Bà Harris: 'Nước Mỹ sẽ không quay lại thời Trump'
Bà Harris phát biểu nhận đề cử ứng viên tổng thống tại ngày cuối của đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở Chicago, nêu những rủi ro với nước Mỹ nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng.
13:52 23/08/2024
Khi Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris bước lên sân khấu tại nhà thi đấu United Center ở thành phố Chicago, bang Illinois hôm 22/8, khán giả đứng dậy hô vang "Kamala" và "nước Mỹ". Bà Harris bày tỏ xúc động và liên tục nói "cảm ơn".
"Thay mặt cho mọi người Mỹ bất kể đảng phái, chủng tộc, giới tính hay ngôn ngữ, thay mặt cho mẹ tôi và tất cả những ai từng bắt đầu cuộc hành trình không tưởng. Thay mặt những người làm việc chăm chỉ, theo đuổi ước mơ và quan tâm đến nhau, tất cả những người mà câu chuyện của họ chỉ có thể được viết ở quốc gia vĩ đại nhất trên Trái Đất, tôi chấp nhận đề cử ứng viên tổng thống Mỹ", bà nói trong tiếng reo hò của đám đông.
Bà Harris chỉ trích nhiệm kỳ của đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump là "hỗn loạn và tai họa". "Trong nhiều khía cạnh, Donald Trump là người không nghiêm túc, nhưng hậu quả của việc đưa Donald Trump trở lại Nhà Trắng là cực kỳ nghiêm trọng", bà nhấn mạnh.
Harris nhắc đến việc Tòa án Tối cao Mỹ tháng trước ra phán quyết ông Trump được miễn tố với các hành động công vụ trong thời gian nắm quyền. "Hãy tưởng tượng không có rào cản nào ngăn Donald Trump", bà nói.
Bà liên kết chính sách của Trump với Dự án 2025, tài liệu dài 920 trang do viện chính sách Heritage Foundation soạn thảo đã bị nhiều người chỉ trích là cực hữu. Theo bà, tài liệu này cho thấy nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ như thế nào.
"Hãy xem xét những gì Trump định làm nếu chúng ta trao lại quyền lực cho ông ấy. Ý định rõ ràng của ông ấy là thả những kẻ cực đoan bạo lực đã tấn công nhân viên hành pháp ở Đồi Capitol, bỏ tù các nhà báo, đối thủ chính trị và bất kỳ ai ông ấy coi là kẻ thù. Ý định rõ ràng của ông ấy là triển khai quân đội chống lại chính công dân của chúng ta", bà nói thêm.
Theo bà, mục tiêu của Dự án 2025 và ông Trump là "kéo đất nước chúng ta trở về quá khứ". "Nhưng nước Mỹ à, chúng ta sẽ không trở lại đâu", bà nhấn mạnh.
Nhiều cựu quan chức và cố vấn của ông Trump được cho là tham gia soạn thảo Dự án 2025, tuy nhiên, cựu tổng thống đã nhiều lần cố tách bạch mình khỏi tài liệu này. Ông từng bình luận hồi tháng 7 rằng một số đề xuất "rất cực đoan".
Harris dành nhiều thời lượng để nhắc đến người thân, những chức vụ trước đây như công tố viên, tổng chưởng lý, thượng nghị sĩ, những câu chuyện trong quá khứ định hình con người bà. Phó tổng thống khẳng định luôn "làm việc vì mọi người dân" và "đấu tranh cho tương lai nước Mỹ".
"Tôi biết có những người mang quan điểm chính trị khác đang theo dõi sự kiện tối nay. Và tôi muốn mọi người biết rằng: Tôi cam kết sẽ trở thành tổng thống của tất cả người dân Mỹ. Các bạn có thể tin tưởng rằng tôi luôn đặt đất nước lên trên đảng phái và bản thân mình", bà tuyên bố.
Đề cập kế hoạch đưa nước Mỹ "tiến về phía trước" nếu trở thành tổng thống thứ 47, bà cho biết sẽ đưa ra chính sách bảo vệ tầng lớp trung lưu vì "đó là nơi tôi xuất thân". Bà cũng kêu gọi tạo ra nền kinh tế đầy cơ hội và cam kết sẽ chấm dứt tình trạng thiếu nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe.
Phó tổng thống khẳng định kế hoạch của bà khác với ông Trump, cáo buộc ông chỉ làm việc để "phục vụ bản thân và những người bạn tỷ phú của mình".
Liên quan tới cuộc xung đột Dải Gaza, bà cho hay đang cùng Tổng thống Biden "làm việc suốt ngày đêm" để hướng tới thỏa thuận giải cứu con tin và ngừng bắn".
Bà phản đối cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 và khẳng định "luôn bảo vệ quyền tự vệ của Israel". Tuy nhiên, bà mô tả cuộc xung đột xảy ra hơn 10 tháng qua ở Dải Gaza là điều tàn khốc, khi rất nhiều người dân vô tội thiệt mạng, sống trong cảnh tuyệt vọng, đói khát và liên tục phải trốn chạy để tìm nơi trú ẩn an toàn.
Bà Harris kết thúc bài phát biểu bằng cách kêu gọi mọi người đi bỏ phiếu, đấu tranh cho đất nước, cho lý tưởng Mỹ. 100.000 quả bóng bay màu đỏ, trắng và xanh được thả xuống từ trần nhà thi đấu United Center.
Đây là một trong những bài phát biểu nhận đề cử ngắn nhất lịch sử, với thời lượng hơn 37 phút. Bài phát biểu ngắn nhất thuộc về ông George McGovern, cựu ứng viên tổng thống Mỹ năm 1972, với thời lượng chưa tới 22 phút.
Khi nhận đề cử ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa hồi tháng 7, ông Trump đã phát biểu 93 phút và là bài phát biểu dài nhất, phá vỡ kỷ lục do chính ông lập ra năm 2016.
Khán giả giơ biểu ngữ Kamala ủng hộ bà Harris. Ảnh: AFP
Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ diễn ra trong 4 ngày, bắt đầu từ 19/8, tại thành phố Chicago, bang Illinois. Bà Harris, 59 tuổi, trở thành ứng viên tổng thống đảng Dân chủ sau khi Tổng thống Biden, 81 tuổi, tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng hôm 21/7. Nếu đắc cử, bà sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Bà Harris đã gây quỹ kỷ lục 500 triệu USD trong một tháng và thu hẹp khoảng cách hoặc dẫn trước ông Trump trong nhiều cuộc thăm dò tại các bang chiến trường. Hai ứng viên dự kiến tranh luận trực tiếp vào ngày 10/9.
Ông Trump liên tục đổi giọng về cựu tổng thống Obama
Ông Trump bày tỏ quý mến ông Obama nhưng sau đó chỉ trích cựu tổng thống, sau khi người tiền nhiệm có bài phát biểu nhắm vào tỷ phú.