Biden có thất bại trong chính sách nhập cư nhân đạo?
Thế hệ sau này ngày càng có nhiều người ủng hộ nhập cư, vì đa số họ đều là người di dân. Đối với tôi, đó là một tin tốt lành cho tương lai đất nước,” ông Muzaffar Chishti, thành viên cấp cao Viện Chính Sách Di Cư (MPI) nói trong cuộc họp trực tuyến do Ethnic Media Services (EMS) tổ chức hôm 6 Tháng Tám.
09:00 18/08/2021
Tuy nhiên, từ bao lâu nay, cho đến bây giờ, vấn đề nhập cư luôn là vấn đề phức tạp, nhức nhối.
Mở đầu cuộc họp này, bà Sandy Close, giám đốc EMS, cho rằng: “Tổng Thống Joe Biden luôn thể hiện mình là người ‘chống Trump’ nhưng trước tình trạng số người tràn qua Mỹ quá lớn, tân chính phủ đã phải giữ nguyên một số chính sách được cho là khắc nghiệt dưới thời cựu Tổng Thống Donald Trump.”
Câu hỏi được EMS đặt ra là, liệu tân tổng thống có thất bại trong việc thiết lập một hệ thống chính sách nhập cư nhân đạo thay vì hà khắc?
Là diễn giả đầu tiên của cuộc họp, ông Muzaffar Chishti nhận định, Tổng Thống Biden đã loại bỏ rất nhiều quy định liên quan đến người nhập cư dưới thời Tổng Thống Trump.
Ông nói: “Tổng Thống Biden rất quan tâm đến vấn đề nhập cư. Hiện nay, 87% người nhập cư chưa có giấy tờ chính thức không lo lắng lắm về tình trạng của mình.”
Một nhà báo đặt câu hỏi: “Vậy ông có nghĩ đâu là triển vọng cho người nhập cư trong tương lai gần hoặc trong nhiệm kỳ mới này của tổng thống?”
Ông Chishti cho biết: “Như chúng ta đã biết, vào ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng Thống Biden cam kết sẽ hủy bỏ một số chính sách hạn chế của cựu Tổng Thống Donald Trump. Sau đó ông cũng đã gửi một bản thiết kế cải cách chính sách nhập cư. Đối với tôi, đó là hệ thống chính sách nhập cư tích cực nhất.”
“Thời gian gần đây, số người trẻ ủng hộ việc nhập cư nhiều hơn trước, kể cả khi họ theo đảng Cộng Hòa. Hầu hết người Mỹ cho rằng nhập cư là một điều tốt.”
Cũng theo ông Chishti, vào cuối thế kỷ 20, đa số người Mỹ không ủng hộ các chính sách di dân. Tỷ lệ ủng hộ chỉ khoảng 40%. Nhưng ngày nay, tình thế đã đảo ngược. Có tới 60% người Mỹ cho rằng nhập cư là “điểm cộng” cho đất nước.
Nhưng câu chuyện về người nhập cư không bao giờ đơn giản như thế.
Trong phần trình bày của mình, cô Nicole Elizabeth Ramos, diễn giả thứ hai của cuộc họp, nói nhiều về những người xin tị nạn ở Tijuana, Mexico. Cô Ramos là giám đốc Dự Án Quyền Biên Giới của Al Otro Lado, mà một trong những hoạt động của dự án này là giám sát về quyền con người.
Theo cô Ramos, số người Mexico vượt biên qua Mỹ quá nhiều, gây nên sự hỗn loạn vì vượt quá mức bình thường vốn dĩ đã rất nhiều.
“Tình trạng này rơi vào đúng thời dịch bệnh COVID-19, nên chính phủ đã có những hạn chế người muốn nhập cư,” cô Ramos nói.
Đáng quan tâm nhất là trẻ em. Tại các trại tạm cư ở vùng biên giới, số lượng trẻ em vượt biên không có người lớn đi cùng đã tăng lên hàng ngàn, thay vì chỉ có khoảng vài trăm vào đầu năm.
Vấn đề là cuộc sống hiện tại của trẻ em vùng biên giới đang gặp nhiều nguy hiểm. Theo cô Ramos, vùng giáp biên giới phía Mexico là thành phố của tội phạm. Trẻ em một mình đến đây sẽ bị bắt, giết. May mắn lắm mới có người đến cứu.
“Ngoài trẻ em, phụ nữ cũng là những người cần được quan tâm đúng mức bởi sự mất an toàn cho họ vùng biên giới,” cô Romas cho biết. “Phụ nữ là nạn nhân của bọn buôn người. Tôi cũng đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về nạn lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ em gái. Họ cần phải được bảo vệ.”
Về vấn đề này, ông Muzaffar Chishti có nhắc đến Nghị Định Thư Bảo Vệ Người Di Cư (MPP).
MPP là chương trình hành động của Chính phủ Hoa Kỳ. Theo đó những người Mexico nhập cảnh vào Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp hoặc không có giấy tờ hợp lệ, có thể phải trở về Mexico trong thời gian chờ đợi chính phủ Hoa Kỳ xem xét có đủ điều kiện nhập cư hay không. Mexico phải có các biện pháp bảo vệ nhân đạo thích hợp trong suốt thời gian những người này được nhập cảnh hợp pháp vào Hoa Kỳ.
Nhưng tình hình trở nên nghiêm trọng, khi có hàng ngàn người Mexico thuộc chương trình MPP bị bắt cóc, tra tấn, hãm hiếp, và bị giết. Theo ông Chishti, hiện tại có hàng trăm ngàn người đang trong tình trạng nguy hiểm như thế.
Diễn giả thứ ba là bà Ava Benach – đồng sáng lập tổ chức Benach Collopy, hiện là thành viên hội đồng quản trị Liên Minh Quyền Của Người Nhập Cư Khu Vực Thủ Đô (Capital Area Immigrant Rights Coalition).
Bà là luật sư di dân, có trụ sở tại Washington, DC. Bà đóng vai trò quan trọng trong việc đại diện cho những người chuyển giới xin tị nạn.
Do tính chất công việc, bà Ava Benach được người điều khiển cuộc họp, cô Pilar Marrero của EMS, đề nghị tập trung vào tình hình cấp thẻ xanh (green card) cho người di dân.
Theo bà Benach, thẻ xanh nhập cư được phân bổ theo danh mục, nhưng hiện nay nó bị tồn đọng rất nhiều. Sự tồn đọng có khi kéo dài đến vài chục năm đối với người có quốc tịch Mỹ bảo lãnh cho con trên 21 tuổi.
“Có nghĩa, nếu bạn là công dân Hoa Kỳ, hôm nay bạn nộp hồ sơ bảo lãnh cho đứa con trên 21 tuổi, chưa lập gia đình, thì có khi hơn 20 năm sau đứa con ấy mới có được thẻ xanh,” bà Benach nói.
Đó là lý do nhiều người nhập cư vào Mỹ qua con đường kết hôn. Nhưng những trường hợp di dân theo diện lấy chồng lấy vợ cũng cách này cũng “trày vi tróc vẩy” chứ không dễ dàng gì.
Khó có thể “mổ xẻ” vấn đề lớn chỉ trong thời lượng một giờ đồng hồ của cuộc họp. Hơn nữa, tình trạng di dân, nhập cư luôn luôn là vấn đề nan giải, chắc chắn không thể giải quyết trong vòng đôi ba năm, huống chi Tổng Thống Biden mới chỉ lên nắm quyền được sáu tháng. [kn]
Tiến sĩ đoạt giải Nobel sinh học tiết lộ bí quyết sống thọ, cốt lõi không phải do ăn uống hay vận động mà nhờ "cân bằng tâm lý"
Theo TS. Blackburn để có thể sống thọ chế độ ăn uống hợp lý chiếm 25%, các nhân tố khác chiếm 25%, và tác dụng của trạng thái cân bằng tâm lý chiếm tới 50%.