Biến chủng Delta vùi dập lời hứa của ông Biden
Biến chủng Delta khiến số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trở lại có nguy cơ khiến lời hứa sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường của Tổng thống Biden bị đe dọa.
22:00 23/07/2021
Các quan chức cấp cao Mỹ những ngày qua cho biết những biện pháp siết chặt kiểm soát có thể được tái áp đặt nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh lây lan trở lại trên cả nước.
Washington lúc này đang theo dõi sát sao các rủi ro về khả năng phục hồi nền kinh tế mà biến chủng Delta mang lại, có nguy cơ làm trật bánh lời hứa giúp nước Mỹ tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Dịch bệnh một lần nữa đảo chiều
Khi chiến dịch tiêm chủng được đẩy nhanh trong mùa xuân và đầu hè, Nhà Trắng lạc quan dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ bùng nổ nhờ người dân nhanh chóng quay trở lại thói quen tiêu thụ như trước đại dịch.
Tổng thống Biden nhiều lần nhấn mạnh nền kinh tế sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm.
Nhưng tình thế lúc này lại có dấu hiệu đảo chiều. Tốc độ tiêm chủng tại Mỹ đã chậm lại đáng kể trong những tuần qua. Trong khi đó, biến chủng Delta đang mang lại vô vàn thách thức, đe dọa khả năng hồi phục của nước Mỹ trên nhiều khía cạnh.
Số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đang tăng mạnh trở lại. Ảnh: MSNBC.
Từ đầu tháng 7, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng trở lại tại nhiều tiểu bang khắp nước Mỹ. Hôm 20/7, Mỹ ghi nhận thêm hơn 61.000 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, cao nhất kể từ ngày 24/4.
"Cách duy nhất để chúng ta vượt qua dịch bệnh là có thêm nhiều người Mỹ tiêm chủng", Tổng thống Joe Biden cho biết hôm 19/7.
Việc dịch bệnh tiếp tục kéo dài khiến người dân e ngại mở hầu bao chi tiêu. Biến chủng Delta hoành hành ở các quốc gia cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng của nền kinh tế, khiến giá hàng hóa trong nước tăng mạnh, làm trầm trọng thêm nạn lạm phát.
Việc số ca mắc Covid-19 và tử vong tăng mạnh, tập trung ở những người chưa tiêm vaccine, mang tới thách thức cho chính quyền Biden tại các bang bảo thủ. Tại đây, người dân có tâm lý chống các biện pháp hạn chế cao độ, trong khi các gói cứu trợ sắp hết hạn.
Những căng thẳng trong nội bộ chính quyền Biden đã hé lộ hôm 19/7. Tổng thống Biden nhấn mạnh sự cần thiết thông qua gói chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc vì nỗi lo dịch bệnh quay trở lại.
"Nền kinh tế của chúng ta đã có bước tiến dài trong 6 tháng qua. Giờ không phải là lúc để chúng ta dừng lại", Tổng thống Biden nói.
Hôm 19/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 726 điểm, mức giảm tồi tệ nhất của năm 2021. Các chỉ số S&P và Nasdaq cũng lao dốc. Các ngành nhạy cảm với dịch bệnh như khách sạn, du lịch, giải trí là nhóm chịu thiệt hại nặng nhất.
Rủi ro bởi biến chủng Delta
Biến chủng Delta đang nhấn chìm nền kinh tế nhiều quốc gia, khiến khả năng phục hồi của nước Mỹ bị ảnh hưởng.
"Nền kinh tế toàn cầu hầu như không thể sống sót nếu không có hỗ trợ, và chỉ cần một làn sóng dịch bệnh nữa, các lệnh phong tỏa mới có thể sẽ là hồi chuông báo tử cho sự phục hồi hiện còn rất mong manh", Peter Essele, chuyên gia tại tập đoàn tư vấn đầu tư Commonwealth Financial Network, cho biết.
Hiện nay, khoảng 49,5% người Mỹ đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19. Nhiều bằng chứng cho thấy vaccine phát huy hiệu quả cao giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở người nhiễm virus.
Bởi vậy, không nhiều chuyên gia tin rằng việc tái áp đặt phong tỏa mạnh tay sẽ mang lại lợi ích chính trị cho chính quyền ông Biden, qua đó giảm tác động tiêu cực của biến chủng Delta lên nền kinh tế.
Ngay cả khi có những lo ngại về số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trở lại, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng triển vong tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang sáng sủa hơn so với quá khứ.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết các chỉ dấu kinh tế như tần số chuyến bay, chi tiêu nhà hàng, đang dần quay trở lại mức trước đại dịch.
Nhưng những mối lo lớn vẫn hiển hiện. Các đơn đặt hàng đồ nội thất, đồ gia dụng, vi mạch, vật tư xây dựng và sản xuất tiếp tục chậm trễ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters.
Trong tháng 7, chỉ số niềm tin của ngành xây dựng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 11 tháng, bởi các nhà thầu không thể mua được vật liệu cần thiết.
Tình trạng thiếu nguồn hàng, chậm tiến độ khiến nhiều nhà thầu buộc phải dừng thi công, đối diện nguy cơ phá sản và người lao động mất việc làm.
Chuỗi cung ứng sẽ chưa có dấu hiệu khởi sắc hơn ít nhất cho tới đầu năm sau, theo ông Phil Levy, cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống George W. Bush, nhận xét. Lúc này, nhiều container hàng hóa đáng lý xuất khẩu sang Mỹ vẫn mắc kẹt tại các cảng biển ở châu Á.
Mới đây, một đợt bùng phát dịch bệnh tại cảng Diêm Điền, Thâm Quyến của Trung Quốc đã làm vô số tàu hàng mắc kẹt.
Biến chủng Delta và các biến chủng mới khác có thể xuất hiện đe dọa làm gián đoạn ngành vận tải biển, trong bối cảnh hoạt động vận tải toàn cầu chuẩn bị bước vào giai đoạn nhộn nhịp nhất trong năm.
"Giờ là thời gian cao điểm nhất trong vận chuyển hàng hóa. Chỉ một tai nạn nhỏ trong thời gian cao điểm cũng có thể gây ra tác động lớn", ông Levy cho biết.
Chuyên gia kinh tế Dean Baker cho biết dịch bệnh kéo dài có thể làm suy giảm khả năng phục hồi kinh tế. Ông này cảnh báo tình hình sẽ còn xấu hơn nếu có sự xuất hiện của một biến chủng mới với khả năng vượt qua hệ miễn dịch, kể cả với người đã được tiêm chủng.
Với nước Mỹ, gián đoạn kinh tế toàn cầu cũng có thể là cơn gió lớn làm chao đảo kế hoạch phục hồi.
"Chúng ta đang tiêm chủng cho phần còn lại của thế giới rất chậm, và đó là mối đe dọa thực sự ngay lúc này. Chúng ta phải cực kỳ nghiêm túc, ưu tiên tiêm chủng cho toàn thế giới nhanh nhất có thể", ông Baker nhận xét.
Mưa lũ "ngàn năm có một" ở TQ: Ông Tập nói gì ?
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, đợt mưa lũ lớn chưa từng thấy trong 60 năm qua tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, khiến 1,24 triệu người bị ảnh hưởng.