Biden chênh vênh giữa ngoại giao vaccine và 'nước Mỹ trên hết'
Chỉ vài tuần trước, Biden thẳng thừng từ chối yêu cầu chia sẻ vaccine Covid-19 cho Canada và Mexico, nhưng tất cả thay đổi vào tuần này.
09:00 21/03/2021
Thư ký báo chí Jen Psaki hôm 18/3 xác nhận Mỹ có kế hoạch đưa 2,5 triệu liều vaccine Covid-19 AstraZeneca đến Mexico và 1,5 triệu liều đến Canada. "Kế hoạch vẫn chưa hoàn thiện, nhưng đó là mục tiêu của chúng tôi. Việc đảm bảo các nước láng giềng có thể ngăn chặn virus là nhiệm vụ quan trọng để chấm dứt đại dịch", Psaki nói.
Tuy nhiên, chỉ mới vài tuần trước, đường lối của Nhà Trắng hoàn toàn khác. Vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến với Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 23/2 và với Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador ngày 1/3, Psaki đều loại trừ khả năng chia sẻ vaccine cho các nước này.
Bà giải thích với báo chí rằng Washington sẽ không đưa vaccine lên phía bắc bởi "ưu tiên hàng đầu của Tổng thống là đảm bảo mọi người Mỹ đều được tiêm chủng". Một tuần sau, khi được hỏi về khả năng Mỹ chia sẻ vaccine với nước láng giềng phía nam, Psaki nhắc lại quan điểm.
"Không. Tổng thống đã nói rõ rằng ông ấy tập trung vào việc đảm bảo mọi người Mỹ đều tiếp cận được vaccine. Đó là trọng tâm của chúng tôi", bà cho hay.
Thông tin Mỹ sẽ chia sẻ vaccine hôm 18/3 được đưa ra ngay sau khi Mexico tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới phía nam của họ với tất cả những người không có mục đích thiết yếu, ít nhất đến ngày 21/4.
"Việc siết chặt biên giới phía nam diễn ra trong bối cảnh dòng người di cư từ Honduras, El Salvador và Guatemala đến Mỹ ngày càng tăng", tờ Reforma của Mexico đưa tin. Quyết định này có thể giúp ngăn chặn dòng người ồ ạt hướng về phía bắc kể từ khi Biden nhậm chức.
Tuy nhiên, Psaki đã cố gắng mô tả những diễn biến này là "song song" với nhau, không phải nỗ lực "đổi chác" của Mỹ vì cần Mexico hỗ trợ trong việc kiềm chế cuộc khủng hoảng di cư đang ngày càng leo thang.
"Những kỳ vọng vào việc Mexico sẽ là đối tác để giải quyết cuộc khủng hoảng ở biên giới không liên quan đến bất kỳ lô vaccine, hay yêu cầu chia sẻ nào", thư ký báo chí Nhà Trắng cho hay.
Các quan chức Mỹ và Mexico giấu tên cũng cho biết Washington đã nói rõ rằng thỏa thuận vaccine là nhằm nhờ Mexico giúp quản lý số lượng kỷ lục thanh thiếu niên và trẻ em Trung Mỹ đang tìm đường vượt biên. Theo nguồn tin, Mexico đã cam kết nhận lại thêm các gia đình Trung Mỹ "bị trục xuất" theo sắc lệnh y tế khẩn cấp của Mỹ.
Khi được hỏi liệu quyết định chia sẻ vaccine có dẫn đến việc Mỹ chuyển hướng sang chính sách ngoại giao vaccine hay không, Psaki cho biết: "Tôi sẽ không nói gì hơn về vấn đề này ngoại trừ việc Mỹ có khả năng cung cấp vaccine cho nước láng giềng, nơi dòng người qua lại giữa hai bên vô cùng đông đúc".
Tuy nhiên, theo bình luận viên Olivier Knox của Washington Post, đây vẫn là bước ngoặt lớn của chính quyền Biden, khi họ vốn cam kết từ lâu rằng trước hết sẽ tiêm chủng cho người Mỹ, bất chấp tình trạng bất bình đẳng lớn trên toàn cầu về quyền tiếp cận vaccine.
Cách tiếp cận mới được đưa ra ngay sau khi Biden tuyên bố Mỹ đã tiêm 100 triệu liều vaccine Covid-19 sau 58 ngày ông nhậm chức, trước thời hạn đề ra tới 42 ngày. Do đó, việc đưa vaccine ra nước ngoài vì mục đích chính trị trở nên dễ dàng hơn.
Theo Kaiser Family Foundation, tổ chức phi lợi nhuận về lĩnh vực y tế, các quốc gia thu nhập cao, dù chỉ chiếm 1/5 dân số trưởng thành trên toàn cầu, đã mua hơn một nửa toàn bộ số vaccine Covid-19, gây trở ngại cho mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng toàn thế giới. Mỹ đã mua hơn 750 triệu liều vaccine Covid-19, vượt xa số lượng cần thiết để tiêm chủng đầy đủ cho 260 triệu người trưởng thành đã đủ điều kiện tiêm.
Biden tuần trước cũng cho biết Washington sẽ chia sẻ với các nước khác "nếu thừa vaccine". Trong lúc đó, các đối thủ của Mỹ là Nga và Trung Quốc đã tăng cường ngoại giao vaccine vài tháng qua, bằng cách miễn phí các lô hàng đưa ra nước ngoài để thể hiện thiện chí và xây dựng ảnh hưởng.
Mỹ Latinh, nơi vốn được coi là "sân sau" địa chính trị của Washington, đang quay sang Moskva để được giúp đỡ khi nhiều quốc gia đã phê duyệt sử dụng vaccine Sputnik V do tình trạng thiếu vaccine trên toàn cầu.
Vaccine Covid-19 của Trung Quốc cũng được cho là đang "len lỏi" khắp thế giới nhờ chiến dịch ngoại giao thành công đáng ngạc nhiên. Hơn 25 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine Trung Quốc và họ đã bàn giao hàng cho 11 nước khác, tính đến đầu tháng này. Họ cũng cam kết cung cấp lượng vaccine cho nước ngoài nhiều hơn khoảng 10 lần so với lượng phân phối trong nước.
Bất chấp tình thế hiện nay, Biden vẫn chịu áp lực trước hết phải ngăn chặn đại dịch trong nước, bởi nhiều khó khăn vẫn còn tồn tại. Người dân đang chật vật đặt lịch tiêm vaccine và mục tiêu miễn dịch cộng đồng vẫn còn rất xa vời. 75,5 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, nhưng mới có 41 triệu người được tiêm đủ hai mũi, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.
"Chúng tôi đang đi trước kế hoạch, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi đánh bại đại dịch", Biden phát biểu hôm 18/3.
Steven Jobs, Albert Einstein và bí quyết trở nên nổi tiếng, giàu có nhờ 'không làm gì cả'
"Thời gian của bạn là có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời cho kẻ khác"- Steven Jobs