Bác sĩ mang thai vẫn chiến đấu trên tuyến đầu
Bác sĩ Tú Carol Nguyễn, mang thai gần 6 tháng, hàng ngày điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại phòng cấp cứu bệnh viện ở Maryland.
22:30 15/04/2020
Bác sĩ Nguyễn làm việc tại Bệnh viện UM Prince George. Cô cùng hai đồng nghiệp khác, Elizabeth Clayborne và Michele Callahan đều là những "mẹ bầu" trong khu cấp cứu.
"Chắc chắn tôi tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19. Nhưng chúng tôi đều mặc đồ bảo hộ đầy đủ", nữ bác sĩ 35 tuổi nói. Ngày dự sinh của cô là 28/7. Nguyễn còn có con trai đầu lòng vừa tròn một tuổi.
Mặc dù được lựa chọn nghỉ phép không lương, bác sĩ Nguyễn vẫn sát cánh cùng các đồng nghiệp. Cô cho biết nếu họ không tiếp tục làm việc, khoa cấp cứu sẽ chịu áp lực nặng nề.
"Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ hỗ trợ các đồng nghiệp trong đại dịch. Nếu chúng tôi đồng loạt nghỉ, sẽ chẳng còn ai", cô nói.
Bệnh viện có chính sách miễn cho các bác sĩ mang thai những việc nguy cơ cao. Tuy vậy, gần đây Nguyễn đã đặt nội khí quản cho một bệnh nhân, người sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính.
Phụ nữ mang thai không có khả năng mắc Covid-19 cao hơn người khác và chưa bằng chứng nào cho thấy virus truyền được từ mẹ sang con. Song các chuyên gia vẫn cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn vì đến nay không có nhiều dữ liệu. Một số trẻ sơ sinh đã được xét nghiệm dương tính nCoV. Tuy nhiên không rõ lây bệnh trong kỳ thai sản hay khi được sinh ra.
Nhiều tổ chức như Đại học Phụ sản Mỹ, Hiệp hội Y khoa Phụ sản hay Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo nhân viên y tế đang mang thai tuân theo các chỉ dẫn bảo hộ chung, song cũng bổ sung rằng họ nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân mắc Covid-19.
Bác sĩ Elizabeth Clayborne, đồng nghiệp của bác sĩ Nguyễn, cũng đang mang thai 7 tháng. Đó là một bé gái.
"Tôi cảm thấy con đạp trong lúc làm việc, như một lời nhắc nhở không phải mình tôi đang chiến đấu ở tiền tuyến", cô chia sẻ.
"Nếu tất cả chúng tôi rời đi cùng lúc, đội ngũ sẽ chịu áp lực rất lớn. Vì vậy chúng tôi yêu cầu được làm việc trong các ca trực ít rủi ro hơn, tiếp tục giúp đỡ cả nhóm", cô nói. Cả ba cố gắng cân bằng giữa công việc và con cái ở nhà.
Bác sĩ Clayborne biết mình đang mạo hiểm. Cô từng sinh non con đầu lòng 5 tuần. Bé Ada hiện 17 tháng tuổi. Nguy cơ cô tiếp tục sinh non là rất cao.
Bệnh viện nỗ lực điều phối thời gian để các bác sĩ khoa cấp cứu mang thai không phải làm việc cùng một giờ. Mỗi ca trực có một nhân viên y tế hỗ trợ các thủ thuật như đặt nội khí quản và hồi sức. Tuy nhiên Clayborne và các đồng nghiệp vẫn phải thăm khám cho những người dương tính nCoV.
"Chúng tôi luôn cố gắng giảm thiểu rủi ro, nhưng ai nấy đều hiểu rõ, chỉ bước chân vào phòng bệnh cũng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rồi", Douglas Mayo, trưởng khoa cấp cứu Trung tâm Bệnh viện UM Prince George nói.
Cơ sở y tế có thiết bị bảo hộ cá nhân, nhưng nguồn cung rất hạn chế. Các bác sĩ phải tái sử dụng mặt nạ phòng độc trong hai tuần, cho đến khi chúng bị bẩn hoặc hư hỏng, bác sĩ Michele Callahan cho biết. Cô là một trong số ba sản phụ làm việc ở phòng cấp cứu.
Callahan mang thai hơn 32 tuần, dự sinh ngày 30/5. Cô lo ngại sẽ phải thở máy nếu nhiễm bệnh, ảnh hưởng tới thai nhi còn chưa ra đời. Cô cũng tự hỏi liệu chồng mình có được vào phòng đẻ hay không và ai sẽ chăm sóc cho Parker, con trai 2 tuổi ở nhà.
Bác sĩ Callahan từng tiếp xúc với một bệnh nhân dương tính nCoV, song chưa thực hiện đặt nội khí quản.
"Nhưng có lẽ việc đó sẽ xảy ra thôi. Bệnh viện luôn cố gắng giảm thiểu khả năng chúng tôi tiếp xúc với người bệnh, nhưng đôi khi mọi thứ quá cấp bách. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Và chúng tôi vẫn phải làm vì đó là công việc", cô giải thích.
Thục Linh (Theo WSJ)
Link nguồn: https://vnexpress.net/bac-si-mang-thai-van-chien-dau-tren-tuyen-dau-4084141.html
Kiều bào tại Mỹ ủng hộ hơn 100.000 USD chống Covid-19
Thay mặt kiều bào tham dự buổi lễ, ông David Dương và ông Nguyễn Công Chánh khẳng định cộng đồng người Việt Nam tại các bang miền tây nước Mỹ dù làm gì, ở đâu vẫn luôn hướng về quê hương