Biden thắp hy vọng bằng gói kích cầu 1.900 tỷ USD

Việc Thượng viện thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD giúp "mở đường sống" cho người dân, đồng thời đánh dấu thành tựu lập pháp đầu tiên của Biden.

08:00 09/03/2021

Với 50 phiếu thuận và 49 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu hôm 6/3, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật "Kế hoạch Giải cứu người Mỹ" do Tổng thống Joe Biden đề xuất. Tiếp theo, dự luật sẽ trở lại Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát, nơi nó dự kiến được xem xét những thay đổi vào ngày 9/3. Nếu được phê duyệt, dự luật sẽ được Biden ký thành luật đầu tuần sau đó.

Quyết định của Thượng viện được Biden ca ngợi là "bước tiến lớn".

"Tôi đã hứa với người dân Mỹ rằng sẽ giúp họ. Hôm nay, tôi có thể nói chúng tôi đã tiến thêm bước lớn để thực hiện lời hứa đó. Việc này rõ ràng không đơn giản và không phải lúc nào cũng tốt đẹp, nhưng rất cần thiết", Biden phát biểu sau cuộc bỏ phiếu. "Nền dân chủ này vẫn có thể hoạt động", ông nói thêm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại  hôm 6/3. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hôm 6/3. Ảnh: AFP.

Dù không bao gồm điều khoản tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, dự luật vẫn có thể giúp những người dân chịu tổn hại vì đại dịch nếu được ký thành luật, với 1.400 tỷ USD phân phối cho hầu hết người Mỹ, 350 tỷ USD cho các chính quyền bang, địa phương và 130 tỷ cho các trường học.

Dự luật còn gồm 49 tỷ USD để mở rộng xét nghiệm, truy vết và nghiên cứu Covid-19, cùng 14 tỷ USD để phân phối vaccine. Ngoài ra, nội dung của dự luật có các chương trình hỗ trợ lương thực rộng rãi hơn, kế hoạch giúp những người đang chật vật trả tiền thuê nhà và khuyến khích các công ty kéo dài thời gian nghỉ phép có lương.

Những tin tốt khác cho công cuộc vực dậy nước Mỹ của Biden là ngày càng nhiều người dân đồng ý tiêm vaccine Covid-19, tỷ lệ lây nhiễm cũng trên đà giảm, với niềm lạc quan đất nước có thể trở về trạng thái bình thường ở mức độ nào đó vào mùa hè này.

Gói kích cầu 1.900 tỷ USD bị phe Cộng hòa đồng loạt phản đối, bởi cho rằng quá đắt đỏ. Trong một báo cáo việc làm hồi tháng 2, một số nhà kinh tế học cũng cảnh báo mức cứu trợ này quá lớn và có thể dẫn đến lạm phát. Tuy nhiên, đảng Dân chủ, phe chi phối toàn bộ phản ứng liên bang với đại dịch hiện nay, chỉ ra số lượng lớn doanh nghiệp nhỏ đã phải đóng cửa và hàng triệu người dân Mỹ vẫn chưa có việc làm.

Giờ đây, việc dự luật có được phê duyệt hay không phụ thuộc vào cách xử lý của nội bộ đảng Dân chủ. Gói cứu trợ chỉ có thể được ký thành luật nếu phe Dân chủ tại Hạ viện nhất trí với những sửa đổi của phe Dân chủ tại Thượng viện, bao gồm một số điểm mà nhóm cấp tiến trong đảng không bằng lòng, như giảm số lượng người được nhận tiền hỗ trợ, giảm mức trợ cấp thất nghiệp bổ sung xuống 300 USD, thay vì 400 USD như Hạ viện tán thành trước đó.

Mặc dù vậy, những thay đổi này được đánh giá là cần thiết để dự luật nhận được sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ Dân chủ ôn hòa, như Joe Manchin của bang Tây Virginia, từ đó được thông qua nhờ thế đa số mong manh. Biden cũng bảo vệ những điểm sửa đổi, lập luận rằng chúng không làm thay đổi "bản chất" của dự luật. Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sander, người thuộc phe cấp tiến trong đảng Dân chủ, cũng đã ký vào dự luật và kêu gọi đoàn kết.

Đảng Cộng hòa cho rằng quy trình và kết quả hiện nay đều quá đậm tính đảng phái. "Tôi nghĩ thông điệp vô cùng mạnh mẽ, như chúng tôi vốn luôn nói, là việc này cho thấy một nỗ lực gấp gáp, vội vã để thông qua được 2.000 tỷ USD, đáp ứng một trong những lời hứa tranh cử của Tổng thống", Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune của Nam Dakota cho hay.

Trong khi đó, phe Dân chủ nhận định các cử tri và người dân Mỹ sẽ ủng hộ thông qua dự luật, bất kể quá trình ra sao. "Đây là một gói cứu trợ lưỡng đảng xét theo bất cứ phép đánh giá nào, bởi sự áp đảo của công chúng và hai đảng đều muốn nó", Thượng nghị sĩ Ohio Sherrod Brown phát biểu hôm 6/3, nói thêm rằng hầu hết người Mỹ không quan tâm đến quá trình đàm phán kịch tính.

"Công chúng chỉ quan tâm đến những việc chúng ta làm, các khoản hỗ trợ sẽ có ý nghĩa gì, trường học và dịch vụ y tế sẽ ra sao", Brown cho biết.

Ngoài nỗ lực duy trì đoàn kết trong đảng Dân chủ, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và Tổng thống Biden đều muốn thuyết phục thêm các đối tác bên phe Cộng hòa. "Nhiều đảng viên Cộng hòa đã đến rất gần. Áp lực với họ vô cùng lớn. Tôi vẫn chưa từ bỏ thuyết phục họ ủng hộ", ông chủ Nhà Trắng nói.

Theo bình luận viên Zachary Wolf của CNN, Biden thực sự cần đến họ nếu muốn giành thêm nhiều chiến thắng về các ưu tiên chính sách, như trong vấn đề bỏ phiếu và cải tổ cảnh sát. Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield hôm 7/3 cũng đưa ra thông điệp rằng Tổng thống muốn hợp tác với cả phe Cộng hòa và những người độc lập.

"Tổng thống tin rằng chúng ta mạnh mẽ hơn khi xây dựng được một liên minh hỗ trợ rộng rãi", Bedingfield nói.

Tags:
Thống đốc New York kiên quyết không từ chức

Thống đốc New York kiên quyết không từ chức

Thống đốc New York Andrew Cuomo tái khẳng định sẽ không từ chức bất chấp những chỉ trích từ đảng Dân chủ liên quan đến cáo buộc ông quấy rối tình dục.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất