Bầu cử Mỹ: Vị Tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức, nội chiến đã nổ ra
Tuyên thệ nhậm chức được 1 tháng sau cuộc bầu cử 1860, tân Tổng thống Mỹ thời điểm đó đã phải đối mặt với thử thách lớn nhất - Nội chiến Mỹ.
05:30 06/11/2020
Sự kiện bầu Tổng thống Mỹ năm 1860 được đánh giá là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất lịch sử Mỹ. Đây là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa 4 ứng viên sáng giá: Abraham Lincoln của đảng Cộng hòa, Stephen Douglas của đảng Dân chủ, John Breckinridge của phe miền Nam (thuộc đảng Dân chủ) và John Bell của đảng Liên minh Hiến pháp.
Vấn đề chính của cuộc bầu cử là chế độ nô lệ và quyền của các bang. Lincoln là người xuất sắc giành chiến thắng và trở thành Tổng thống thứ 16 của Mỹ. Tuy nhiên, vài tuần sau khi Lincoln tuyên thệ nhậm chức, vị tân Tổng thống Mỹ phải đối mặt với một thử thách vô cùng lớn: Cuộc Nội chiến Mỹ.
Dấu ấn chính trị của Lincoln: Bại không nản
Abraham Lincoln. Ảnh: History
Tham vọng chính trị của Abraham Lincoln bắt đầu năm 1832 khi ông mới 23 tuổi và tranh cử vào Hạ viện Illinois. Dù thất bại trong cuộc bầu cử này, nhưng 2 năm sau, Lincoln được bầu vào Hạ viện Illinois với tư cách là thành viên đảng Whig, nơi ông công khai tuyên bố thái độ coi thường chế độ nô lệ của mình.
Năm 1847, Lincoln được bầu vào Hạ viện Mỹ. Ngày 10/1/1849, ông đưa ra dự luật bãi bỏ chế độ nô lệ ở Đặc khu Columbia. Dự luật này không được thông qua, nhưng nó đã mở đường cho các đạo luật chống chế độ nô lệ sau này.
Năm 1858, Lincoln tranh cử vào Thượng viện Mỹ, với tư cách là một người của đảng Cộng hòa đối đầu với ứng viên đảng Dân chủ Stephen A. Douglas. Lincoln thua cuộc nhưng lại thu hút được sự chú ý cho bản thân và đảng Cộng hòa non trẻ.
Trở thành ứng viên tổng thống
Đảng Cộng hòa tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 2 vào ngày 16/5/1860 ở thành phố Chicago, bang Illinois. Đảng Cộng hòa áp dụng một lập trường ôn hòa về chế độ nô lệ và chống lại sự mở rộng của chế độ này, bất chấp việc một số đại biểu muốn xóa bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ.
Hai người dẫn đầu cho vị trí ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa là Lincoln và thượng nghị sĩ William Seward của New York. Sau 3 lần bỏ phiếu, Lincoln trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa và Hannibal Hamlin là người đồng hành cùng ông với tư cách ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa.
Đảng Dân chủ chia rẽ
Đảng Dân chủ rơi vào tình trạng hỗn loạn năm 1860. Họ lẽ ra phải là đảng đoàn kết nhưng thay vào đó lại bị chia rẽ vì vấn đề nô lệ.
Phe miền Nam cho rằng chế độ nô lệ nên được mở rộng nhưng phe miền Bắc lại phản đối kịch liệt.
Quyền của các bang cũng là chủ đề đầy tranh cãi khiến đảng Dân chủ bị chia rẽ. Phe miền Nam cho rằng các bang nên có quyền tự quản, trong khi phe miền Bắc ủng hộ một chính phủ liên bang.
Với sự chia rẽ như vậy, thành viên đảng Dân chủ thời điểm đó không biết làm cách nào để có thể đề cử một ứng viên tổng thống đại diện cho đảng Dân chủ. Vào tháng 4/1860, các thành viên của đảng Dân chủ đã gặp mặt trong đại hội toàn quốc của đảng tại thành phố Charleston, bang South Carolina, để quyết định người đại diện.
Các thành viên đảng Dân chủ gặp mặt hồi tháng 4/1860. Ảnh: Padre Steve
Stephen Douglas là người dẫn đầu nhưng thành viên phe miền Nam phản đối vì Douglas không ủng hộ chế độ nô lệ. Nhiều người bỏ về. Đại hội kết thúc mà không đề cử được người đại diện.
Hai tháng sau, thành viên đảng Dân chủ gặp lại nhau tại Baltimore. Một lần nữa, nhiều đại biểu của phe miền Nam bỏ đi trong sự phẫn nộ. Tuy nhiên, số thành viên còn lại vẫn đủ để đề cử Douglas làm ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ và Herschel Johnson là người đồng hành với vai trò ứng viên phó tổng thống.
Phe miền Nam sau đó đề cử John Breckinridge, một người ủng hộ chế độ nô lệ và quyền của các bang, đại diện cho họ trong cuộc bầu cử. Thượng nghị sĩ Joseph Lane là người đồng hành.
Đảng Liên minh Hiến pháp
Đây là đảng chủ yếu gồm các thành viên bất mãn của đảng Dân chủ, những người theo chủ nghĩa liên minh và cựu thành viên đảng Whigs. Ngày 9/5/1860, đảng Liên minh Hiến pháp tổ chức đại hội toàn quốc đầu tiên và bầu ra John Bell, một chủ nô tại bang Tennessee, làm ứng viên tổng thống và Edward Everett, cựu chủ tịch Đại học Harvard, làm ứng viên phó tổng thống của đảng.
Đảng Liên minh Hiến pháp tuyên bố là đảng của luật pháp. Họ không có quan điểm chính thức về chế độ nô lệ hay quyền của các bang nhưng hứa hẹn bảo vệ Hiến pháp và Liên minh.
Tuy vậy, ứng viên tổng thống của đảng này, John Bell, vẫn muốn đưa ra thỏa hiệp về chủ đề chế độ nô lệ bằng cách mở rộng ranh giới của Thỏa ước Missouri trên khắp nước Mỹ, biến chế độ nô lệ trở thành hợp pháp ở các tiểu bang mới ở phía nam của ranh giới và bất hợp pháp ở các tiểu bang mới ở phía bắc của ranh giới. Đảng Liên minh Hiến pháp hy vọng sẽ làm lung lay các cử tri đang khó chịu với sự chia rẽ của đảng Dân chủ.
Thỏa ước Missouri, được Tổng thống Mỹ James Monroe ký năm 1820, để đưa Missouri gia nhập vào Liên bang Mỹ. Thỏa ước này nhằm cân bằng số lượng các bang theo chế độ nô lệ và các bang tự do ở Mỹ, cho phép Missouri gia nhập Liên bang như một bang ủng hộ chế độ nô lệ, còn Maine gia nhập như một bang tự do.
Chiến dịch tranh cử năm 1860
Không một ứng viên tổng thống nào của năm 1860 có thể đạt đến cấp độ vận động tranh cử như các ứng viên tổng thống trong bầu cử Mỹ ngày nay. Thực tế, các ứng viên, ngoại trừ Douglas, đều vận động ngầm hoặc để cho các đảng viên và công dân nổi tiếng vận động giúp họ trong các cuộc mít tinh và diễu hành. Phần lớn hoạt động vận động là để đưa cử tri tới bỏ phiếu vào Ngày bầu cử.
Kinh nghiệm chính trị và các bài phát biểu của Lincoln đã nói lên điều đó, nhưng một trong những mục tiêu tranh cử chính của ông là giữ cho đảng Cộng hòa đoàn kết. Lincoln không muốn đảng của ông để lộ bất kỳ mối bất hòa nào và hy vọng sẽ tận dụng sự rối ren của đảng Dân chủ để chia rẽ số phiếu bầu dành cho ứng viên đảng này.
Douglas, ứng viên đảng Dân chủ, vận động tranh cử ở miền Bắc và miền Nam với hy vọng bù đắp được số cử tri bị chia rẽ ở miền Nam, đồng thời đưa ra một loạt bài phát biểu vận động ủng hộ Liên minh.
Kết quả bầu cử 1860: Sự khởi đầu của một cuộc chiến
Kết thúc cuộc bầu cử 1860 lại là khởi đầu của cuộc Nội chiến Mỹ. Ảnh: HA
Ngày 6/11/1860, các cử tri tới địa điểm có thùng bỏ phiếu để bầu ra người đứng đầu chính phủ Mỹ. Đại cử tri đoàn gồm 303 thành viên, như vậy, người chiến thắng phải giành ít nhất 152 phiếu đại cử tri mới đủ tiêu chuẩn.
Vì các bang miền Bắc có đông người hơn miền Nam nên kiểm soát được Đại cử tri đoàn. Ứng viên đảng Cộng hòa Lincoln thống trị số phiếu ở các bang miền Bắc (180 phiếu đại cử tri), nhưng không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào từ các bang miền Nam.
Ứng viên đảng Dân chủ Douglas nhận được sự ủng hộ từ một số bang miền Bắc, với 12 phiếu đại cử tri, nhưng gần như không đủ điều kiện để trở thành "kẻ thách thức" với Lincoln.
Các phiếu bầu ở miền Nam được chia cho 2 ứng viên Breckenridge (72 phiếu đại cử tri) và Bell (39 phiếu đại cử tri).
Chung cuộc, Lincoln giành chiến thắng với 180 phiếu đại cử tri dù ông chỉ giành được chưa đầy 40% phiếu phổ thông.
Cuộc bầu cử năm 1860 cho thấy đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ là các đảng chiếm đa số ở Mỹ. Nó cũng cho thấy sự khác biệt quan điểm sâu sắc giữa miền Bắc và miền Nam về chế độ nô lệ cũng như quyền của các bang.
Tính đến thời điểm lễ nhậm chức của Tổng thống Lincoln vào ngày 04/03/1861, bảy bang đã ly khai và Hợp bang miền Nam (Confederate) đã chính thức được thành lập, và Jefferson Davis được bầu làm Tổng thống của Hợp bang.
Một tháng sau, lực lượng Hợp bang, dưới sự chỉ huy của Tướng P.G.T. Beauregard, đã tấn công Pháo đài Sumter ở South Carolina vốn do phe Liên minh miền Bắc nắm giữ. Từ đây, Nội chiến Mỹ bắt đầu.
Nhậm chức không bao lâu nhưng Lincoln đã phải đối mặt với cuộc Nội chiến Mỹ - được xem là cuộc khủng hoảng hiến pháp, quân sự, và đạo đức. Bằng tài năng của mình, vị tân Tổng thống Mỹ đã tập trung nỗ lực vào hai phương diện quân sự và chính trị nhằm tái thống nhất đất nước.
Cuối cùng, Tổng thống Lincoln cũng thành công khi lãnh đạo đất nước vượt qua Nội chiến, duy trì chính quyền Liên bang, đồng thời chấm dứt chế độ nô lệ, và hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính của đất nước.
Cả thế giới hồi hộp dõi theo cuộc bầu cử kịch tính ở Mỹ, vì sao truyền thông Trung Quốc im lặng?
Khi cả thế giới dõi theo những diễn biến đầy căng thẳng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thì truyền thông Trung Quốc lại gần như im lặng về đề tài này.