Bí mật 20 năm của phi công Mỹ xuyên Đại Tây Dương

Với người Mỹ, Charles Lindbergh là "siêu nhân đời thực", là người chồng tận tụy nhưng cuộc sống bí mật của ông ở Đức khiến họ vỡ mộng.

08:30 04/10/2019

Charles Lindbergh, sinh ra tại Michigan, đã trở thành biểu tượng hàng không sau khi một mình thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên năm 1927 ở tuổi 25. Ông bay thẳng từ New York đến Paris, vượt hành trình 5.800 km trong 33,5 giờ với chiếc máy bay một động cơ Spirit of St. Louis.

Danh tiếng của Lindbergh khiến công chúng cũng chú ý đến cuộc sống riêng của ông với vợ là nhà văn Anne Morrow Lindbergh. Hai vợ chồng có 6 người con, những đứa trẻ lớn lên với niềm tự hào về người bố được ca ngợi như anh hùng.

Charles Lindbergh tại Mỹ năm 1927. Ảnh: PA.

Charles Lindbergh tại Mỹ năm 1927. Ảnh: MHS.

Nhưng với 7 người con khác tại Đức, Lindbergh là nhà văn người Mỹ điềm đạm có tên Careu Kent. Lindbergh có hai gia đình ở Mỹ và Đức nhờ những chuyến bay khứ hồi liên tục trong hai thập kỷ. Mặc dù rất nổi tiếng ở Mỹ, Lindbergh vẫn có thể có một cuộc sống bí mật tại bên kia Đại Tây Dương.

Lindbergh qua đời năm 1974 và đến năm 2003, thế giới mới biết được câu chuyện ngoại tình của ông. Ba anh em người Đức Dyrk, David Hesshaimer và Astrid Bouteuil tuyên bố Lindbergh là cha của họ. Để chứng minh, họ chia sẻ hơn 100 bức thư mà Lindbergh đã viết cho mẹ mình, Brigitte và kết quả xét nghiệm ADN do Đại học Munich thực hiện. Những người này không có bất cứ yêu cầu nào với gia sản của Lindbergh mà chỉ muốn được công nhận là con của phi công.

Tiết lộ này gây sốc cho nhiều người. Cựu thủ tướng Anh Winston Churchill từng ca ngợi Lindbergh là người đàn ông mẫu mực. Truyền thông Mỹ thời đó thường ca ngợi Lindbergh và Anne là "một cặp hoàn hảo".

Nhưng thực tế, danh tiếng của Lindbergh đã bị ảnh hưởng đáng kể vào thập niên 1930, 1940 khi ông bày tỏ sự đồng tình với Đức Quốc xã và có những tuyên bố bài Do Thái. Nhưng điều đó đã không ngăn Tổng thống Dwight D. Eisenhower và hãng Pan Am chọn Lindbergh là đại diện ở nước ngoài trong những năm 1950.

Anne Morrow Lindbergh tại Anh năm 1937. Ảnh: LPC.

Anne Morrow Lindbergh tại Anh năm 1937. Ảnh: LPC.

Trong hai thập kỷ cuối đời, Lindbergh thường sống xa vợ con. Trong một chuyến đi tới Đức, Lindberg, 55 tuổi, đã gặp Brigitte Hesshaimer, một thợ làm mũ 31 tuổi ở Munich. Họ bắt đầu một cuộc tình bí mật và có với nhau ba người con. Lindberg còn ngoại tình với Marietta, chị gái của Brigitte, và có thêm hai người con trai. Lindberg tiếp tục có mối tình ngoài luồng với thư ký Valeska và có hai đứa con khác.

Trong một thập kỷ rưỡi, cho đến khi qua đời vào năm 1974, Lindberg mỗi năm đều đến miền nam nước Đức vài lần để thăm ba người tình và 7 đứa con. Những đứa trẻ được kể rằng ông là một nhà văn nổi tiếng người Mỹ làm nhiệm vụ bí mật và cần giữ kín những tương tác giữa họ. Vài ngày trước khi qua đời, Lindberg gửi thư tạm biệt cho Brigitte, nhấn mạnh tình yêu của mình dành cho bà cùng các con và tiếp tục yêu cầu họ giữ bí mật.

Những người con ở Đức của Lindbergh nói rằng ông đối xử rất tốt với họ và các người tình, mặc dù hai chị em Hesshaimer đều có khuyết tật ở chân do căn bệnh từ thuở ấu thơ.

"Tôi biết rằng hành động của chúng tôi đã làm xấu đi hình ảnh của người từng được coi là anh hùng Mỹ hoàn hảo", Astrid nói vào năm 2005. "Nhưng câu chuyện này cũng cho thấy người đàn ông từng được cho là vô cảm và khó gần thực tế là một người cha quan tâm và chu đáo".

"Mọi người có thể đặt câu hỏi về cách ông ấy đối xử với vợ và những người tình như mẹ tôi, nhưng việc chúng tôi tồn tại là minh chứng cho thấy ông ấy chỉ đơn giản là một người đàn ông, không phải là anh hùng", Astrid nói thêm.

Phương Vũ (Theo Telegraph/Ozy)

Tags:
Bữa ăn bán trú của học sinh Việt ở nước ngoài

Bữa ăn bán trú của học sinh Việt ở nước ngoài

Con trai hơn 3 tuổi của chị Thúy ăn nhiều cá, canh miso, rau họ cải, rong biển và uống sữa đều đặn khi học tại trường Maria (tỉnh Nagano, Nhật Bản).

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất