Asanzo nói gì trước cáo buộc "Cạo tem Trung Quốc, dán tem Việt Nam"?

Theo Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam, việc tivi của ông dán tem ‘made in Vietnam’ là hoàn toàn đúng và chuyện ai đó cạo dán tem xuất xứ ‘made in china’ thành ‘made in Vietnam’ nếu có, chỉ là ngẫu nhiên, ‘con sâu làm rầu nồi canh’.

10:00 28/06/2019

Nhằm cung cấp cho độc giả một cái nhìn đa chiều về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc đối thoại với ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Asanzo về sự việc nói trên.

* PV: Họ nói hàng của ông không phải là ‘made in Vietnam’ mà phải là ‘made in China’… ?

Ông Phạm Văn Tam: Smartphone và tivi của tôi để ‘made in Vietnam’ không sai, bởi chúng được lắp ráp, đóng gói thành phẩm, dán bao bì và tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam, có dịch vụ bảo hành – bảo trì tại Việt Nam.

Theo quy tắc xuất xứ, khi một công ty Việt Nam mua linh kiện từ nước ngoài, mang về Việt Nam và lắp ráp thành thành phẩm tại lãnh thổ Việt Nam, sản phẩm đó được phép ghi ‘made in Vietnam’. Chúng ta phải phân biệt rõ giữa ‘made in Vietnam’ và ‘make in Vietnam’.

Ví dụ thực tế dễ hiểu nhất, Apple là công ty thương hiệu chứ không phải là nhà sản xuất. Apple vẽ ra các bản thiết kế, quy chuẩn, hệ điều hành và thuê các công ty bên thứ 3 làm gia công. Các công ty này thực hiện nhưng vẫn đóng dấu Apple. Hoặc như Xiaomi, một cái tên thân quen cũng thuê các công ty gia công điện thoại chứ không trực tiếp sản xuất điện thoại.

Ngoài ra, tôi chưa bao giờ thấy có công văn theo kiểu: công ty nào đó phải sản xuất/nhập bao nhiêu linh kiện thì mới được ghi ‘made in Vietnam’. Nhà nước cũng chưa bao giờ có quy định là sử dụng 60% hay 70% linh kiện nước ngoài là không được ghi ‘made in Vietnam’.

* Vậy là không phải công ty ông nhập nguyên chiếc tivi từ nước ngoài về bán?

- Không hề, chúng tôi không lừa người tiêu dùng, tờ báo nọ đã chụp hàng chữ ‘made in Vietnam’ ở mặt sau chiếc tivi mà chúng tôi sản xuất chứ không phải nhập khẩu nguyên chiếc.

Người tiêu dùng hiểu lầm là tivi Asanzo nhập nguyên chiếc, rồi sau đó dán tem Việt Nam để bán, chúng tôi đầu tư 2.000 con người chỉ dùng để dán tem? Hôm nay chủ nhật, nhà máy của chúng tôi chỉ làm 3 chuyền như mọi người thấy, còn bình thường có tới 5 chuyền.

Quy trình sản xuất một chiếc tivi của chúng tôi như thế này: lắp ghép bộ phận bo mạch – panel – mặt kính tivi, lắp thêm hệ điều hành mà công ty tự phát triển trong chiếc USB, đóng nắp nhựa mặt sau, bắt ốc vít và dán các loại tem bảo hành khác nhau, bỏ vào túi giấy thay túi nhựa để bảo vệ môi trường, bỏ vào thùng giấy.

Asanzo nói gì trước cáo buộc Cạo tem Trung Quốc, dán tem ? - Ảnh 1.

Văn bản quy trình nạp phần mềm cho tivi Asanzo.

* Vậy cụ thể trong một chiếc tivi của Asanzo có bao nhiêu phần trăm linh kiện được nhập và bao nhiêu phần trăm linh kiện được sản xuất trong nước? Linh kiện nhập khẩu chủ yếu từ nước nào?

- Trong một chiếc tivi của chúng tôi có khoảng 70% nhập khẩu và 30% là được sản xuất trong nước.

Linh kiện và chi tiết nhập khẩu chủ yếu ở 3 bộ phận sau: bo mạch – panel – mặt kính tivi, bởi hiện tại ngành phụ trợ Việt Nam chưa sản xuất được chúng và chúng tôi buộc phải nhập khẩu. Và cũng giống như nhiều công ty điện tử lớn trên thế giới, chúng tôi nhập chúng từ Trung Quốc, chúng tôi đặt hàng người Trung Quốc làm theo yêu cầu của mình.

Trong 30% sản xuất trong nước có những chi tiết tương đối quan trọng như dây điện, những tấm nhựa màu đen bao quanh tivi… và chúng được sản xuất bởi các công ty phụ trợ của Asanzo tại Việt Nam, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng với người tiêu dùng. 100% chiếc điều khiển tivi sản xuất ở Việt Nam.

Nói chung, Asanzo sẽ dùng tất cả những linh kiện và chi tiết gì mà các công ty phụ trợ tại Việt nam có thể sản xuất được và phù hợp với tiêu chuẩn của chúng tôi, nếu không có thì chúng tôi buộc phải nhập khẩu.

Chúng tôi đang cố nội địa hóa các phần linh kiện và chi tiết trong chiếc tivi qua từng năm, sắp tới chúng tôi có ý định sản xuất bo mạch ở trong nước.

Asanzo nói gì trước cáo buộc Cạo tem Trung Quốc, dán tem ? - Ảnh 2.

Văn bản quy định quy trình lắp ráp tivi Asanzo.

* Còn chuyện cạo tem Trung Quốc để dán tem Việt Nam thì sao, thưa ông?

- Tôi không biết, nhưng tôi có điên mới làm vậy! Như đã nói ở trên, vì ai cũng biết có nhiều linh kiện điện tử quan trọng trong tivi và điện thoại mà Việt Nam chưa sản xuất được, mọi người đều thừa biết là hàng nhập từ Trung Quốc, vậy tôi tráo đổi để làm gì?

Thêm nữa, tất cả linh kiện nhập khẩu đều nằm bên trong, phía sau tấm nhựa, người tiêu dùng không thể thấy được. Ngoài ra, chúng tôi cũng dán tem niêm phong và quy định với người dùng, trước 3 năm 6 tháng, nếu ai đó bóc tem và tháo tấm nhựa bao linh kiện, chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm bảo hành. Vậy thì có lý do gì đề chúng tôi cạo tem Trung Quốc để dán tem Việt Nam lên các linh kiện bên trong, vì rõ ràng người tiêu dùng không thể thấy chúng?

Trong tivi có một phần linh kiện là ‘made in China’, về chủ trương chúng tôi không có ý định bóc cái tem ‘made in China’. Vì sao chúng tôi làm thế cho quy trình phức tạp thêm?

Còn việc tờ báo nọ có quay cảnh ai đó đang cạo tem để tráo đổi, đây có thể là một yếu tố ngẫu nhiên nào đó xảy ra trong 2.000 con người. Sắp tới, chúng tôi sẽ phải kiểm soát lại quy trình – nhân sự chặt chẽ hơn. Tôi khẳng định một lần nữa: trong quy trình sản xuất tivi của Asanzo, không hề có chuyện phải cạo tem ‘made in China’ dể dán tem ‘made in Vietnam’.

* Ông nghĩ gì về việc bị tước danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao?

- Tôi không quan tâm. Trong 3 năm vừa qua, tôi chưa từng dán con tem Hàng Việt Nam chất lượng cao ở bất cứ sản phẩm gia dụng hàng nhập nguyên chiếc nào của mình.

* Vậy còn lô hàng lò nướng thuỷ tinh nguyên chiếc bị bắt?

- Đúng là có công ty nhập lô hàng lò nướng thủy tinh bị bắt có liên quan đến Asanzo, nhưng tôi cũng không biết cụ thể là lô hàng như thế nào. Có thể hàng xuất xứ Trung Quốc mà bây giờ nhập về Việt Nam và ghi là xuất xứ Việt Nam tôi cũng không biết. Công ty này là một công ty con trong một công ty thành viên của tôi.

Cái dở của tôi là không thể kiểm soát được nguồn gốc khi tất cả các công ty thành viên đưa sản phẩm ra thị trường. Bây giờ, Hải quan giữ lô hàng của họ thì họ phải chịu trách nhiệm.

Asanzo nói gì trước cáo buộc Cạo tem Trung Quốc, dán tem ? - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Tam đang chứng minh với giới truyền thông là Asanzo vẫn để nguyên tem của các nhà cung cấp nước ngoài ở linh kiện bên trong.

* Vậy ông phải chứng minh được họ là ai và ở đâu…?

- Tôi đã gửi công văn tới Hải quan và Hải quan vẫn đang điều tra. Tôi cũng đã tích cực phối hợp với Hải quan để điều tra và cũng đã khẳng định với Hải quan, đảm bảo lô hàng này không liên quan đến tôi.

*Còn những nồi cơm điện nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc thì sao thưa ông, ghi là ‘made in Vietnam’ hay ‘made in China’?

- Ngoài thương hiệu Asanzo, tất nhiên là phải ghi ‘made in China’ nếu nhập nguyên chiếc. Mà những cái khác nhập khẩu đúng luật tại sao mọi người không đề cập đến mà chỉ nói đến lò nướng thuỷ tinh. Vì sao những lô hàng khác Hải quan lại cho thông quan? Vì nó hợp pháp mới cho thông quan.

* Ông nói ông không sai thì ông phải có bằng chứng chứ?

- Tất nhiên là tôi có bằng chứng, nhưng tôi không muốn cãi qua – cãi lại. Và tôi cũng chỉ là người đại diện thương hiệu cho Asanzo, trong tập đoàn còn có nhiều cổ đông và công ty thành viên độc lập, họ phải tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

* Tập đoàn của ông gồm nhiều công ty khác nhau?

- Tất nhiên rồi, mỗi người phải phụ trách một mảng sao tôi có thể lo hết được. Tôi không có đại diện cho ai hết, không đại diện cho tập đoàn. Tôi chỉ là một nhà đầu tư, đầu tư xuống các công ty thành viên sau đó hướng dẫn cho họ thực hiện, tôi không liên quan.

* Còn về phần công nghệ thì sao thưa ông, bên ông nói là công nghệ Nhật Bản?

- Tôi đã nói nhiều lần về phần công nghệ, công nghệ là quy tắc và quy trình làm ra sản phẩm, như tiêu chuẩn châu Á - châu Âu, công nghệ là để giám sát sản phẩm…

Quy trình sản xuất mà Asanzo đang áp dụng là của người Nhật Bản. Một công ty Nhật Bản có cung cấp trọn bộ hệ điều hành lẫn con chip trong bo mạch cho chúng tôi, chúng tôi phụ thuộc họ về phần đó. Quy trình sản xuất và một phần công nghệ của Asanzo được chuyển giao từ người Nhật và công ty Nhật. Vì vậy, chuyện chúng tôi nói sản phẩm của Asanzo theo 'công nghệ Nhật Bản' đúng hay sai thì hãy để mọi người tự đánh giá.

* Cơ cấu tập đoàn của công ty của ông là như thế nào?

Công ty của tôi bây giờ chỉ kinh doanh tivi và máy điều hòa.

* Vậy những công ty thành viên bên dưới thì kinh doanh cái gì?

- Thì kinh doanh đồ gia dụng như tôi đã nói.

* Smartphone thì ai kinh doanh, thưa ông?

Còn có một công ty khác.

* Vậy là trong tập đoàn của ông có 1 công ty sản xuất tivi - máy điều hòa, một cái sản xuất đồ gia dụng, một cái sản xuất smartphone, một công ty đầu tư và một công ty truyền thông, một công ty thương hiệu tên Kooda – nhóm công ty khởi nghiệp (mua lại năm 2017)? Bây giờ tất cả những sai phạm đều quy về công ty gia dụng kia. Nhưng công ty sản xuất đồ gia dụng không còn sản xuất nữa?

- Đúng rồi.

* Bây giờ công ty gia dụng này có tồn tại hay không?

- Vẫn còn tồn tại, bán đồ gia dụng chứ không sản xuất nữa.

* Tức là khi công ty này nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc sẽ để là ‘made in China’?

- Đúng rồi!

Asanzo nói gì trước cáo buộc Cạo tem Trung Quốc, dán tem ? - Ảnh 4.

Theo ông Phạm Văn Tam, những đồ gia dụng như thế này nếu được nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc thì Asanzo sẽ dán tem 'made in China'.

* Bây giờ hàng gia dụng nhập nguyên chiếc từ nước ngoài đang bán ngoài thị trường đang để là ‘Made in China’?

- Đúng rồi!

* Vậy những công ty đó ai đứng đầu?

Những nhân viên của tôi, người nào phụ trách các ngành hàng nào thì đứng đầu ngành hàng đó.

* Vậy vốn thì ai bỏ ra?

- Tập đoàn của tôi cung cấp và nếu họ bán được hàng sẽ trả tiền lại bọn tôi.

* Pháp nhân đứng tên những công ty đó sẽ là ai?

- Như tôi nói là người đứng đầu mỗi ngành hàng ấy.

* Ông cho người ta làm giám đốc luôn và chỉ cung cấp vốn?

- Tất nhiên là tôi giao trách nhiệm cho ai thì người đó phải làm giám đốc và tôi chỉ cung cấp sản phẩm, sau khi họ bán được sản phẩm sẽ trả lại tiền vốn.

* Vậy nồi cơm điện thì ai cung cấp?

- Những công ty Trung Quốc.

* Tức là ông chỉ là người trung gian?

- Không, tôi chỉ xây dựng thương hiệu thôi.

* Ví dụ, nếu những công ty đó làm sai thì giám đốc công ty thành viên chịu chứ không phải ông chịu?

- Tất nhiên rồi. Cái này tôi đã chia sẻ ở năm 2015, khi sản xuất cái gì đó và làm công nghệ phụ trợ, tôi đều đặt gia công từ bên ngoài thông qua các công ty startup, tất cả mọi cái đều độc lập.

* Ý ông muốn nói là ai đứng tên pháp nhân thì người đó phải chịu trách nhiệm?

- Đúng rồi, tôi không liên quan gì đến vụ này.

* Vậy khi xảy ra chuyện phải để người vai vế cao nhất trong công ty đứng ra giải quyết, tại sao ông lại tự đứng ra?

- Những người đó đều là cổ đông đơn thuần, họ không quen tiếp xúc với báo chí, tôi quen với công việc này nên buộc phải đứng ra. Tất cả báo chí khi nói về Asanzo đều nói đến ông Tam, những người đó mấy khi tiếp xúc với báo chí đâu.

Nói về Asanzo, những công ty tôi phụ trách chỉ mạnh về mảng chủ lực là tivi, điều hòa và smartphone, còn những mảng khác như hàng gia dụng tôi không biết nhiều. Thậm chí tôi cũng không biết có bao nhiêu công ty thành viên đang kinh doanh hàng gia dụng. Tôi có rất nhiều việc, ai phụ trách mảng nào thì phải chịu trách nhiệm mảng đó, không phải cái gì tôi cũng quán xuyến.

* Cảm ơn ông!

Tags:
Công ty Trung Quốc chuyển sản xuất ra nước ngoài để né thuế Mỹ

Công ty Trung Quốc chuyển sản xuất ra nước ngoài để né thuế Mỹ

Chi phí trong nước cao, hàng hóa bị Mỹ đánh thuế nhập khẩu khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến Đông Nam Á.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất