chỉ với người không có bất kỳ tài sản nào còn lại, nhất thiết phải thanh toán hoặc suốt đời, hoặc phải bán nhà, tuyên bố phá sản…
Nước Mỹ mức sống gần như cao nhất thế giới, nhưng cũng có tới khoảng 40 triệu người chiếm 15% dân số không có bảo hiểm y tế, những người đó luôn sống trong sợ hãi khi có bệnh. Hệ thống y tế Mỹ hầu hết là tư nhân. Người Mỹ sống theo pháp luật, mọi khiếu nại của người dân đều được pháp luật xem xét cặn kẽ, bất kỳ điều gì trái với pháp luật dù tư nhân hay nhà nước đều bị xét xử…
Mâm ngũ quả ngày Tết của tại Mỹ.
Thu nhập và phong cách sống của người Mỹ
Có diện tích gần 10.000.000km2, dân số chừng 325.000.000 người, trong đó gần 80% da trắng, hơn 13% da đen, 5,6% da vàng… nhưng người Mỹ ngày nay không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng. Nước Mỹ có tới 69% Kito hữu và những phần trăm còn lại theo các tôn giáo khác, cũng có Phật giáo… Giao tiếp với nhau không ai tỏ ra mình giàu hay nghèo, địa vị xã hội thế nào, bán hàng siêu thị cũng không bị phân biệt với giáo sư, nghệ sĩ…
Các gia đình cũng giáo dục con cái: chọn cái gì hợp sở thích để có hiệu quả và hiệu quả luôn đồng thời với sự tôn trọng của đồng nghiệp. Tuy không phân biệt địa vị xã hội nhưng những người có tài, những người có nghề, chuyên môn cao vẫn được xung quanh nể trọng hơn. 1% dân số nước Mỹ có thu nhập trung bình từ 300.000usd/ năm. Trong số này có luật sư, bác sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu, doanh nhân, nghệ sĩ… Số người có thu nhập từ 100.000 – 200.000usd là tầng lớp trung lưu, số còn lại nằm ở mức thu nhập khoảng 70.000usd/người/năm. Một cặp vợ chồng thu nhập trên dưới 100.000usd thì họ sẽ bàn nhau, hoặc chồng hoặc vợ nghỉ ở nhà để chăm con cái. Họ coi đó là đầu tư cho tương lai. Họ rất coi trọng việc dạy con thành người. Càng giàu có (thu nhập cao) họ càng nghĩ đến văn hóa. Những người giàu không tiếc tiền chi cho giáo dục, cho thể thao, âm nhạc, hội họa và du lịch, sức khỏe tuổi già và đóng góp vào các giá trị văn hóa cộng đồng. Người càng giàu càng không mấy thể hiện ra bên ngoài: đồng hồ đắt tiền, thời trang hàng hiệu, ôtô sang…
Ngược lại, cũng có nhưng không nhiều những người thu nhập thấp lại ham sử dụng hàng hóa xa xỉ mà không chú trọng đến các giá trị tinh thần… Người Mỹ cực kỳ sạch sẽ. Bếp và khu vệ sinh không một vết bẩn. Nhà luôn được thiết kế hài hòa trong một không gian có cây, có hoa, có bàn ăn ngoài trời. Ngay cả New York chỉ toàn những tòa nhà chọc trời, hộ chung cư nhưng không gian cho nó vẫn được chú ý cẩn trọng với yếu tố không gian. Đàn ông Mỹ chia sẻ công việc bế con, chăm con, nấu ăn, làm việc nhà với vợ. Các gia đình đều tồn tại trong tình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, nếu không còn điều đó, họ sẽ chia tay nhưng vẫn trách nhiệm với nhau chuyện con cái sau ly hôn, là bạn của nhau cho dù mỗi người đã kết hôn với người khác… Việc lập hợp đồng tài sản trước hôn nhân không ảnh hưởng đến tình cảm của đôi uyên ương. Sống chung nhưng rõ ràng, rành mạch các khoản chi và mỗi người có thể vẫn giữ tài khoản của riêng mình. Điều đó không ảnh hưởng gì đến quan niệm “sống cho tình yêu” của họ. Cũng như hai người hoặc một trong hai người trước khi kết hôn đã có yêu, từng yêu hay có con riêng cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống hôn nhân hiện tại. Văn hóa và quan niệm đạo đức đã khiến họ sống nhân bản và dễ chịu với nhau…
Thời tiết ở trong cùng nước Mỹ khác nhau vì nước Mỹ rất rộng. Đã mùa xuân rồi mà ở bờ Đông như Chicago hay New York vẫn có tuyết, nhiệt độ có khi dưới âm trong vài tháng, nhưng ở bờ Tây, Cali và vùng Santa Cruz, con gái tôi ở nhiệt độ vẫn trung bình chừng 10oC vào ban ngày. Nhà đốt lò sưởi chừng 3 giờ lúc tối là đủ ấm suốt đêm. Mùa đông ít hoa quả, chỉ mùa hè là nhiều. Mùa xuân nhiều hoa anh đào. Hoa anh đào cánh to, đầy sức sống, đủ các loại, các màu chẳng kém gì hoa anh đào nước Nhật. Sang Mỹ nhiều lần nhưng lần này tôi mới ở ăn Tết. Tết cũng nhộn nhịp mua sắm trước đó, nhưng là họ mua để tặng lẫn nhau theo truyền thống, có danh sách sẵn chứ không phải lĩnh lương xong mua nhiều thực phẩm rồi ăn không hết thừa mứa, đổ đi như nhiều gia đình ở ta…
Người Mỹ vui nhất từ lễ Thanksgiving cuối tháng 11, qua Giáng sinh đến 1/1 dương lịch. Nhà, vườn cá nhân, khu công cộng thành phố hay thị trấn, nông thôn đều có cây thông và đèn thắp sáng, hoa rất nhiều và rất đẹp cho ngày Tết. Thời tiết lạnh, không khí sạch nên hoa tươi đến nửa tháng không hỏng… Tết cũng chúc nhau may mắn, hạnh phúc, sức khỏe… Ở Los Angeles hay San Jose rất đông người Việt trong tổng gần 2 triệu Việt kiều Mỹ ăn Tết âm lịch, tết Việt với phong tục, nghi thức và món ăn tương tự như ở trong nước. Chợ ở những nơi đó có đủ giò chả, măng miến, mộc nhĩ nấm hương, bánh chưng gạo tám… Lại có những người Việt đủ tiêu chuẩn thẻ xanh nhưng không ở lại Mỹ dù nước Mỹ có nhiều điều tích cực. Phần vì quê hương đất nước khó rời xa, phần vì dẫu có thu nhập dăm bảy ngàn usd 1 tháng thì chi phí bình quân hàng tháng cũng rất nhiều. Trong số đó, không phải ai cũng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh mà không giao tiếp được, đọc được thì làm sao hội nhập được để vui sống? Điều sợ nhất là lỡ phải đi bệnh viện thì chả biết nói thế nào, mua thuốc gì…
Bị kẻ lạ mặt gọi đúng tên và đòi đón con gái về nhà, ông bố cảnh báo tới các cha mẹ hãy cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội
Làm cha mẹ trong thời đại 4.0, các bậc phụ huynh cần thận trọng hơn khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin liên quan tới con.