Bán phở ở Mỹ, vợ chồng Việt kiếm 35 tỷ đồng/tháng
Phở Hà Nội là thương hiệu món ăn Việt đắt khách tại Mỹ, được hai vợ chồng người Việt là chị Helen và anh Harry Nguyễn gầy dựng nên. 8 năm qua, chuỗi nhà hàng phở vẫn đều đặn đem lại doanh thu "khủng".
10:53 31/10/2024
Thành công từ tâm huyết
6h, chị Huyền Nguyễn (Helen Nguyễn) thức giấc theo thói quen, bắt đầu công việc trong cái lạnh 15 độ C của "thung lũng silicon" (San Francisco, California, Mỹ).
Như mọi ngày, bà chủ tiệm phở nổi tiếng ở xứ sở cờ hoa kiểm tra nguồn nguyên liệu giao đến nhà hàng so với báo cáo của nhân viên. Sau đó, chị dự tính doanh thu trong ngày rồi sắp xếp các khoản chi phí, trả lương cho nhân viên thật rõ ràng, minh bạch.
Vợ chồng chị Huyền và anh Harry Nguyễn là chủ của 4 nhà hàng mang thương hiệu Phở Hà Nội tại bang California, Mỹ.
Những ngày trong tuần, chuỗi nhà hàng có khoảng 2.000 thực khách lui tới. Con số này trong ngày cuối tuần là 5.000 lượt khách. Doanh thu chuỗi nhà hàng có những tháng đạt đến 1,4 triệu USD (gần 35 tỷ đồng).
Vì thế, mọi thứ phải được vận hành một cách chuyên nghiệp, kịp thời, không được phép xảy ra bất kỳ sai sót nào.
Ở khu vực bếp, chị Huyền phân công nhân viên lần lượt phụ trách các phần việc như đứng bếp, bốc bánh, cho thịt và chan nước dùng. Ở từng khâu, các nhân viên phối hợp với nhau nhuần nhuyễn để kịp làm lượng hàng lớn trong ngày.
Chồng chị, anh Harry Nguyễn, từng là kỹ sư, đã nghiên cứu áp dụng dây chuyền máy móc, tạo ra quy trình "từ 15 đến 20 giây" là xong một tô phở thơm lừng.
Nhà hàng mở cửa 6 ngày/tuần, không ngày nào là chị Huyên vắng mặt. Đến 10h, chị sẽ đến nhà hàng để trò chuyện cùng nhân viên để hỗ trợ, hướng dẫn. Vợ chồng chị còn có thói quen chia nhau trực tiếp đến 1 trong 4 nhà hàng hoặc ngẫu nhiên đặt món giao về nhà để tự kiểm tra chất lượng đồ ăn.
Để nhà hàng vận hành một cách chuyên nghiệp, 145 nhân viên ở 4 chi nhánh đều được đào tạo để giao tiếp bằng tiếng Anh thuần thục và phục vụ thật bài bản. Nguyên tắc quan trọng nhất mà nhân viên phải tuân thủ là luôn giữ không gian quán sạch sẽ hết mức.
"Tôi sẽ không để yên cho nhân viên nếu thấy một giọt nước mắm còn dính, đọng trên bàn", chị Huyền nói nửa đùa, nửa thật.
Trong số nhiều món ở nhà hàng, một tô phở vị Bắc có giá 16-19 USD chính là món chiếm 50% doanh thu và giúp vợ chồng chị Huyền làm nên cơ nghiệp đến ngày hôm nay. Vậy nên, ngay thời gian đầu, chị đã dành cả tâm huyết trong nhiều năm để có được công thức nấu tô phở chất lượng.
"Ở Mỹ, người dân ít đổ mồ hôi nên việc tiếp thu quá nhiều sodium (một loại muối) có trong gia vị, bột ngọt rất có hại cho sức khỏe. Do vậy, nước dùng món phở phải nấu từ tủy xương bò, sá sùng nhập từ Việt Nam, gừng và hành, hạn chế hết mức bột ngọt", chị Huyền nói.
Ngoài ra, điều đặc biệt khiến thực khách ở Mỹ tín nhiệm quán chính là cách hầm xương và độ tươi của thịt bò sử dụng trong món phở.
"Chúng tôi hầm 300-320 kg xương trong 24 tiếng. Thay vì nấu 1 kg xương cho 4-5 tô phở, mẻ xương của chúng tôi chỉ làm 3 tô, để nước dùng thật đậm đà.
Chúng tôi cũng kén chọn thịt bò, phải lấy từ trang trại nổi tiếng, lớn nhất tiểu bang California, nơi có giống bò đen Angus, cho thịt rất ngon", bà chủ nhà hàng tự hào khoe.
"Thứ không giết được bạn, sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn"
Kể lại hành trình lập nghiệp nơi xứ người hơn 8 năm về trước, chị Huyền vẫn ngỡ như mọi việc chỉ mới bắt đầu từ ngày hôm qua. Trong suốt hành trình ấy, những khó khăn, vất vả nhiều lần tưởng chừng khiến chị gục ngã. Đó là những ký ức in sâu trong tâm trí, thay đổi cuộc sống của chị và cả những người xung quanh.
Năm 2012, dòng họ của vợ chồng chị Huyền có 3 hộ gia đình di cư sang Mỹ sinh sống. Lúc đó, chồng và con chị Huyền vốn yêu thích món phở vị Bắc nên đã ngỏ ý mở một nhà hàng để các thành viên trong nhà có việc làm. Tuy nhiên, vì không có kinh nghiệm kinh doanh ẩm thực, chị Huyền đành từ chối.
Mãi đến 3 năm sau, khi tận mắt chứng kiến người thân phải chịu cảnh chèn ép, trả lương thấp và thậm chí là bị nợ lương khi đi làm, chị Huyền quyết định "giải cứu" gia đình.
Cầm trong tay số tiền 500.000 USD, chị Huyền bắt đầu tìm mua lại nhà hàng và cả công thức nấu phở. Phải mất hơn 1 năm kiên trì, nhà hàng phở đầu tiên mới "chào đời".
"Các thành viên trong nhà không rành tiếng Anh nên hầu hết mọi giấy tờ, hai vợ chồng tôi đều phải quán xuyến. Ở Mỹ, muốn mở một quán ăn là chuyện không dễ dàng. Có hàng tá những quy định nghiêm ngặt, chỉ cần sai một chút là phải bỏ, làm lại từ đầu ngay", chị Huyền nói.
Hằng tháng, 4-5 cơ quan chức năng địa phương đến kiểm tra liên tục khiến ông bà chủ vô cùng áp lực. "Tôi tự động viên bản thân rằng nhờ vậy mà nhà hàng sẽ không gặp vấn đề gì trong tương lai", bà chủ tiệm bộc bạch.
Mọi khó khăn dường như chỉ mới bắt đầu khi chị Huyền nhận ra công thức đã mua hoàn toàn không dùng được, bởi phải sử dụng quá nhiều bột ngọt và nước mắm. Vợ chồng chị phải mất thời gian thử nghiệm, nấu đi nấu lại, nêm nếm, điều chỉnh dần để phù hợp với khách Mỹ.
"Người ta nói kinh doanh nhà hàng là làm dâu trăm họ, chúng tôi chắc làm dâu đến... hàng nghìn họ. Vì với cùng một nồi phở nhưng mỗi thực khách lại cảm nhận và than phiền khác nhau", chị Huyền kể.
Vấp váp về việc quản lý nhân công, từng gần như mất hết vì những chuyện thị phi quanh nhà hàng, nước mắt không chảy, nhưng chị Huyền day dứt, mất ngủ nhiều đêm.
"Tôi tự hỏi vì sao bản thân học hành đàng hoàng để đi làm, nhưng bây giờ mở nhà hàng lại phải chịu nhiều ấm ức đến vậy", chị nghẹn ngào.
Tưởng chừng đã bỏ cuộc, chị Huyền "đứng lên" một lần nữa khi nhìn thấy sự kỳ vọng từ các thành viên trong gia đình.
"Chồng tôi động viên nhiều lắm. Anh chị trong nhà dù không biết nhiều về kinh doanh nhưng cũng cố góp cho tôi vài sáng kiến để vực dậy nhà hàng. Tôi mới chợt tỉnh ra, chậm rãi tìm hiểu để khắc phục mọi thứ, biến tô phở, nhà hàng của mình thành những phiên bản tốt hơn", bà chủ tiệm phở bộc bạch.
Trong giai đoạn Covid-19, năm 2020 ở Mỹ, vợ chồng chị Huyền đã cùng nhân viên nấu và gửi hàng nghìn phần ăn miễn phí đến đội ngũ tuyến đầu chống dịch tại khu vực Bay Area (California).
Chị gọi đó là "những bữa ăn của lòng biết ơn", được nấu hoàn toàn từ thực phẩm hữu cơ, mang tặng cho các y, bác sĩ. Lòng biết ơn này đã giúp Phở Hà Nội vực dậy thêm một lần nữa nhờ được nhắc đến trên báo Mỹ.
Tiếng lành đồn xa, chẳng những người Việt mà người Mỹ ở khắp mọi nơi chấp nhận lái xe đường dài đến thưởng thức, ủng hộ món phở của gia đình chị Huyền.
Mỗi ngày, thực khách đến ăn phở phải xếp hàng dài, chờ hơn 1 tiếng. Thấy vậy, vợ chồng chị quyết định mở thêm chi nhánh thứ 2, rồi đến nay, chi nhánh thứ 4 ra đời, ở những mặt bằng đắc địa tại San Jose, Milpitas, Cupertino và Palo Alto (California). Trong tháng 4/2024, chi nhánh thứ 5 tại Fremont cũng sẽ khai trương.
Sao phở Việt phải thua đồ Nhật, Trung?
Theo chị Huyền, người Việt thường vận hành nhà hàng ở Mỹ theo kiểu "Mom-and-Pop", nghĩa là nhà hàng của gia đình, doanh nghiệp nhỏ.
Các kiểu nhà hàng này chủ yếu lấy công làm lời, vô tình trở thành kiểu vận hành được người Mỹ đánh giá là không chuyên nghiệp. Điều này khiến những bát phở được bán ra rất rẻ và bị xem là món ăn đường phố, giá chỉ "nhỉnh" hơn thức ăn nhanh một chút.
"Trong khi đó, các món ăn tại nhà hàng Nhật, Trung Quốc đều có giá cao hơn phở Việt 20-30% mà công đoạn nấu không kỳ công bằng. Ôm nỗi trăn trở này, vợ chồng tôi quyết tâm nâng tầm tiêu chuẩn, thay đổi nhận định của thực khách phương Tây về món ăn truyền thống của người Việt", bà chủ tiệm nhấn mạnh.
Từ những vị thực khách người Việt đầu tiên, nhà hàng ngày càng có cả người Mỹ bản địa tìm đến, xếp hàng đông nghịt. Nếm thử vị nước dùng và lát thịt bò tươi, quan sát cách vận hành bài bản, thực khách người Mỹ đến Phở Hà Nội dần thay đổi cái nhìn về người Việt, thấy thuyết phục về khả năng, tư duy, cách thức kinh doanh đầy chuyên nghiệp.
"Niềm hạnh phúc của tôi còn đến từ lời khen, động viên của đồng hương. Các cô chú lớn tuổi đến hỏi tôi rằng "phở Hà Nội là tô phở ngon nhất thế giới". Nghe những nhận xét như vậy, tôi thật sự xúc động vì đã mang đến hương vị quê nhà hoàn hảo cho đồng hương của mình. Có người ngày nào cũng đến ăn phở, cảm ơn ngược lại nhà hàng vì cho họ được sống lại ký ức chân thực về ẩm thực quê hương", chị Huyền nói.
Sau hơn 8 năm khởi nghiệp ở xứ người, chị Huyền cho hay chị không chỉ thay đổi được cuộc sống của người thân trong gia đình, mà còn thay đổi chính bản thân mình.
Gia đình chị, từ chỗ không biết ngoại ngữ, không thể xin việc giờ đây đã có nguồn thu nhập ổn định, mua được nhà, hòa nhập với cuộc sống trên đất Mỹ nhờ làm việc ở nhà hàng phở.
"Về phía tôi, tôi thừa nhận hai vợ chồng từng là người hiếu thắng lắm. Nhưng sau khi khởi nghiệp, nếm trải nhiều đắng cay, chúng tôi trở nên khiêm nhường, trầm ổn, suy nghĩ thấu đáo hơn. Có lẽ ở tuổi này, tôi cũng xin phép gọi đó là sự trưởng thành mới", chị Huyền điểm lại.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Về già, dù có nhiều vàng, nhiều tiền tiết kiệm cũng không nên giúp đỡ con cái ở 3 phương diện này: Tưởng tàn nhẫn nhưng đích thực là tỉnh táo!
“Có lẽ, thời gian là sự trưởng thành của người này, và cũng là sự già đi của người khác.”