Ảo mộng của người Việt về 'miền đất hứa' Anh

Điều gì khiến một cô gái Việt chấp nhận nguy hiểm để đến Anh? Đó là hứa hẹn về việc làm tại một tiệm nail với thu nhập cao.

22:30 29/10/2019

Một số gia đình ở Hà Tĩnh đã trình báo có người thân mất tích ở Anh, lo ngại họ có thể là nạn nhân trong 39 thi thể được phát hiện trong xe container tuần trước ở hạt Essex. Trong số này có Phạm Thị Trà My, 26 tuổi. Người nhà cho hay trước khi mất liên lạc, Trà My nhắn tin gửi cho mẹ với nội dung "con chết vì không thở được". 

Một tiệm nail ở Anh. Ảnh: Guardian.

Một tiệm nail ở Anh. Ảnh: Guardian.

Trong nhiều năm qua, các tổ chức chống nạn nô lệ đã cố gắng gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề ngày càng nhiều trẻ em và thanh niên Việt Nam được đưa trái phép vào Anh.

Đối với nhiều người Việt, Anh có lẽ là điểm đến được ưa chuộng nhất ở châu Âu, Tamsin Barber, giảng viên xã hội học chính trị tại Đại học Oxford-Brookes, nói. Anh là nơi có nhu cầu cao về lao động tay nghề thấp trong các nhà hàng Việt, tiệm nail (làm móng) và trang trại trồng cần sa bất hợp pháp.

Họ nghĩ rằng nếu đến Anh, họ có khả năng kiếm được việc làm tốt và gửi nhiều tiền về cho gia đình ở Việt Nam. Cũng có mạng lưới nhiều người Việt sống ở Anh có thể giúp đỡ những người mới đến kiếm chỗ ở và việc làm.

Tuy nhiên, "hiện không có con đường hợp pháp nào để lao động Việt tay nghề thấp đến làm việc ở Anh, vì vậy, họ rõ ràng phải đến Anh qua những hành trình dài và nguy hiểm" được sắp xếp bởi những kẻ buôn người, Barber nói.

Chi phí những chàng trai, cô gái trả cho kẻ buôn người để đến Anh thường dao động trong khoảng 10.000 - 40.000 USD, theo Precarious Journeys, báo cáo của các tổ chức từ thiện về nạn buôn người từ Việt Nam, được công bố vào đầu năm nay.

Những kẻ buôn người thường dụ dỗ thanh niên về triển vọng công việc ở nước ngoài. Cảm thấy buồn chán với cuộc sống ở làng quê và thiếu cơ hội việc làm, sức quyến rũ về cơ hội giàu có ở nước ngoài đủ để cám dỗ nhiều người dấn thân vào những chuyến đi đầy rủi ro. 

Các chàng trai, cô gái trong độ tuổi 20-30 dễ bị ảnh hưởng bởi những bài đăng trên mạng xã hội. Họ thấy nhiều họ hàng và bạn bè khoe về cuộc sống ở nước ngoài trên Facebook và những khoản tiền được gửi về nhà. Điều đó khiến họ cảm thấy hành trình đến Anh tuy nguy hiểm nhưng xứng đáng.

"Trong những năm gần đây, hàng trăm nạn nhân buôn người là đã được xác định danh tính ở Anh", đại sứ Anh tại Gareth Ward viết trong một bài xã luận ngày 29/9. "Có những trường hợp người nhập cư bất hợp pháp bị thương khi bị truy đuổi. Có những trường hợp chết cóng hay chết ngạt trong xe container. Nhiều người thậm chí chưa đặt chân được đến 'miền đất hứa'".

"Những kẻ buôn người nói rằng Anh là 'El Dorado'", chuyên gia về di cư tại Paris Nadia Sebtaoui nói, nhắc đến truyền thuyết về "thành phố vàng" nổi tiếng ở phương Tây. Họ thường được hứa hẹn mức lương tới 3.000 bảng Anh (3.800 USD) mỗi tháng, gấp khoảng ba lần thu nhập hàng năm ở các tỉnh nghèo nhất Việt Nam.

Nhưng thực tế thường khác xa. Các cậu bé và nam thanh niên được đưa đến làm việc trong các trang trại cần sa, bị nhốt trong các ngôi nhà này và phải chăm sóc cây cả ngày lẫn đêm. Trong khi đó, các bé gái và cô gái làm việc trong các tiệm nail. Họ cũng có thể bị ép hành nghề mại dâm, cả nam lẫn nữ.

"Họ thực sự thiếu nhận thức về thực tế việc làm ở châu Âu", Sebtaoui nói.

Một  được đưa đến Anh để trồng cần sa. Ảnh: Guardian.

Một người Việt được đưa đến Anh để trồng cần sa. Ảnh: Guardian.

Hầu hết người Việt làm việc trong các trang trại cần sa hoặc các tiệm nail đều nhận thức được rằng họ đang cư trú bất hợp pháp và gia đình đang nợ rất nhiều tiền. Vì vậy, họ phải cố gắng làm việc để trả nợ và không dám tìm kiếm sự giúp đỡ dù bị bóc lột hay lạm dụng.

Khó có thể thống kê chính xác số lượng người Việt là nạn nhân buôn người vì hầu hết sống ẩn náu và không có giấy tờ. Tuy nhiên, Salvation Army, tổ chức từ thiện giúp đỡ các nạn nhân buôn người, cho biết trong giai đoạn 7/2018 - 7/2019, họ tiếp nhận 209 người Việt, cao hơn bất kỳ quốc tịch nào khác và tăng 248% so với 5 năm trước.

Tổ chức từ thiện Ecpat, bên giúp đỡ trẻ em là nạn nhân buôn người, cũng tiếp nhận ngày càng nhiều người Việt, từ 135 năm 2012 lên 704 năm 2018.

Hồi tháng 1/2018, cảnh sát Anh tìm thấy hai cô gái Việt làm việc tại Nail Bar Deluxe ở Bath. Cả hai đều làm việc 60 giờ một tuần. Một người được trả khoảng 30 bảng một tháng trong khi người kia không được trả lương. Họ ngủ trên một chiếc nệm ở gác mái của chủ tiệm nail. Họ đã đến Anh bằng cách trốn trong xe container.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Anh năm ngoái, Stephen (tên đã được thay đổi) kể bị bán sang Anh để trồng cần sa từ khi 10 tuổi. Stephen là trẻ vô gia cư ở Hà Nội, bị đưa đến châu Âu và vào Anh bằng xe container đông lạnh. Ở Anh, Stephen bị nhốt trong một ngôi nhà được chuyển đổi thành trang trại cần sa và bị buộc phải làm việc trong 4 năm cho băng đảng người Việt đã đưa anh đến đây.

Stephen không thể nhìn ra ngoài cửa sổ vì tất cả đều bị bịt bằng những tấm nhựa. Anh không biết đang là đêm hay ngày và không biết mình bị nhốt ở một địa điểm trong khoảng thời gian bao lâu. Cứ vài ngày, vào buổi tối, một nhóm đàn ông Việt sẽ đến kiểm tra cây và mang thức ăn cho Stephen. "Đôi khi tôi làm điều gì đó sai khiến một số cây chết, họ sẽ nổi giận và đánh tôi. Cuộc sống của tôi tồi tệ hơn nhiều so với khi tôi còn ở ", Stephen nói.

Có lần một nhóm buôn ma túy người Anh tới phá cửa, trói Stephen lại và cướp đi toàn bộ cây cần sa đã thu hoạch. Khi ông chủ của Stephen quay lại, họ tức giận và chuyển Stephen đến một địa điểm mới, nơi anh phải trồng lại cần sa từ đầu. Tại ngôi nhà mới này, họ không còn nhốt Stephen nhưng dọa dẫm rằng họ sẽ tìm ra và giết anh nếu anh cố trốn thoát. Stephen không bao giờ cố gắng chạy trốn vì không biết đi đâu.

"Tôi chỉ cố sống cho qua ngày", Stephen nói. "Tôi không thể hy vọng gì vào tương lai. Không ai tử tế với tôi".

Debbie Beadle, từ tổ chức Ecpat, cho biết hầu hết người mà họ giúp đỡ đã đến Anh bằng cách trốn trong xe container. "Họ thường mô tả đó như một trong những trải nghiệm kinh hoàng nhất cuộc đời họ".

Phương Vũ (Theo Guardian/AFP)

Tags:
Cuộc sống như nô lệ của người nhập cư lậu vào Anh

Cuộc sống như nô lệ của người nhập cư lậu vào Anh

Khi Li Hua trao 14.000 bảng cho một băng đảng "đầu rắn" buôn người chuyên nghiệp Trung Quốc, anh được hứa hẹn về cuộc sống "trong mơ" ở Anh.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất