Báo Nhật ‘mách nước’ 4 chiến lược để Mỹ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông
Trung Quốc đang cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng hàng hải khu vực châu Á. Điều này được nhìn thấy rõ nhất ở Biển Đông. Trước tình thế này, Hoa Kỳ phải có cách tiếp cận mới với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương và hướng đến một chiến lược hàng hải mới, theo Japan Times.
14:00 25/06/2018
Việc Trung Quốc xây dựng lực lượng vũ trang và kho vũ khí trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông cho thấy Bắc Kinh muốn thực hiện tham vọng kép trong việc bành trướng lãnh thổ, đồng thời chứng minh năng lực quân sự ngày càng tăng của mình, tiến tới xây dựng Vòng phòng thủ thứ hai (Second Island Chain) trong kế hoạch thiết lập hai vòng phòng thủ đảo biển, bao quát toàn bộ Biển Đông và khu vực Đông Nam Á.
Các máy bay ném bom tầm xa H-6K hạ cánh trên tiền đồn lớn nhất của Trung Quốc trong quần đảo Hoàng Sa. Báo trước những điều tương tự sẽ xảy ra đối với các đảo Đá Xubi (Subi), Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Chữ Thập (Fiery Cross) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hoa Kỳ đang nỗ lực ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc bằng việc thẳng thắn phủ nhận các tuyên bố chủ quyền đơn phương của nước này, đồng thời củng cố các mối quan hệ liên minh và đối tác, thường xuyên tiến hành các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP).
Đáp lại động thái của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Hoa Kỳ đã hủy lời mời Trung Quốc tham gia tập trận quân sự Vành đai Thái Bình Dương năm 2018 (RIMPAC), đồng thời tuyên bố hành động của Trung Quốc là ngấm ngầm phá hoại an ninh và tự do hàng hải trong khu vực.
Mặc dù đã gia tăng nỗ lực, nhưng vẫn còn thiếu những yếu tố then chốt trong chiến lược của Hoa Kỳ.
Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Tổng thống Trump nhấn mạnh thông điệp “tự do hàng hải là trụ cột cho an ninh khu vực”, với hai tiêu chí là “tự do và mở rộng” trên hai tuyến hàng hải quan trọng kết nối châu Á, Trung Đông và châu Âu.
Chiến lược này giúp Hoa Kỳ kết nối các ý kiến bất đồng từ nhiều quốc gia trong khu vực đối với hoạt động của Trung Quốc, từ đó củng cố và tận dụng sức mạnh liên minh.
Biển Đông là một tuyến giao thông thương mại có tính trọng yếu đối với Trung Quốc; gần 30% thương mại hàng hải của thế giới (và khoảng 40% của Trung Quốc) đi qua khu vực. Nhiều vùng Trung Quốc âm mưu tranh chấp chủ quyền đều nằm trong khu vực quan trọng này.
Hoa Kỳ cần phải khẩn trương xem xét chiến lược hàng hải nghiêm túc để chống lại tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông và thúc đẩy hợp tác liên minh trong khu vực, Japan Times nhận định.
Thứ nhất, Hoa Kỳ cần tăng cường áp đặt hình phạt đối với các hành vi vi phạm tiêu chuẩn được quy ước tại vùng biển tranh chấp.
Thứ hai, Hoa Kỳ cần nỗ lực gấp đôi, cả trong nước và phối hợp với các nước cùng chí hướng, để củng cố liên minh các quốc gia trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Thứ ba, Mỹ nên hỗ trợ việc xây dựng một đội tàu biển đa quốc gia để tuần tra kiểm soát bất kỳ biến đổi đơn phương nào về hiện trạng trong khu vực.
Thứ tư, Mỹ nên phê chuẩn tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), việc này sẽ tạo cho Mỹ có địa vị pháp lý phù hợp để tham gia các hoạt động tố tụng giải quyết tranh chấp quốc tế đồng thời tăng cường các kênh hợp tác chính thức với các nước, bởi hầu hết các đồng minh, đối tác của Mỹ đều là thành viên của UNCLOS.
Thanh Hiền
Mỹ: Hơn 70 hành khách trên du thuyền bị nhiễm norovirus viêm dạ dày
Hơn 70 hành khách trên một du thuyền của hãng Holland America Line bị nghi nhiễm norovirus, một loại virus gây viêm dạ dày và đường ruột cấp tính, sau khi xảy ra đợt bùng phạt bệnh này tại bang Alaska, miền Tây Bắc nước Mỹ.