Bầu cử Mỹ 2020: Những lá phiếu có thể “cứu” ông Trump vào phút chót

Những cử tri đưa ra quyết định vào phút chót từng “cứu” ứng viên tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, tuy nhiên kịch bản này chưa chắc đã lặp lại trong cuộc đua năm nay.

07:00 17/10/2020

Khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần trước ngày bầu cử chính thức 3/11, và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump dường như đang xếp sau đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc cũng như tại các bang chiến trường, chiến dịch tranh cử của đương kim tổng thống Mỹ vẫn đang trông chờ vào đội ngũ cử tri “dao động” - những người sẽ đưa ra quyết định vào phút chót. Họ được kỳ vọng sẽ giúp ông Trump “lội ngược dòng” và đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 2.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát do Reuters/Ipsos tiến hành từ ngày 9-13/10 cho thấy số lượng cử tri “dao động” năm nay ít hơn nhiều và họ dường như nghiêng về ông Biden hơn ông Trump.

Thăm dò dư luận cho thấy ứng viên đảng Dân chủ đang dẫn trước Tổng thống Trump 10 điểm trên quy mô toàn quốc, và tỷ lệ sít sao hơn tại các bang chiến trường sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử.

“Ứng viên đang tụt lại phía sau, ông Trump, cần giành được phiếu bầu từ các cử tri “dao động” với tỷ lệ áp đảo để theo kịp (ông Biden). Nếu chuyện đó không xảy ra, ông Trump sẽ không thể vượt qua thế dẫn đầu của ông Biden”, Kyle Kondik, nhà phân tích bầu cử tại Trung tâm Chính trị thuộc Đại học Virginia, nhận định.

Một thách thức nữa đặt ra với Tổng thống Trump là số người đi bầu cử sớm tăng kỷ lục 3 tuần trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra. Các cử tri tại Georgia, Texas xếp hàng để bỏ phiếu sớm với tỷ lệ đi bầu cao hơn nhiều so với năm 2016.

Nhiều người bỏ phiếu sớm vì muốn tránh tình trạng đông đúc trong ngày bầu cử chính thức, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát tại Mỹ. Ngoài ra, một số cử tri ban đầu muốn bỏ phiếu qua thư, tuy nhiên do sự chậm trễ của dịch vụ bưu điện nên họ quyết định trực tiếp đi bầu để đảm bảo việc bỏ phiếu diễn ra thành công. 

Theo Dự án Bầu cử Mỹ tại Đại học Florida, gần 15 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm năm nay. Trước đó, chỉ khoảng 1,4 triệu người đi bỏ phiếu sớm tính đến ngày 16/10/2016.

Tuy nhiên, kết quả thăm dò dư luận cho thấy số cử tri giữ vững lựa chọn của mình tăng lên, đồng nghĩa với việc tỷ lệ những cử tri dao động và đưa ra quyết định muộn sẽ giảm đi.

Bầu cử Mỹ 2020: Những lá phiếu có thể “cứu”  vào phút chót - 2
Cử tri xếp hàng bỏ phiếu tại Houston, ngày 13/10. (Ảnh: Reuters)

Khảo sát toàn quốc của Reuters/Ipsos cho thấy chỉ khoảng 8% cử tri Mỹ dường như vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Họ vẫn chưa biết ủng hộ ứng viên nào trong số 2 ứng viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa, thậm chí tính đến việc ủng hộ ứng viên của đảng thứ 3.

Theo khảo sát của Reuters/Ipsos, trong số các cử tri đưa ra quyết định vào tuần cuối cùng của mùa bầu cử năm 2016, 55% chọn ứng viên Donald Trump, trong khi 36% chọn ứng viên Hillary Clinton. Các cử tri này góp phần quan trọng vào chiến thắng cuối cùng của ông Trump. Phần lớn cử tri đưa ra quyết định muộn tại các bang chiến trường gồm Florida, Michigan và Pennsylvania đều ủng hộ ông Trump thay vì bà Clinton.

Một trong những câu hỏi lớn được đặt ra trong mùa bầu cử năm nay là liệu kịch bản ủng hộ ông Trump vào phút chót có lặp lại hay không. Khảo sát mới của Reuters/Ipsos cho thấy kịch bản này khó có khả năng xảy ra, khi tỷ lệ các cử tri dao động chia đều cho cả hai ứng viên Trump và Biden.

Theo kết quả khảo sát, 9/10 cử tri có xu hướng bỏ phiếu cho Biden và 9/10 cử tri có xu hướng bỏ phiếu cho Trump nói rằng, họ đã “chốt” lựa chọn của mình và sẽ không thay đổi quyết định.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump vẫn tự tin rằng các cử tri “dao động” rốt cuộc sẽ thay đổi quyết định. Ngoài việc lôi kéo các cử tri “dao động” về phía mình, Tổng thống Trump còn phải thuyết phục những người ủng hộ đối thủ Biden chuyển sang ủng hộ ông.

Mặc dù vậy, lịch trình vận động tranh cử và các phát ngôn của Tổng thống Trump cho thấy ông dường như đang quan tâm nhiều hơn đến việc tập hợp lực lượng bảo thủ trong những tuần cuối của cuộc bầu cử, thay vì tìm cách tiếp cận các cử tri “dao động”.

Tuần này, Tổng thống Trump tới thăm những khu vực mà ông có thể nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất - các khu vực nông nghiệp và bán nông nghiệp ở Georgia, North Carolina, Michigan và Pennsylvania. Ứng viên đảng Cộng hòa tránh những khu vực đô thị - nơi các cử tri “dao động” tập trung nhiều hơn.

Link nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/bau-cu-my-2020-nhung-la-phieu-co-the-cuu-ong-trump-vao-phut-chot-20201016145639454.htm

Tags:
Chính sách kinh tế của ông Trump và ông Biden khác nhau như thế nào?

Chính sách kinh tế của ông Trump và ông Biden khác nhau như thế nào?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden có các chính sách khác nhau về nền kinh tế, thuế và thương mại.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất