Bi kịch đằng sau người đàn ông 'từ trên trời rơi xuống'
Ngày 30/6/2019, trong lúc trò chuyện với bạn bên ngoài ngôi nhà phía tây nam London, Wil nhìn thấy thứ gì đó từ trên trời rơi xuống.
09:41 09/08/2023
"Ban đầu tôi nghĩ đó là một chiếc túi, nhưng sau vài giây thì vật thể trở nên khá lớn và rơi xuống nhanh chóng", Wil, kỹ sư phần mềm 31 tuổi sống tại khu Clapham ở London, Anh, cho biết.
Vật thể này xuất hiện sau khi một máy bay chở khách bay ngang qua, nên Wil nghĩ có lẽ nó là một bộ phận của càng đáp, hoặc hành lý trong khoang chứa hàng. Tuy nhiên, anh chợt nhớ đến một bài báo đã đọc từ lâu về những người trốn vé trên máy bay.
Wil không muốn tin, nhưng không thể phủ nhận khả năng này khi vật thể ngày càng gần. "Trong những giây cuối cùng trước khi vật thể tiếp đất, tôi nhìn thấy chân tay. Tôi nghĩ rằng đó là một người", Wil kể lại.
Wil liền mở một ứng dụng trên điện thoại giúp xác định tuyến đường và tên chiếc máy bay ngang qua. Đó là một chiếc Boeing 787-8 Dreamliner mang số hiệu KQ 100 của hãng hàng không Kenya Airways, rời sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở thủ đô Nairobi trước đó 8 giờ 6 phút. Bạn cùng nhà của Wil đã gọi điện cho cảnh sát để thông báo chi tiết sự việc.
Wil sau đó lái xe máy để tìm nơi vật thể rơi xuống. Giữa đường, anh bắt gặp một xe cảnh sát chạy ngược chiều và quyết định bám theo sau. Điểm đến nằm trên phố Offerton, cách nhà của Wil 300 m, nơi một thanh niên tên John Baldock đang đứng chết lặng bên ngoài một căn nhà. Khi nhìn qua cửa sổ, Wil nhận thấy khu vườn ở sân trong đã "bị phá hủy hoàn toàn".
"Điều đầu tiên tôi nói với John là hỏi đó có phải một người hay không, bởi tôi vẫn chưa chắc 100%. Anh ấy không nói bất cứ điều gì, chỉ nhìn tôi và gật đầu, khiến lòng tôi nặng trĩu", Wil cho biết.
Vật thể mà Wil tìm kiếm chính xác là một người đàn ông đã rơi từ độ cao hơn 1.000 m xuống mặt đất trong trạng thái gần như đóng băng. Đây là một người trốn vé máy bay.
Đặc vụ Paul Graves, một thám tử cấp cao giàu kinh nghiệm, tình nguyện phụ trách điều tra trường hợp này, với hy vọng xác định được danh tính người đàn ông "từ trên trời rơi xuống" và hồi hương thi thể, nhưng không quá lạc quan.
Sau khi nhận được báo cáo, cảnh sát đã nhanh chóng đến phố Offerton, trao đổi với Wil, John cùng những người sống trong khu vực, đồng thời liên hệ với sân bay Heathrow. Ban quản lý sân bay đã điều nhân viên đến kiểm tra khoang chứa càng đáp trên chiếc Boeing của hãng Kenya Airways. Khu vực này chỉ vừa đủ chỗ cho một người trốn bên trong.
Sau khi kiểm tra, nhân viên sân bay tìm thấy một chiếc ba lô bụi bặm với dòng chữ viết tắt "MCA". Bên trong không có manh mối quan trọng nào, chỉ đựng vài mẩu bánh mì, một chai nước ngọt, một chai nước lọc và một đôi giày thể thao. "Đồ ăn, nước uống và giày là định nghĩa về sự sống còn", Graves nói.
Tuy nhiên, trong ba lô còn có một ít tiền Kenya, cùng việc chai nước ngọt được bán từ một cửa hàng ở quốc gia châu Phi này, cho thấy người đi lậu máy bay gần như chắc chắn đã leo lên phi cơ tại đó. Chuyến bay ban đầu khởi hành từ thành phố Johannesburg, Nam Phi, đến Nairobi, Kenya, và điều tra viên đã loại bỏ khả năng người đàn ông lên máy bay từ Nam Phi. Tuy nhiên, ADN và vân tay của người này lại không khớp với bất kỳ ai tại Kenya.
Tình trạng người di cư đánh cược mạng sống để đến được châu Âu thường xuyên xuất hiện trên mặt báo, đến mức dư luận không còn quá quan tâm. Tuy nhiên, câu chuyện về người đàn ông vô danh "từ trên trời rơi xuống" có vẻ khác lạ. Anh ta đến từ một quốc gia nơi 1/3 dân số sống với thu nhập dưới 2 USD/ ngày, rơi từ hơn 1.000 m xuống một trong những khu dân cư giàu có nhất London.
Hơn nữa, việc trốn trong khoang chứa càng đáp máy bay nguy hiểm đến mức không khác gì tự sát. Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho biết từ năm 1947 đến tháng 2/2020, 128 người trên khắp thế giới đã cố gắng đi lậu máy bay bằng cách này, trong đó 75% đã thiệt mạng.
Điều này không có gì bất ngờ, bởi người trốn vé có thể rơi khỏi máy bay ngay trong lúc cất cánh, như trường hợp thiếu niên 14 tuổi Keith Sapsford rơi từ khoang chứa càng đáp chiếc Douglas DC-8 khởi hành từ Sydney, Australia, để đến Tokyo, Nhật Bản, vào tháng 2/1970.
Thậm chí nếu sống sót sau khi cất cánh, người trốn vé có thể bị nghiền nát khi càng đáp thu vào, như cách Adonis Guerrero Barrios thiệt mạng vào tháng 7/2011. Thanh niên 23 tuổi này đã leo vào khoang chứa càng đáp của chiếc Airbus A340 đi từ Cuba đến Madrid, Tây Ban Nha.
Kể cả tránh được kết cục này, những người "đu càng" vẫn đối mặt với hàng loạt nguy cơ chết người khác. Trong vòng 25 phút sau khi cất cánh, hầu hết máy bay chở khách đều đạt độ cao gần 11 km, nơi nhiệt độ bên ngoài xấp xỉ -54 độ C, mặc dù hệ thống ống thủy lực tỏa nhiệt giúp nhiệt độ khoang chứa càng đáp lên được khoảng 20 độ C. Bên cạnh đó, áp suất không khí ở độ cao này thấp hơn bình thường khoảng 4 lần, khiến phổi người không thể thu đủ oxy từ không khí, có thể gây trụy tim và chết não.
Nếu người trốn vé bằng cách nào đó vẫn sống sót suốt hành trình, họ chắc chắn sẽ bất tỉnh khi máy bay bắt đầu hạ độ cao. Vì thế, lúc máy bay mở cửa khoang để hạ càng đáp, thường là trong vòng 8 km cách đường băng, họ có thể rơi tự do. Đây là lý do các thi thể đôi khi được tìm thấy ở phía nam London, gần đường bay của Heathrow. Tuy nhiên, điều thực sự phi thường, bất chấp "tử thần" luôn rình rập, là một số người đi lậu máy bay vẫn sống sót. Các nhà khoa học chưa giải thích được đầy đủ những trường hợp này.
Tháng 9/2019, ba tháng sau khi tiếp nhận điều tra, đặc vụ Graves bay đến Kenya với hy vọng tìm ra bất kỳ chi tiết nào có thể giúp xác định danh tính người đàn ông bí ẩn. Tuy nhiên, sau khi tiến hành điều tra tại sân bay Nairobi, lấy lời khai và đặt ra một loạt giả thuyết, Graves vẫn không biết được người đàn ông đã leo lên khoang chứa càng đáp bằng cách nào.
Đối với Graves, vấn đề lớn hơn cả những khúc mắc về cách người trốn vé lên được máy bay là nguyên nhân anh ta phải làm vậy. "Chúng ta đã chứng kiến hậu quả khi một ai đó rơi xuống từ máy bay. Nhưng tôi thấy điều đáng chú ý là câu chuyện khởi nguồn từ đâu?", Graves nói.
Những người trốn vé xuất hiện ngay từ "buổi bình minh" của ngành hàng không. Họ đến từ những nước như Cuba, Nam Phi, Kenya, Nigeria, Senegal, Cộng hòa Dominica và Trung Quốc, lén lút leo lên máy bay trong niềm hy vọng rời bỏ cuộc sống cũ. Họ đánh cược cả mạng sống vì vô vàn lý do, từ nghèo đói, bất hạnh, buồn chán đến tuyệt vọng.
Bas Wie, thiếu niên 12 tuổi đi lậu chuyến bay từ Indonesia đến Australia năm 1946, là trẻ mồ côi làm việc trong nhà bếp ở sân bay Kupang. Abdi, thiếu niên trốn trong khoang chứa càng đáp của chiếc Boeing 767 bay từ California đến Hawaii, cho biết cậu đang cố gắng đoàn tụ với mẹ ở Somalia. Cuba là nước ghi nhận nhiều trường hợp trốn vé bằng cách chui vào khoang chứa càng đáp nhất, với 9 người kể từ năm 1947.
Armando Socarras Ramirez là người đầu tiên. Vào tháng 6/1969, ở tuổi 17, Ramirez trốn trong khoang chứa càng đáp bên phải của một chiếc Douglas DC-8 chuẩn bị bay từ Havana đến Madrid, mang theo một sợi dây thừng, đèn pin và bông gòn để bịt tai. Sau khi vượt qua được quá trình cất cánh, Ramirez bị ngất trên chặng đường dài 8 tiếng và tỉnh dậy khi đã ở Madrid, sau đó phải nằm viện suốt 52 ngày mới hồi phục.
Ramirez hiện nay 69 tuổi, sống tại Virginia, Mỹ. Ông cho biết hành trình từ Cuba đến Tây Ban Nha thời niên thiếu không để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe, đồng thời tin rằng mình đã được Chúa cứu mạng. Tuy nhiên, Ramirez hối hận vì nhiều thanh niên ở Cuba đã cố gắng làm theo ông. "Hầu hết họ đã chết", ông nói.
Khi cuộc điều tra về người đàn ông "từ trên trời rơi xuống" lâm vào ngõ cụt, đặc vụ Graves quyết định dùng đến phương án cuối cùng là nhờ sự giúp đỡ và sức lan tỏa của truyền thông. Hãng Sky News của Anh từng tuyên bố đã xác định được danh tính nạn nhân, nhưng cuối cùng nhầm người và phải đăng lời xin lỗi. Cuối năm 2019, giới chức Kenya quyết định đóng cuộc điều tra.
Hiện nay danh tính của người đàn ông rơi xuống London vào tháng 6/2019 vẫn là một bí ẩn. Mọi người chỉ có thể mường tượng ra những khung cảnh và âm thanh cuối cùng mà người đàn ông nhìn và nghe thấy. Tiếng rít của hệ thống thủy lực bên trong khoang chứa càng đáp, tiếng bước chân của hành khách, tiếng hành lý va đập vào ngăn chứa.
Người đàn ông được chôn cất tại nghĩa trang Lambeth của Anh vào ngày 26/2/2020, ra đi ở tuổi 30 trong một buổi sáng quang đãng và giá lạnh. Người duy nhất đến viếng là quan chức từ đại sứ quán Kenya tại Anh.
Bi kịch của người đàn ông "từ trên trời rơi xuống" thu hút sự quan tâm từ báo giới. Tuy nhiên, mỗi tuần đều có rất nhiều người di cư khác ra đi trong những hoàn cảnh kinh hoàng không kém. Họ chết ngạt trong container, chết đuối trên eo biển Manche, bị điện giật trong đường hầm vượt eo biển, hoặc bị đám đông phân biệt chủng tộc hành hung đến chết.
Đông đảo người di cư khác bị giam trong các trung tâm tị nạn suốt nhiều năm, bị hành hung và lạm dụng tình dục. Kể từ năm 2014, 10.134 đã thiệt mạng trên các tuyến đường di cư toàn cầu, theo dự án Những người di cư Mất tích. Những con số này có thể chỉ là phần nổi của tảng băng.
Người đàn ông "từ trên trời rơi xuống" an nghỉ trong nấm mộ vô danh, chỉ có một cây thánh giá gỗ và một mã số. Rất nhiều người khác như anh, có lẽ sẽ không ai thăm viếng. Những câu chuyện cũng dần bị lãng quên.
Lấy phải chồng Việt Kiều Mỹ cuồng ghen… tôi bị nhốt, bắt nghỉ việc, quay camera liên tục…
(VOH) - Tôi chỉ ở trong căn phòng trên lầu, có mỗi một cửa sổ, nhà lúc nào cũng khóa cửa. Tôi không được liên lạc với bạn bè vì nếu tôi nói chuyện với bạn ngay lúc đó anh gọi về máy bận thì...