Áp lực báo hiếu
Đang tích góp từng đồng mua nhà mong thoát cảnh ở thuê, anh Hùng bất ngờ được mẹ nhắn gửi 200 triệu về xây công trình phụ ở quê chỉ vì "hàng xóm xây to hơn".
09:30 24/06/2023
Anh Hùng thắc mắc sao mẹ không bàn trước khi đập công trình cũ. Mẹ bảo tức hàng xóm vừa có bếp đẹp đã lên mặt, muốn làm luôn cho nhanh. "Trước sau gì con chả biết'', bà nói.
Tuổi thơ của anh Hùng luôn bị ám ảnh bởi lời than thở nợ nần, tiền bạc của mẹ. Lên 10 tuổi anh đã được mẹ dặn ''bố mẹ cơ cực nuôi mày, cố học cho giỏi mai này có tiền báo hiếu''. Khoản tiền chi phí học đại học của anh, bố mẹ ghi chép vào một cuốn sổ như một cách nhắc nhở.
Tốt nghiệp đại học, anh Trần Hùng may mắn vào làm cho một công ty nước ngoài ở TP HCM, lương hơn 30 triệu đồng nên đủ tiền gửi về cho bố mẹ chi phí, trả mọi khoản nợ nần.
"Nhưng mẹ tôi chưa bao giờ hết nợ. Có lần tôi bảo mẹ còn nợ bao nhiêu, thống kê lại con gom trả một thể, nhưng mẹ không chịu'', anh kể. Tháng nào anh con trai không gửi tiền về hoặc gửi ít, mẹ anh tỏ thái độ khó chịu, mắng con bất hiếu, kể trước kia nuôi anh cực khổ ra sao. Thương mẹ, không nỡ để tình cảm gia đình sứt mẻ, anh đành gửi tiền.
Từ ngày lập gia đình, Hùng có thêm trăm mối lo toan. Vợ chồng anh tính không thể thuê trọ mãi, nên muốn tích góp thêm để có thể mua lấy căn hộ cũ ở ngoại ô.
Tháng trước, mẹ anh gọi điện vào đòi con gửi về hơn 200 triệu đồng để mua vật liệu và thuê thợ xây công trình phụ. ''Bà chẳng hỏi thăm con cháu một câu. Cứ gọi điện là bảo gửi tiền về'', anh kể.
Anh Hùng tâm sự trên một diễn đàn, nhận được cả trăm bình luận. Rất nhiều người tỏ ra đồng cảm vì chính họ đang hoặc đã từng sống trong nỗi áp lực ''gửi tiền về báo hiếu cha mẹ'' như anh.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Hà Nội) cho biết, những người như mẹ anh Hùng tuy không nhiều nhưng cũng không hiếm. Họ không thiếu tiền bạc, thậm chí vẫn có thu nhập nhưng luôn đòi hỏi con chu cấp. ''Nó xuất phát từ hệ tư tưởng và văn hóa gia đình hoặc vùng miền. Thời ông bà muốn cha mẹ họ phải chu cấp cho mình, đến thời họ cũng vậy'', bà Hồng Hương nói.
Theo chuyên gia, quan niệm ''trẻ cậy cha, già cậy con'' hay ''con cái là của để dành'' vẫn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người. Trước đây họ sống trong nền kinh tế nông nghiệp, áp lực tài chính không quá lớn. Còn ngày nay, sống trong thời đại công nghiệp hóa, người trẻ phải lo toan nhiều hơn nên áp lực hơn. Nghiên cứu của viện Đời sống xã hội (Social Life) cho thấy 59% người trẻ lo lắng về tài chính, 55% lo lắng về tạo dựng sự nghiệp.
Theo khảo sát của VnExpress với hơn 230 người đã lập gia đình, 56,3% cho biết đang cùng lúc chăm sóc con nhỏ và cha mẹ già, 35,9% cảm thấy áp lực và mệt mỏi khi vừa phải phụng dưỡng cha mẹ già vừa chăm con.
''Cũng có tình cảnh giống như bố mẹ anh Hùng, vì sĩ diện, muốn chứng tỏ với những người xung quanh mình có đứa con thành công nên thúc giục con gửi tiền về để mua sắm thứ đẹp hơn, xây nhà to hơn, không cần biết con khó khăn'', chuyên gia nói.
Theo bà Hồng Hương, khoảng cách thế hệ và tâm lý không muốn cha mẹ lo lắng khiến con cái ít chia sẻ về khó khăn. Nhiều người con xem việc gửi tiền về cho cha mẹ bất chấp mình đang sống khổ sở là lẽ thường, vì chữ hiếu đè nặng.
Báo cáo nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam 2020, của Hội đồng Anh củng cố thêm quan điểm của bà Hồng Hương, khi nhận định người trẻ Việt vô cùng gắn bó với gia đình. Cuộc khảo sát đại diện trên toàn quốc của đơn vị này cho thấy 75% người trẻ cho biết gia đình là yếu tố căn bản định hình nên con người họ.
''Lòng hiếu thảo vẫn là một giá trị thiết yếu đối với giới trẻ Việt Nam và họ đề cao sự kính trọng đối với cha mẹ'', báo cáo cho hay. Cũng theo báo cáo này, chính vì tuân theo các giá trị Khổng giáo nên người Việt trẻ thường phải đối diện với áp lực lớn khi muốn tự đưa ra quyết định và hành động theo quyết định đó.
Chuyên gia cảnh báo, vì áp lực báo đáp cha mẹ, những đứa con có thể gồng lên kiếm tiền, sinh ra mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của mình và tổ ấm nhỏ.
Anh Hùng kể, nhiều lần mệt mỏi vì yêu cầu của mẹ, nhưng anh không thể chia sẻ với vợ, sợ cô nghĩ không tốt về gia đình mình. Nhưng quá áp lực, anh lại trút giận lên vợ con vô cớ. Vài lần người chồng âm thầm gửi tiền về cho mẹ, vợ phát hiện nên giận dỗi. Cưới nhau 6 năm, chị bồng con khỏi nhà không dưới chục lần chỉ vì chuyện tiền bạc.
Trần Nghĩa (28 tuổi, ở TP HCM) cũng khốn đốn khi đang phải lo tiền chuẩn bị đám cưới mà bố mẹ vẫn muốn anh gửi tiền chu cấp. Dẫu còn sức khỏe nhưng họ chỉ muốn sống dựa vào con. "Bố mẹ còn bắt tôi phải gởi tiền để trả nợ cờ bạc của em gái đồng thời hàng tháng chu cấp'', anh nói.
Gia đình bạn gái biết hoàn cảnh của Nghĩa, thông cảm cho anh nhưng cũng không khỏi lo lắng. Gần đây, anh nhận thấy phía nhà người yêu không còn mặn mà. Nghĩa lo sợ cứ đà này, cuộc đời anh sẽ "xuống đáy" nhưng phận làm con, anh không thể buông tay.
Đôi lần anh tìm cách từ chối khi mẹ đòi gửi tiền. Hàng tháng, anh chỉ gửi 500.000 đồng để bà có tiền sinh hoạt thêm. Nhưng mẹ viện cớ cần tiền mua thuốc trị bệnh. Con trai giục vào TP HCM đi khám thì bà từ chối, giận dỗi và không nói chuyện nhiều ngày.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, viện trưởng Social Life cho hay, mô hình kết nối liên thế hệ chăm sóc nhau xuất phát từ xã hội cổ truyền, được bảo trợ bởi văn hóa được gọi là chữ hiếu. ''Tuy nhiên, nếu việc báo hiếu trở thành gánh nặng sẽ gây áp lực lớn lên người trẻ, tạo khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, thậm chí làm đứt kết nối trong gia đình'', ông Lộc nói.
Ông Lộc cho hay, ngày nay, tỉ suất sinh thấp, bố mẹ đầu tư cho con cái hơn, đặc biệt ở khu vực đô thị. Vì vậy, xu hướng con cái phải phụng dưỡng cha mẹ còn tồn tại nhưng đang dần dịch chuyển. Ngày nay, mối liên hệ trách nhiệm cha mẹ với con cái nhẹ nhàng hơn. ''Thậm chí ở Trung Quốc, có những phụ huynh muốn thuê con làm con toàn thời gian, chỉ cần ở bên chăm sóc cha mẹ cũng được trả lương, vì muốn gia đình xích lại gần nhau'', ông nói.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương khẳng định quan niệm con cái phụng dưỡng cha mẹ, hiếu thảo vẫn là truyền thống tốt đẹp, có giá trị giáo dục cao, chỉ cần điều chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh.
Để không tạo áp lực tài chính mà vẫn làm tròn đạo hiếu, người làm con nên cân đối tài chính, ví dụ dành ra 5% thu nhập hàng tháng biếu cha mẹ. Phải giải thích cho bố mẹ hiểu tình hình tài chính của mình hiện tại. Nói rõ với họ nếu thu nhập tăng, số 5% gửi cho cha mẹ cũng sẽ tăng, nếu họ không hài lòng.
Khi mẹ đòi đến 200 triệu xây công trình phụ, anh Hùng từ chối thì bị nói là kẻ bất hiếu. Bà cũng mắng cả con dâu vì cho rằng xúi giục chồng tệ bạc với bố mẹ. Vợ anh Hùng buồn, không nghe máy mẹ chồng.
Vợ chồng anh dự định hè và Tết sẽ về quê, nhưng phải thay đổi kế hoạch.
Phạm Nga
Nhạc sĩ huyền thoại Lam Phương: Vừa xuống sân bay liền xé luôn thẻ xanh Mỹ, không thèm về Mỹ nữa
“Lúc anh Lam Phương xé thẻ xanh, một số anh chị em nghệ sĩ ra đón cũng thấy được nhưng không ai dám hỏi nên không biết anh ấy làm thế vì giận cái gì” – danh ca Elvis Phương kể lại.