Bà cụ 82 tuổi ở Texas tự tử chết sau khi bị lừa hết tiền
Trong cuộc họp mới đây ở Bộ Tư Pháp Mỹ, một phụ nữ ở Texas nói rằng bà ngoại 82 tuổi của bà, sau khi bị kẻ gian lừa lấy hết tiền, đã quá đau khổ nên tự tử.
23:36 04/03/2018
Người phụ nữ này hôm Thứ Năm kể lại cho các giới chức cao cấp Bộ Tư Pháp nghe về vụ lừa đảo khiến cả gia đình bà bị khổ sở, chứ không riêng gì bà cụ, theo bản tin của tờ Houston Chronicle.
“Tôi rất đau lòng khi phải kể lại việc này, nhưng bà của tôi tự kết thúc đời mình vì vụ này,” theo lời bà Angels Stancik, cư dân Houston, nghẹn ngào cho các giới chức hiện diện hay.
“Những kẻ gian đã lợi dụng sự dễ tin và tốt bụng của bà.”
Bà Stancik nói rằng tên của cụ là Marjorie Earl Jones, và những năm sau cùng của cuộc đời bà cụ, đáng lẽ ra phải yên ấm tốt đẹp, đã bị cướp đi mất.
Bà cụ Jones bị lừa trong vụ thường thấy là “trúng số.” Cụ được cho biết là trúng nhiều tiền, nhưng phải trả tiền thuế cũng như các lệ phí khác.
Cụ Jones sau cùng gửi hết tiền cho bọn gian và sau đó phải mượn thêm tiền từ người thân trong gia đình, rút tất cả tiền trong bảo hiểm nhân thọ và rồi đi đến việc tự tử, theo tờ Houston Chronicle.
Khi chết, bà cụ chỉ còn $69 trong ngân hàng.
Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions và các giới chức khác trong Bộ Tư Pháp lắng nghe câu chuyện của bà Stancik. Ông Sessions cho hay “đây là điều xảy ra quá nhiều lần trong đất nước chúng ta.”
Ông nói rằng có hơn 200 nghi can đã bị bắt trong năm qua về tội lừa đảo người cao niên.
Cơ quan FTC, có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Mỹ, hôm Thứ Năm loan báo việc kiện các công ty chuyên lừa kiểu “trúng số,” với số tiền bị lấy đi lên tới hơn $100 triệu, cùng là kiện một nhóm lừa đảo khác ở Ấn Độ, gọi điện thoại cho người ở Mỹ, nói máy điện toán của họ bị virus tấn công để thuyết phục họ mua dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật.
Tại sao nhiều người đang bỏ California dọn sang Texas?
Tin đồn rằng nhiều người đang bỏ California đi, số người đi cao hơn số người dọn tới, lại là sự thật, theo tường trình mới nhất từ Văn phòng Phân tích Pháp lý (LAO) của tiểu bang California. Từ năm 2007 đến năm 2016, khoảng 6 triệu người đã rời tiểu bang vàng Golden State, trong khi chỉ có 5 triệu người dọn tới cùng thời gian này.