Bầu cử 2020 đã qua nửa năm, một bang của Mỹ vẫn đang đếm lại phiếu

Kết quả kiểm phiếu có thể khiến cho người ủng hộ ông Donald Trump tiếp tục nổi giận. Dù vậy, việc tìm ra sự thật dường như không phải là mục đích chính của đảng Cộng hòa.

09:00 28/04/2021

Mọi thứ dường như đang trở về thời điểm tháng 12/2020, khi ông Trump là tổng thống Cộng hòa đầu tiên thất cử ở Arizona từ năm 1996.

Đáp lại cơn phẫn nộ của cử tri sau khi tuyên bố cuộc bầu cử đã bị đánh cắp từ vị cựu tổng thống, đảng Cộng hòa ở Arizona hứa hẹn sẽ tiến hành điều tra chi tiết cuộc kiểm phiếu.

"Chúng tôi sẽ điều tra", Thượng nghị sĩ Eddie Fanrworth nói, "chúng tôi sẽ không bỏ qua việc này".

Sau nửa năm, dường như nỗ lực trên chẳng giúp giảm bớt sự bất bình của thành viên đảng Cộng hòa được bao nhiêu, New York Times nhận định.

dang cong hoa kiem phieu anh 1
Những người ủng hộ cựu trong cuộc bạo loạn ngày 6/1. Ảnh: New York Times.

"Một cuộc điều tra chi tiết"

Gần nửa năm sau khi ông Trump thất cử, lời hứa hồi tháng 12 của đảng Cộng hòa giờ đã biến thành nhiều phiên tòa kéo dài, đi kèm vô số lời đe dọa. Thậm chí, người ta còn kêu gọi bỏ tù những đại diện dân cử ở Arizona.

Bất chấp bằng chứng hiện có, nhiều người tin vào những lập luận vô căn cứ của ông Trump về cuộc bầu cử, rằng chính ông, chứ không phải đương kim Tổng thống Joe Biden, đã thực sự thắng 200.000 phiếu bầu ở Arizona.

Trên thực tế, cả ba cuộc điều tra đều không cho thấy dấu hiệu gian lận hay bất kỳ nghi ngờ nào về chiến thắng của ông Biden.

Dù vậy, các Thượng nghị sĩ Cộng hòa vẫn lên kế hoạch kiểm lại tất cả 2,1 triệu lá phiếu đã được bầu ở Quận Maricopa - và theo cách thủ công. Số phiếu ở đây chiếm 2/3 tổng số phiếu bầu trên toàn tiểu bang.

Trong khi đó, những ý kiến chỉ trích từ lưỡng đảng đều cho rằng nền chính trị trong nước đảo lộn khi bang Arizona cố gắng xoa dịu những người ủng hộ ông Trump. Thậm chí, điều này còn ảnh hưởng đến quy tắc lâu nay rằng cả kẻ thắng và người thua đều tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử.

Cuộc kiểu phiếu vẫn tiếp tục sau một thời gian tạm dừng ngắn ngủi. Không rõ ai sẽ thực hiện việc kiểm đếm và ai sẽ chi trả chi phí của quá trình này.​ Theo dự kiến, hoạt động trên sẽ kéo dài đến giữa tháng 5.

dang cong hoa kiem phieu anh 2
Những lá phiếu được vận chuyển phục vụ cho việc kiểm đếm lần hai. Ảnh: AP.

Xu hướng thiên hữu nổi lên

Trong một tuyên bố qua email hôm 24/4, ông Trump ủng hộ cuộc kiểm phiếu và ca ngợi cử tri là "những người yêu nước dũng cảm". Ông cũng yêu cầu Thống đốc Doug Ducey, một nhân vật thường bị ông chỉ trích, điều động cảnh sát hoặc Vệ binh Quốc gia để bảo vệ những cử tri này.

Cơ quan lập pháp ở Arizona đã xem xét các cáo buộc về việc gian lận bầu cử. Giới chuyên gia cho rằng nỗ lực trên nhấn mạnh quan điểm chính trị ngày càng thiên hữu của cơ quan này nói riêng và đảng Cộng hòa ở Arizona nói chung, ngay cả khi cử tri toàn bang đang nghiêng về phía trung lập hơn (trước đây Arizona là một bang thiên Cộng hòa nói chung).

Bà Kelli Ward, với tư cách lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Arizona, đã bác bỏ chiến thắng của ông Biden và ủng hộ cuộc kiểm phiếu. Đảng này cũng chỉ trích nhiều thành viên không đủ trung thành với ông Trump.

Trong khi đó, cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 11 đã thay thế hai đảng viên ôn hòa bằng những vị trí mới, một người Dân chủ và một người Cộng hòa. Đáng chú ý, thượng nghị sĩ Cộng hòa là người tuyên bố trọn đời trung thành với nhóm chính trị Oath Keepers, tổ chức cực đoan đã góp phần dẫn đầu cuộc tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6/1.

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Mark Finchem, một người cũng tự nhận là thành viên của Oath Keepers, đề xuất rằng các cơ quan lập pháp tiểu bang có quyền bác bỏ kết quả bầu cử tổng thống và chọn đại cử tri theo đa số phiếu. Dù đề xuất trên không có kết quả, ông Finchem vẫn ủng hộ nhiệt thành cuộc kiểm phiếu lần hai.

Còn ông Barrett Marson, cựu phát ngôn viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Arizona, cho biết: “Những người trong các cơ quan lập pháp có xu hướng tin và dễ tán thành với các thuyết âm mưu hơn trước đây".

dang cong hoa kiem phieu anh 3
Cả ba cuộc điều tra đều không cho thấy dấu hiệu gian lận hay bất kỳ nghi ngờ nào về chiến thắng của ông Biden. Ảnh: Ross D. Franklin.

Những ý kiến trái chiều

Các thượng nghị sĩ đã gửi trát hầu tòa cho nhóm giám sát cuộc kiểm phiếu. Họ cũng yêu cầu quyền tiếp cận 2,1 triệu phiếu bầu, 385 máy bỏ phiếu và thông tin của toàn bộ cử tri.

Đáp lại, các giám sát viên đã phản đối yêu cầu trên, khẳng định cuộc bầu cử không có gian lận. Họ cũng yêu cầu lời giải thích về tính hợp pháp của trát hầu tòa.

Ngay sau đó, các thành viên ban giám sát đã bị người ủng hộ ông Trump tấn công bằng hàng nghìn cuộc điện thoại và email, thậm chí một số còn đi kèm lời đe dọa.

Ông Steve Gallardo, một đảng viên Dân chủ trong ban giám sát, cho biết: “Tất cả năm thành viên đều nhận được những lời đe dọa về tính mạng". Trong khi đó, hai nhân viên cảnh sát đã được cử đến để đảm bảo an toàn cho căn nhà của ông.

Các giám sát viên cũng đã thuê hai đơn vị được liên bang cấp phép tiến hành kiểm tra các máy bỏ phiếu. Cả hai đều kết luận thiết bị vẫn hoạt động bình thường.

Dù vậy, Thượng nghị sĩ Karen Fann nói rằng Thượng viện bang vẫn yêu cầu "một tổ chức kiểm phiếu độc lập và đủ năng lực" để kiểm phiếu lại.

Điều đáng nói là tổ chức mang tên Nhóm Hoạt động An ninh Đồng minh, đơn vị được Thượng viện chọn, sau đó lại khẳng định các máy bỏ phiếu ở Arizona đã bị tấn công trong một "mưu đồ thâm độc" nhằm đảm bảo chiến thắng cho ông Biden.

Dù một số thượng nghị sĩ phản đối tuyên bố trên, ông Jack Sellers, lãnh đạo nhóm giám sát cuộc bầu cử ở Maricopa, vẫn bị cáo buộc là "kẻ đã bị lộ tẩy âm mưu" trong cuộc kiểm phiếu.

dang cong hoa kiem phieu anh 4
Các nhân viên kiểm phiếu ở Phoenix ngày 5/11/2020. Ảnh: New York Times.

Một đơn vị khác tham gia giám sát cuộc kiểm phiếu là Cyber Ninjas. Giám đốc điều hành công ty này, ông Doug Logan, là một người ủng hộ quan điểm cuộc bầu cử có gian lận. Dù vậy, ông Logan vẫn khẳng định đơn vị của ông cam kết thực hiện quy trình một cách công bằng và minh bạch.

Sau tất cả những động thái trên, người ta vẫn tiếp tục hoài nghi về cuộc kiểm phiếu.

Tags:
Covid ở Mỹ đã vãn, cuối cùng Ngọc Quyên được tổ chức mừng sinh nhật ở Mỹ sau 4 năm ly hôn chồng Việt Kiều

Covid ở Mỹ đã vãn, cuối cùng Ngọc Quyên được tổ chức mừng sinh nhật ở Mỹ sau 4 năm ly hôn chồng Việt Kiều

Sau bốn năm ly hôn, lần đầu tiên người mẫu Ngọc Quyên mở tiệc tại nhà riêng ở California để mừng tuổi mới và gặp gỡ bạn bè, hôm 25/4.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất