Bẻ nhãn, hái sa bô chê, ăn mãng cầu… trên đất Mỹ

Từ nhiều năm qua, trái cây của miền nhiệt đới đã không còn là giấc mơ hay nỗi thèm khát của những người con xa xứ.

01:09 10/05/2018

Từ California qua , Georgia, Florida, đến New York, Washington DC,… hễ nơi nào có cộng đồng Việt Nam, là không nhiều thì ít, bạn đều có thể ra chợ, hay vào siêu thị để mua từng thùng nhãn, lựa từng trái mãng cầu, xăm soi những chùm cóc chín, cân những trái ổi căng mọng, vỗ “bịch, bịch” rồi đưa mũi ngửi xem trái mít đã đủ chín hay chưa trước khi quyết định móc túi trả tiền để rinh tất cả về nhà.

Thế nhưng, thật khó mà diễn tả được cảm xúc của mình khi lạc bước đến những khu vườn Việt trên đất Mỹ vào mùa trái chín, để được tận tay bẻ từng chùm nhãn, hái từng trái sa bô chê, xuýt xoa trước những chùm khế ngọt, rồi tròn xoe mắt khi nhìn những trái mãng cầu dai nõn nà trên cây.

Thú vị vô cùng!

Nhà vườn nơi chúng tôi có dịp ghé đến là ở Homestead, Florida, nơi được xem là có khí hậu khá giống miền Nam Việt Nam, nên cây trái nhiệt đới ở đây có thể “ăn trùm” tất cả.

Mãng cầu dai, “đặc sản” xứ Florida (Hình: Ngọc Lan/)

Homestead có nhiều Người Việt làm vườn, vườn to có, nhỏ có. Nhưng lớn nhất là vườn nhà cô chú Chín Nguyệt, với gần 200 mẫu tây, chưa tính đến đất trồng rau.

Tuy nhiên, đó không phải là một miếng đất có diện tích rộng đến thế, mà là nhiều khu vườn gần quanh cộng lại. Chỗ thì 5 mẫu, chỗ 7 mẫu, chỗ 20 mẫu, “cứ thấy người ta bán thì tôi gom góp tiền để mua,” cô Chín Nguyệt cho biết.

Theo địa chỉ vườn Chín Nguyệt, 26925 SW 197th Ave, Homestead, Fl. 33031 mà lái xe tới vào Mùa Hè, Tháng Bảy, Tháng Tám, bạn có thể gặp những hàng xe tải đứng chờ dọc theo bên ngoài để chuyển hàng đến hoặc lấy hàng đi giao cho những tiểu bang khác, trừ California bởi “luật của tiểu bang vàng này quá khắc khe trong vấn đề nhập cảng nông sản,” con gái của cô Chín nhận xét.

Địa chỉ này là khu vườn rộng 7.5 mẫu, được dùng làm nơi buôn bán sỉ lẻ, cũng là nơi trú ngụ của gia đình chủ vườn. Những khu vườn khác, cũng của gia đình cô Chín, thì cũng quanh quanh đó.

Giao rổ cóc Thái đang bào dở dang để làm món “cóc ngâm” bán cho khách, cô Chín đứng lên lấy chiếc “golf car” chở tôi cùng nhóm bạn bè đi thăm vườn.

Còc Thái non không hột trong vườn Chín Nguyệt ở Homestead, Florida (Hình: Ngọc Lan/)

Cô Chín, ngoài 60, mang đậm chất miền Tây từ giọng nói, dáng dấp, đến sự nhiệt tình, chất phác. Không màu mè, không khách sáo. Đồng thời, “cô cũng là hiện thân của người nông dân thời hiện đại,” tôi nói với bà chủ vườn như vậy khi thấy cô điều khiển chiếc golf car chở khách đi thăm vườn một cách thuần thục, nhanh nhẹn.

Chiếc golf car chạy từ từ qua những hàng nhãn, chỉ mới là nhãn thôi, mà cả nhóm chúng tôi không ai không kêu lên một cách đầy ngạc nhiên lẫn sung sướng.

Những cây nhãn đứng thẳng tắp có hàng có lối, tán xòe phủ rợp bên trên. Nhãn trong vườn đang vào mùa sai oằn trái. Những chùm nhãn thấp cứ như muốn quất thẳng vào mặt khách nếu mình không biết né chúng khi chiếc golf car chạy qua, dù chầm chậm.

Nhãn không phải là thứ trái cây hiếm thấy, nhưng việc tận mắt nhìn từng chùm nhãn lớn như những chiếc giỏ treo lủng lẳng chằng chịt trên cây thì không phải ai cũng có cơ hội.

Vườn nhãn oằn trái trong vườn Chín Nguyệt (Hình: Ngọc Lan/)

Mà không chỉ có nhìn bằng mắt. Được sự cho phép của chủ vườn, cả nhóm chúng tôi thay phiên nhau tự tay hái nhãn mới gọi là thỏa thích cái thú thăm nhà vườn. Lựa, hái, rồi thì phải thử. Lột vỏ. Bỏ nhãn vào miệng. Thịt nhãn dầy, thơm, dòn, ngọt lịm. Cứ hết trái này, phải bóc tiếp trái khác. Những cơ hội này, đâu dễ mấy ai có, phải tận hưởng thôi.

Hết vườn nhãn này, qua đến vườn nhãn khác. Bạt ngàn. Oằn sai.

Rồi thì, ơ ơ, trái gì vậy? Sa bô chê! Những trái sa bô chê nhỏ vừa được nhìn thấy như một khám phá mới với đám “dân thành thị” chúng tôi. Sa bô chê chưa vào mùa, nhưng lát đác vẫn có, vẫn dư làm chúng tôi cảm thấy thích quá là thích.

Đưa tay sờ nhẹ những trái sa bô chê màu nâu, thon dài mà cứ sợ nó rụng. Thoảng, cô Chín kêu lên, “Bây gặp hên rồi!” và cô nhảy xuống xe, đi ngay đến bẻ cái rụp một trái sa bô chê mập nõn nà, đưa cho tôi, “Trái này chín nè!”

Tôi cùng bạn bè mình học thật nhanh cách làm sao biết trái nào chín. “Lấy tay cà nhẹ vỏ, thấy ở trong cũng nâu luôn là chín. Còn thấy xanh là chưa, có hái mang về thì nó cũng chỉ từ từ héo, teo, nhăn nheo rồi mang vứt mà thôi.”

Đó là “kinh nghiệm” dành cho dân tay mơ như tụi tui, chứ nhà vườn mà đi mỗi trái mỗi ‘cà’ thì không biết bao giờ mới cà xong.

Cô Chín Nguyệt, chủ nhân vườn trái cây Chín Nguyệt ở Homestead (Hình: Ngọc Lan/)

Say sưa với khu vườn có sa bô chê chưa xong thì cả nhóm lại reo lên, “Mãng cầu! Mãng cầu kìa!”

Những trái mãng cầu dai, mà người Bắc gọi là quả na, đu trên cây sao mà dễ thương! Cây mãng cầu dai không phải dạng cây cổ thụ. Nó trông mảnh khảnh thôi, nhưng mà vẫn sai trái.

Mãng cầu dai ở xứ này thuộc dạng hiếm. Đặc biệt hơn là nó dai, thịt dầy và ngọt. Trái mãng cầu khi nở gai chín tới cho kịp hái có màu xanh như ngọc. Đẹp dịu dàng. Khi mãng cầu ra tới chợ, có thể bạn đã không còn cơ hội để nhìn màu sắc nguyên thủy của nó, vì mãng cầu rất mau xuống màu khi chín mềm. Nói vậy để lại thấy cái thú nhìn ngắm trái cây còn trên cành nó đã đời ra sao. Đó là chưa kể cảm giác được giơ tay lên hái ngay trái mà mình xí phần.

Hớn hở tiếp tục cuộc hành trình trên chiếc golf car, có lúc tôi như đứa trẻ được quà khi nhìn thấy thêm những hàng cây khác đang treo trên nó những chùm quả dù chín, dù xanh, dù to dù nhỏ.

Trái bơ dài bằng chai rượu (Hình: Ngọc Lan/)

Này là cóc nè. Cóc cũng cho trái thành chùm. Những trái cóc non không hột. Bẻ một trái, lấy tay chùi chùi vỏ rồi đưa lên miệng cắn cái rụp. Giòn. Hơi chua chua. Hơi ngọt ngọt. Nhắc lại còn phải nuốt nước miếng.

Rồi thì ổi kìa. Cũng chưa là mùa ổi rộ. Nhưng những trái ổi to, căng mọng, cũng khiến mình hít hà, trầm trồ.

“Ô, trái kia là trái gì vậy cô?” Tôi hỏi cô Chín khi nhìn thấy trái gì dáng như trái bầu trái bí, nhưng da xanh mơn mởn và có phần thon hơn. “Trái bơ đó,” cô Chín trả lời.

Bơ. Tôi cũng được nhảy xuống để hái bơ. Những trái bơ bự như chai rượu chát. Nhìn đẹp thôi là đẹp. Lúc mang về. Cắt dọc ra. Không thể tả được cái màu của nó. Màu của lá non, không, màu xanh đọt chuối thì đúng hơn. Màu của thịt bơ đã đẹp. Mà nó lại thơm. Và dẻo, mịn nữa. Không cần đường đâu. Chỉ cắt ra, lấy muỗng múc từng miếng cho vào miệng thôi. Có dịp bạn thử đi!

Và kia là những cây xoài có cái tên thật là “sang cả”: xoài Lữ Phụng Tiên! Không hiểu từ đâu mà giống xoài này được đặt cho cái tên Việt hay ho như thế. Những trái xoài to, có trái nặng cả 3 pounds chứ chẳng chơi, dáng dài dài. Phần gần cuống ửng hồng như má phấn con gái. Xoài này khi còn xanh có thể chấm nước mắm ăn như xoài tượng. Khi chín, thịt xoài chín vàng ươm. Thơm lừng như xoài cát Hòa Lộc và, dĩ nhiên là ngọt đậm đà, ngất ngây.

Vào vườn hái khế, một thú vui không dễ có ở Mỹ (Hình: Ngọc Lan/)

Rồi thì mít. Khế. Thanh long. Dưa gang. Cây nào trái nào cũng mang lại cho mình nét mặt hân hoan cùng nụ cười không dứt trên môi.

Cứ lang thang như thế đến khi trời bắt đầu khoác lên mình chiếc áo đen thì chúng tôi mới trở lại sân nhà cô Chín để nhìn ngắm lại chiến lợi phẩm của mình. Trái cây chất lên xe nghẹt cứng.

Không còn bụng để ăn cơm tối. Chỉ toàn là trái cây. Trái cây Việt hái trong vườn nơi xứ Mỹ. Cứ thế mà ăn, mà thưởng thức, không vướng âu lo.

Nếu có dịp, bạn có thể thử ghé nơi này một lần cho biết 26925 SW 197th Ave, Homestead, Fl. 33031, điện thoại (305) 246-8087.

Ngọc Lan

Tags:
Khu vườn xanh mướt mát, ăn mãi chẳng hết rau sạch của mẹ Việt ở Mỹ

Khu vườn xanh mướt mát, ăn mãi chẳng hết rau sạch của mẹ Việt ở Mỹ

Vườn rau xanh mướt mát, tươi tốt của chị Cẩm Vân ở Mỹ đủ loại rau từ húng, dền, rau muống, cải hay mồng tơi, bầu bí….khiến ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ mẹ Việt mát tay này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất