Biden nhanh chóng xoá bỏ chính sách đối ngoại thời Trump

Nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng Yemen và không nhún nhường trước Nga là tín hiệu rõ ràng cho thấy Biden đang đảo ngược chính sách đối ngoại của Trump.

22:30 06/02/2021

Cựu tổng thống Donald Trump trước đây thường xuyên từ chối những lời kêu gọi kiềm chế hành động can thiệp của Arab Saudi trong cuộc nội chiến ở Yemen hay liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, với lý do việc bán vũ khí cho Riyadh giúp "tạo ra hàng trăm nghìn việc làm" cho Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden ngày 4/2 ra lệnh dừng bán vũ khí và các hỗ trợ khác cho Arab Saudi phục vụ cuộc chiến tranh ở Yemen mà ông gọi là "thảm họa nhân đạo và chiến lược".

Các nhà lãnh đạo Arab Saudi biết điều này sẽ đến. Biden từng cam kết ngừng bán vũ khí cho họ trong chiến dịch tranh cử và sau đó là thông báo của chính quyền mới tháng trước về việc dừng bán lô vũ khí có trị giá 478 triệu USD cho Arab Saudi. Chính quyền cũng thông báo xem xét các hợp đồng bán vũ khí cho Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Nhưng tuyên bố mới của Tổng thống Biden hôm 4/2 thậm chí còn vượt phạm vi đó, khi có vẻ sẽ chấm dứt cung cấp hỗ trợ hậu cần và dữ liệu mục tiêu cho Arab Saudi. Đây không chỉ là từ bỏ chính sách của chính quyền Trump, mà còn đảo ngược ủng hộ của Mỹ đối với Arab Saudi có từ thời tổng thống Barack Obama.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington hôm 4/2. Ảnh: AP.
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington hôm 4/2. Ảnh: AP.

Sau khi phiến quan Houthi do Iran hậu thuẫn chiếm thủ đô Sana của Yemen vào mùa thu năm 2014, Arab Saudi và các đồng minh Vùng Vịnh bắt đầu không kích và sau đó mua hàng tỷ đôla vũ khí của Mỹ, với mục tiêu đánh bật Houthi ra khỏi miền bắc Yemen.

Tổng thống Obama đã chấp thuận cuộc chiến tranh này, một phần nhằm xoa dịu phẫn nộ của Arab Saudi về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Hai năm sau, tiếp tục các thương vụ với Arab Saudi, bất chấp những bằng chứng cho thấy các loại vũ khí do Mỹ sản xuất đã khiến dân thường thiệt mạng, tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới nhấn chìm Yemen.

Giờ đây, Biden muốn chấm dứt điều này. Để buộc Arab Saudi phải theo đuổi giải pháp ngoại giao, Biden đã chỉ định nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm Timothy Lenderking làm đặc phái viên phụ trách vấn đề này.

"Cuộc chiến này phải chấm dứt", Biden nói trong bài phát biểu về đối ngoại đầu tiên tại Bộ Ngoại giao hôm 4/2. Ông cho biết bài phát biểu nhằm gửi đi thông điệp rõ ràng với thế giới rằng "Mỹ đã trở lại".

Không chỉ tìm cách khiến Arab Saudi chịu trách nhiệm vì can thiệp vào nội chiến ở Yemen, Biden cũng cho biết sẽ không để họ phải một mình đối đầu với Iran. Tổng thống Mỹ nói sẽ tiếp tục bán vũ khí phòng thủ cho Arab Saudi để chống lại các loại tên lửa, máy bay không người lái và tấn công mạng từ Tehran.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và giúp Arab Saudi bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như người dân của họ", Biden nói. Ông chủ Nhà Trắng không đề cập tới khả năng áp lệnh trừng phạt Thái tử Arab Saudi liên quan tới vụ sát hại Khashoggi, dù Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril D. Haines nói không có kế hoạch công bố thông tin tình váo về vụ này.

Hành động của Biden đã nhận được sự khen ngợi từ các nhóm nhân quyền và những người ủng hộ trong quốc hội. "Trong 6 năm qua, cuộc chiến ở Yemen đã dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp, làm tổn hại an ninh và uy tín của Mỹ. Hành động hôm nay của Tổng thống Biden là bước đi đầu tiên mang tính quyết định để chấm dứt cơn ác mộng này", Thượng nghị sĩ Christopher S. Murphy, thành viên Dân chủ ở bang Connecticut, nói.

Nhưng David Miliband, cựu quan chức ngoại giao của Anh và hiện là chủ tịch Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, hoài nghi về thành công của nó. "Việc chuyển từ chiến lược chiến tranh thất bại sang cách tiếp cận ngoại giao toàn diện không thể sớm có hiệu quả", Miliband nói.

Trong một động thái đảo ngược chính sách khác, Biden cũng tuyên bố dừng rút quân khỏi Đức, nhằm ngăn chặn lệnh rút 12.000 quân của cựu tổng thống Trump năm ngoái. Các chuyên gia an ninh quốc gia từng chỉ trích quyết định của Trump là thiển cận, khi cho rằng nó bắt nguồn từ việc cựu tổng thống không thích Thủ tướng Angela Merkel và quyết tâm buộc các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng thêm ngân sách quốc phòng chung.

Nhưng giới quan sát cho rằng lời cảnh báo của Biden đối với Nga có thể nói lên nhiều điều hơn về chuyển hướng chính sách đối ngoại của chính quyền mới. Biden là tổng thống đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ từ chối nỗ lực "tái thiết lập" quan hệ với Nga.

Biden cam kết kiên quyết đáp lại các nỗ lực của Nga nhằm phá vỡ nền dân chủ Mỹ hay hoạt động tấn công mạng quy mô lớn gọi là SolarWinds. Biden cho biết trong cuộc điện đàm tuần trước, ông đã nói với Tổng thống Vladimir Putin rằng những ngày Mỹ nhún nhường các hành động gây hấn của Nga "đã chấm dứt".

Ông chủ cũng kêu gọi Moskva thả tự do cho nhà lãnh đạo đối lập Aleksei A. Navalny, đồng thời cảnh báo "chúng tôi sẽ không ngần ngại khiến Nga phải trả giá". Không ít quan chức Mỹ lo ngại căng thẳng giữa hai nước sẽ leo thang trong thời gian tới.

Thông báo của Biden đến một ngày sau khi Mỹ và Nga thông qua gia hạn hiệp ước New START với Nga thêm 5 năm. Trump trước đó kiên quyết đòi sửa đổi hiệp ước, nhưng Biden cho rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu loại bỏ một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân vào thời điểm Mỹ phải đối mặt với nhiều cạnh tranh khác.

Tổng thống Biden khẳng định các liên minh mạnh mẽ là chìa khóa ngăn chặn Moskva và "các tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc để đối đầu với Mỹ". Các trợ lý của Biden cũng thừa nhận rằng chính Trung Quốc, một quốc gia đang trỗi dậy mạnh mẽ, mới là mối đe dọa lâu dài của Mỹ.

Tuy nhiên, Biden không dành nhiều thời gian nói về Trung Quốc trong bài phát biểu hôm 4/2, như ngầm xác nhận chính quyền của ông cần thêm nhiều tháng để thảo luận về cách tiếp cận đối với Bắc Kinh.

Khung cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Arab Saudi ở thủ đô Sana, Yemen hồi tháng 7/2020. Ảnh: Reuters.
Khung cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Arab Saudi ở thủ đô Sana, Yemen hồi tháng 7/2020. Ảnh: Reuters.

Biden đã tới thăm Bộ Ngoại giao đầu tiên như một lựa chọn có chủ ý. Người tiền nhiệm của ông thích tới thăm Lầu Năm Góc và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), biểu tượng của quyền lực Mỹ theo quan điểm của Trump. Nhưng Biden, người đã có hàng thập kỷ gắn bó với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã chọn trụ sở ngoại giao Mỹ làm điểm dừng chân đầu tiên và nói với 70.000 nhân viên rằng "tôi sẽ ủng hộ các bạn".

Lựa chọn dừng chân ở một cơ quan hành pháp của Biden cũng được xem là một phần nỗ lực nhằm cho thấy 4 năm nhiệm kỳ của Trump là sai lầm và làm mất các giá trị Mỹ.

"Mặc dù nhiều giá trị trong số đó đã bị đàn áp trong vài năm qua và thậm chí bị đẩy tới bờ vực trong vài tuần qua, người Mỹ từ thời điểm này sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn và được chuẩn bị tốt hơn để đoàn kết thế giới bảo vệ nền dân chủ", Biden nói và thêm rằng "bởi vì chúng ta đang đấu tranh cho chính mình".

Thanh Tâm (Theo NYTimes)

Tags:
Chuyên Gia Nhận Định Mỹ Sẽ Là Quốc Gia Đầu Tiên Kiểm Soát Hoàn Toàn COVID-19 Nhờ Miễn Dịch Cộng Đồng

Chuyên Gia Nhận Định Mỹ Sẽ Là Quốc Gia Đầu Tiên Kiểm Soát Hoàn Toàn COVID-19 Nhờ Miễn Dịch Cộng Đồng

Nhờ việc tiêm Vắc-Xin đang diễn biến cực nhanh và các ca bệnh trước đây tự tạo ra kháng thể chống lại COVID-19, các chuyên gia nhận định Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên hình thành miễn dịch cộng đồng và kiểm soát hoàn toàn được đại dịch.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất