Anh báo động về nạn nô lệ người Việt tại các tiệm làm móng
Nhiều người Việt nhập cư trái phép vào Anh đang bị bóc lột như nô lệ tại các tiệm làm móng.
00:12 15/09/2017
Tiệm làm móng ở thành phố Bath, Somerset, phía tây nam nước Anh đóng cửa hồi tháng ba sau khi chủ tiệm bị cáo buộc âm mưu kiểm soát người lao động nhằm mục đích bóc lột. Ảnh: ITV.
Các tổ chức độc lập chống nạn buôn người kêu gọi chính phủ Anh siết chặt quản lý các tiệm làm móng để ngăn chặn tình trạng người lao động nhập cư trái phép, trong số đó có nhiều người Việt Nam, bị bóc lột như nô lệ, Guardian đưa tin.
Bản báo cáo vừa công bố ngày 11/9 của Kevin Hyland, một ủy viên độc lập hoạt động chống lại vấn nạn nô lệ thời hiện đại, đã vẽ nên bức tranh chi tiết về thực trạng lao động Việt Nam tìm cách nhập cư trái phép vào Anh, đồng thời nhấn mạnh ngày càng nhiều người Việt bị bóc lột tại các cửa hàng làm móng và trang trại trồng cần sa trên khắp nước Anh. Thậm chí, bản báo cáo còn đưa ra các bằng chứng cho thấy một số người bị bắt cóc vào Anh.
Dù chưa có con số thống kê chính xác, Việt Nam luôn là quốc gia đứng đầu hoặc đứng thứ hai về số lượng lao động nhập cư trái phép, hơn một nửa trong số đó là trẻ em chưa đến tuổi thành niên, theo cảnh sát chống nạn buôn bán người.
Trong khoảng 10 năm qua, cộng đồng ở Anh được "đặc biệt biết đến trong khu vực dịch vụ làm móng", theo ủy viên Hyland, người được Thủ tướng Theresa May bổ nhiệm là cố vấn đầu tiên của chính phủ chuyên trách các vấn đề liên quan đến nạn buôn người.
Theo ông Hyland, hầu hết các cửa tiệm làm móng chỉ chấp nhận giao dịch và thanh toán bằng tiền mặt. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý.
"Đây là một loại hình tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức. Con người bị đem ra mua bán như một món hàng", ông Hyland viết trong báo cáo. "Chúng tôi nhận thấy mối liên hệ nhất quán giữa các tiệm làm móng và hoạt động nhập cư trái phép. Chúng tôi biết có những kẻ đang nuôi dưỡng và bơm tiền cho tội phạm có tổ chức này".
Các nhân viên làm móng làm việc 6 ngày một tuần và ít nhất 8 giờ mỗi ngày. Họ thường ở chen chúc với nhau tại một nơi do chủ sắp xếp. Hầu hết người lao động trong các tiệm làm móng là trẻ vị thành niên.
"Một nạn nhân bị ép phải làm việc đủ 7 ngày từ sáng tới 6h hoặc 7h tối với mức lương 30 bảng (gần 40 USD) mỗi tuần", cảnh sát cho biết.
Một nạn nhân khác, là trẻ mồ côi ở , bị các tay buôn người lừa sang Anh. Sau khi tới Anh, cậu bé bị khóa trái trong phòng để học cách sơn móng tay. Khi đã thạo nghề, cậu buộc phải làm một lúc cho hai cửa tiệm với mức lương 8 USD mỗi giờ. Tuy nhiên, "thay vì được giữ số tiền công, cậu phải nộp lại cho các tay buôn người, những kẻ hàng ngày đưa đón cậu đi làm và giam cầm cậu (sau giờ làm việc)".
Chính quyền địa phương đã đóng cửa một tiệm làm móng ở thành phố Bath, Somerset, phía tây nam nước Anh hồi tháng ba và chủ người Việt bị buộc tội có âm mưu kiểm soát người lao động nhằm mục đích bóc lột và tổ chức hoặc thúc đẩy hoạt động đưa phụ nữ trái phép vào Anh.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực đối phó với vấn nạn này vẫn chưa hiệu quả do công tác quản lý ngành kinh doanh dịch vụ làm móng ở Anh còn lỏng lẻo, báo cáo kết luận. Ngược lại, tại New York, Mỹ, thị trưởng thành phố đã áp dụng một loạt các biện pháp để đảm bảo nhân viên làm móng không bị bóc lột và được trả công không dưới mức lương tối thiểu. Các cửa tiệm đồng thời phải trình ra được "giấy chứng nhận về quyền" của người lao động bằng nhiều thứ tiếng.
Trong khi chưa có chế tài quản lý chặt chẽ, chuyên gia Hyland kêu gọi những khách hàng đi làm móng để ý tới hoạt động của các cơ sở kinh doanh.
"Nhiều người cứ nghĩ rằng nếu tiệm làm móng mà họ thường ghé qua mà hoạt động bất hợp pháp thì hẳn là chính quyền phải cho đóng cửa rồi", Hyland cho rằng công chúng cảm thấy "bối rối" trước vấn nạn này.
Ủy viên Hyland liệt kê ra các dấu hiệu đáng ngờ như nhân viên trẻ, giá dịch vụ thấp, thay lao động liên tục, quản lý cửa tiệm có thái độ kiểm soát nhân viên hoặc nhân viên của tiệm hoàn toàn không thể giao tiếp bằng tiếng Anh.
"Nếu nhận thấy một loạt những dấu hiệu như thế, hãy báo cho cảnh sát, cơ quan chức năng địa phương, hoặc gọi vào đường dây nóng ngăn chặn hoạt động tội phạm và nạn nô lệ hiện đại", ông Hyland gợi ý.
Các tổ chức thiện nguyện chống nạn buôn người ngày càng lưu tâm tới thực trạng vận chuyển người Việt trái phép tới Anh. Vào năm 2015, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, ông David Cameron, trong một chuyến thăm Việt Nam đã nêu ra vấn đề này để cả hai bên cùng giải quyết. Lực lượng cảnh sát Anh cũng liên tục triệt phá các trang trại trồng cần sa sử dụng lao động người Việt. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều người Việt đang bị bóc lột như nô lệ tại các tiệm làm móng ở Anh. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một tên tội phạm buôn người nào bị truy tố.
Người mẫu Anh bị bắt cóc, rao bán như nô lệ tình dục
Một người mẫu Anh bị đánh thuốc, bắt cóc rồi bị một nhóm tội phạm bán đấu giá như nô lệ tình dục trên web đen đã thuật lại chuyện cô thoát nạn thế nào