Ba bước nói 'không' lịch sự trong tiếng Anh

Sau khi từ chối, bạn cần giải thích lý do và có thể đề xuất phương án thay thế, biến tình huống tiêu cực thành tích cực.

01:30 14/10/2018

Dù đang sử dụng ngôn ngữ nào, bạn sẽ có lúc trải qua tình huống buộc phải nói "không". Nhưng bạn nên làm điều đó như thế nào để không làm phật ý người khác? EF English Live gợi ý ba bước đơn giản để nói "không" trong tiếng Anh

Hãy trung thực nhưng lịch sự

Lời từ chối nên được bắt đầu bằng "I’m sorry but...", "I’m unable to...", "I’m afraid that..." trong văn nói hoặc "I regret that..." trong văn viết. Điều này cho phép người kia chuẩn bị tâm lý rằng câu trả lời của bạn có thể không như mong đợi. 

Ảnh: TOTS Family

Ảnh: TOTS Family

Sau khi chọn một trong số cụm từ trên, bạn thêm "I can't...", "I'm not able to..." khi trò chuyện trực tiếp hoặc "I'm unable to..." đối với đoạn hội thoại qua email hoặc tin nhắn, hoàn thành câu bằng phần yêu cầu mà đối phương đưa ra. Chẳng hạn "I'm sorry, but I can't come to your party" (Xin lỗi nhưng tôi không thể tham dự bữa tiệc của anh được).

Lúc này, người kia đã biết yêu cầu của mình bị từ chối, bạn có thể chuyển sang bước tiếp theo. 

Giải thích tại sao

Nếu có cuộc hẹn khác vào lúc đó, bạn có thể nói "I’ve got another commitment at that time" hay "I’m not available at that time". Nếu đã định đi nhưng vướng việc đột xuất, bạn hãy dùng câu "Something has come up". Nếu bạn quá bận rộn, một số câu thích hợp để diễn giải là "I’ve got too much on at the moment" hoặc "I’ve got a lot on my plate at the moment".

Trường hợp phải từ chối một việc không phải thế mạnh của mình, bạn hãy nói "That’s not my strong suit" hoặc "I’m not very strong in that area". 

Đôi khi bạn không muốn đưa ra lý do cụ thể, chỉ không thích việc vừa được yêu cầu. Những câu hữu ích trong tình huống này là "That’s not really my cup of tea" hay "I don’t really enjoy that kind of thing". 

Đề xuất phương án khác

Nếu phải từ chối vì có cuộc hẹn khác hoặc không thu xếp được công việc, bạn có thể đề xuất thời điểm hợp lý hơn. Nếu nghĩ mình không phù hợp với lời mời của đối phương, bạn có thể giới thiệu một người khác để thay thế. Nếu được rủ đi xem phim nhưng không thích hoạt động đó, bạn có thể rủ người kia đi xem bóng. Đưa ra một phương án khác sẽ biến tình huống tiêu cực thành tích cực. 

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Tưởng con thạo tiếng Anh hơn tiếng Việt, bố mẹ tá hỏa vì trẻ có vấn đề

Tưởng con thạo tiếng Anh hơn tiếng Việt, bố mẹ tá hỏa vì trẻ có vấn đề

Từng gọi con gái 4 tuổi là "Tây Tây" vì nghĩ bé giỏi tiếng Anh hơn tiếng mẹ đẻ, chị Mai (Hà Nội) sau phải cho con đi trị liệu.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất