Ba năm làm dâu ở sa mạc Trung Đông của cô gái Việt

Ba năm cầu nguyện kinh Hồi giáo, ăn thịt cừu và đeo khăn che đầu, Dung thấy cuộc sống nơi đây không đáng sợ như cô tưởng.

23:30 30/10/2017

Dung Hoàng, 26 tuổi đang sống ở ngoại thành thủ đô Amman, của Jordan. Tuy sống ở đất nước sùng đạo và mọi thứ hoàn toàn khác ở Việt Nam, nhưng cô đã dần thích ứng và đang có cuộc sống hạnh phúc. Vợ chồng Dung có một bé trai 1,5 tuổi và chuẩn bị chào đón con thứ hai. Dưới đây là chia sẻ của Dung về những thú vị khi sống ở đất nước đạo Hồi.

Đầu năm 2014 tôi nhận được một lời kết bạn từ một Facebook có hình đại diện là diễn viên Al Pacino - người từng đóng vai Bố già. Thấy thú vị, tôi nhận lời, nhưng khá tò mò khi trên tường facebook của người này không có thông tin gì. Sau đó, anh ấy nói, vì biết tôi là người Hải Phòng nên muốn kết bạn. Trước đây thuyền của anh gặp bão phải vào Hải Phòng lánh nạn hơn ba tháng. Dù sự việc đã qua vài năm nhưng anh vẫn còn ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất này.

Nói chuyện nhiều tôi dần thích con người anh và thấy hai đứa khá hợp suy nghĩ. Dù biết khoảng cách tuổi tác (anh hơn tôi 22 tuổi) và từng ly dị nhưng tôi vẫn thích anh. Riêng việc là người Hồi giáo thì mãi sau này, khi chuẩn bị về Việt Nam tiến tới kết hôn anh mới nói.

Lúc đó tôi rất ngỡ ngàng. Qua Internet tìm hiểu về người Hồi giáo, tôi có một chút lo sợ nhưng khi đó anh sắp sang và tôi thì đã có tình cảm với anh rồi.

Cuối tháng 8/2014, anh về Việt Nam cùng hai người bạn, dự định của anh là trong hai tuần sẽ làm đám cưới rồi đón tôi qua đó. Nhưng gia đình tôi phản đối kịch liệt nên anh không thể thực hiện ý định này.

Tôi là con út trong nhà, trên là hai anh trai đều thông thạo tiếng Anh. Hồi đó ti vi có phát các vụ án man rợ về người Hồi giáo. Mấy ngày đầu anh tới, nhà tôi như có chiến tranh. Hai anh trai sợ tôi bị lừa nên giấu hộ chiếu đi. Bố mẹ tôi băn khoăn, vừa thương con, vừa sợ. Mỗi ngày anh đến nhà gặp và nói chuyện là một ngày đấu tranh bằng ngôn ngữ với hai anh trai tôi.

ba-nam-lam-dau-o-sa-mac-trung-dong-cua-co-gai-viet

Việc Dung quen biết với người đàn ông Hồi giáo lớn tuổi từng khiến cả gia đình lo lắng. Nhưng hiện tại cả gia đình cô đã rất yên tâm, vì chồng Dung hiểu chuyện và chiều vợ.

Xác định không thể trong thời gian ngắn mà lấy được sự tin tưởng của gia đình tôi, anh đã thuê một ngôi nhà bên cạnh và ở lại gần ba tháng. Gần như mỗi ngày anh đều qua nhà tôi giúp làm việc nhà, nói chuyện, dùng cơm. Đám cưới của anh trai tôi thì anh và bạn cũng đến phụ giúp. Dần dần tiếp xúc, bố mẹ tôi tin tưởng anh mới đồng ý cho tôi đi theo. Riêng hai anh trai, thời điểm ấy, vẫn chưa an tâm.

Cuối năm 2014, sau khi đăng ký kết hôn, tôi đặt chân đến đất nước Jordan, vùng Trung Đông mà tôi loáng thoáng biết qua internet. Mùa đông năm ấy khác hoàn toàn 23 mùa đông của tôi ở Việt Nam. Nó lạnh, khô và ảm đạm. Nơi đây phần lớn là sa mạc, ngoài đường chỉ có núi đá và cát. Tôi da diết nhớ khung cảnh xanh mướt ở quê nhà.

Nhà nào cũng có cửa kính vì bão cát nhiều. Bên trong nhà trải thảm và rèm cửa rất kín đáo, chắn mọi cửa chính và phụ. Hôm đầu tiên sang đây tôi thấy lạ mới hỏi chồng, thì anh bảo làm vậy để không ai nhìn được phụ nữ trong nhà. 

Dù có nhà riêng nhưng năm đầu tiên sang đây tôi sống cùng gia đình chồng, để học nấu ăn từ mẹ và em gái chồng, cũng như học ngôn ngữ và gần gũi với họ. Tất cả mọi người đều nói được tiếng Anh, riêng mẹ chồng tôi chỉ nói được tiếng Ả Rập. Hồi mới sang chưa hiểu ngôn ngữ của mẹ, có lần tôi đang từ ngoài vào nhà thì nghe tiếng mẹ khóc thống thiết và liên tục chỉ vào ti vi. Tôi cuống quýt tưởng mẹ bị điện giật. Hoá ra, mẹ nói thương cái anh phi công bị tổ chức Hồi giáo tự xưng thiêu chết trong chương trình đang phát trên ti vi.

ba-nam-lam-dau-o-sa-mac-trung-dong-cua-co-gai-viet-1

Dung đang có cuộc sống khá mãn nguyện ở đất nước Hồi giáo Jordan.

Chồng tôi là một thương nhân buôn vải. Mỗi ngày tôi ngủ dậy cùng lúc với anh. Sau đó phụ giúp mẹ chồng việc vặt. Ti vi của mẹ suốt ngày bật một kênh nghe tiếng cầu nguyện. Thời gian đầu tôi không thể thích ứng nổi.

Sau một thời gian tôi cũng làm quen được với việc cầu nguyện 5 lần mỗi ngày. Tôi cũng nhanh chóng học nấu được các món chồng thích, đa phần từ cừu và bò. Ở đây không ăn thịt lợn. Vì không có hải sản nên mọi người cũng không thích và không biết ăn. Trẻ con đều kêu sợ khi thấy tôm. Mỗi lần thấy tôi ăn cá, mẹ chồng đều kêu lên sợ hãi.

Phụ nữ Hồi giáo ra đường phải mặc áo kín, che tóc, che cổ. Đám cưới hay đám ma cũng sẽ chia ra hai khu riêng biệt. Lần đầu đi dự đám cưới, tôi đã rất lo khi phải ngồi trong một phòng được che kín mít, ở đó chỉ có phụ nữ trang điểm đậm và ăn mặc sexy, cùng ăn uống, khiêu vũ. Chồng tôi thì ở một khu tách biệt với những người đàn ông khác. 

Đàn ông bên này nói chung nam quyền, coi vợ là của riêng nên rất coi trọng danh tiết phụ nữ. Vậy nên cảnh sát không bao giờ được giữ lại một xe ôtô mà người ta đang chở vợ. Có lần vợ chồng tôi đang đi đường bị gọi, anh cảnh sát thấy trong xe có tôi phải cho đi ngay.

Tuy gia trưởng nhưng họ không độc đoán mà ngược lại rất chiều vợ. Thông thường phụ nữ sẽ cầm tiền chi tiêu gia đình, nhưng vì tôi không biết đi xe nên chồng phải tự cầm tiền đi mua sắm. Tuy vậy ngoài tặng quà, đều đặn hàng tháng anh đều gửi tiền vào tài khoản cho tôi tự do chi tiêu. Mỗi năm, tôi cũng được về quê một lần, mỗi lần một đến hai tháng.

ba-nam-lam-dau-o-sa-mac-trung-dong-cua-co-gai-viet-2

Một trong những buổi sinh hoạt hàng tuần của gia đình Dung Hoàng. 

Khi mới sang đây, tôi từng e ngại tiếp xúc với người ngoài, song ở lâu tôi thấy mọi người rất hiền hậu. Có bận chồng tôi làm rơi ví tiền, người ta đã tìm tới tận nhà để trả. Có lần vợ chồng tôi đang đi thì đụng xe, khiến chiếc xe kia bị méo đuôi. Trái với lo lắng của tôi, người bị đụng xe không hề nổi cáu mà lại bắt tay chồng tôi và nói: "Cảm ơn Chúa, nhờ vậy mà tôi quen anh". Sau đó xe của chúng tôi bị hỏng, phải khởi động bằng tay, người đó to khoẻ nên đã giành việc khởi động xe giúp chúng tôi.

Đa phần phụ nữ ngoại đạo lấy chồng đạo Hồi rất sợ lễ Ramadan. Tất cả đều nhịn ăn uống vào từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn (trừ phụ nữ có thai, người ốm hay người lao động nặng) suốt một tháng. Tôi thấy thương những chị đang cho con bú, hay cảnh sát làm việc vất vả mà phải nhịn ăn. Còn riêng tôi sang đây 3 năm nhưng mới phải nhịn ăn một năm, do năm còn lại mang bầu, năm thì về Việt Nam.

Khó khăn nhất với tôi là thực phẩm. Đặc biệt vào lúc nghén ngẩm, thèm ốc và hải sản mà không có. Ngoài những điều đó thì thực phẩm bên này sạch và được chính quyền giám sát rất sát sao. Nước rất quý, đắt nhưng rau củ thì vô cùng rẻ. Đến cuối ngày mà bị ế là người ta đổ thẳng.

ba-nam-lam-dau-o-sa-mac-trung-dong-cua-co-gai-viet-3

Gia đình Dung sống ở một khu vườn oliu rộng lớn. Họ đang dự định sẽ mở một văn phòng ở Việt Nam, nơi họ cung cấp oliu và nhập vải từ Việt Nam sang Jordan bán.

Gia đình chồng tôi sống chung một khu. Họ đều thành đạt và khá giả. Vào thứ 6 hàng tuần, mọi người tề tựu trong vườn oliu, đốt lửa nói chuyện, ca hát thâu đêm. Người Hồi giáo khuyến khích anh em họ ruột lấy nhau rồi sinh con cái. Một số dòng họ tân tiến như gia đình chồng tôi thì không ép buộc, mọi người vẫn có thể tự do yêu đương.

Tôi tuy ngoại đạo vẫn được gia đình chồng quý. Mỗi khi ra đường tôi thường chỉ che tóc và cổ, không che mặt. Ở nhà với gia đình chồng thì không mặc áo bó và hở tay, hở cổ. Vẫn nói chuyện với đàn ông trong gia đình chồng bình thường. 

Sau ba năm sống ở đây tôi thấy mãn nguyện. Đàn ông Hồi giáo không rượu bia, nên không có chuyện đánh đập vợ con. Dù người Hồi giáo cho phép đàn ông lấy tới bốn vợ, nhưng vợ chồng tôi thống nhất, khi không yêu nữa sẽ ly hôn, chứ anh không cưới thêm vợ khác. Đạo Hồi coi trọng chung thủy nên tôi tin tưởng tuyệt đối ở chồng. 

Tags:
Cô gái Việt kể về một năm chật vật thích nghi với mẹ chồng Hy Lạp

Cô gái Việt kể về một năm chật vật thích nghi với mẹ chồng Hy Lạp

'Xoong nồi lúc nào cũng phải sáng choang, giặt áo trắng phải đúng nước 90 độ...', chị My kể lại sự kỹ tính của mẹ chồng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất