Bị mắc kẹt ở ổ dịch, người Vũ Hán lấy đồ ăn ở đâu?

Không chỉ có mối lo ngại về sức khỏe, kể cả những nhu cầu cơ bản như đồ ăn cũng trở thành khó khăn tại Vũ Hán.

08:00 05/02/2020

Lệnh cấm rời khỏi thành phố Vũ Hán của chính quyền Trung Quốc, được đưa ra để ngăn chặn tốc độ lây bệnh viêm phổi do virus corona, khiến 11 triệu người dân của thành phố này mắc kẹt giữa ổ dịch. Không chỉ lo ngại về sức khỏe, người dân Vũ Hán còn không thể đi quá xa để mua sắm các nhu yếu phẩm hay đồ ăn.

Các ứng dụng giao hàng vào cuộc

Theo BBC, có rất nhiều bài viết trên Weibo bày tỏ sự bức xúc của người dân nơi đây vì khó mua đồ ăn. Một người dân Vũ Hán miêu tả giá đồ ăn "đã tăng lên", và một số loại rau rất khó mua. Đi chợ mua thực phẩm đã khó, kể cả mua đồ ăn qua dịch vụ giao tận nhà cũng không hề đơn giản.

Bi mac ket o o dich, nguoi Vu Han lay do an o dau? hinh anh 1 wuhan_1.jpg
Người dân Vũ Hán mua rau tại một siêu thị vào ngày 26/1, tức mùng 2 Tết âm lịch. Ảnh: Reuters.

"Trước đây tôi thường gọi đồ ăn về nhà liên tục. Giờ thì tần suất giảm nhiều rồi, còn khoảng 4 lần/tuần, bởi chúng tôi cũng muốn tránh tiếp xúc với người giao đồ ăn", Xingxing Yin, sinh viên tại Vũ Hán chia sẻ.

Giao đồ ăn là một thị trường khổng lồ tại Trung Quốc. Meituan, dịch vụ lớn nhất với 440 triệu khách hàng và 700.000 tài xế vận chuyển hàng ngày, cũng phải đưa ra nhiều giải pháp về mặt công nghệ để giúp người dân Vũ Hán, cũng như tỉnh Hồ Bắc nói chung, thuận tiện hơn trong việc mua đồ ăn.

Thời gian gần đây, Meituan đã cập nhật quy trình để tài xế giao đồ ăn và khách hàng không phải gặp mặt trực tiếp để nhận đồ. Người dùng có thể nhắn tài xế để lại đồ ăn ở trước cửa hoặc khu vực lễ tân của tòa nhà nhằm tránh phải tiếp xúc trực tiếp.

Meituan cũng giao 1.000 suất ăn miễn phí mỗi ngày cho các nhân viên y tế Vũ Hán. Tại các bệnh viện, các tủ giao nhận đồ được lắp đặt để tài xế có thể cho đồ vào trong tủ rồi khóa lại, còn nhân viên y tế thì mở tủ bằng mã QR. Với những nhân viên y tế, đồ ăn miễn phí giúp họ bớt phần nào áp lực phải thăm khám, chăm sóc cho hàng nghìn người tại các bệnh viện.

Nhân viên giao đồ ăn đưa đồ vào các tủ có khóa. Y tá, bác sĩ sau đó có thể mở tủ bằng mã QR. Ảnh: BBC.

Meituan cho biết họ cũng sẵn sàng giao nguyên liệu nấu ăn, vốn là một mảng vận chuyển riêng cho các nhà hàng, tới bệnh viện và cơ sở y tế.

Nhiều công ty lớn như Facebook, WeWork hay Morgan Stanley đã thông báo nhân viên có thể làm việc tại nhà mà không cần đến văn phòng. Điều này có thể tạo thêm áp lực cho các công ty giao nhận đồ ăn như Meituan hay Ele.me của Alibaba.

Sau khi triển khai ở Vũ Hán, Meituan đã mở rộng việc giao hàng không cần nhận trực tiếp tại 184 thành phố. Công ty này cho biết dịch vụ này sẽ được triển khai trên toàn Trung Quốc trong tuần này.

Vũ Hán có đồ ăn, nơi khác lại khan hiếm

Nằm ở tâm dịch, Vũ Hán đang nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố khác của Trung Quốc. Vào đầu tuần, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ sẽ chuyển 2 triệu khẩu trang y tế, tiếp tế thực phẩm và nhiều nhu yếu phẩm khác cho Vũ Hán và các vùng lân cận. Tuy nhiên, điều này vô tình gây áp lực về thực phẩm lên các vùng khác của Trung Quốc.

"Bạn tôi ở Tô Châu ra chợ mua 3 mớ rau hết 68 tệ, tính ra là hơn 200.000 đồng", Giang Nguyễn, cựu du học sinh Trung Quốc nói với Zing.vn.

Bi mac ket o o dich, nguoi Vu Han lay do an o dau? hinh anh 2 wuhan_4.jpg
Dù không nằm giữa tâm dịch, cuộc sống tại các thành phố khác của Trung Quốc như Bắc Kinh được mô tả là "diễn ra bình thường, nhưng cũng hơi khác thường". Ảnh: AFP. 

Không thể mua được rau cũng là trải nghiệm tương tự của cây viết Yuan Yang, Financial Times. Cô cho biết sau khi trở về Bắc Kinh, cuộc sống ở đây "diễn ra như bình thường, nhưng cũng hơi khác thường".

"Chúng tôi xin lỗi là đã gần hết rau rồi. Rất ít người đến tận nơi mua, nhưng chúng tôi nhận được rất nhiều đơn giao hàng", chủ một cửa hàng thực phẩm nói với Yang khi cô tới mua đồ ăn. Yang cho biết cô là vị khách duy nhất trong cửa hàng, nhưng những túi đựng đồ sắp sẵn thì bày la liệt, và các đơn hàng liên tục được giao trên xe máy.

"Chúng tôi dự tính sẽ nhập thêm hàng trong một tuần, nhưng tôi nghĩ có thể phải nửa tháng hoặc hơn mới có hàng", chủ cửa hàng cho biết.

"Vậy thì tôi mua thực phẩm ở đâu bây giờ", Yuan Yang nêu ra câu hỏi mà chính cô và bà chủ cửa hàng cũng không biết câu trả lời.

Link nguồn: https://news.zing.vn/bi-mac-ket-o-o-dich-nguoi-vu-han-lay-do-an-o-dau-post1042124.html

Tags:
34 trẻ nhỏ ho, sốt sau khi cha mẹ từ Trung Quốc về, Điện Biên họp

34 trẻ nhỏ ho, sốt sau khi cha mẹ từ Trung Quốc về, Điện Biên họp

Một lãnh đạo huyện Nậm Pồ (Điện Biên) chiều nay thông tin, đang cách ly 34 trẻ nhỏ có biểu hiện ho, sốt khi tiếp xúc với bố mẹ lao động từ Trung Quốc về dịp Tết.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất