Bí ẩn tai nạn hàng không lớn nhất nước Mỹ

Một chiều tháng 7/1996, nhà báo Kristina Borjesson rời tòa soạn sớm hơn thường lệ. Chồng của cô đang ở sân bay quốc tế John F. Kennedy để chuẩn bị đưa cậu con trai 11 tuổi lên chuyến bay tới thăm họ hàng ở Pháp.

11:30 08/02/2019

Bỗng nhiên điện thoại reo vang. Borjesson vô cùng hốt hoảng khi nghe thấy ở đầu dây bên kia giọng một người hàng xóm: “Này, có phải chuyến bay mà con trai cô đi hôm nay vừa bị rơi không?”.

Trans World Airlines Flight 800 (TWA 800), chiếc Boeing 747-100, đã nổ tung và đâm xuống biển Đại Tây Dương ở gần bờ Đông Moriches, New York, vào lúc 8:31 p.m. EDT, chỉ 12 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế John F. Kennedy. Tất cả 230 người trên máy bay đều thiệt mạng. Một cảm giác không thể diễn tả thành lời xâm chiếm Borjesson.

Thật may làm sao khi con trai cô vẫn an toàn, chuyến bay của Hãng hàng không Air France đưa họ tới Pháp khởi hành sau chuyến bay gặp nạn TWA 800 chỉ đúng 5 phút. Borjesson chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn sau này: “Khi biết được điều đó, tôi mới hiểu gia đình những nạn nhân đã phải trải qua những gì. Đó là thời khắc mà suốt cuộc đời tôi không bao giờ có thể quên”.

Cuộc điều tra gây tranh cãi

Cuộc điều tra về vụ tai nạn TWA 800 được cho là lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử hàng không thương mại ở thời điểm đó, song bản thân quá trình diễn ra cũng như kết quả của nó đã vấp phải nhiều tranh cãi.

Giới chức Mỹ ban đầu nghiêng về khả năng máy bay bị tấn công, do bom cài trên máy bay phát nổ, hoặc máy bay bị tên lửa nhắm trúng. Xác máy bay được phục dựng sau đó cho thấy một cú nổ lớn đã cắt ngang thân chiếc Boeing gần phía buồng lái, khiến nó vỡ làm đôi và rơi xuống biển.

Tuy nhiên, giới chức sau đó lại quay sang giả thuyết khác và phủ nhận mọi hành vi tội ác đã gây ra vụ tai nạn thảm khốc này. Cả Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan An toàn giao thông quốc gia (NTSB) đều đồng tình với kết luận rằng thùng nhiên liệu khu vực trung tâm máy bay đã phát nổ và đó là nguyên nhân chung chung được đưa ra cho một trong những tai nạn hàng không thảm khốc nhất trong lịch sử!!!

Ngay sau vụ tai nạn, khả năng âm mưu khủng bố khiến chiếc máy bay gặp nạn dường như đã trở thành câu trả lời thực tế nhất đối với các nhà điều tra. Ở thời điểm đó, Ramzi Yousef và một số đồng phạm đang bị Tòa án quận Nam New York xét xử vì âm mưu làm nổ tung 12 máy bay của Mỹ tại Thái Bình Dương trong cùng một ngày. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Washington vẫn đang cảnh giác cao độ sau vụ đánh bom vừa diễn ra vào tháng 4-1995 tại tòa nhà liên bang ở Oklahoma. Hàng trăm nhân viên của FBI đã được huy động để đi tìm các nhân chứng. Tuy nhiên, càng ngày người ta càng giảm dần suy luận về giả thuyết khủng bố.

Đúng 16 tháng sau vụ tai nạn, FBI tuyên bố đình chỉ cuộc điều tra và nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy có những kẻ tội phạm đứng sau vụ việc. Giới chức FBI khẳng định đã xem xét mọi khía cạnh, phân tích các mẫu giám định và không thu được kết quả nào cụ thể, trong khi đó, chỉ căn cứ vào lời khai của nhân chứng thì không đủ kết luận vụ việc.

Đến lúc này, CIA lại vào cuộc và sau đó đưa ra báo cáo phân tích với kết luận rằng không có bất kỳ vụ tấn công khủng bố nào hết. Theo CIA, thứ mà các nhân chứng mô tả là “vệt sáng kéo về phía vụ nổ” thực chất là phần thân máy bay đã bốc cháy và bị bắn lên cao sau khi vỡ do mất khối lượng đột ngột. CIA kết luận vệt lửa mà gần 100 nhân chứng báo cáo là xuất phát từ mặt đất thật ra bắt nguồn từ trên cao. CIA sau đó còn dựng một đoạn băng mô phỏng những gì đã diễn ra.

Năm 2000, NTSB kết luận chuyến bay TWA 800 gặp nạn do một vụ nổ ở thùng chứa xăng gần cánh giữa. Nguyên nhân vụ nổ không thể được xác định chính xác song NTSB cho rằng nhiều khả năng là do sự cố mạch điện tử điều khiển máy bay TWA 800 bên ngoài thùng xăng đã khiến nó phát nổ và chìm dưới Đại Tây Dương. Theo thông tin thu được từ hộp đen, người ta cho biết nửa giây trước khi xảy ra vụ nổ có hai tiếng động khả nghi với tần số 4.000 Hertz – trùng tần số bộ phát điện. Các điều tra viên đã căn cứ vào đó và cho rằng có 2 điểm chập mạch trong đồng hồ bình xăng, chính là nguyên nhân gây nổ.

Peter Goelz, Giám đốc điều hành NTSB ở thời điểm đó, lập luận: “Với hơn 96% số mảnh vỡ đã được thu hồi, cùng các thử nghiệm rộng rãi đã được tiến hành sau quá trình phục dựng xác máy bay, và các bằng chứng vật lý khác, rõ ràng không có gì có thể chứng minh máy bay đã bị tên lửa tấn công”. NTSB sau đó vẫn khẳng định vụ nổ là do phát nổ ở bình nhiên liệu.

Vài tháng trước khi NTSB công bố kết luận về cuộc điều tra, ABC News đã gây xôn xao dư luận khi tiến hành một cuộc phỏng vấn đối với khoảng 700 nhân chứng của vụ tai nạn 4 năm về trước. Khoảng 100 người nói rằng họ thấy một vệt sáng bay lên “như tên lửa” nhắm tới máy bay và khiến nó phát nổ. Một người nói rằng anh ta nhìn thấy vệt khói xuất hiện từ một “vật thể” bay về phía chiếc máy bay.

Đa phần đều mô tả rằng họ nhìn thấy một vệt sáng hoặc thứ gì đó trông như ngọn lửa di chuyển từ mặt đất lên cao dần và kết quả là một vụ nổ trên bầu trời Đại Tây Dương. Tuy nhiên, ABC News không hề đề cập tới thực tế là đã có hàng chục tàu thuyền cỡ lớn đang hoạt động dưới khu vực mà TWA 800 gặp nạn vào thời điểm đó và nhiều tàu trong số này đã liên hệ với nhà chức trách để báo cáo vụ việc. Cuộc thăm dò dư luận của ABC News khi đó đã bị đặt một dấu hỏi lớn, và thậm chí có người còn cho rằng nó đã khiến mớ bòng bong về TWA 800 đã rối càng thêm tù mù.

Nhiều người, trong đó có Borjesson không hài lòng với giải thích của NTSB và giới chức.

Thảm họa hàng không TWA 800 thực sự đã trở thành một phần cuộc sống của Borjesson suốt 17 năm sau khi nó diễn ra, và cô dấn thân vào cuộc điều tra không ngừng nghỉ để tìm hiểu xem điều gì đã thực sự diễn ra với chiếc máy bay cùng các hành khách và phi hành đoàn xấu số này. Bộ phim tài liệu có tên “Chuyến bay TWA 800” (TWA Flight 800) do chính Borjesson làm kịch bản, đạo diễn và sản xuất, ra mắt trên kênh EPIX vào ngày 17-7-2013, tròn 17 năm sau vụ việc.

Cô và nhà đồng sản xuất Tom Stalcup, đồng thời cũng là một nhà vật lý học, cho rằng FBI cùng các cơ quan điều tra hoàn toàn không đếm xỉa gì đến ý kiến của các chuyên gia hàng không trong vụ điều tra này. Họ cho rằng hiện trạng những mảnh vỡ ở thân máy bay đã bị phớt lờ, và người ta cũng chẳng hề để tâm tới lời khai của hàng chục nhân chứng, những người nói rằng họ nhìn thấy cùng một thứ: ba vật thể bay có tốc độ như tên lửa trên bầu trời và nhắm vào chiếc máy bay trước khi nó phát nổ.

Borjesson khẳng định đó là một cuộc điều tra sơ sài và sai lệch, bởi “có những bằng chứng cụ thể và cả những nhân chứng sống rõ ràng đã nhìn thấy những vật thể từ bên ngoài tấn công chiếc máy bay này… Họ khép lại cuộc điều tra thậm chí trước cả khi họ có thể tìm thấy thực sự thứ gì đã gây nên vụ nổ”.

Nhiều bí ẩn chưa được làm rõ

Bộ phim tài liệu của Borjesson có sự góp mặt của một số thành viên trong đội điều tra ban đầu, cùng những nhân chứng của vụ tai nạn. Tháng 6-2013, một số thành viên trong gia đình nhiều nạn nhân của vụ tai nạn đã cùng nhau đệ đơn yêu cầu NTSB mở lại cuộc điều tra.

Borjesson hồi tưởng lại những gì từng diễn ra. Khi quay trở lại tòa soạn của CBS vào ngày hôm sau khi xảy ra vụ tai nạn, cô ngay lập tức được chỉ định đảm trách việc tìm kiếm những thông tin liên quan. Borjesson đã gặp không ít khó khăn khi nhận được một mảnh đệm ghế ngồi trên chuyến bay tử nạn, và có ý định mang chúng tới phòng thí nghiệm để xem có dấu vết gì của nguyên liệu nổ trên tên lửa rắn hay không. Người đàn ông lấy mảnh đệm ghế từ thành viên nhóm điều tra và đưa cho cô, khẳng định cô có quyền đưa nó đến phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, FBI sau đó xuất hiện và nói rằng nó đã bị đánh cắp.

Borjesson chia sẻ: “Thật thất vọng và nản chí khi CBS nhanh chóng trao trả nó… và vài tuần sau tôi nhận được thông báo sa thải… với nội dung rằng mọi chuyện gây quá nhiều tranh cãi, và tự do báo chí cũng có những giới hạn nhất định. Mọi chuyện bóp nghẹt trái tim tôi, bởi tôi thật sự đã cảm thấy rất hạnh phúc khi được làm việc tại CBS. Tôi thậm chí còn được nhận giải Emmy cho một phóng sự điều tra”.

Năm 1998, Borjesson được mời tham gia sản xuất nội dung về vụ tai nạn liên quan tới chuyến bay số hiệu TWA 800 cho chương trình thử nghiệm mới phát sóng có tên Declassified (Giải mật) với người dẫn Oliver Stone. Không lâu sau khi nhận lời, xe ôtô của Borjesson bị đột nhập, các tài liệu và máy tính đều bị đánh cắp. Nhiều bài báo mỉa mai và châm biếm với nội dung chỉ trích Oliver Stone cố tình khơi lại những ám ảnh và đau thương về TWA 800 để câu khách nhanh chóng xuất hiện trên báo chí. Kênh ABC sau đó quyết định hủy bỏ chương trình này. Borjesson đã nhiều lần được mời đến dự các buổi lễ tưởng niệm của TWA 800 và chia sẻ câu chuyện của mình.

Trong khi đó, Stalcup, âm thầm thu thập thông tin về vụ việc, nói chuyện với các nhân chứng và phân tích những gì họ cung cấp cũng như các báo cáo kỹ thuật, yêu cầu tiếp cận thông tin qua Đạo luật Thông tin Tự do (FOIA). Ông tin rằng ông đã lật tẩy được một bí mật: Số liệu rada của Cơ quan Hàng không Liên bang ghi nhận 4 mảnh vỡ đã văng ra khỏi máy bay với vận tốc gấp 4 lần vận tốc âm thanh. Điều này, theo một nhà vật lý như Stalcup là phi lý nếu nguyên nhân do nổ thùng chứa nhiên liệu. Ông đã trao đổi điều này với giới chức NTSB và cung cấp cho cả truyền thông song tất cả chỉ nhận lại được sự thờ ơ.

Stalcup sau đó lại tìm tới Borjesson, người mà ông từng gặp một năm sau vụ tai nạn, và quả quyết: “Kristina, chúng ta phải tự mình làm”. Mọi chuyện có vẻ như đã diễn ra đúng thời điểm. Henry Hughes, một nhà điều tra tai nạn cấp cao của NTSB, từng tham gia các cuộc điều tra về chuyến bay TWA 800, vừa nghỉ hưu. Sau khi Hughes đồng ý tham gia cùng Borjesson và Stalcup, một số nhà điều tra cũ cũng quyết định gia nhập nhóm làm phim. EPIX nhanh chóng nhận thấy tiềm năng của sản phẩm này và rót vốn đầu tư cũng như phát hành bộ phim tài liệu.

Bộ phim không nhắc đến những giả thuyết về các vật thể mà nhiều nhân chứng nói đến. Đoàn làm phim chỉ chú trọng tới các thông tin mà họ có thể cung cấp và kiểm chứng. Borjesson tỏ ra khá thận trọng khi chia sẻ về quá trình làm phim bởi cô đã nhiều lần bị tấn công, bằng cách này hay cách khác. Song Stalcup lại tỏ ra cởi mở hơn: “Ba vật thể có thể là lạ với người thường, song những ai có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tên lửa hoàn toàn có thể nói với bạn rằng số lượng vật thể bay trên bầu trời cùng một lúc hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên”.

Andrew Danziger, cựu phi công của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng nằm trong số những người không đồng tình với kết luận của NTSB về việc tai nạn TWA 800 là do nổ thùng xăng. Ông viết: “Rất nhiều thứ có thể xảy ra với máy bay. Động cơ hỏng, và chúng có thể bắt lửa. Các thiết bị có thể bị trục trặc. Và phi công thì có thể mắc sai lầm. Song máy bay không thể tự phát nổ khi đang ở trên bầu trời. Nếu có, thì đó cũng là vì chúng bị bắn hạ hoặc đánh bom. Có ít bằng chứng cho thấy có bom trên máy bay, song có hàng loạt chứng cứ cho thấy tên lửa hoặc một vật thể bay nào đó đã tiếp cận máy bay và khiến nó phát nổ”.

Danziger đã nói chuyện với một vài nhân viên từng làm việc cho TWA, và biết được rằng chiếc máy bay TWA gặp nạn đã có 25 năm vận hành. Theo báo cáo của phi công vào ngày 17-7-1996, máy bay có một số trục trặc không đáng kể, và đã được giải quyết trước khi cất cánh từ sân bay John F. Kennedy để tới Paris.

Theo lời một số nhân viên từng làm việc tại TWA, các thợ máy và đại diện hãng bị từ chối tiếp cận nhà để xác chiếc máy bay gặp nạn, nơi người ta được cho là đã cố chắp vá các mảnh ghép để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra.

Trong suốt quá trình điều tra, FBI đã yêu cầu mọi người rời khỏi khu vực chứa xác TWA 800 vì “vấn đề an ninh quốc gia”. Chỉ sau khi họ “khử trùng khu vực”, các nhân viên của hãng bay mới được tiếp cận những gì còn lại. Điều này, theo các nguồn tin mà Danziger có được, diễn ra hết lần này đến lần khác.

Điều gì đã thực sự xảy ra vào ngày hôm đó, và điều gì khiến FBI phải viện đến lý do “an ninh quốc gia”. Liệu đó thực sự là một vụ khủng bố – như thảm họa 11-9-2001, hay là một sai lầm trong huấn luyện quân sự của Mỹ? Cho đến tận ngày hôm nay vẫn không ai có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng về một trong những thảm kịch hàng không tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ này.

Theo Kiến thức

Tags:
“Lý thuyết hạnh phúc” của Einstein được bán với giá siêu kỷ lục

“Lý thuyết hạnh phúc” của Einstein được bán với giá siêu kỷ lục

"Tại sao không ai hiểu tôi và mọi người lại thích tôi." - Albert Einstein

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất