Báo động đỏ: Khoản nợ công ngầm cao kỉ lục, Trung Quốc đối mặt nguy cơ bị "núi nợ" đè?
FT nhận định con số 40.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương gần 6.000 tỉ USD) là rất đáng báo động, đặc biệt là trong bối cảnh hai nước TQ - Mỹ đang đối đầu gay gắt về thương mại.
20:30 17/10/2018
Financial Times (FT) trích dẫn số liệu báo cáo của tập đoàn S&P Global, một công ty về dịch vụ tài chính có trụ sở tại Mỹ, cho biết khoản nợ công "ngầm" của chính quyền địa phương Trung Quốc được dự đoán có thể lên đến 40.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 6.000 tỉ USD), tương đương với 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2017.
FT nhận định đây là con số rất đáng báo động trong bối cảnh nền kinh tế của Trung Quốc đang hạ nhiệt dần, và các ngành sản xuất bắt đầu "thấm đòn đau" từ xung đột giữa hai nước Trung-Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Tuy chưa thể tính toán chính xác con số trên, nhưng báo cáo của S&P Global cho biết, chỉ tính riêng các khoản thuộc cấu trúc gọi vốn của chính quyền địa phương (LGFV) thì số tiền này đã lên đến 30.000-40.000 tỉ nhân dân tệ.
Báo cáo của S&P đã so sánh khoản nợ ngầm trên với hình tượng một "tảng băng trôi" khổng lồ, trong đó ẩn chứa rất nhiều rủi ro tín dụng.
Do chính quyền địa phương Trung Quốc không được phép vay tiền từ thị trường vốn trong một thời gian dài, nên họ đã phải sử dụng các cấu trúc gọi vốn để "ngụy trang" cho khoản nợ và có đủ chi phí cho các dự án cơ sở hạ tầng, một trong những động cơ phát triển kinh tế địa phương chủ chốt.
Gần đây, do chính sách được nới lỏng, chính quyền địa phương đã bắt đầu được tự phát hành trái phiếu, đồng thời nhận thêm một số khoản hỗ trợ từ chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên LGFV vẫn tiếp tục được sử dụng.
Theo S&P, các chính quyền địa phương đã tận dụng triệt để những nguồn tiền trên để trang trải chi phí của các dự án cơ sở hạ tầng.
Báo cáo của S&P kết luận, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, số nợ "ngầm" cao kỉ lục này có thể khiến chính quyền địa phương ở các cấp thấp, như cấp quận hay thành phố, buộc phải tuyên bố vỡ nợ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại đáng kể trong những năm tới. Mức tăng trưởng GDP được dự đoán sẽ giảm nhẹ so với quý II và chỉ còn 6,6% trong quý III năm nay. Hơn nữa, chính sách cải cách ngân hàng của chính phủ Bắc Kinh càng khiến việc tiếp cận nguồn tín dụng bên ngoài khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ cũng được dự đoán sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới.
Mỹ đề xuất giá thuốc phải được niêm yết trên quảng cáo
Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar đề xuất giá thuốc do nhà sản xuất niêm yết phải được công bố trên quảng cáo truyền hình.