Bài học đắt giá Mỹ rút ra từ chiến trường Ukraine
Chứng kiến cuộc chiến tiêu hao khốc liệt ở Ukraine, Lầu Năm Góc nhận ra họ phải thay đổi phương thức tác chiến để không quá phụ thuộc vào công nghệ dẫn đường.
13:30 26/02/2024
Trong một cuộc họp hồi cuối tháng 1, tướng Curtis Taylor, chỉ huy Trung tâm Huấn luyện Quốc gia (NTC) và căn cứ lục quân Irwin của Mỹ, cầm trên tay một "thiết bị công nghệ chết người", nói rằng nó là nguyên nhân khiến 89 binh sĩ Nga thiệt mạng trong đòn pháo kích của Ukraine nhằm vào thành phố Makiivka rạng sáng 1/1/2023.
"Thiết bị chết người" đó là một chiếc điện thoại di động thông thường. Trong vụ tập kích bằng pháo HIMARS của Ukraine xuống nơi đóng quân của lực lượng Nga tại Makiivka ngay sau giao thừa, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các binh sĩ đã sử dụng điện thoại trái với lệnh cấm, khiến đối phương "theo dõi và xác định được tọa độ đơn vị".
"Thứ này cũng sẽ khiến rất nhiều binh sĩ Mỹ thiệt mạng", tướng Taylor nói.
NTC là căn cứ huấn luyện chủ chốt của quân đội Mỹ, nằm tại sa mạc Mojave ở bang California. Đây là nơi chuyên mô phỏng tác chiến thực tế, với một trung đoàn chuyên đóng vai quân địch, nhằm giúp binh sĩ Mỹ làm quen với những tình huống có thể gặp phải khi tham chiến.
Quân đội Mỹ đang phải xây dựng lại phương thức chiến đấu, từ bỏ chiến thuật chống phiến quân gắn liền với cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, nhằm tập trung vào chuẩn bị cho xung đột quy mô lớn với những cường quốc ngang hàng.
Những gì diễn ra suốt hai năm qua trên chiến trường Ukraine cho thấy Lầu Năm Góc phải thay đổi toàn bộ phương thức tác chiến, do hình thức xung đột không còn giống những gì Mỹ từng trải qua trong các xung đột trước đây. Vũ khí dẫn đường, máy bay không người lái (UAV) và các biện pháp trinh sát điện tử có thể vượt xa tiền tuyến, đặt ra mối đe dọa chết người với binh sĩ ở sâu trong hậu phương.
Giới chức Mỹ cho hay xung đột Ukraine là cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách rút ra những bài học đắt giá. Lầu Năm Góc đã tiến hành nghiên cứu bí mật kéo dài một năm về những gì họ có rút ra từ cả hai bên tham chiến, nhằm xây dựng Chiến lược Phòng thủ Quốc gia, tài liệu định hướng chính sách chiến lược quân sự và quốc phòng của Mỹ trong nhiều năm tới.
"Hình thái chiến tranh đã thay đổi, những bài học từ xung đột Ukraine sẽ là nguồn tư liệu được sử dụng lâu dài", một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên cho hay.
Chiến sự Ukraine đã thách thức những tính toán cốt lõi của Washington, cũng như làm suy yếu niềm tin rằng vũ khí dẫn đường luôn đóng vai trò trung tâm trong mọi chiến thắng của quân đội Mỹ.
"Xung đột hiện nay là cuộc chiến tiêu hao, trong đó mỗi bên đều tìm mọi cách bào mòn nguồn lực đối phương. Hình thái này từng được cho là lỗi thời và không còn phù hợp với chiến tranh hiện đại", Stacie Pettyjohn, giám đốc chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), cho hay.
Những vũ khí dẫn đường bằng định vị vệ tinh (GPS) được Mỹ viện trợ cho Ukraine như bom JDAM, đạn pháo Excalibur và rocket HIMARS, vốn được ca ngợi là "có độ chính xác tuyệt vời", đã liên tục bắn trượt mục tiêu do bị tác chiến điện tử Nga gây nhiễu.
"Điều đó buộc Ukraine kết hợp đạn pháo thông thường đời cũ với trinh sát và UAV để tập kích mục tiêu. Các chỉ huy Mỹ chắc chắn đã nhận ra điều này", bà Pettyjohn nói thêm.
Các quan chức Mỹ thừa nhận mọi hành động của binh sĩ, từ xây dựng kế hoạch, tuần tra đến sử dụng công nghệ để làm nhiệm vụ, đều phải được xem xét lại.
Thao trường huấn luyện của NTC từng mô phỏng những khu vực bằng phẳng tại Afghanistan và Iraq, nhưng giờ đây lại đầy những chiến hào và cứ điểm tương tự tiền tuyến ở Ukraine. "Những gì diễn ra ở Ukraine cho thấy pháo binh Nga có thể cản trở nỗ lực cơ động đội hình và uy hiếp mọi sở chỉ huy tiền phương", tướng Taylor thừa nhận.
Giới chỉ huy tại NTC liên tục cảnh báo rằng mọi thiết bị điện tử mà binh sĩ mang theo đều có thể trở thành mục tiêu. Binh sĩ được lệnh không sử dụng điện thoại trên thao trường, trong khi các sĩ quan giám sát thường xuyên truy quét những người dùng thiết bị điện tử trái phép.
Tướng Taylor kể về câu chuyện một kíp bay trực thăng tấn công Apache đóng vai quân xanh né tránh được lưới phòng không trong diễn tập giả định. Binh sĩ quân đỏ ban đầu không thể xác định đường bay đối phương, nhưng đã dựa vào dữ liệu của một điện thoại di động và phát hiện nó di chuyển tới tốc độ gần 200 km/h trên sa mạc, từ đó vạch ra hành trình của chiếc Apache.
Chỉ huy Mỹ so sánh mối đe dọa của điện thoại thông minh hiện nay với vấn đề hút thuốc lá ở tiền tuyến thời Thế chiến, khi binh sĩ hai bên luôn tìm kiếm những đốm da cam bập bùng trong đêm để xác định vị trí đối phương. "Tôi nghĩ tình trạng nghiện điện thoại cũng gây nguy hiểm không kém nghiện thuốc", tướng Taylor nói.
Binh sĩ Mỹ cũng phải tăng cường chú ý đến những chiếc điện thoại xung quanh họ. Những quân nhân đóng vai dân thường tại NTC có thể chụp ảnh, quay phim và đánh dấu vị trí quân xanh, sau đó đăng lên mạng xã hội mô phỏng mang tên Fakebook. Những tư liệu này được quân đỏ sử dụng để lên kế hoạch tập kích.
Điện đàm, đài điều khiển thiết bị không người lái và phương tiện cơ giới đều tạo ra lượng lớn tín hiệu điện từ và hồng ngoại, có thể bị các hệ thống trinh sát phát hiện từ xa. Các chỉ huy tại NTC nói rằng binh sĩ Mỹ đang tiếp thu kiến thức, nhưng vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục.
Trong cuộc diễn tập của Sư đoàn Thiết giáp số 1 lục quân Mỹ ở NTC, sở chỉ huy được phủ kín bởi lưới ngụy trang có khả năng chặn tín hiệu điện tử và hồng ngoại. Địa điểm này được che giấu rất kỹ, nhưng lại có một đài thu phát tín hiệu vệ tinh Starlink trắng sáng nằm ngay bên cạnh.
Một binh sĩ giải thích rằng lưới ngụy trang gây nhiễu tín hiệu vệ tinh, buộc họ phải đặt ăng-ten Starlink ở ngoài để duy trì kết nối. "Nó sẽ trở thành mục tiêu thu hút UAV và trinh sát cơ địch. Phủ chăn lên ngay", tướng Taylor nói.
Trong các xung đột gần đây, Mỹ đều triển khai những dòng máy bay không người lái (UAV) cỡ lớn, đắt tiền và chỉ được điều động theo lệnh của chỉ huy cấp cao. Ngược lại, quân đội Nga và Ukraine hiện nay đều biên chế lượng lớn drone trinh sát và tấn công cỡ nhỏ cho binh sĩ, mang đến khả năng tự quyết cho những đơn vị cấp phân đội, điều mà Mỹ chưa thể áp dụng trong thực tế.
Sự hiện diện của drone cỡ nhỏ rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện "chuỗi hủy diệt" gồm trinh sát, phát hiện mục tiêu và công kích.
Chiến thuật dùng drone thả thuốc nổ được đánh giá ngày càng thay đổi cách thức tác chiến trong xung đột hiện đại. Những chiếc drone giá rẻ và có sẵn trên thị trường từng hạ gục mục tiêu giá trị cao của đối phương như xe tăng, thiết giáp, tổ hợp phòng không, ngoài ra chúng còn tấn công từng binh lính ẩn náu trong chiến hào.
Sư đoàn Dù số 82 trở thành đơn vị lục quân Mỹ đầu tiên cho binh sĩ huấn luyện dùng drone thả đạn vào mục tiêu trên thao trường.
Những loại UAV tự sát có uy lực lớn, giá rẻ và khả năng né tránh phòng không khiến các lãnh đạo quân đội Mỹ phải xem xét nguy cơ xuất hiện lỗ hổng trong năng lực phòng thủ. Ví dụ điển hình là vụ UAV tự sát tập kích căn cứ Mỹ ở Jordan khiến ba binh sĩ thiệt mạng và hàng chục người bị thương hôm 28/1.
Lục quân Mỹ cũng từ bỏ hai mẫu UAV trinh sát hạng nhẹ gồm RQ-7 Shadow và RQ-11 Raven, cho rằng chúng không thể sống sót trong xung đột hiện đại. "Tình hình chiến trường, đặc biệt là Ukraine, cho thấy trinh sát đường không đã thay đổi căn bản", tư lệnh lục quân Mỹ Randy George cho hay.
Tướng James Hecker, tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE), nói rằng quân đội Ukraine đang triển khai mạng lưới gồm hàng nghìn điện thoại gắn cảm biến âm thanh để phát hiện UAV Nga dựa vào tiếng động do chúng phát ra. Các đơn vị chuyên trách sau đó gửi cảnh báo tới lực lượng phòng không cùng các tổ săn UAV để họ đón lõng và bắn hạ mục tiêu.
"Nỗ lực này đã được thông báo cho Cơ quan Phòng thủ Tên lửa thuộc Lầu Năm Góc, cũng như các chỉ huy quân đội Mỹ và NATO để xem xét học hỏi", tướng Hecker cho hay.
Tại khu rừng gần căn cứ Johnson thuộc bang Louisiana, các binh sĩ lục quân Mỹ đặt ra khẩu hiệu "đào hào hoặc chết" dựa trên những bài học từ Ukraine.
Những người đến Trung tâm Huấn luyện Sẵn sàng chiến đấu Liên quân (JRTC) đang học cách xây dựng mạng lưới chiến hào và công sự, những thứ từng được coi là "tàn tích của xung đột trong quá khứ", nhằm bảo vệ tính mạng của họ trước bom và drone mang thuốc nổ.
"Hy vọng quân đỏ sẽ xuất hiện. Tôi không muốn đào hào một cách vô nghĩa", một binh sĩ nói sau nhiều giờ đào đất và ngụy trang công sự.
Binh sĩ quân đỏ dùng phần mềm AI và drone giá rẻ nhằm gây bất ngờ cho lực lượng phòng thủ, giúp các quân nhân đúc rút kinh nghiệm. Các đợt huấn luyện cho thấy lính Mỹ đang cải thiện khả năng ngụy trang thực địa, nhưng vẫn để lại nhiều dấu hiệu điện tử cho trinh sát đối phương.
Trong một cuộc diễn tập, quân đỏ sử dụng loại drone có khả năng phát hiện tín hiệu WiFi và thiết bị bật bluetooth, cho phép họ phát hiện điểm tập kết quân xanh. Trong một vụ khác, sở chỉ huy quân xanh bị nhận diện vì đặt tên mạng WiFi là "sở chỉ huy".
Quân đội Mỹ và Ukraine có cách vận hành khác nhau, khiến nhiều kinh nghiệm trong xung đột không thể áp dụng với Washington, nhưng chuyên gia Pettyjohn cảnh báo rằng nhiều chỉ huy Mỹ vẫn chủ quan trước những bài học rút ra từ chiến sự và có thể phải trả giá đắt trong tương lai.
"Họ không tin rằng hình thái chiến tranh đã thay đổi và vẫn níu kéo niềm tin mạo hiểm là quân đội Mỹ sẽ làm tốt hơn trong tình huống tương tự", bà nói.
Bố ca sĩ Xuân Mai: 'Tôi thương con vất vả, lấy chồng sớm'
Ca sĩ Tuấn Cảnh - bố của Xuân Mai "Con cò bé bé" - nói xót xa vì con lấy chồng sớm, vất vả với cuộc sống ở Mỹ.