Báo Mỹ: Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội sẽ đem lại sự an toàn cho thế giới

Các chuyên gia trông đợi thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 sẽ đề cập tới những vấn đề nóng bỏng nhất trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo liên Triều.

04:30 18/02/2019

Phi hạt nhân hóa hoàn toàn?

Theo tác giả David Ignatius trên tờ Washington Post, cuộc gặp đầu tiên giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 6/2018 đã thiếu đi những đồng thuận quan trọng nhất trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo.

Vì lẽ đó, những điều được thảo luận sắp tới ở Việt Nam có thể sẽ đem lại kết quả thiết thực hơn cho tình hình an ninh thế giới.

"Ngoại giao là khiến người khác làm theo cách của mình," cựu Thủ tướng Canada Lester B. Pearson từng nói. Câu nói này đúng với cả ông Kim và ông Trump. Kết quả tốt nhất của thượng đỉnh sắp tới sẽ là giải pháp giúp cả 2 bên đều an toàn hơn sau quá trình đàm phán kéo dài cả thập kỉ nhằm đạt mục tiêu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, kiểm chứng được" ở bán đảo Triều Tiên.

Trước lề cuộc thượng đỉnh tại Hà Nội, một số ý tưởng thiết thực đã được các chuyên gia Mỹ và thế giới đề cập tới. Nội dung cốt yếu của những cuộc thảo luận này chỉ ra rằng phi hạt nhân hóa sẽ không phải là một chuyển biến đột ngột mà là quá trình có chu kỳ và - nếu thành công - sẽ giúp đảm bảo và tăng cường an ninh, ổn định cho khu vực và thế giới.

Ông Trump đã từng viết những dòng lạc quan về Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây: "Mỹ và Triều Tiên đang có mối quan hệ tuyệt vời nhất trong lịch sử.

Không thử vũ khí, trao trả hài cốt, trao trả công dân. Cơ hội tốt để phi hạt nhân hóa".

Tuy nhiên, Stephen Biegun, Đại sứ đặc biệt của ông Trump tại Triều Tiên, vẫn tỏ ra hoài nghi về chiến lược của ông Kim Jong Un: "Triều Tiên vẫn chưa cho chúng ta bằng chứng về việc họ đã quyết định dỡ bỏ và phá hủy hoàn toàn năng lực [hạt nhân].

Chúng ta đều biết điều đó. Thử thách ở đây là thay đổi quỹ đạo chính sách Triều Tiên bằng cách thay đổi chính sách của chính nước Mỹ."

Thế giới an toàn hơn

Ông Biegun đã thu thập một số ý tưởng từ các chuyên gia ở Stanford và Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (CEIP). Tuy không rõ chính xác nội dung các ý tưởng là gì, nhưng có thể thấy tài liệu đề cập tới những vấn đề cơ bản để bàn thảo tại Hà Nội.

Nhóm Carnegie đã tìm hiểu những giới hạn trong việc kiểm chứng chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, nếu xét tới việc quốc gia này thiếu các công trình hiện đại và ít lưu giữ dữ liệu.

Các chuyên gia của Carnegie cho rằng có thể sử dụng tới "xác minh xác suất" để đưa ra đánh giá tổng quan về việc liệu Bình Nhưỡng có đang tuân thủ thỏa thuận phi hạt nhân hay không.

Trong khi đó, nhóm Stanford lại nhấn mạnh những yếu tố cụ thể, có thể quan sát được để kiểm chứng liệu mối đe dọa Triều Tiên có đang giảm bớt hay không. Nhóm này còn đưa ra khung điểm chuẩn để đánh giá hiệu quả của các nỗ lực ngoại giao trong tương lai.

"Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí và chương trình hạt nhân cho tới khi an ninh của nước này được đảm bảo. Sự đảm bảo an ninh như vậy không thể đạt được đơn giản chỉ bằng một lời hứa của Mỹ hoặc một thỏa thuận trên giấy, mà cần phải nhờ tới một thời gian dài... có thể tới tận 10 năm."

Nhóm Stanford đề xuất thêm rằng, để không lãng phí nhân sự và tăng cường việc kiểm chứng, Bình Nhưỡng nên được phép tiếp tục các chương trình hạt nhân dân sự và tên lửa không gian vì mục đích hòa bình.

Ông Trump sẽ tận dụng bầu không khí thượng đỉnh náo nhiệt tại Hà Nội, và các chuyên gia nên phân tích cẩn trọng các chi tiết được đưa ra trong những nội dung mới. Hãy nhớ những gì ông Biegun đã nói tại Stanford:

"Tổng thống Trump sẵn sàng kết thúc cuộc chiến tranh này. Nó đã kết thúc. Hoàn toàn kết thúc. Chúng tôi sẽ không tấn công Triều Tiên. Chúng tôi cũng không lật đổ chính quyền Triều Tiên. Chúng tôi đã sẵn sàng cho một tương lai khác. Điều đó quan trọng hơn việc phi hạt nhân hóa, và nó phải dựa trên nền tảng phi hạt nhân hóa".

Thượng đỉnh Trump - Kim đang tới gần. Và rõ ràng lần này có những điều thiết thực và cơ bản khiến thế giới trở nên an toàn hơn.

theo Trí Thức Trẻ

Tags:
Lý do Việt Nam được chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều

Lý do Việt Nam được chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều

Giới quan sát cho rằng Việt Nam có thể tổ chức tốt thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai và đóng góp lớn cho tiến trình phi hạt nhân.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất