Biden tung 'cây gậy' vào chiến dịch tiêm chủng

Sau nhiều tháng dùng "củ cà rốt", Biden quyết định đã đến lúc cứng rắn hơn với những người ngần ngại vaccine để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng.

10:00 31/07/2021

Sau nhiều tháng cố gắng thuyết phục, mời gọi người dân tiêm vaccine bằng nhiều sáng kiến khuyến khích, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong họp báo tại Nhà Trắng hôm 29/7 tuyên bố Covid-19 giờ đây đã trở thành "đại dịch của những người chưa được chủng ngừa", nhắm trực tiếp đến 90 triệu người dân Mỹ đủ điều kiện nhưng vẫn chần chừ đi tiêm.

Biden vẫn tiếp tục sử dụng "củ cà rốt", khi kêu gọi chính quyền các bang và địa phương trao thưởng 100 USD cho bất kỳ ai sẵn sàng tự nguyện tiêm chủng. Tuy nhiên, ông giờ đây đã sẵn sàng tung ra "cây gậy" khi công bố quy định mới, yêu cầu hàng triệu nhân viên chính phủ liên bang tiêm vaccine Covid-19.

Ngoài quy định buộc tiêm vaccine với các công chức, chính quyền Biden cũng sẽ dựng lên nhiều hàng rào đầy bất tiện đối với những người từ chối tiêm chủng, như phải xét nghiệm thường xuyên, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và hạn chế đi lại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Phòng Đông, , hôm 29/7. Ảnh: NYTimes.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Phòng Đông, , hôm 29/7. Ảnh: NYTimes.

Biden yêu cầu Bộ Quốc phòng xem xét tiêm chủng bắt buộc cho các thành viên của quân đội, thêm rằng các nhà thầu liên bang sẽ phải chứng minh tình trạng tiêm chủng của họ để làm việc với chính phủ liên bang.

Tổng thống Mỹ cho hay cuộc khủng hoảng Covid-19 ông từng nghĩ là đã kiểm soát thành công đang bùng phát trở lại, đe dọa sức khỏe cộng đồng và đà hồi phục kinh tế đất nước, trong nỗ lực giải thích cho các biện pháp cứng rắn mới.

Đây cũng là một phần trong nỗ lực của ông nhằm vực dậy động lực tiêm chủng quốc gia vốn bị đình trệ ở nhiều nơi trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 đang trên đà tăng trở lại vì biến chủng Delta.

Tuy nhiên, động thái của chính quyền Biden lập tức vấp phải phản đối từ một số công đoàn lớn nhất nước đại diện cho giáo viên, cảnh sát và nhân viên bưu điện, những người kêu gọi thương lượng về vấn đề này.

"Bắt buộc mọi người thực hiện một thủ tục y tế không phải cách làm của người Mỹ và nó rõ ràng vi phạm quyền công dân, bất kể những người đề xuất có cố gắng biện minh như thế nào", Chủ tịch Hiệp hội Cán bộ Hành pháp Liên bang Larry Cosme cho hay.

Tổng thống Biden cũng thông báo rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được bồi hoàn tiền nếu cho nhân viên nghỉ phép có lương để họ và gia đình đi tiêm vaccine.

Ông kêu gọi các học khu thiết lập những "điểm tiêm chủng lưu động" để tiêm vaccine cho trẻ em trước khi năm học mới bắt đầu, thúc giục các doanh nghiệp tư nhân, liên đoàn thể thao cùng những tổ chức khác nhanh chóng chủng ngừa cho nhân viên của mình.

Nhắn nhủ trực tiếp tới những người Mỹ "chưa tiêm chủng, không quan tâm và chưa bị thuyết phục", Tổng thống Biden muốn họ nhớ lại quãng thời gian phong tỏa năm 2020 và đừng quên "mùa đông đó đen tối như thế nào".

"Với những ưu đãi và yêu cầu, chúng ta có thể tạo ra khác biệt to lớn và cứu sống nhiều người", ông nhấn mạnh.

Mọi công dân Mỹ trên 12 tuổi hiện tại đều có thể tiêm vaccine Covid-19. Nhưng tính đến 29/7, mới chỉ có 57,7% người đủ điều kiện được tiêm chủng đầy đủ, theo dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) thu thập.

Trong chiến dịch tranh cử, Biden cam kết sẽ đánh bại Covid-19, bất chấp nền chính trị chia rẽ sâu sắc mà ông thừa hưởng từ người tiền nhiệm Donald Trump.

Chỉ vài tuần trước, ông tổ chức một bữa tiệc mừng ngày quốc khánh 4/7 tại Nhà Trắng, tuyên bố "độc lập" trước virus. Lúc này, ông phải đối mặt với tình trạng gia tăng ca nhiễm và nhập viện, tiến trình trở lại cuộc sống bình thường của đất nước.

Đằng sau hậu trường, các quan chức y tế công cộng hàng đầu của Biden suốt những tuần qua phải liên tục suy nghĩ về biện pháp tốt nhất để thúc đẩy nhiều người dân hơn nữa đi tiêm chủng mà không gặp bất kỳ thách thức pháp lý hay phản ứng dữ dội nào.

Bản đánh giá nội bộ ngày 27/7 trình lên lãnh đạo cấp cao Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã cho thấy một thực tế nghiệt ngã về quỹ đạo của đại dịch. Số người chết tăng 45% so với tuần trước, số ca nhập viện tăng 46%, số ca nhiễm cũng tăng mạnh.

Một băng rôn quảng cáo vaccine Covid-19 ở khu Queens, New York. Ảnh: NYTimes.
Một băng rôn quảng cáo vaccine Covid-19 ở khu Queens, New York. Ảnh: NYTimes.

"Kể từ thời điểm ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất vào ngày 19/6, con số này đã tăng 440%", bản đánh giá kết luận.

Về phía quân đội, Tổng thống Biden phát đi tín hiệu rằng ông có thể theo đuổi một lập trường cứng rắn hơn, đặt lực lượng vũ trang vào trung tâm của một cuộc tranh luận ngày càng quyết liệt về vấn đề bắt buộc tiêm chủng.

Với tư cách tổng tư lệnh, Tổng thống có quyền ra lệnh cho các binh sĩ sử dụng vaccine thử nghiệm. Việc lấy quân đội ra làm tấm gương về sử dụng vaccine được kỳ vọng sẽ giúp tác động đến tâm lý của người dân Mỹ.

"Tôi nghĩ việc làm này sẽ có tác động lớn hơn tới những vùng của đất nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp hay những nhóm dân cư còn nghi ngại tiêm chủng, hy vọng nó sẽ cho họ thấy rằng vaccine không có bất cứ vấn đề gì", tiến sĩ Ezekiel J. Emanuel từ Đại học Pennsylvania nhận định.

Các quân nhân Mỹ thường xuyên được tiêm vaccine và những người không tiêm đôi khi không được phép triển khai ở nước ngoài và phải đối mặt hàng loạt hạn chế. Nhưng về mặt chính trị, việc ép buộc quân đội tiêm vaccine chắc chắn sẽ là cái cớ tốt để những người chỉ trích ông tận dụng.

Nhiều lính Mỹ hiện tỏ ra miễn cưỡng với việc tiêm vaccine Covid-19. Tiến sĩ Richard E. Besser, giám đốc điều hành Quỹ Robert Wood Johnson, cho biết ông ngạc nhiên khi chính quyền không yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc cho quân đội sớm hơn.

Các lãnh đạo quân đội không thể yêu cầu binh sĩ bắt buộc tiêm, bởi ba loại vaccine Covid-19 hiện nay của Mỹ mới được phê duyệt trên cơ sở sử dụng khẩn cấp. Tổng thống Biden có thể ra lệnh cho binh sĩ tiêm vaccine, nhưng hiện còn lưỡng lự với thẩm quyền này.

Theo Besser, khuyến nghị của Tổng thống Biden về việc tiêm vaccine bắt buộc trong quân đội "khá hợp lý" bởi đây là môi trường "dễ lây lan".

"Những người trong quân đội ở rất gần nhau và về khả năng sẵn sàng phản ứng, bạn sẽ không bao giờ muốn thấy Covid-19 đánh bại các binh sĩ chưa được tiêm chủng", ông nói.

Tags:
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Việt Nam

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Việt Nam

Máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vừa hạ cánh ở Hà Nội vào chiều 28/7, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày của vị bộ trưởng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất