Bà Kamala Harris – Người làm phó cho ứng viên Joe Biden – là ai?
Nhiều tháng sau khi ước mơ làm tổng thống không thể trở thành hiện thực, bà Kamala Harris nay sẽ có thể giành vị trí quan trọng khác của đảng Dân Chủ, đài BBC cho hay vào Thứ Ba, 11 Tháng Tám.
12:00 13/08/2020
Cách đây một năm, vị thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ, đại diện tiểu bang California, vượt lên phía trước trong số rất đông người tranh quyền đại diện đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống, sau một loạt cuộc tranh luận thành công – cũng như sau những lời chỉ trích gay gắt đối thủ của mình là cựu Phó Tổng Thống Joe Biden. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, chiến dịch tranh cử của bà thất bại.
Nay, chính ông Biden, người coi như chắc chắn là ứng cử viên tổng thống cho đảng Dân Chủ, vừa chọn bà Harris làm ứng cử viên phó tổng thống.
Bà Kamala Harris là ai?
Bà Kamala Harris, 55 tuổi, sinh ra ở Oakland, California. Cha mẹ đều là dân nhập cư: Mẹ gốc Ấn Độ, còn cha gốc Jamaica.
Sau khi cha mẹ ly hôn, bà Harris chủ yếu được mẹ nuôi dưỡng. Mẹ bà theo đạo Hindu, là chuyên gia nghiên cứu bệnh ung thư và nhà hoạt động dân quyền.
Lớn lên, bà Harris cũng thừa hưởng di sản Ấn Độ, thường theo mẹ về thăm quê hương. Nhưng bà cho biết mẹ bà lại chọn theo văn hóa người Mỹ gốc Phi Châu ở Oakland và nuôi dưỡng hai cô con gái – bà Kamala và người em là Maya – thấm nhuần văn hóa này.
“Thời đó, mẹ tôi hiểu rõ rằng bà đang nuôi dưỡng hai cô con gái gốc Phi Châu,” bà Harris viết trong cuốn tiểu sử của bà, “The Truths We Hold.” “Mẹ hiểu rằng quê hương thứ hai này sẽ xem tôi với Maya là con gái gốc Phi Châu , do đó, mẹ quyết định nuôi nấng chúng tôi trở thành những phụ nữ gốc Phi Châu tự tin, đáng tự hào.”
Rồi bà ghi danh học trường Howard University, một trong những đại học dành cho người gốc Phi Châu nổi tiếng nhất nước Mỹ. Bà cho biết thời gian học ở trường này ảnh hưởng nhiều nhất đến tính cách của bà.
Bà Harris cho hay, từ trước đến nay, bà luôn cảm thấy thoải mái với lý lịch của mình, và chỉ xem bản thân là “người Mỹ.”
Năm 2019, bà Harris nói với báo Washington Post rằng làm chính khách không nên tự bó buộc bản thân vào một giới nào đó vì màu da hoặc lý lịch. “Quan điểm của tôi là: Tôi là sao thì là vậy. Tôi cảm thấy thoải mái. Có lẽ quý vị phải suy nghĩ, nhưng tôi cảm thấy thoải mái,” bà nói.
Con đường công danh
Sau bốn năm ở Howard University, bà Harris lấy bằng luật ở University of California, Hastings, và bắt đầu làm việc ở Văn Phòng Biện Lý Alameda County.
Rồi bà trở thành biện lý quận hạt – công tố viên hàng đầu – cho San Francisco County năm 2003, trước khi được bầu làm bộ trưởng Tư Pháp nữ đầu tiên và gốc Phi Châu đầu tiên của California.
Trong gần hai nhiệm kỳ giữ chức bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ, bà Harris dần trở thành một trong những ngôi sao đang lên của đảng Dân Chủ, rồi từ đó, được bầu làm thượng nghị sĩ Mỹ năm 2016.
Kể từ khi vào Thượng Viện Mỹ, bà Harris được những người cấp tiến ủng hộ mạnh mẽ vì chất vấn gay gắt ông Brett Kavanaugh, người được Tổng Thống Donald Trump đề cử làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện thời đó, và ông William Barr, bộ trưởng Tư Pháp Mỹ, trong những cuộc điều trần quan trọng.
Tham vọng vào Tòa Bạch Ốc
Khi công bố ra tranh cử tổng thống trước hơn 20,000 người ở Oakland, California, hồi đầu năm ngoái, bà Harris được ủng hộ nhiệt tình. Tuy nhiên, vị thượng nghị sĩ này không có chiến lược rõ ràng, và trả lời không thấu đáo câu hỏi liên quan những lĩnh vực quan trọng như y tế.
Bà cũng không tận dụng được thế mạnh của mình: Đó là tài tranh luận mà trong đó bộc lộ kỹ năng công tố của bà, thường đẩy ông Biden vào thế chống đỡ.
Là người Dân Chủ có bằng luật, bà Harris cố gắng đi khéo léo giữa phe cấp tiến và phe trung dung trong nội bộ đảng của bà, nhưng cuối cùng chẳng thu hút được phe nào, khiến chiến dịch của bà phải dừng lại vào Tháng Mười Hai năm ngoái trước cuộc tranh cử sơ bộ đầu tiên của đảng Dân Chủ ở Iowa vào đầu năm 2020.
Đến Tháng Ba, bà Harris ủng hộ ông Biden, tuyên bố bà sẽ làm “mọi cách trong khả năng để giúp ông ấy trở thành tổng thống Mỹ kế tiếp.” (Th.Long) [đ.d.]
Khu nghỉ mát ở Mỹ thành ổ lây nhiễm vì coi khẩu trang là màn kịch
Địa điểm Iowa Great Lakes (Mỹ) tập trung hàng chục nghìn người vui chơi vào mùa hè. Du khách không sợ dịch, còn người dân coi việc đeo khẩu trang là "màn kịch đánh lừa".