Ảnh chụp nCoV nhân lên trong tế bào ruột
Các nhà khoa học công bố ảnh chụp chi tiết cho thấy nCoV có thể lây nhiễm và nhân lên ở tế bào ruột người.
14:00 05/05/2020
Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Khoa học Đời sống thuộc Đại học Dundee, Hà Lan, chia sẻ một số ảnh chụp nCoV ở mô ruột người nuôi cấy trong phòng thí nghiệm (organoid). Mỗi bức ảnh có dung lượng hơn 30 - 50 gigabyte, lớn gấp 500 - 1.000 lần so với ảnh chụp bằng điện thoại iPhone. Loạt ảnh hé lộ quá trình virus điều khiển bộ máy trong tế bào ruột để lắp ráp bản sao và chuẩn bị lây nhiễm sang tế bào khác.
Các nhà nghiên cứu đứng đầu là giáo sư sinh học tế bào định lượng Jason Swedlow ở Đại học Dundee xây dựng Nguồn dữ liệu ảnh (IDR), hệ thống lưu trữ các bức ảnh rất lớn và phức tạp tạo bởi kính hiển vi và hệ thống chụp ảnh mạnh nhất thế giới. Cùng với Viện Hubrecht ở Utrecht, Trung tâm Y khoa Đại học Erasmus ở Rotterdam và Đại học Maastricht, Hà Lan, họ phát hiện nCoV có thể lây nhiễm sang tế bào ruột và nhân lên ở đó.
Sử dụng organoid, nhóm nghiên cứu quốc tế nuôi thành công virus trong ống nghiệm và theo dõi phản ứng của tế bào đối với virus. Phát hiện giúp giải thích tại sao 1/3 bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng dạ dày - ruột như tiêu chảy và nCoV thường được phát hiện trong mẫu phân rất lâu sau khi các triệu chứng hô hấp thuyên giảm.
"Chúng tôi rất vui mừng khi công bố bộ dữ liệu mới quan trọng trong IDR, nơi các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới có thể xem cận cảnh nCoV trên máy tính của họ. Việc chia sẻ dữ liệu có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết trong tình huống hiện nay. Chúng ta cần hợp tác để tìm hiểu nhiều hơn về dịch bệnh và tìm cách điều trị hoặc kiểm soát", giáo sư Swedlow chia sẻ.
An Khang (Theo Sun)
Hoãn chuyến bay đưa người Việt từ Mỹ về nước, du học sinh cầu cứu: 'Chưa bao giờ thấy Tổ quốc gần lại xa đến vậy'
Chuyến bay ngày 2/5 đưa người Việt hồi hương tạm hoãn, nhóm du học sinh lại một lần nữa rơi vào tình cảnh bế tắc, hoang mang vì 'về không được, ở cũng không xong'.