Bị tù oan nhiều năm vì nghĩ mình là kẻ giết người
Rất nhiều trường hợp tại Mỹ đã phải chịu án oan nhiều năm vì ảnh hưởng tâm lý ảo giác này.
05:45 26/06/2017
6 người lúc mới bị bắt trong vụ án ở thành phố Beatrice, Mỹ
Eli Chesen, chuyên gia trị liệu tại Nebraska (Mỹ) cho biết đây là trạng thái của người bị tình nghi, từ chỗ chối bỏ cáo buộc đến tin hoàn toàn vào việc họ đã gây ra tội ác. Thậm chí đến khi được thả, họ vẫn có những hồi ức rõ mồn một rằng mình đã giết người ra sao, lo lắng bị người thân phán xét và bị ám ảnh mỗi khi về đêm. Điển hình là vụ án giết người tại thành phố Beatrice, cũng tại bang Nebraska, hồi năm 1985.
Một phụ nữ tại Beatrice, Helen Wilson bị hiếp dâm và giết chết. Do không tìm được thủ phạm, vụ án bắt đầu chìm. Burdette Searcey, một nông dân trong vùng hứa hẹn với con gái bà Wilson sẽ tìm ra chân tướng kẻ giết người. Được 2 năm, Searcey được tuyển vào sở cảnh sát địa phương Beatrice và vẫn cố gắng thực hiện lời hứa.
Searcey bị ám ảnh với việc phải tìm ra thủ phạm
Tháng 3.1989, Searcey ra lệnh bắt Taylor, một phụ nữ bất hảo và White, một người từng bị tình nghi và không hề có liên hệ với nạn nhân. Ông này đưa ra nhân chứng là một thiếu niên từng nghe thấy hai nghi phạm bàn chuyện giết người, nhưng thiếu niên này lại mắc chứng thiểu năng.
Ngay từ đầu, đại diện cảnh sát bang đã cảm thấy có điều sai sót. Ông chỉ ra việc lời khai của Taylor tiền hậu bất nhất quá lớn. Tuy nhiên, họ đã bị đẩy ra ngoài lề cuộc điều tra.
Trong quá trình lấy cung, Taylor còn bịa thêm kẻ đồng lõa là một người bạn học tên Tom Winslow. Debra Shelden, cháu họ của nạn nhân từng chơi với nhóm Taylor cũng được triệu tập. Vô số những người liên quan cũng bị bắt giữ gồm Gonzalez và Dean.
Bác sĩ Price góp phần đẩy 6 người vào cảnh oan sai
Tuy nhiên, 5/6 nghi phạm này đều có chung đặc điểm, đó là bị lạm dụng, đánh đập, dẫn tới tâm lý bất ổn và trở nên bất hảo. Do đó, họ dễ dàng bị nghi ngờ. Bản thân các bác sĩ tâm lý của cảnh sát cũng có cách làm việc phản khoa học.
Họ mặc định rằng những người này chắc chắn phạm tội, và gợi nhớ bằng cách tiết lộ các chi tiết ở hiện trường, đánh giá nghi phạm dựa trên "nhận thức về việc có tội". Bị giam chung, cộng thêm bị thao túng và lặp đi lặp lại những lời buộc tội, cả 5 người này bắt đầu tin rằng họ thực sự đồng lõa với nhau.
White là người duy nhất tỉnh táo và yêu cầu được xét nghiệm ADN, nhưng đều bị từ chối do 5 người còn lại đều thống nhất lời khai vô cùng hợp lý về quá trình phạm tội và lần lượt thú nhận trước tòa. Họ nhận án từ vài năm tới chung thân.
Ngoại trừ White nhẫn nhịn dành dụm tiền có được nhờ lao động trong trại để thuê luật sư riêng, còn 5 người đều bị ám ảnh và không phân biệt được thật và ảo, luôn cho rằng mình đã thực sự đồng lõa giết người.
6 người hiện đã thắng kiện và được bồi thường 28,1 triệu USD
Mãi tới năm 2008, vụ án mới được mở lại và thủ phạm thực sự là Bruce Allen Smith, thiếu niên ngỗ nghịch có bà ngoại sống cùng chung cư với nạn nhân. Tuy nhiên cậu này đã chết vì AIDS từ 1992.
Đầu năm 2009, tòa án kết luận 6 người hoàn toàn vô tội, làm chấn động hệ thống hành pháp ở Mỹ. Khi được thông báo thả tự do, tất cả đều tức giận vì nghĩ rằng họ đang bị đùa cợt. Phải mất một thời gian dài, họ mới tự thuyết phục được rằng mình không hề quen biết hay làm hại ai.
Eli Chesen giải thích rằng đây là một thể khác của hội chứng Stockholm. Trí nhớ ảo có thể tác động lên cả người từng trải qua sang chấn hay khỏe mạnh. Bệnh nhân không chắc chắn rằng mình đã trải qua việc gì đó hay chưa. Nhiều người thậm chí có thể tin rằng mình đã bị tấn công, gặp tai nạn hay gặp mặt thành viên hoàng gia chỉ vì người xung quanh nhắc lại nhiều lần.
Những ký ức đó thật tới mức không chỉ nằm trong trí nhớ mà còn cả 5 giác quan. Đây là lý do mà họ có lời khai khớp tới vậy và nhận tội cùng một lúc. Rất lâu sau, những người này đều đâm đơn kiện vì cho rằng mức đền bù tòa án đề xuất là 300.000 USD không thỏa đáng.
Nhóm 6 người trong phiên tòa
Cả 6 người, gồm Taylor đều đã chuyển tới nơi khác sinh sống, dù người dân tại quê nhà biết họ vô tội. Tới giờ, cô vẫn không thể vượt qua nổi những ký ức ảo: "Bà Wilson vẫn tồn tại trong cuộc sống của tôi. Hàng ngày tôi vẫn còn cảm giác tôi cầm chiếc gối úp lên mặt để giải thoát cho bà ấy, giống như cha dượng tôi đã làm khi cưỡng hiếp tôi. Hình ảnh ấy chính là từ tiềm thức muốn quên đi quá khứ không mấy tốt đẹp. Giờ tôi không còn là con bé yếu ớt ấy nữa".
Nữ du khách bị ngồi tù oan vì trót yêu đàn ông Mỹ
"Cô không gặp may rồi, tốt nhất nên yêu một anh chàng Canada ấy", cai tù lạnh lùng nói với nữ du khách trẻ đến từ Melbourne, Australia.