Bán nhà để có tiền đi du học, cô thạc sĩ về nước chỉ có được mức lương bèo
Dùng 2 triệu nhân dân tệ của bố mẹ để đi du học, cô gái vỡ mộng khi về nước nhận việc với mức lương không đủ tiền ăn.
09:45 04/09/2023
Năm 2013, Xiao Xiao, ở thành phố Tế Nam, tốt nghiệp trung học và sang Australia du học. Bố là viên chức bình thường, mẹ là giáo viên trung học, để có tiền cho con gái sang Australia, gia đình cô phải bán đi ngôi nhà nhỏ bên hồ Daming.
Do kết quả học tập không xuất sắc, Xiao Xiao không vào được trường danh tiếng. Cô chọn học về truyền thông tại một trường cao đẳng. Sau khi ra trường, Xiao Xiao học tiếp thạc sĩ tại Đại học công nghệ Queensland.
Trong 5 năm ở nước ngoài, học phí và chi phí sinh hoạt của Xiao Xiao tốn khoảng 2 triệu nhân dân tệ (gần 6,7 tỷ đồng). Mặc dù đây không phải con số quá lớn nhưng nó chênh lệch quá nhiều khi so với mức lương cô nhận khi về nước. Hiện cô đã nghỉ việc và tiếp tục đi học lên cao để chuẩn bị xin được việc tốt hơn.
Tất cả khác xa với những gì Xiao Xiao nghĩ ban đầu. Trong tưởng tượng của mình, khi trở về, cô sẽ là một nhà báo hàng đầu của một trang tin tức, viết nên những chương mới trong lịch sử báo chí, như niềm tin cô có khi lựa chọn nghề truyền thông.
Tuy nhiên thực tế là, dù ứng tuyển thành công vào một số đơn vị truyền thông, nhưng ở chỗ thứ nhất, cô làm việc chỉ hơn một tháng rồi xin nghỉ. Tại nơi thứ hai, cô thậm chí còn chưa được lĩnh lương. Mức lương sau khi du học về của cô là chưa đầy 2.000 nhân dân tệ (gần 6,8 triệu đồng).
"Chính xác lương cơ bản của tôi được có 1.300 nhân dân tệ (hơn 4,4 triệu đồng)", Xiaoxiao nói trong nỗi chán chường. Số tiền này không đủ cho cô ăn uống.
"Điều tôi không thể chịu nổi không phải là lương mà là bản thân công việc. Bởi lương có thể tăng về sau nhưng công việc thì không thấy tương lai. Ngày ngày, tôi ra ngoài với tiền bối để phỏng vấn những người vô vị và tôi không thể sử dụng những gì mình đã học", cô nói.
"Mẹ nói sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, tôi có thể vào một trường nào đó và đi dạy", Xiao kể. Tuy nhiên, ngay cả khi có suất vào đại học làm giảng viên, cô cũng không muốn. "Thực sự tôi vẫn muốn làm phóng viên và bước vào ngành truyền thông", Xiao Xiao nói với đôi mắt mở to xinh đẹp đầy vẻ thơ ngây.
Sự đánh đổi để đi du học
Ngôi nhà bố mẹ Xiao bán năm 2012 để con đi du học có giá 700.000 nhân dân tệ, và nay giá của nó đã tăng vài lần. Xiao Xiao vẫn nhớ những lần vui đùa ở ngôi nhà đó thời nhỏ nhưng cô không hối tiếc vì đã đi du học.
"Đầu tư vào việc đi du học không phải thứ có thể đo đếm bằng tiền. Nó thực sự đã mở rộng tư duy, giúp tôi học được nhiều kiến thức, gặp được nhiều giáo viên, bạn tốt. Kiến thức là vô giá", Xiao Xiao nói.
Theo Hayat, dù không tiếc khoảng thời gian ở nước ngoài, cô không thể hài lòng với tình trạng của mình khi quay về Trung Quốc, phần lớn xuất phát từ áp lực bên ngoài. Mặc dù bố mẹ thường xuyên nói rằng họ không dựa dẫm vào con gái khi cô quay về, cả hai thỉnh thoảng vẫn khiến cô cảm thấy như mình có lỗi.
"Mẹ tôi nói đùa vài lần rằng tôi không biết mình đã dùng số tiền bà phải dành dụm cả đời. Tôi rất buồn và đã vài lần cãi nhau với mẹ. Về sau, tôi chuyển ra ngoài ở để đi học cho tiện", Xiao Xiao kể.
Giờ cô thuê một phòng, cộng chi phí điện nước là 2.000 nhân dân tệ một tháng, và cũng do bố mẹ trả. Cô về nhà mỗi tuần một lần, mang theo quần áo bẩn để giặt nhờ.
Về tương lai, Xiao Xiao nói cô vẫn khá hoang mang. "Rõ ràng việc đi học tiến sĩ dễ dàng hơn so với tìm việc. Tôi thấy tim mình trống rỗng và lòng rối bời", cô nói.
Hiện tại, cô ít khi liên lạc với các bạn từng đi du học như mình vì cảm thấy có khoảng cách với họ. "Một vài người cũng đang học lên cao như tôi, một số thì đã có công việc, vài người làm quản lý cho công ty gia đình khi quay về nước. Tôi không biết nói chuyện với họ về cuộc sống hiện nay của mình thế nào", Xiao Xiao kể.
Cô cũng cảm thấy có chút cay đắng khi so với các bạn không đi du học. "Nhiều người đã đi làm và tôi cảm thấy họ rất chín chắn. Có người còn tự mua được ôtô", cô nói.
Xiao Xiao cho biết, khi lên đường đi du học, cô được các bạn ngưỡng mộ. Bây giờ cô trở về, vẫn có nhiều người trầm trồ, ao ước. "Nhưng chính tôi lại thầm ghen tỵ với họ", cô bày tỏ.
Dù vậy, cô vẫn tin là trong tương lai, cuộc sống của mình sẽ tốt hơn. "Thay đổi lớn nhất với tôi khi đi du học là về tính cách. Tôi không còn phụ thuộc vào bên ngoài. Nhiều vấn đề tôi thường tự giải quyết. Chương trình học ở nước ngoài khác biệt rất nhiều so với ở Trung Quốc, đặc biệt là về phương pháp học. Tôi đã gặt hái được nhiều lợi ích, nuôi dưỡng khả năng suy nghĩ độc lập và logic. Tôi nghĩ những điều này sẽ hữu ích cho công việc của mình sau này", Xiao nói.
Hiện tại, mỗi ngày cô thường tới trường từ 7 h sáng và quay về nhà trọ lúc 9h tối, tháng chỉ nghỉ 2 ngày. Mặc dù không tự tin mình là sau khi có bằng tiến sĩ mọi việc sẽ khá hơn, cô vẫn làm hết sức. "Dù tương lai thế nào, tôi cũng sẽ nỗ lực hết mình", cô nói.
Viethome (theo VnExpress)
Vợ chồng gốc Việt ở Mỹ bán nhà, bỏ tiệm nail để mở tiệm bánh mì nức tiếng: Đưa ẩm thực Việt lên tầm cao mới
Đứng sau thương hiệu Bánh Mì Oven – một trong những tiệm bánh mì Việt có tiếng tại TP.San Jose (bang California, Mỹ) là cặp vợ chồng trẻ người Mỹ gốc Việt Vũ Đinh – Linh Đào.