Ba tuần hỗn loạn tìm ứng viên Chủ tịch Hạ viện Mỹ

Phe Cộng hòa suốt ba tuần qua chưa thể tìm được ứng viên có thể hội đủ phiếu ủng hộ cho ghế Chủ tịch Hạ viện, khiến cơ quan lập pháp Mỹ tê liệt.

07:47 24/10/2023

Cuộc khủng hoảng tại Hạ viện Mỹ bắt đầu từ ngày 3/10, khi ông Kevin McCarthy mất ghế Chủ tịch theo nghị quyết do nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Gaetz đệ trình và được thông qua. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hạ viện Mỹ ủng hộ một nghị quyết bãi nhiệm chủ tịch cơ quan này.

Chủ tịch Hạ viện là vị trí quyền lực số ba trong chính phủ Mỹ, chỉ sau tổng thống và phó tổng thống. Ghế này thường thuộc đảng đa số tại Hạ viện, dù đây không phải yêu cầu bắt buộc. Với vị thế đang kiểm soát Hạ viện, đảng Cộng hòa sẽ không muốn vị trí này thuộc về ứng viên độc lập hay phe Dân chủ.

Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa vẫn chưa thể hợp nhất sự ủng hộ dành cho ứng viên đảng mình, khiến Hạ viện Mỹ rơi vào tình trạng "rắn mất đầu" và tê liệt về mặt chức năng trong ba tuần qua, giữa lúc Washington đối mặt hàng loạt vấn đề cấp bách như viện trợ cho Ukraine, xung đột Israel - Hamas và hạn chót chính phủ đóng cửa cận kề.

"Khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm là đường thẳng đi qua chúng, nhưng trong nỗ lực bầu Chủ tịch Hạ viện, phe Cộng hòa đã chọn con đường vòng vèo, trắc trở hơn nhiều", cây viết Chad Pergram của Fox News bình luận ngày 22/10.

Theo ông Pergram, bản chất của việc bầu Chủ tịch Hạ viện chỉ là "phép toán" đơn giản, bởi phe Cộng hòa đang chiếm thế đa số với 221 ghế tại Hạ viện, đảng Dân chủ giữ 212 ghế. Ứng viên của họ chỉ cần quá bán phiếu ủng hộ trong số những nghị sĩ tham gia bỏ phiếu là sẽ đắc cử Chủ tịch Hạ viện.

Nhưng sau vô số cuộc họp kín và các vòng bỏ phiếu trong ba tuần qua, các ứng viên của đảng Cộng hòa đều không hội đủ 217 phiếu cần thiết để trở thành tân Chủ tịch Hạ viện. Các thành viên đảng Cộng hòa đã không thể tìm thấy được một điểm chung để đi đến quyết định vốn thường chỉ mang tính thủ tục này.

"Điểm chung duy nhất mà phe Cộng hòa tại Hạ viện thể hiện trong vài tuần qua là bất kể kế hoạch họ vạch ra như thế nào, họ sẽ thay đổi chúng 180 độ chỉ vài giờ sau đó", Pergram cho biết.

Nghị sĩ Steve Scalise
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Steve Scalise (trái) và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan. Ảnh: AP

Sau khi McCarthy bị bãi nhiệm, Patrick McHenry được chọn làm quyền chủ tịch Hạ viện, với quyền lực rất hạn chế. Theo hướng dẫn và quy trình tại Hạ viện, quyền chủ tịch "có thể thực thi quyền hạn của chủ tịch Hạ viện khi cần thiết và phù hợp trong lúc chờ bầu tân lãnh đạo".

Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steve Scalise ngày 11/10 được đảng Cộng hòa chọn làm ứng viên, vượt qua đối thủ Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan. Tuy nhiên, ngay trong cuộc họp kín ngày 12/10, phe Cộng hòa không thể hợp nhất sự ủng hộ cho Scalise, đồng nghĩa ông sẽ thất bại nếu đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện. Ông Scalise tuyên bố rút lui, 30 giờ sau khi được đề cử.

Chiều 13/10, đảng Cộng hòa chọn ông Jordan làm ứng viên sau cuộc họp kín. Nhưng ông này đã thất bại trong hai lần bỏ phiếu liên tiếp tại Hạ viện ngày 17 và 18/10. Điều đáng chú ý là số phiếu ủng hộ Jordan giảm dần, từ 200 trong vòng một xuống 199 trong vòng hai.

Một số nghị sĩ Cộng hòa phẫn nộ trước cái họ gọi là "chiến thuật gây sức ép mạnh tay" của Jordan và đồng minh, khi người thân của một số nghị sĩ không bầu cho ông bị quấy rối hoặc nhận thông điệp đe dọa. Nghị sĩ Mariannette Miller-Meeks đã thông báo cho cảnh sát về lời đe dọa bà nhận được và mô tả Jordan là "kẻ bắt nạt".

Nghị sĩ Drew Ferguson dự định bỏ phiếu cho Jordan trong vòng hai, nhưng quyết định thay đổi vì "chiến thuật đe dọa" này. Ông cũng gọi Jordan là "kẻ bắt nạt".

Đồng minh của Jordan nhanh chóng xoa dịu tình hình. "Jordan chưa bao giờ gây áp lực với ai cả", nghị sĩ Ralph Norman nói. Nghị sĩ Scott Perry cho rằng "các thành viên quốc hội đều từng nhận lời đe dọa và đây không phải điều cần chú ý".

Phó lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Katherine Clark (giữa) chỉ trích Jim Jordan khi các nghị sĩ bỏ phiếu vòng ba bầu chủ tịch Hạ viện hôm 20/10. Ảnh: AP
Phó lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Katherine Clark (giữa) chỉ trích Jim Jordan khi các nghị sĩ bỏ phiếu vòng ba bầu Chủ tịch Hạ viện hôm 20/10. Ảnh: AP

Trong khi đó, đảng Dân chủ lại thể hiện sự đoàn kết, khi toàn bộ 212 nghị sĩ đều bỏ phiếu cho lãnh đạo phe này tại Hạ viện Hakeem Jeffries. Ông Jeffries cũng không nêu đích danh ứng viên nào của đảng Cộng hòa có thể nhận được sự nhượng bộ của đảng Dân chủ để hội đủ phiếu làm Chủ tịch Hạ viện.

Hạ viện Mỹ dự kiến bỏ phiếu lần ba vào khoảng 13h ngày 19/10. Tuy nhiên, phe Cộng hòa lại triệu tập họp nội bộ vào 11h cùng ngày. Trước cuộc họp, Jordan ám chỉ ông vẫn là ứng viên chính của đảng Cộng hòa, nhưng cũng ủng hộ kế hoạch trao thêm quyền lực cho quyền chủ tịch McHenry để đảm bảo Hạ viện có thể thực hiện chức năng cơ bản là thông qua dự luật khi chưa bầu được Chủ tịch chính thức.

4 giờ sau, phe Cộng hòa kết thúc họp, quyết định hủy ý tưởng trao thêm quyền cho McHenry. Hạ viện dự định lùi lịch bỏ phiếu vào tối 19/10, có thể ngay trong khi Tổng thống Joe Biden phát biểu trước toàn quốc về chiến sự Hamas - Israel.

Hạ viện họp tối 19/10 nhưng lại không tổ chức bỏ phiếu, thay vào đó dời sang 11h ngày 20/10. Kết quả, ông Jordan tiếp tục thất bại trong vòng ba, với số phiếu ủng hộ chỉ còn 194. Ông Jeffries vẫn nhận đủ 210 phiếu của nghị sĩ Dân chủ tham gia bỏ phiếu.

"Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã nhiều lần nêu rõ chúng tôi muốn một lộ trình lưỡng đảng hướng đến bầu lãnh đạo, nhưng phe Cộng hòa đã bác bỏ và chọn chủ nghĩa cực đoan", ông Jeffries nói với báo giới ngày 20/10.

Giữa lúc đảng Cộng hòa đang hỗn loạn trong nỗ lực tìm tân Chủ tịch Hạ viện, tuyên bố của ông Jeffries được kỳ vọng sẽ giúp phe Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử năm 2024.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries phát biểu tại Washington ngày 20/10. Ảnh: AP
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries phát biểu tại Washington ngày 20/10. Ảnh: AP

Nghị sĩ Warren Davidson, đồng minh của ông Jordan, ngày 19/10 đề xuất Hạ viện bỏ phiếu vào ngày nghỉ cuối tuần. Động thái này có thể có lợi cho ông Jordan, bởi sẽ có nghị sĩ vướng lịch trình riêng, không thể tham gia bỏ phiếu tại Hạ viện, giúp số phiếu quá bán giảm xuống.

Với một lượng nghị sĩ vắng mặt nhất định, theo tỷ lệ đảng phái thích hợp, ông Jordan có thể thắng. Nhưng đây cũng là canh bạc với phe Cộng hòa, bởi cũng với một tỷ lệ thích hợp, Jeffries có thể chiến thắng và họ sẽ mất ghế chủ tịch Hạ viện vào tay đảng Dân chủ.

Nhưng kịch bản này đã không xảy ra. Phe Cộng hòa chiều 20/10 họp kín và quyết định rút tư cách ứng viên của ông Jordan. Họ có thời gian đến ngày 22/10 để công bố ứng viên mới. Ngay sau đó, 9 nghị sĩ đã tuyên bố tranh cử ghế chủ tịch Hạ viện gồm Jack Bergman, Byron Donalds, Tom Emmer, Kevin Hern, Mike Johnson, Dan Meuser, Gary Palmer, Austin Scott và Pete Sessions.

Đảng Cộng hòa dự kiến thảo luận về các ứng viên vào 18h30 ngày 23/10 (5h30 ngày 24/10 giờ Hà Nội), sau đó bỏ phiếu nội bộ chọn người đại diện vào 9h ngày 24/10 (20h giờ Hà Nội). Quyền chủ tịch Hạ viện McHenry cho biết ông dự định tổ chức bỏ phiếu bầu tân lãnh đạo "sớm nhất vào ngày 24/10".

9 nghị sĩ Cộng hòa tranh cử ghế chủ tịch Hạ viện. Ảnh: X/@MSNBC
9 nghị sĩ Cộng hòa tranh cử ghế chủ tịch Hạ viện. Ảnh: X/@MSNBC

"Đây là một trong những điều xấu hổ nhất tôi từng chứng kiến", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul nói ngày 22/10, thêm rằng ông đang trong nhiệm kỳ thứ 10. Khi được hỏi về một thỏa thuận với phe Dân chủ, McCaul cho biết vấn đề đang được cân nhắc nhưng một số nghị sĩ cho rằng điều đó cũng rất nguy hiểm.

Ông McCarthy ngày 22/10 cho rằng Jordan và Scalise lẽ ra đều có thể làm tốt vị trí Chủ tịch Hạ viện. Về 9 ứng viên, McCarthy ủng hộ Emmer, đang là phó lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện, vị trí quyền lực thứ ba tại cơ quan này.

Khi được hỏi liệu ông có tham gia cuộc đua vào ghế Chủ tịch Hạ viện hay không, McCarthy trả lời ông "không cần vị trí đó". Ông thêm rằng mình vẫn là thành viên quốc hội và sẽ đi đầu trong các nỗ lực bảo vệ Mỹ. Ông McCarthy hồi tháng 1 đã phải vượt qua 15 vòng bỏ phiếu và chấp nhận một số thỏa hiệp với phe cực hữu trong đảng Cộng hòa mới hội đủ ủng hộ để trở thành Chủ tịch Hạ viện.

"Tôi hy vọng mọi người có thể đoàn kết lại, đặt quốc gia lên trên chính trị và giải quyết vấn đề này", ông nói.

Tags:
55 quốc gia và vùng lãnh thổ miễn thị thực cho Việt Nam

55 quốc gia và vùng lãnh thổ miễn thị thực cho Việt Nam

Chỉ số hộ chiếu Henley Passport Index 2023 vừa được công bố cho thấy công dân Việt Nam đến 55 điểm đến trên thế giới không cần visa (thị thực).

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất