Bản di chúc tạo cơn sốt sinh con
Đêm Halloween năm 1926, luật sư kiêm nhà đầu tư giàu có Charles Vance Millar qua đời, để lại bản di chúc gây xôn xao cả một thập kỷ.
08:30 18/01/2020
Charles Vance Millar sinh ngày 28/6/1854 tại Aylmer, Ontario. Ông là một luật sư nổi tiếng và sở hữu công ty riêng tại trung tâm Toronto, Canada.
Millar rất thích đùa. Ông thường thả các tờ đôla trên vỉa hè và trốn trong bụi rậm để quan sát những người vội vàng nhặt tiền và nhét vào túi vì họ nghĩ rằng không ai trông thấy. Ông nói với bạn bè rằng trò tiêu khiển này nhằm nghiên cứu về bản chất con người.
Năm 1926, ông đột ngột qua đời ở tuổi 73 khi đang họp với một vài cộng sự. Ông không lập gia đình và không có người thừa kế tài sản.
Di chúc của ông đậm chất trào phúng. Ông để lại 500 USD cho một quản gia quá cố, để lại cổ phần một trường đua ngựa cho những nhà hoạt động phản đối đua ngựa. Ông tặng một căn nhà nghỉ dưỡng ở Jamaica cho ba luật sư "ghét cay ghét đắng" nhau với điều kiện ba người phải sống chung.
Điều khoản gây chú ý nhất trong di chúc làm thay đổi cuộc sống của các gia đình ở Toronto, gây ra cơn sốt truyền thông kéo dài cả thập kỷ: tài sản của ông - tương đương 10 triệu USD theo thời giá ngày nay - sẽ được trao cho bà mẹ sinh nhiều con nhất ở Toronto trong vòng 10 năm sau khi Millar qua đời, theo cơ sở dữ liệu sinh đẻ của Canada. Nếu hòa, tiền sẽ được chia đều cho các bà mẹ.
Không ai rõ mục đích của Millar khi đề ra điều khoản này. Một số người tin rằng đây là trò chơi khăm ông bày ra trước khi qua đời để tiêu khiển cho bạn bè và để thách thức hệ thống pháp lý. Những người khác nghĩ rằng đây là một cách ủng hộ biện pháp tránh thai, bằng cách khiến sự chú ý đổ dồn vào việc sinh đẻ không kiểm soát, khiến chính quyền thấy bẽ mặt và phải hợp pháp hóa kiểm soát sinh sản.
Ban đầu truyền thông gọi di chúc của Millar là "quái dị". Không ai tin nó là thật. Nhưng các tờ báo sau đó theo dõi sát sao cuộc "chạy đua" sinh con. Tờ Toronto Daily Star còn giao một phóng viên chuyên tìm đến những phụ nữ mang thai trong thành phố để thỏa thuận đưa tin độc quyền.
Khi Millar qua đời, ông không biết rằng các khoản đầu tư của mình sẽ ăn nên làm ra. Ông cũng không biết rằng Đại khủng hoảng (thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 1929 đến hết thập niên 1930) sẽ khiến gia sản của ông trở thành "ngọn hải đăng" hy vọng cho nhiều gia đình.
Ngày 31/10/1936, đúng 10 năm sau khi Millar qua đời, cuộc thi kết thúc. Thẩm phán William Edward Middleton, con cả trong một gia đình 9 con, là người ra quyết định cuối cùng.
Ông tuyên bố kết quả hòa giữa Annie Kinda Smith, Kathleen Ellen Nagle, Lucy Alice Timleck và Isabel Mary Maclean, mỗi bà mẹ đều sinh 9 con. Mỗi người nhận 125.000 USD, khoảng hai triệu USD theo thời giá ngày nay. Số tiền này đủ để các bà mẹ mua nhà mới và trả tiền học cho con cái.
Có hai bà mẹ mang thai 10 và 11 lần nhưng kết quả của họ không được tính vì thai chết lưu. Tuy nhiên, họ vẫn nhận được một số tiền nhỏ hơn những người chiến thắng.
Lucy Timleck thừa nhận với phóng viên rằng việc chăm sóc một gia đình lớn không dễ dàng. "Tôi nghĩ rằng kiểm soát sinh đẻ là một điều tuyệt vời", bà nói.
Kevin Timleck, hiện 57 tuổi, sống ở Vancouver, là con út của Lucy. Kevin cho biết ông có hơn 100 anh em họ trên khắp đất nước. Trong khi nhiều thân nhân giữ truyền thống của người Công giáo gốc Ireland là sinh nhiều con thì Kevin chỉ có hai con. "Vì sao ư? Vì không có ai treo thưởng cả", ông nói.
Phương Vũ (Theo ATI/FiveThirtyEight)
Nguồn: vnexpress.net
Đóng cửa nhiệt điện than, Mỹ cứu được 26.000 mạng người trong 10 năm
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, việc đóng cửa hàng trăm nhà máy nhiệt điện than ở Mỹ trong thập kỷ qua đã giúp cứu sống được khoảng 26.610 người. Điều này cũng làm giảm lượng khí thải CO2 và mức độ ô nhiễm không khí, thậm chí còn giúp tăng năng suất cây trồng quanh khu vực các nhà máy đã bị đóng cửa.