Bác sĩ người Mỹ ‘cảm’ được cái chết và nỗi đau của bệnh nhân

Khi bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng, bác sĩ Joel Salinas cảm thấy bản thân “trượt đi” rồi chạy vào nhà vệ sinh nôn ọe.

09:30 17/04/2018

Lần đầu tiên chứng kiến bệnh nhân tử vong, bác sĩ Joel Salinas mới là sinh viên thực tập. Một cách khó hiểu, chàng trai trẻ bỗng cảm thấy nghẹt thở như bị ai đó đè ngực. “Khi bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng, tôi trượt đi, trống rỗng rồi chạy thẳng tới nhà vệ sinh và nôn ọe”, bác sĩ thần kinh hiện công tác tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) nhớ lại.

Trên thực tế, phản ứng của Salinas không xuất hiện do căng thẳng, sợ hãi mà bắt nguồn từ một tình trạng đặc biệt có tên mirror-touch synesthesia. “Về cơ bản, dây thần kinh bị trục trặc khiến tôi cảm nhận được tất cả những gì người khác cảm nhận”, Salinas giải thích.”Ví dụ, nếu bạn thở hổn hển, tôi cũng cảm thấy bản thân thở hổn hển. Nếu bạn hoảng sợ, tôi cũng cảm thấy hoảng sợ”.

Bác sĩ Salinas có thể cảm nhận mọi nỗi đau của bệnh nhân. Ảnh: Nancy Lane.

Bác sĩ Salinas có thể cảm nhận mọi nỗi đau của bệnh nhân. Ảnh: Nancy Lane.

Chia sẻ với CNN, Salinas cho biết anh nhận ra bản thân khác biệt ngay từ thưở thơ ấu. “Tôi xem một bộ phim hoạt hình. Tới cảnh nhân vật chính bị đâm xe, tôi cũng cảm thấy như vừa bị đâm”, bác sĩ kể. “Học cấp ba, tôi chứng kiến nhiều cuộc đánh nhau và điều đó thật khó khăn”.

Năm đầu tiên học trường y, Salinas mới biết đến hiện tượng synesthesia (phản ứng kèm). Một thời gian sau, anh tiến hành kiểm tra và biết rằng mình mắc phải tình trạng mirror-touch synesthesia.

Nhờ tình trạng kỳ lạ, Salinas có thể chẩn đoán sớm và chính xác bệnh trạng của bệnh nhân. Một lần, anh được phân công đảm nhận trường hợp nữ bệnh nhân bại não không thể trò chuyện và liên tục phản ứng dữ dội với y tá. “Vừa bước vào phòng, tôi nhận thấy ai đó đang khó thở”, Salinas tiết lộ. Anh lập tức đề nghị đưa nữ bệnh nhân đi kiểm tra ngực và phát hiện bà có cục máu đông trong phổi.

“Bà ấy không hề kích động vì tức giận. Bà ấy phải chiến đấu với không khí theo đúng nghĩa đen. Nếu không mắc mirror-touch synesthesia, tôi không nghĩ mình có thể hỗ trợ bệnh nhân kịp thời như vậy”, Salinas bày tỏ.

Lần khác, nam nghệ sĩ Bob McGrath tới gặp bác sĩ Salinas vì bị phản ứng phụ do thuốc dẫn đến run rẩy, suy giảm nhận thức. “Anh ấy hỏi tôi cảm thấy thế nào và tôi trả lời mình ổn nhưng lo lắng. Anh ấy đáp: ‘Tôi biết'”, McGrath tường thuật.

Để bệnh nhân bình tĩnh, bác sĩ Salinas gọi điện hỏi thăm ba lần mỗi ngày. Anh cũng tìm được chính xác loại thuốc nào gây tác dụng phụ cho McGrath. “Thật phi thường”, nam nghệ sĩ thán phục.

Bác sĩ Salinas (phải) trò chuyện với bệnh nhân. Ảnh: CNN.

Bác sĩ Salinas (phải) trò chuyện với bệnh nhân. Ảnh: CNN.

Tất nhiên, không phải ai mắc mirror-touch synesthesia cũng tận dụng khả năng của mình một cách tích cực như bác sĩ Salinas. Vô số trường hợp họ tự giam mình trong nhà để tránh tiếp xúc với cộng đồng.  Bác sĩ Salinas cũng phải liên tục trấn an bản thân: “Tôi tự nhủ mình sẽ không sao, bệnh nhân đang gặp vấn đề và cần giúp họ”.

Đối với Salinas, mirror-touch synesthesia không hề gây khó khăn. Trái lại, nó tạo động lực thúc đẩy anh trở thành bác sĩ với sứ mệnh “giải thoát mọi người khỏi nỗi đau”. Trên hết, bác sĩ tin rằng mirror-touch synesthesia chính là hình thức cao hơn của sự thấu cảm, yếu tố không thể thiếu khi chăm sóc bệnh nhân. “Họ sẽ bớt cô đơn hơn nếu các y bác sĩ cảm nhận được phần nào những gì họ đang chịu đựng”, Salinas nói. “Điều này vô cùng ý nghĩa trong nghề y”.

Minh Nguyên

Tags:
Nhân viên tổng đài 911 vụ thiếu niên bị ghế xe đè chết sẽ quay lại làm việc

Nhân viên tổng đài 911 vụ thiếu niên bị ghế xe đè chết sẽ quay lại làm việc

Người nhân viên tổng đài điện thoại cấp cứu 911, từng bị cho tạm nghỉ sau khi xảy ra cái chết của một thiếu niên ở Ohio trong tai nạn hiếm thấy, trong đó nạn nhân bị ghế xe van đè ngộp thở, sẽ quay trở lại làm việc tuần này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất